Sự kiện - Quan hệ
Năm 1939, Sư tổ Nguyễn Tế Công sang Việt Nam, và bắt đầu từ đây, Người trở thành sư tổ môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam. Từ năm 1939 đến 1954, Sư tổ ở Hà Nội, Người thu nhận học trò và truyền dậy môn phái Vĩnh Xuân. Học trò của Người bao gồm cả người Hoa và người Việt, trong đó có một số người được coi là những người kế vị của Sư tổ và đã được chụp ảnh cùng Người (Xem ảnh).
Trên thực tế sau này chỉ có 2 trong số 6 người học trò (trong ảnh) mở lớp dạy môn Vĩnh Xuân, truyền thụ những võ công được Sư tổ truyền dậy. Đó là cố võ sư Trần Thúc Tiển (người đứng đầu bên phải ảnh), cố võ sư Trần Văn Phùng (người đứng đầu bên trái ảnh, đeo kính). Sau này có thêm nhánh của cố võ sư Ngô Sĩ Quý.
Cuối năm 1954, Sư tổ Nguyễn Tế Công cùng gia đình vào Nam. Trong Nam, Người tiếp tục dậy cho một số học trò cũ từ ngoài Bắc theo vào, và thu nhận thêm một số học trò mới. Sau khi Sư tổ quy tiên, một số học trò của Sư tổ ở trong đó đã mở lớp truyền dậy môn Vĩnh Xuân (như cố võ sư Hồ Hải Long, cố võ sư Lục Viễn Khai...). Tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), Sư tổ Nguyễn Tế Công cùng gia đình sống ở ngõ Đồng Khánh, Chợ Lớn.
Chiều ngày 23/6/1959 (tức 18/5 Kỷ Hợi) Người qua đời sau 2 ngày lâm bệnh. Thi hài của Người được an táng tại nghĩa trang Quảng Đông, Chợ Lớn. Sau này, tôi nghe nói nghĩa trang này được di dời để xây dựng công viên Đầm Sen. Hiện không rõ mộ chí của Người ở đâu. Giữa tháng 4/2004, tôi - võ sư Nguyễn Ngọc Nội, học trò của tiên sư Trần Thúc Tiển - có đăng tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng (trong 3 số báo) để mong tìm gia đình con trai của Sư tổ Nguyễn Tế Công, song đến nay vẫn chưa có hồi âm. Hy vọng qua trang Web này, ai biết tin gì liên quan đến Sư tổ (kể cả nơi chôn cất của Người) và gia đình Người, xin báo giúp cho tôi theo địa chỉ Vĩnh Xuân Việt Nam. Tôi vô cùng cảm tạ và biết ơn.
(Ghi chú: Ngày 28/9/2005, chúng tôi đã tìm được mộ Sư tổ và thắp hương trước mộ Người. Xin xem bài "Một chuyến đi thiêng liêng và sâu sắc" , Một tháng sau chuyến đi, Thư ngỏ thứ sáu của VS Nguyễn Ngọc Nội)
Ngày 25/4/1959, trước khi Sư tổ Nguyễn Tế Công mất 2 tháng, Người đã cho các học trò chụp ảnh Người đánh bài 108 với Mộc nhân. Đây là những bức ảnh may mắn còn lưu giữ được, đã trở thành vô giá đối với những hậu duệ của Người như những dấu ấn lịch sử của môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam.
Đầu năm 1977, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, từng là học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển, đã mời cố võ sư Trần Thúc Tiển tham gia biểu diễn một số công phu của Vĩnh Xuân (bài 108, linh giác, nội công) để quay phim và đưa vào trong một bộ phim về dưỡng sinh. Cùng tham gia biểu diễn với cố võ sư Trần Thúc Tiển có học trò của Người: chị Nguyễn Thị Bích Vân. Đây là những thước phim vô giá đã ghi lại được những hình ảnh sẽ còn mãi mãi với sự phát triển của môn phái Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền.
Vào những ngày rét đậm cuối tháng 1/1980, khi Hà Nội mất điện, cái rét đã làm cố võ sư Trần Thúc Tiển lâm bệnh nặng thêm, vì trước đó Người đã bị liệt nhẹ do xuất huyết não sau khi bị cảm nhập tâm. Người nằm tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (92 phố Trần Hưng Đạo) đến chiều ngày 7/2/1980 (tức 21 tháng Chạp, Kỷ Mùi) thì ra đi, thọ 69 tuổi. Đưa Người từ giường bệnh xuống nhà quàn có Sư nương - cụ bà Lê Thị Lạng, anh Trung (con trai), người y tá, và tôi (Nguyễn Ngọc Nội, học trò của Người). Thi hài của Người được mai táng tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Sau khi cải cát, được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang Yên Kỳ (của thành phố Hà Nội) trên Ba vì, Sơn Tây. Ngày đưa cố võ sư Trần Thúc Tiển về nơi yên nghỉ, trong sự thương tiếc vô hạn, một học trò của người là anh Lê Kim Giao (hiện là thành viên CLB Thơ Thăng Long, Hà Nội) đã viết Bài văn tế nêu bật cơ duyên của sư phụ với Sư tổ Nguyễn Tế Công, và sự thành danh của sư phụ.
Ngày 14/9/2003, hai học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển là võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm và võ sư Phan Dương Bình, cùng một số học trò của cố võ sư Trần Văn Phùng và cố võ sư Ngô Sĩ Quý đã kết hợp lại thành lập Câu lạc bộ Vịnh Xuân Hà Nội, và đã chính thức ra mắt .
Ngày 5/7/2004 tức 18/5 Giáp Thân, ngày giỗ của Sư tổ Nguyễn Tế Công, trang Web của Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền (gọi tắt là Vĩnh Xuân Nội gia) chính thức được đưa lên mạng. Chúng tôi coi đây là lễ vật tâm thành, kính dâng lên hương hồn Sư tổ Nguyễn Tế Công cùng sư phụ Trần Thúc Tiển. Nhờ có Người mà môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam được như ngày nay, các hậu duệ của Người được tiếp thu những tinh hoa của Vĩnh Xuân, đây cũng là những sáng tạo từ tiềm năng vô tận, đầy bí ẩn của con người. Chúng ta, những hậu duệ của Sư tổ, xin hứa với Người sẽ không ngừng góp phần vào việc phát triển và làm vẻ vang cho môn phái Vĩnh Xuân.
* Các sự kiện tiếp theo được anh Nguyễn Cường tổng hợp và cập nhật tại : Các dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của võ đường VXNGQ.
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT