Tiết lộ mới nhất của "ẩn sĩ" làng võ thuật Việt Nam: Người tái sinh
Vĩnh Xuân "truyền kỳ"
Ngày nay môn phái Vĩnh xuân đã trở thành một môn phái nổi tiếng trên tòan thế giới. Khoảng năm 1907, đệ tử đời thứ 5 của môn phái Vĩnh Xuân là Nguyễn Tế Công sang Việt nam. Tôn sư Tế Công lúc đầu tuy có nhận học trò, nhưng chủ yếu là người Trung Hoa. Trong số các môn sinh có một người Việt tên là Trần Thúc Tiển, chán nản vì thấy sư phụ chỉ ưu ái người đồng hương đã bỏ về mở hãng rượu buôn bán dù vẫn đau đáu nhớ thầy, nhớ bạn. Bẵng đi một dạo, Trần Thúc Tiển quay về thăm thầy, thấy võ đường vắng vẻ, thầy Tế Công nằm một mình thì hiểu ngay rằng thầy mình đang thiếu thuốc. Nguyên tôn sư Tế Công nghiện thuốc phiện rất nặng, ngày phải hút đủ 3 hộp thuốc, nếu không huyệt chẩm trên gáy sẽ xẹp xuống, rất là bứt rứt. Trần Thúc Tiển ngay lập tức đều đặn dâng thuốc cùng lương thực lên thầy dù không có điều kiện theo học võ.
Mấy năm như thế, tôn sư Tế Công lấy làm cảm kích, lại thấy Trần Thúc Tiển bị ho lao - căn bệnh được coi là vô phương cứu chữa vào thời đó - đến giai đọan nặng, thường xuyên ho ra máu. Cảm cái nghĩa của trò, tôn sư Tế Công mới bảo: "Ta sẽ chữa cho tiên sinh khỏi bệnh". Từ đó, một người tận tâm truyền dạy, một người siêng năng luyện tập, thầy Trần Thúc Tiển tiến bộ rất nhanh. Được truyền thụ phương pháp luyện khí, nội công thượng thừa, kết hợp với điều trị thuốc, ông khỏi bệnh, võ công ngày càng cao thâm...
Theo võ sư Nguyễn Thị Vân, Vĩnh Xuân là một môn võ thuật đặc biệt thâm sâu với phương pháp tập hết sức khoa học. Không tập theo từng thế mà luyện từng phần; thủ pháp, cước pháp, hình, ý, khí, nội, linh, vững ... phải rèn cùng một lúc. Riêng nội và vững đòi hỏi phải có sư phụ cao minh rèn cho mới đạt.
Hành trình vào nghiệp võ, nghề văn
Bà Nguyễn Thị Vân là người gốc Hà Nội. Năm 1960, bà Bích Vân học hết phổ thông và thi đỗ vào trường Nhạc (Tiền thân của Nhạc viện Hà Nội bây giờ). Bốn năm miệt mài với cây đàn Violon, bà tốt nghiệp loại ưu và được điều về công tác tại đàon Ca múa nhạc Trung ương. [Sau đó bà Vân cùng chồng cũng là nhạc sĩ Violon về phục vụ tại Hải Phòng, đồng thời viết văn, đoạt các giải thưởng về văn học]*. Gia đình bà Vân trở về Hà Nội khi Mỹ chấm dứt oanh tạc miền Bắc. Lúc này, người phụ nữ vốn đã mảnh mai lại sinh con thứ tư. Bà Vân suy nhược thực sự, chỉ còn da bọc xương, nặng chừng 34 kg với nhiều căn bệnh như viêm đại tràng mãn, suy thần kinh, viêm tai xương chũm ...Bà tìm đến võ sư Trần Thúc Tiển. [Được thầy Tiển nhận sau khi có ấn tượng tốt với bà]
Những ngày đầu, dù các trò khác chỉ luyện hai lần (mỗi lần một giờ) trong tuần, nhưng bà Vân thì hôm nào cũng được hướng dẫn tập (mỗi lần bốn giờ). Khổ luyện như thế, thể lực của bà đã tăng lên rõ rệt, các chững bệnh cũ dần hết. Sau gần một năm kể từ ngày ấy, sau thời gian vừa truyền thụ vừa thử thách, năm 1975, thầy cho bà Vân được làm nghi thức nhập môn.
Sau lễ nhập môn, bà Vân lần lượt đơn thệ 3 lần với thầy (thề trung thành với môn phái và sư phụ, không dùng võ hại người, không làm điều sai trái), sau đó là lễ huyết thệ và bà được truyền thụ những bí kíp còn lại...
Ẩn sĩ chốn kinh thành
Vào giữa năm 1977, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (một người từng bị cắt một bên phổi, được theo học thầy Tiển, đã khỏi bệnh) quyết định làm một bộ phim khoa học về phương pháp luyện tập tuyệt vời này. Bác sĩ Viện đề nghị thầy Tiển cử học trò ra chịu đòn để chứng minh khả năng của phương pháp này. Khiêm tốn, không muốn phô diễn, bà Vân xin thầy cho vào Nam thăm chồng, cũng có ý tránh. Nhưng 3 tuần sau, khi quay về, bà thấy thầy vẫn chờ...
Trường quay hôm đó đông người lắm. Sau khi chứng kiến thầy và bà Vân ra và hóa giải đòn, có lẽ chưa tin lắm nên đạo diễn kiêm quay phim Lương Đức mới hỏi sư phụ bà rằng: "Có thể để cho người khác đánh được không ?" Thầy Trần Thúc Tiển chậm rãi: "Được". Người được cử đại diện cho phái võ đứng ra chịu đòn là bà Vân. Ông Viện nói gì đó với một trung niên đứng trong góc, người này tiến ra, nhìn người phụ nữ mảnh mai từ đầu đến chân rồi hỏi: "Cô chỉ đứng bình thường thế thôi à ?". Thầy Trần Thúc Tiển trả lời thay cô: "Anh cứ đấm, nếu trò của tôi lùi nửa bước, tôi chịu trách nhiệm". Bắt đầu anh ta thăm dò ba đòn. Thấy bà Vân vẫn bình thường, mặt không đổi sắc. anh ta lùi lại góc phòng lấy đà rồi lao vào, dùng tòan lực liên tiếp ra 28 đòn đánh vào những chỗ hiểm trên người bà. Nguyễn Thị Vân vẫn bình thản như không. Chuyện này, sau đó vài năm, đạo diễn Lương Đức tới thăm mới hỏi bà Vân: chị có biết người đánh chị hôm đó là ai không? Thấy vẻ mặt không hiểu của bà, đạo diễn Lương Đức tiết lộ: Đặc công thượng thặng đấy. Sư phụ Trần Thúc Tiển biết chuyện bảo rằng: Thầy biết mà, con thấy không ...
Thấm thoắt đã mấy chục năm, nhưng câu chuyện trên thì những người biết võ sư Vân thời đó vẫn chưa ai quên, tất cả đều cho là bà được tái sinh nhờ luyện thành môn võ Vĩnh Xuân. Riêng bà Vân vẫn sống lặng lẽ với con cháu, chẳng mấy khi "xuất đầu lộ diện", mê mải với việc sáng tác văn chương. Gặp nhau, người phụ nữ đa tài ấy vẫn hào hứng kể về những tác phẩm văn học vừa sáng tác! Tôi hỏi về nghiệp võ, hồi lâu, bà mới nói: "Tôi đã bàn với võ sư Phan Dương Bình, dự định sắp tới sẽ đơn giản về phương pháp, phổ biến môn Vĩnh Xuân để nhiều người có thể luyện tập, nâng cao thể lực. Vĩnh Xuân là một môn võ có những phương pháp đặc biệt. Bất kỳ ai, dù già trẻ, khỏe hay yếu đều có thể luyện tập và khỏe mạnh, còn tùy theo mỗi người có thể đạt tới bản lĩnh nhất định. Hơn nữa, đây còn là nghệ thuật, là nét đẹp văn hóa cần tiếp tục bảo tồn và phát triển ...". Tôi hỏi thêm: "Vậy tại sao người ta lại gọi đùa bà là ẩn sĩ?" Bà Bích Vân cười, gương mặt ngời sáng nét đôn hậu: "Cái gì cần làm. làm vào lúc nào thì nên làm..."
*Chú thích: những phần trong ngoặc vuông [..] là do chúng tôi tóm tắt.
Nguyễn Nam (Trích từ tạp chí Ngày Nay, No 6/2003)
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT