Vĩnh Xuân Việt Nam - Những bí mật quá khứ và hiện tại

Về tên gọi: Vĩnh Xuân hay Vịnh Xuân

Trong thời gian qua, đã có một số bài viết về môn  phái Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân) trên một số báo và tạp chí.  Tuy nhiên để nói, để viết về môn phái võ này sẽ còn nhiều điều cần phải có thời gian mới có thể dần sáng tỏ.  Ngay như tên gọi cũng đã có những khác nhau và cùng tồn tại: đó là Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân.  Điều này không chỉ có ở Việt nam, mà ngay trên đất Trung Hoa, đất tổ của môn phái, cũng đồng thời tồn tại hai tên gọi Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân. 
Thầy chúng tôi – cố võ sư Trần Thúc Tiển – khi dạy chúng tôi, đã kể cho chúng tôi nghe sơ lược về lịch sử môn phái (Đây là những điều mà Thầy được sư tổ Vĩnh Xuân Việt nam Nguyễn Tế Công truyền lại): Môn Vĩnh Xuân được khởi nguồn từ bà Ngũ Mai Sư Bá, một cao thủ của phái Thiếu Lâm.  Trong quá trình lánh nạn nhà Thanh triệt phá môn phái Thiếu Lâm, bà đã để nhiều tâm huyết tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra một môn võ với tính hiệu quả trong chiến đấu rất cao, đồng thời lại có tính dưỡng sinh rất lớn.  Nơi bà ẩn tu có người con gái xinh đẹp nết na, bị bọn cường hào ở địa phưong chòng ghẹo, dọa nạt khổ ải.  Tiếng than khóc bao lần của người con gái đã động lòng trắc ẩn,  bà Ngũ Mai Sư Bá đã ân cần khuyên bảo người con gái đó.  Và do có duyên môn, bà đã truyền thụ môn võ mà Bà đã sáng chế cho người con gái đó.  Nhờ tư chất thông minh, cần cù và sự tận tâm chỉ bảo của thầy, người con gái đã tập luyện thành công môn võ này và đã bảo vệ được bản thân.  Nhưng do phải lo tránh hậu họa, bà Ngũ Mai Sư Bá đã phải cho người con gái – người học trò đầu tiên yêu quý của bà – đi lánh nơi xa.  Trước khi đi, người con gái  đã hỏi bà tên môn võ được truyền thụ.  Bà nói: “Ta sáng chế ra môn này, song chưa đặt tên.  Nay ta thấy tên con rất phù hợp với môn võ này.  Vậy ta sẽ lấy tên con đặt tên cho môn võ”.  Bắt đầu từ đấy, môn võ được mang một cái tên rất xứng đáng với người đã sáng tạo ra: Vĩnh Xuân (Xuân vĩnh viễn).  Và Vĩnh Xuân chính là tên người con gái đó, với họ là Nghiêm:  Nghiêm Vĩnh Xuân.  Sau này bà Nghiêm Vĩnh Xuân xuất gia tu tại chùa Vịnh Xuân (Kiến Xương, Trung Quốc).  Các thế hệ sau này có thể đã lấy họ của bà ghép với tên ngôi chùa bà tu để lấy tên hiệu cho bà: Nghiêm Vịnh Xuân.  Và qua thời gian dần dần trở thành tên của bà.  Trong quá trình truyền bá môn phái, có người lấy tên của bà Vĩnh Xuân đặt cho môn phái, có người lấy tên ngôi chùa bà tu  - Vịnh Xuân - đặt cho môn phái (Do cách gọi của người xưa thường gắn tên địa danh nơi sản sinh ra môn phái võ làm tên gọi cho môn phái như Thiếu Lâm phái, Võ Đang phái, Sơn Đông phái, Nga My phái...).  Thiết nghĩ với sự tôn trọng lời của Sư tổ Ngũ Mai, ta nên gọi đúng là Vĩnh Xuân.  Và thực tế môn võ này về bản chất (tính hiệu quả trong chiến đấu, tính dưỡng sinh) rất phù hợp với tên gọi Vĩnh Xuân. Sự tập luyện đem lại sức khỏe (sức xuân) và kéo dài tuổi thọ cho con người (kéo dài tuổi xuân – xuân vĩnh viễn).
Công pháp Vĩnh Xuân và đôi điều cần biết
Vĩnh Xuân là một môn võ đòi hỏi sự tập luyện rất công phu (có thể nói là đại công phu) Trong khi đó số lượng các bài quyền lại không nhiều.  Ngoại trừ các bài về binh khí (như song đao, lục điểm bán côn) có thể kể tên các bài quyền của Vĩnh Xuân gồm: Thủ Đầu Quyền (ở một số nước gọi là Tiểu Niệm Đầu); Khí công Vĩnh Xuân quyền; bài 108 (Trong bài này có 3 hình thức tập luyện: 108 tại chỗ, 108 tiến lùi, 108 với mộc nhân.  Bài 108 với mộc nhân, ở một số nước khác còn gọi là Mộc Nhân Thung có số động tác nhiều hơn và cách đánh có khác hơn); Năm bài Ngũ hình (Xà, Long, Hổ, Báo, Hạc); và bài Ngũ hình tổng hợp.
Ngoài các bài quyền trên, Vĩnh Xuân còn có một số phương pháp tập luyện đặc biệt theo những nguyên tắc riêng của môn phái. Trong các bài quyền của Vĩnh Xuân, bài 108 tại chỗ và tiến lùi (đặc biệt là bài 108 tại chỗ) mang một sắc thái rất khác biệt mà không một môn phái nào có.  Đó là người tập phải tập với thầy (1 thầy 1 trò) từ khi bắt đầu tập vào bài cho đến khi lĩnh hội được tinh hoa của bài 108.  Thời gian tập bài 108 tại chỗ không phải tính bằng tháng mà tính bằng năm.  Để lĩnh hội được tinh hoa của bài 108 không thể tập với ai khác ngoài tập với người thầy có nội công (là người thầy có thể cho trò đánh thẳng trực tiếp vào người trong suốt quá trình tập bài 108).  Hiện nay nhiều người hiểu về nội công Vĩnh Xuân như một khả năng phát sức (hay còn gọi là ra lực hoặc phát kình).  Song thực ra không phải như vậy.  Việc phát sức (ra lực, phát kình) ở Vĩnh Xuân gọi là ra nội lực.  Còn nội công là khả năng chịu đòn (để cho đòn đánh thẳng trực tiếp vào người).  Nội công của Vĩnh Xuân mang tính bí truyền (chỉ được truyển khẩu và dưới sự chỉ dẫn đặc biệt của người thầy và do chính người thầy luyện cho). Nội công của Vĩnh Xuân là một tuyệt kỹ cao nhất của Vĩnh Xuân. Điều này chưa được bất cứ một tài liệu, sách báo nào từ trước đến nay nhắc đến.
Để tập luyện được môn Vĩnh Xuân, người tập cần có một niềm tin rất cao, một sự tư duy và kiên trì, cần mẫn.  Tập luyện Vĩnh Xuân không chỉ là tập thuộc bài mà còn phải tập được đến khi lĩnh hội được tinh hoa, bản chất của bài đó.  Đồng thời còn phải tập được “Ý”, tập được “Khí”.  Càng luyện lên cao, việc tập “Ý”, tập “Khí” càng đòi hỏi công phu.  Chính vì thế, môn Vĩnh Xuân không thích hợp với những người ưa sức mạnh cơ bắp, những người mong muốn thành công nhanh, những người thiếu sự kiên trì và cần mẫn.  Các bài quyền của Vĩnh Xuân không thiên về sức mạnh cơ bắp, không hoa mỹ, cho nên không phải là môn võ có thể biểu diễn hấp dẫn.  Bên cạnh đó, những người đã luyện thành công trong môn Vĩnh Xuân cũng không muốn phô diễn sự thành đạt.  Do đó môn Vĩnh Xuân vẫn là môn võ khó có thể hiểu được sâu sắc về bản chất, đồng thời vẫn có những điều kỳ bí trong đó.
Vĩnh Xuân ở Việt Nam
Vào cuối năm 1939, cụ Tế Công sang Việt Nam lánh nạn. Trong thời gian này cụ đã thu nhận học trò và truyền dậy môn Vĩnh Xuân. Với Việt Nam, cụ Tế Công đã trở thành Sư tổ của môn Vĩnh Xuân Việt Nam.  Sau khi cụ vào Nam (năm 1954) một số học trò của Sư tổ ở Hà Nội đã lần lượt mở lớp dậy Vĩnh Xuân. Trong những năm qua, ở Hà Nội tồn tại 3 chi nhánh dậy Vĩnh Xuân. Đó là của các cố võ sư Trần Thúc Tiển, cố võ sư Ngô Sĩ Quý, cố võ sư Trần Văn Phùng.  Tháng 9/2003, một số học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển và hai chi nhánh của cố võ sư Ngô Sĩ Quý, cố võ sư Trần Văn Phùng đã kết hợp lại với nhau thành lập một Câu lạc bộ và lấy tên là Câu Lạc Bộ Vịnh Xuân, do học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm làm chủ tịch Câu lạc bộ.  Trong thời gian Sư tổ sống trong Nam (1954-1959), Sư tổ cũng có dậy cho một số người.  Và hiện nay một số võ đường Vĩnh Xuân vẫn đang hoạt động.
Ở Việt Nam, tính từ Sư tổ đến nay đã đến thế hệ thứ tư được truyền dậy thành thầy (có đủ khả năng để truyền dậy môn Vĩnh Xuân). Chúng ta tin rằng tinh hoa của môn phái Vĩnh Xuân đã, đang và sẽ tiếp tục được lưu truyền. Môn phái Vĩnh Xuân sẽ ngày càng phát triển.
Võ học là một trong những tinh hoa của loài người sản sinh ra. Người đã trồng những cây đại thụ đầu tiên cho rừng võ (Võ lâm) là Đạt Ma Sư Tổ. Người được coi là Sư tổ của nền võ học, đồng thời người cũng là Sư tổ võ phái Thiếu Lâm.  Xuất phát từ đây – từ võ phái Thiếu Lâm – những môn phái võ khác lần lượt ra đời mang những bản sắc riêng của người đã sản sinh ra môn phái đó, trong đó có môn phái Vĩnh Xuân. Tuy hiện nay việc luyện võ chủ yếu là để rèn luyện thân thể, chế ngự bản thân, tạo cho người tập một sự tự tin, một bản lĩnh để sống và làm việc. Tính chiến đấu của võ thuật không còn là mục đích hàng đầu. Song những tinh hoa của nền võ học nói chung, của Vĩnh Xuân nói riêng vẫn là những niềm khát khao để những người say mê luyện tập muốn nắm bắt, muốn vươn tới.  Đây chính là động lực để các môn phái võ vẫn tồn tại, vẫn được lưu truyền và phát triển.
[Đăng trên Tạp chí Ngày Nay, No 23 (12-2003), Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội CLB UNESCO Việt nam]
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo