Đôi điều về biểu tượng (Logo) của võ đường Vĩnh Xuân Nội gia

Trong những năm qua, nhiều người, trong và ngoài võ đường (cả ở Việt Nam và Ba Lan) hỏi tôi về biểu tượng của võ đường. Tôi cũng có những giải thích về ý nghĩa của biểu tượng, tuy nhiên có thể cũng chưa được đầy đủ và triết khúc. Hôm nay, tôi xin được trình bầy rõ thêm về ý nghĩa của biểu tượng võ đường của chúng tôi.
Trên cơ sở những điều đã được sư phụ truyền dạy và qua những nhận thức của tôi về bản chất của môn phái, tôi đã xây dựng biểu tượng của võ đường trước khi võ đường được chính thức ra mắt.
Trước hết về tên gọi. Như mọi người đã biết, Sư tổ Nguyễn Tế Công đã đưa môn Vĩnh Xuân vào Việt Nam với những nét riêng có. Và đã từ rất lâu, các môn đệ Vĩnh Xuân chúng tôi, ở tất cả các nhánh Vĩnh Xuân tại Việt Nam lấy công pháp và kỹ thuật Vĩnh Xuân do Sư tổ Nguyễn Tế Công đưa vào Việt nam là Vĩnh Xuân Việt Nam và Sư tổ Nguyễn Tế Công là Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam. Như sư phụ tôi đã dạy, môn Vĩnh Xuân Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền lại cho sư phụ tôi: lấy NHU để thể hiện quyền thuật, lấy KHÍ làm nguồn nội lực. Theo sự phân định về dòng võ thuật của các bậc tiền bối: trong võ thuật có hai dòng võ đã được hình thành trong quá trình phát triển là dòng võ NỘI GIA và dòng võ NGOẠI GIA. Với bản chất quyền thuật mà sư phụ tôi được Sư tổ truyền dạy (sử dụng nhu và khí) là thuộc dòng võ NỘI GIA (Nội gia Quyền). Từ đó trên cơ sở quy phạm trong văn tự, và với sự góp ý sâu sắc của nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Thế Trường, tôi đã sử dụng tên gọi “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” làm tên gọi cho võ đường của chúng tôi.
Cùng với dòng chữ “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” là biểu tượng Âm – Dương. Nền triết học Đông phương sâu xa, huyền vi đã được hình thành và phát triển trên nguyên lý Âm – Dương. Mà bản chất của môn Vĩnh Xuân lại thấm nhuần nền triết học Đông phương. Tôi vẫn thường nói với các anh chị em môn sinh ở võ đường ngay từ khi mới vào tập: để tập tốt môn Vĩnh Xuân, các anh chị em phải tìm hiểu về triết học Đông phương hoặc phải thừa nhận triết học Đông phương như một tiên đề, mới có thể cảm nhận được những sự sâu xa trong bản chất của môn phái. Từ đó mới có thể tập tốt và đi xa được trên con đường tập luyện. Đồng thời trên một khía cạnh nào đó, biểu tượng Âm – Dương là thể hiện Trường phái Nội gia (luyện khí), trong tập luyện. Do vậy, tôi đã đưa biểu tượng Âm – Dương vào biểu tượng của võ đường.
Như các phần tôi đã viết trước đây, quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia xoay quanh quyền thuật của Ngũ hình quyền (Hổ quyền, Báo quyền, Hạc quyền, Xà quyền, và Long quyền). Do đó tôi đặt hình ảnh 5 Linh vật: Hổ, Báo, Hạc, Xà, Long, ở chung quanh biểu tượng và dựa trên bản chất, ý nghĩa nhiều mặt của các Linh vật trong Ngũ hình, tôi sắp xếp. Tôi đặt Hổ và Báo ở dưới, thể hiện sự nền tảng của quyền thuật: cơ - cốt – gân - lực (đây là hai bài quyền luyện tập về phần ngoại). Hạc là một trong những biểu tượng của nhà Phật. Môn Vĩnh Xuân xuất phát từ nhà Phật. Do vậy, mặc dù Hạc không phải là bài quyền cao cấp nhất (bài quyền cao nhất trong Ngũ hình Vĩnh Xuân Nội gia là bài Long), nhưng tôi đặt Hạc lên vị trí cao nhất (đỉnh núi ở giữa), để thể hiện tâm ý chân thành và đúng nghĩa đối với Phật gia. Trong việc sắp xếp này, tôi cũng ẩn ý về một công pháp rất cao của môn Vĩnh Xuân là độ vững. Mà một trong những công pháp để luyện vững là tập Hạc. Bên cạnh đó việc sắp xếp này lại rất phù hợp với tiêu chí đặt ra, và được lưu tâm trong quá trình xây dựng biểu tượng, đó là tính mỹ thuật, hợp lý trong bố cục. Hai bên tôi đặt Long và Xà. Ở đây cũng nói lên một điều: bên cạnh sự thể hiện cấp độ cao hơn trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia (bài Long và bài Xà trên bài Hổ và bài Báo) mà còn thể hiện bản chất của quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia: mềm mại, uyển chuyển, tinh nhanh nhưng đầy uy lực và quyết đoán.
Ba đỉnh núi là sự thể hiện những yếu quyêt quan trọng nhất (đỉnh cao) của môn, đó là “Tam tinh”.
Phần mầu trắng thể hiện dòng thác nước trút ra từ trong lòng núi. Đây chính là biểu hiện dòng lực của Vĩnh Xuân Nội gia. Lực của Vĩnh Xuân Nội gia được xuất phát từ khí, là một dòng khí và được lấy từ “nội khí”, giống như một dòng nước, có sức mạnh như một dòng thác.
Như sư phụ tôi nói: đây là môn võ của nhà Phật, có tên gọi từ xa xưa là “VĨNH XUÂN PHẬT GIA”. Tôn trọng lời sư phụ và cũng để luôn nhớ đến nguồn gốc, tôi đã đặt dòng chữ “Vĩnh Xuân Phật Gia” bằng tiếng Trung Quốc ở bên trong biểu tượng. Chữ mầu đen trên nền dòng thác trắng cho rõ ràng, nổi bật.
Tôi lấy nền mầu xanh là muốn thể hiện mầu của mùa Xuân, mầu của sự thanh bình. Với 3 mầu đậm nhạt khác nhau, tôi cũng muốn nói lên việc tập luyện càng lâu, càng tiến xa, càng đi sâu trong quá trình luyện tập, sẽ càng nhận được (“ngộ” ra được) bản chất sâu xa của môn phái được cô đọng, chứa đựng bên trong.
Thực tế cũng còn một số ý nhỏ nữa tôi đặt ra trong quá trình xây dựng biểu tượng của võ đường, song những điều tôi trình bầy ở trên là những nét cơ bản nhất hình thành nên biểu tượng của võ đường như mọi người đã biết trong những năm qua. Qua bài viết này, tôi xin được bộc bạch, tâm sự cùng mọi người. Dù có thể có những điều còn chưa được hoàn chỉnh, nhưng đây cũng là tâm thành của tôi đối với môn phái, đối với Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển. Giờ đây xin được chia sẻ cùng mọi người.
Tôi chân thành cảm ơn mọi người đã tin yêu võ đường Vĩnh Xuân Nội gia, đã ủng hộ, giúp đỡ võ đường chúng tôi trong quá trình tạo dựng và phát triển.
Hà Nội ngày 18 tháng 10 năm 2008
Chủ nhiệm – Võ sư trưởng 
Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo