Khái lược về Vĩnh Xuân Phật Gia và Vĩnh Xuân Việt Nam

Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân) là một võ phái được hình thành khoảng 300 năm nay (ở vào thời Vua Khang Hy, 1662 - 1722). Do hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ và cũng do giới hạn của việc ghi chép theo dõi sự phát triển của môn phái qua các đời, đến nay lịch sử Vĩnh Xuân vẫn chưa được thể hiện một cách chính xác để mọi người, mọi nhánh trong môn phái đều thừa nhận. Các nhánh của môn phái đưa ra những trang lịch sử có những phần xuất xứ khác nhau. Và ngay như đến tên gọi của môn phái cũng khác nhau.

Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân) là một phái võ với những công pháp và kỹ thuật đặc biệt, đã bao nhiêu năm (từ khi ra đời) sánh vai cùng các môn phái tên tuổi trong võ lâm, đã có những đệ tử làm rạng rỡ môn phái tầm cỡ thế giới như Lý Tiểu Long. Vậy mà lịch sử môn phái lại chưa hoàn chỉnh, chưa thống nhất, thật là vô cùng đáng tiếc. Tôi thiển nghĩ: thế hệ chúng ta hiện nay (và các lớp kế thừa của chúng ta) phải có trách nhiệm cùng nhau hoàn chỉnh lại lịch sử môn phái một cách chính xác nhất và thống nhất nhất. Để từ đó mỗi nhánh của Vĩnh Xuân đều cùng có những trang lịch sử của môn phái như nhau và cùng nhau có quyền tự hào về lịch sử môn phái của mình. Chúng ta mong rằng những bậc cao niên, những người yêu mến môn Vĩnh Xuân có những tư liệu, tài liệu, có những hiểu biết giúp chúng ta thực hiện mong muốn quan trọng này.

Theo hiểu biết của chúng tôi, lịch sử của môn phái Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân) có thể được nhìn nhận một cách khái quát như sau:   Ngũ Mai Sư Thái là một đại cao thủ của chùa Thiếu Lâm. Trong quá trình đi lánh nạn, Người đã dầy công nghiên cứu, suy nghĩ , tìm tòi và sáng chế ra một môn võ với nhiều tính ưu việt trong giao đấu, phù hợp với tố chất của nữ giới. Do cơ duyên, Người đã gặp và truyền lại môn võ này cho người học trò đầu tiên là bà Nghiêm Vĩnh Xuân. Sau đó, Người đã lấy tên bà Nghiêm Vĩnh Xuân đặt tên cho môn võ: môn võ Vĩnh Xuân, và từ đó môn phái Vĩnh Xuân ra đời. Từ sư tổ Nghiêm Vĩnh Xuân, môn võ được truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay (xem Phả hệ Vĩnh Xuân Phật Gia trong trang lịch sử môn phái và phả hệ của các chi phái khác trong trang Các Chi phái). Môn Vĩnh Xuân dần đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và phát triển mạnh mẽ trong sự ngưỡng mộ của biết bao người yêu mến võ thuật.

Mọi môn phái võ theo thời gian, qua các thế hệ đều được hoàn thiện dần. Môn phái Vĩnh Xuân cũng như vậy. Trong môn phái Vĩnh Xuân, thời hệ quan trọng nhất , trong đó các công pháp và kỹ thuật của môn phái được hoàn thiện ở mức độ cao, thể hiện nhất quán bản chất của môn phái, đó chính là thời hệ của các Sư tổ trong Hồng Hoa Hội Quán (còn gọi là Hồng Thuyền). Trong các thế hệ sau này, có nhiều thế hệ (chi nhánh) mang rõ bản sắc công pháp và kỹ thuật của thời hệ Hồng Thuyền trong quá trình tập luyện và truyền thụ. Bắt đầu từ thời hệ Hồng Thuyền, các chi nhánh môn phái đã hình thành rõ ràng. Các nhân vật, sự kiện đã được ghi chép lại một phần nào, phản ánh khá chính xác lịch sử và sự phát triển của môn phái về sau này.
Vĩnh Xuân là một môn võ cận chiến. Việc thi triển các đòn thế ở gần, giáp với đối thủ là một điều kiện đòi hỏi rất cao đối với người trong cuộc về khả năng phát lực, tốc độ, độ chính xác và đường ra đòn. Để có được những khả năng này, người tập luyện phải rất công phu và phải thực hiện những công pháp và kỹ thuật đặc biệt. Môn phái Vĩnh Xuân đã làm được những điều này. Chắc chắn rằng những công pháp và kỹ thuật đặc biệt này được hoàn thiện ở mức độ rất cao trong thời hệ các sư tổ trong Hồng Hoa Hội Quán . Điều kiện sống trên thuyền đã giúp cho các sư tổ hoàn thiện được công pháp và kỹ thuật cận chiến với hiệu quả cao nhất. Trong những điều kiện như vậy,  các bài tập không cần nhiều mà rất cần sự tinh luyện (như lời người xưa đã nói: 'Quý hồ tinh bất quý hồ đa'). Chính vì vậy Vĩnh Xuân là một môn võ đòi hỏi sự tập luyện rất chuyên cần. Tập luyện Vĩnh Xuân không chỉ là thuộc bài mà còn phải tập cho đến khi lĩnh hội (ngộ) được những tinh hoa và bản chất của bài tập đó! 
Do những lý do khác nhau và hoàn cảnh khác nhau, các bậc sư tổ đã di chuyển qua nhiều nơi. Tại những nơi này, các sư tổ đều thu nhận đệ tử và truyền thụ võ công. Vào cuối năm 1939, Sư tổ Nguyễn Tế Công đã đến Việt Nam, và Người đã trở thành Sư tổ của Vĩnh Xuân Việt Nam. Sư tổ đã thu nhận và truyền dạy cho nhiều người (cả người Hoa và người Việt), trong đó có nhiều người sau này trở thành các vị có tên tuổi trong xã hội như bác sĩ Phạm Khắc Quảng ( nhiều năm liền là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà-Nội); luật sư Nguyễn Thành Vinh, v.v. Thậm chí chúng tôi còn được biết cả Tổng bí thư Đảng NDCM Lào Cay-Xỏn Phôm-Vi-Hản khi còn trẻ học ở trường Bưởi cũng đã là học trò của Sư tổ Tế Công một thời gian. Ở ngoài Bắc, cho đến trước khi Sư tổ vào Nam (năm 1954) chỉ có một số ít học trò được coi là lớp trò kế vị của Người (xem ảnh Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam Nguyễn Tế Công và các học trò của Người).
Sau năm 1954, ở trong Nam, Sư tổ tiếp tục dạy cho một số học trò cũ từ ngoài Bắc theo Sư tổ vào Nam như ông Nguyễn Duy Hải (tức Hổ Hải Long), ông giáo sư đại học kiến trúc Đỗ Bá Vinh, ông Nguyễn Bá Khả (Sau là bộ trưởng y tế chế độ cũ thời đó)...Ngoài ra Sư tổ còn thu nhận một số học trò mới (như ông Lục Viễn Khai...). Sư tổ sống trong Nam được 5 năm thì mất. Sư tổ Nguyễn Tế Công mất ngày 23/6/1959 tại nhà riêng ngõ Đồng Khánh – Chợ Lớn (nay là TP Hồ Chí Minh), thọ 83 tuổi. Trước khi Sư tổ mất 2 tháng, Người đã cho phép các học trò của mình chụp hình người đánh bài 108 với mộc nhân. Cùng một số bức ảnh khác, đây là những bức ảnh vô giá về Sư tổ mà chúng ta may mắn lưu giữ được (Xem trang Ảnh).
Sau năm 1954 (ở ngoài Bắc) và sau khi Sư tổ Nguyễn Tế Công mất (năm 1959), các học trò của Sư tổ (cả ở trong Nam và ngoài Bắc) đã lần lượt mở các lớp để truyền dậy môn Vĩnh Xuân. Ở Hà nội tồn tại ba chi nhánh dậy Vĩnh Xuân là chi nhánh của cố võ sư Trần Thúc Tiển, cố võ sư Trần Văn Phùng và cố võ sư Ngô Sỹ Quí. Hiện nay các học trò của ba cố võ sư đã kế tục sự nghiệp võ thuật của các sư phụ, mở các lớp để truyền dạy môn Vĩnh Xuân theo những gì mà mình đã học được. Tháng 9/2003,  một số học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển, cùng hai chi nhánh của cố võ sư Trần Văn Phùng và cố võ sư Ngô Sỹ Quí đã kết hợp lại với nhau thành lập một câu lạc bộ lấy tên là Câu lạc bộ Vịnh Xuân do học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, võ sư Nguyễn Mạnh  Nhâm làm chủ tịch Câu lạc bộ. Ở trong Sài gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) cũng có một số lớp như lớp của võ sư Hồ Hải Long. Hiện nay, trong đó còn một số võ đường của môn phái Vĩnh Xuân vẫn tiếp tục truyền dậy.
Trong những năm cố võ sư Trần Thúc Tiển truyền dạy môn Vĩnh Xuân, người cũng đã đi biểu diễn những tuyệt kỹ của Vĩnh Xuân ở một số nơi như Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Ngoại văn...và năm 1977, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, người đã từng là học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển, đã mời cố võ sư Trần Thúc Tiển tham gia biểu diễn một số công phu của Vĩnh Xuân trong một bộ phim về dưỡng sinh. Tham gia biểu diễn cùng Người có học trò của Người : chị Nguyễn Thị Bích Vân. Trong bài viết của phóng viên Nguyễn Nam trong tạp chí Ngày Nay, số 6, tháng 3/2003 (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam) chị Nguyễn Thị Bích Vân cũng đã kể lại một số kỷ niệm trong đợt quay bộ phim này (Bài 'Tiết lộ mới nhất của 'ẩn sĩ' làng võ thuật Việt nam: Người tái sinh')
Ở Việt Nam, tính từ Sư tổ đến nay đã đến thế hệ thứ tư được truyền dậy thành thầy (có đủ khả năng để truyền dậy môn Vĩnh Xuân). Chúng ta tin rằng tinh hoa của môn phái Vĩnh Xuân đã, đang và sẽ tiếp tục được lưu truyền, Vĩnh Xuân sẽ ngày càng phát triển xứng đáng với kỳ vọng của biết bao người hâm mộ võ thuật thế giới.
 
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo