Công pháp kĩ thuật

Viết (hoặc nói) về công pháp và kỹ thuật của Vĩnh Xuân quả là một điều rất khó. Nguyên do có nhiều điều không thể diễn tả bằng lời mà phải từ thực tế tập luyện người tập tự nhận thức (hay có thể nói là "ngộ") ra được.

Trong bài 'Vĩnh Xuân Việt Nam – những bí mật quá khứ và hiện tại' đăng trên tạp chí Ngày Nay (cơ quan ngôn luận của hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam) số 23 (12/2003) tôi có viết về phần tóm lược công pháp Vĩnh Xuân dưới nhan đề 'Công pháp Vĩnh Xuân và đôi điều cần biết': “Vĩnh Xuân là một là một môn võ đòi hỏi sự tập luyện rất công phu (có thể nói là đại công phu). Trong khi đó số lượng các bài quyền lại không nhiều. Ngoại trừ các bài về binh khí (như song đao, lục điểm bán côn), có thể kể tên các bài quyền của Vĩnh Xuân gồm: Thủ Đầu Quyền (ở một số nước gọi là Tiểu Niệm Đầu); Khí công Vĩnh Xuân Quyền; bài 108 (trong bài này có 3 hình thức tập luyện: 108 tại chỗ, 108 tiến lùi, 108 với mộc nhân – với Bài 108 với mộc nhân, ở một số nước khác còn gọi là Mộc Nhân Thung có số động tác nhiều hơn và cách đánh có khác hơn); năm bài Ngũ Hình (Hổ, Báo, Hạc, Xà, Long); và bài Ngũ Hình Tổng Hợp. Ngoài các bài quyền trên Vĩnh Xuân còn có một số phương pháp tập luyện đặc biệt theo những nguyên tắc riêng của môn phái. Trong các bài quyền của Vĩnh Xuân, bài 108 tại chỗ và tiến lùi (đặc biệt là bài 108 tại chỗ) mang một sắc thái rất khác biệt mà không một môn phái nào có. Đó là người tập phải tập với thầy (một thầy một trò) từ khi bắt đầu tập vào bài cho đến khi lĩnh hội được tinh hoa của bài 108. Thời gian tập luyện bài 108 tại chỗ không phải tính bằng tháng mà tính bằng năm. Để lĩnh hội được tinh hoa của bài 108 không thể tập với ai khác, ngoài tập với người thầy có nội công (là người thầy có thể cho trò đánh thẳng trực tiếp vào người trong suốt quá trình tập bài 108). Hiện nay, nhiều người hiểu về nội công Vĩnh Xuân như một khả năng phát sức (hay còn gọi là ra lực hoặc phát kình). Song thực ra không phải như vậy. Việc phát sức (ra lực, phát kình) ở Vĩnh Xuân gọi là ra nội lực. Còn nội công là khả năng chịu đòn (để cho đòn đánh thẳng trực tiếp vào người). Nội công của Vĩnh Xuân mang tính bí truyền (chỉ được truyền khẩu và dưới sự chỉ dẫn đặc biệt của người thầy và do chính người thầy luyện cho). Nội công của Vĩnh Xuân là một tuyệt kỹ cao nhất trong môn phái Vĩnh Xuân.

Để tập luyện được môn Vĩnh Xuân người tập cần có một niềm tin rất cao, một sự tư duy, kiên trì, cần mẫn. Tập luyện môn Vĩnh Xuân không chỉ là tập thuộc bài mà còn phải tập đến khi lĩnh hội được tinh hoa, bản chất của bài đó. Đồng thời còn phải tập được 'Ý', tập được 'Khí'. Càng luyện lên cao việc tập 'Ý', tập 'Khí' càng đòi hỏi công phu. Chính vì thế môn Vĩnh Xuân không thích hợp với những người ưa sức mạnh cơ bắp, những người mong muốn thành công nhanh, những người thiếu sự kiên trì và cần mẫn. Các bài quyền của Vĩnh Xuân không thiên về sức mạnh cơ bắp, không hoa mỹ, cho nên không phải là môn võ có thể biểu diễn hấp dẫn”.
Như vậy có thể hiểu rằng về số lượng bài tập của môn phái Vĩnh Xuân không nhiều. Ở một số nhánh Vĩnh Xuân khác về số bài còn ít hơn, chỉ có bài “Tiểu Niệm đầu”, “Tầm Kiều”, “Tiêu Chỉ”, “Mộc Nhân Thung”. Có nhánh còn thêm một số dạng bài khác.   Ở đây tôi không dám mạn bàn về mọi mặt công pháp và kỹ thuật của môn phái Vĩnh Xuân theo diện rộng, mà chỉ viết về một số công pháp và kỹ thuật về quyền thuật trong nhánh của chúng tôi (Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền) mà tôi đã được lĩnh hội từ sư phụ tôi: cố võ sư Trần Thúc Tiển.
Trước hết phải biết Vĩnh Xuân là một môn nhu quyền (Nội gia quyền).  Trong suốt quá trình tập luyện (từ sơ khởi) luôn phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản như 'khuôn phép', như 'chính xác', như 'lỏng mềm' ...
Ngoại trừ bài 108 (tại chỗ, tiến lùi, với mộc nhân), quyền thuật của Vĩnh Xuân xoay quanh kỹ thuật của năm hình là: Xà, Long, Hổ, Báo, Hạc. Những bài này được tập phát triển từ thấp lên cao. Trong đó mỗi hình thể hiện các kỹ thuật và yêu cầu khác nhau. Người tập phải thể hiện được tinh thần (hồn) của bài tập qua các hình thức và giai đoạn tập luyện. Từ đó người tập tạo được cho mình những yếu lĩnh cơ bản về khả năng phản xạ (đỡ, đánh) ở những tình huống cụ thể khác nhau. Những kỹ năng này được hoàn thiện thông qua việc tập luyện thực tế.
Bài 108, đây là bài quyền cơ bản nhất và cũng là cao cấp nhất trong quyền thuật Vĩnh Xuân. Bài 108 hội tụ được những yêu cầu cao đòi hỏi cần có trong kỹ thuật cận chiến (xem thêm phần viết ở trên về bài 108). Với bài 108, thông qua việc được vào tay với người thầy có nội công, càng tập càng ngộ ra được những tinh hoa của bài 108. Đây là một thực tế không thể nói qua sách vở hoặc nhận thức qua tự tập với nhau hoặc tập một mình. Để có được một công pháp cơ bản và đầy đủ cho người tập bài 108, căn cứ vào mức độ tiến bộ của người trò mà người thầy sẽ dậy tiếp bài 108 tiến lùi và 108 với mộc nhân. Lúc này người tập phải tập đồng thời 3 bài 108 (tại chỗ, tiến lùi, với mộc nhân). Việc tập bài 108 để đạt được những yêu cầu kỹ thuật như trên chủ yếu được tập với những người thầy có nội công. Cố võ sư Trần Thúc Tiển đã có cơ duyên được Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền cho nội công. Và sau này cố võ sư Trần Thúc Tiển có truyền lại cho một số ít học trò của mình cùng 2 người con trai (Trần Thiết Côn – tức Sinh và Trần Lê Hoài Ngọc).
Chú giải: Ngày 30/9/2004, võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm, sư huynh của tôi (Nguyễn Ngọc Nội), có trao đổi với tôi về ý kiến của võ sư Đỗ Tuấn, võ sư Thuỷ và một số võ sư khác trong chi nhánh của cố võ sư Trần Văn Phùng là một số võ sư trong chi nhánh của cố võ sư Trần Văn Phùng cũng có luyện tập và truyền dạy nội công, việc luyện nội công là một phần rất quan trọng trong luyện công của chi nhánh. Võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm còn cho biết võ sư Đỗ Tuấn có tặng cho võ sư cuốn “Đích phái chân truyền Thiếu Lâm nội công bí truyền” của nhà xuất bản Thể Dục Thể Thao xuất bản năm 2001 do dịch giả Lê Văn Sửu biên dịch. Trong đó dịch giả Lê Văn Sửu cho biết bản “Chân bản Đạt Ma Dịch cân kinh” của võ sư Đỗ Tuấn có nội dung hoàn toàn trùng khớp phần “Dịch cân kinh tiền bộ” trong cuốn “Đích phái chân truyềnThiếu Lâm nội công bí truyền”. Cuốn “Chân bản Đạt Ma Dịch cân kinh” của võ sư Đỗ Tuấn là do cố võ sư Trần Văn Phùng truyền lại cho võ sư Đỗ Tuấn (cuốn “Chân bản Đạt Ma Dịch cân kinh” do Thích An Thúc soạn, Ngũ Quế đường thư cục Hương Cảng 1936 ấn hành). Trước đây tôi chưa tìm hiểu được nhiều về công pháp, kỹ thuật của các nhánh và của các võ đường Vĩnh Xuân khác, nên tôi không hiểu nhiều về các công phu mà các nhánh và các võ đường khác đạt được. Vì vậy nay tôi được biết một số võ sư trong chi nhánh cố võ sư Trần Văn Phùng có nội công, tôi thấy rất đáng mừng. Được như vậy Vĩnh Xuân Việt Nam càng được củng cố thêm vị thế của mình trong môn phái Vĩnh Xuân. Võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm cho biết, một số võ sư trong chi nhánh cố võ sư Trần Văn Phùng có đề nghị tôi sửa lại phần viết trước đây của tôi cho rằng: “chỉ có ở nhánh này (chi nhánh của cố võ sư Trần Thúc Tiển) mới có những người thầy có nôi công”. Tôi hoàn toàn nhất trí và đã sửa lại như đã viết ở trên phần chú giải này. Nhân đây, tôi cũng xin được nói thêm về những điều tôi viết ra về công pháp quyền thuật Vĩnh Xuân, đó là (như tôi đã viết trong bài này): “.... tôi không dám mạn bàn về mọi mặt công pháp và kỹ thuật của môn phái Vĩnh Xuân theo diện rộng, mà chỉ viết về một số công pháp và kỹ thuật về quyền thuật Vĩnh Xuân trong nhánh của chúng tôi (Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền) mà tôi đã được lĩnh hội từ sư phụ tôi: cố võ sư Trần Thúc Tiển”. Do đó có thể có những công pháp và kỹ thuật tôi viết ra không giống hoàn toàn công pháp và kỹ thuật ở một số nhánh hay một số võ đường khác, tôi mong các võ sư đồng môn nhìn nhận phần viết của tôi như tôi đã trình bày ở trên.
Một số phương pháp tập luyện đặc biệt : trong quá trình tập luyện môn Vĩnh Xuân, đây thường là những hình thức tập luyện do thầy trực tiếp chỉ dậy, truyền dậy. Thậm chí có những phương pháp hoàn toàn là bí truyền. Có thể điểm một số phương pháp như:
  • Tập ra sức : những bài tập ra sức thường được thầy trực tiếp truyền dậy và chỉ dẫn. Qua những phương pháp này, sức (ra sức, ra lực, phát kình) của người tập ngày càng được phát triển và nâng cao. Người tập sẽ nhận được sự thay đổi về “sức” trong quá trình tập luyện để từ đó đạt được những kỹ thuật cao trong bài 108 và trong việc phát sức.
  • Tập linh giác : đây là một hình thức (phương pháp) tập luyện được nhiều nhánh Vĩnh Xuân (Vịnh Xuân) nói đến và truyền dậy. Rất nhiều bài viết về tập luyện phương pháp này dưới các tên như: "Li Thủ" (Chi sau), “Niêm thủ”, “Thính thủ”, “Nhiếp thủ”, hay đơn giản là “Linh giác”.  Tuy nhiên cũng có những điểm khác nhau giữa các nhánh. Có nhánh cho học trò tập ngay “Linh giác” từ lúc mới vào và các trò tập với nhau theo sự hướng dẫn của thầy.  Có nhánh sau một thời gian tập luyện quyền thuật thầy mới cho tập “Linh giác” và chỉ được tập với thầy do thầy trực tiếp chỉ dậy, dẫn dắt. Mỗi nhánh đều có những lý luận riêng trong việc tập này, tôi không bàn luận nhiều. Với nhánh chúng tôi (của cố võ sư Trần Thúc Tiển) việc tập “Linh giác” do thầy trực tiếp chỉ dậy, dẫn dắt. Chúng tôi coi đây là một phương pháp tập luyện quan trọng trong quá trình tập luyện môn Vĩnh Xuân. 
  • Tập “Khí”: hiểu đơn giản trước hết là tập thở và sau đó là dẫn khí. Đây là phương pháp tập bắt buộc đối với học trò (cho dù mục đích tập của mỗi trò khác nhau). Có thể nói tóm lại là: nếu không tập thở (tập “Khí”) thì không thể tập lên cao được trong môn Vĩnh Xuân. Tập “Khí” thường gắn liền với tập “Ý”. Đây là phương pháp tập dưới sự hướng dẫn của người thầy và được tập ngay từ khi mới vào.
  • Một số các phương pháp và yếu quyết phải hiểu và tập luyện đồng thời trong quá trình tập luyện quyền thuật: “Tam tinh”, “Nội tam hợp”, “Ngoại tam hợp”, “Lục hợp”, “Thất đáo”, tập “ý”, tập "Vững"…
  • Ngoài ra còn một phương pháp tập luyện đặc biệt có tính bí truyền, chỉ truyền trực tiếp từ thầy sang trò, “bất lập văn tự”  đó là “nội công".  
Về công pháp và kỹ thuật Vĩnh Xuân (Vịnh Xuân) trong nhiều năm qua đã có quá nhiều tài liệu (sách, các bài viết trên các báo, tạp chí, trên các trang web).  Nhất là sau khi được ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long tôn vinh môn phái Vịnh Xuân (Vĩnh Xuân).  Bản thân Lý Tiểu Long cũng như các cộng sự, các học trò của ông cũng đã viết rất nhiều bài nói về các công pháp và kỹ thuật của môn phái Vịnh Xuân (Vĩnh Xuân).  Có thể tham khảo qua các tài liệu đã có từ nhiều năm nay về công pháp và kỹ thuật của Vĩnh Xuân hoặc xem một số bài viết trong trang tư liệu và tham khảo một số hình ảnh trong trang ảnh. Điều quan trọng đối với chúng tôi trong việc tập luyện công pháp và kỹ thuật Vĩnh Xuân như sư phụ tôi (cố võ sư Trần Thúc Tiển) nói: phải “ngộ” (nhận biết) được tinh thần, bản chất các bài quyền, các phương pháp tập luyện trong quá trình luyện tập. Có như vậy mới có thể tiến được trong việc tập luyện môn Vĩnh Xuân. Để được như vậy (đối với chúng tôi) không có cách nào khác ngoài việc phải luyện tập và chỉ có thông qua tập luyện mới có thể hiểu được - “Ngộ” ra được - sự công phu của công pháp và kỹ thuật của môn phái Vĩnh Xuân.
Võ sư - kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo