Ngay sau khi chúng tôi giới thiệu phần công pháp cơ bản của Vĩnh Xuân Nội gia trên tạp chí Ngày Nay số 23 tháng 12/2003 (bài “Vĩnh Xuân Việt Nam - những bí mật quá khứ và hiện tại” ), và nhất là sau khi chúng tôi giới thiệu phần công pháp và kỹ thuật trên trang Web của chúng tôi, có không ít người hỏi tôi về bài 108. Tựu trung xoay quanh nội dung: lý do gì để khẳng định “Bài 108, đây là bài quyền cơ bản nhất và cũng là cao cấp nhất trong quyền thuật Vĩnh Xuân” ? Bên cạnh đó ở Võ đường còn có một số môn sinh vẫn hỏi tôi bao giờ được tập bài 108 ? Thực ra chúng tôi cũng đã lý giải phần nào về tính cao cấp của bài 108 trong các bài viết trước. Song hôm nay tôi xin được nói sâu hơn về những vấn đề đặt ra khi tập bài 108. Nếu có điều gì đó khác với suy nghĩ của ai đó, hoặc không giống với những phương pháp khác trong tập bài 108 của nơi khác, rất mong các bạn nhìn nhận đây là những gì mà bản thân tôi học được từ sư phụ tôi.
Đối với chúng tôi, để vào tập được bài 108, đòi hỏi môn sinh thông qua thời gian tập luyện phải đạt được được một số yêu cầu như: có được một độ lỏng mềm nhất định; có được một khả năng nội lực nhất định (phải ra được lực trong một chừng mực nào đó) trong quá trình thực thi quyền thuật qua các bài quyền đã tập trước đó… Nếu không, sẽ khó đáp ứng được các đòi hỏi đặt ra trong quá trình tập bài 108.
Bài 108 đòi hỏi phải thể hiện được đồng thời nhiều yếu tố trong quá trình thực thi như:
“tam tinh”, “tam hợp”, rồi tiến đến “lục hợp”, “thất đáo”…, và nhất là phải đạt được một tốc độ ra đòn liên tục nhất định trong quá trình đánh bài 108. Như mọi người đều biết: tốc độ của đòn đánh mang lại hiệu lực của đòn đánh rất cao, đồng thời làm cho đối phương khó có thể theo kịp để đỡ và phản đòn. Đó là tôi chưa nói đến trong quá trình giao đòn, môn Vĩnh Xuân còn phải sử dụng
linh giác để nâng cao hiệu quả của đòn thế. Bài 108 là một bài quyền thể hiện tính cận chiến, tính liên tục trong đỡ - đánh rất cao. Không chỉ đỡ những đòn thầy ra, mà phải đánh trả đòn với tốc độ cao cùng với khả năng ra lực hiện có với một yêu cầu chính xác trong quá trình đỡ - đánh. Chính vì vậy mà tập luyện bài 108, sẽ giúp cho môn đồ hình thành khả năng ứng biến, hóa giải các đòn thế một cách hữu hiệu trong một không gian hẹp và với cự ly rất gần (rất cận chiến), và nhất là ra được lực trong một khoảng cách ngắn. Tất cả những vấn đề này đúng là phải vào tập mới có thể “vỡ” dần ra được. Đã có những học trò của tôi, được tập bài 108 sớm hơn so với khả năng hiện đạt được, khi vào tập bài 108, đã tự nhận thấy gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các đòn thế trong bài, do đó đã phải tự tập lại thêm những phần cơ bản, mới có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra khi tập bài 108. Và thực tế thời gian tập bài 108 đã kéo dài hơn nhiều so với những người trước khi vào tập bài 108 đã tập tương đối tốt các phần cơ bản trước đó. Đây cũng là điều mà các anh chị em môn sinh ở võ đường cần có nhận thức thêm về hệ thống công pháp của võ đường Vĩnh Xuân Nội gia, mà có những cố gắng thực hiện tốt chương trình cơ bản.
Về nội dung bài 108, nhiều người hiểu (thậm chí viết hẳn ra trên sách) là bài 108 gồm 54 đòn bên phải, 54 đòn bên trái. Thực ra không phải như vậy, mặc dù cũng rất nhiều đòn thế đánh cân cả 2 bên (phải - trái), song cũng không ít đòn thế đánh chính diện. Bài 108 thực tế có 108 thế (đúng như tên gọi). Trong đó có những thế chỉ có một đòn, nhưng có những thế có 2, 3, thậm chí 4 đòn. Như tôi đã nói đến ở trên về sự đòi hỏi tốc độ ra đòn liên tục, các học trò của tôi tập bài 108 phải đạt được tốc độ đỡ - đánh bình quân 1 giây 2 đòn (đây là đòn thực sự phải va chạm với thầy trong một sự vận động rất cao về thân - thủ - bộ, chứ không phải đòn đỡ - đánh một mình). Với tốc độ và cường độ này, người tập phải đánh liên tục trong khoảng 15 phút với thầy, và trong khoảng thời gian này đã phải đỡ - đánh hàng nghìn đòn thế. Với công lực của các học trò tôi hiện nay, vào tay bài 108 trong vòng 15 phút với thầy là vừa phải. Các bạn đã xem trên VTV3 giới thiệu các trò tôi đánh bài 108 cũng thấy các học trò tôi sau khi vào tay bài 108 ra đều thấm mệt. Trên thực tế các học trò của tôi đều đánh dưới khả năng hiện có (vì đây là buổi tập đầu tiên sau những ngày nghỉ Tết), do đó không đạt được tốc độ và lực ra theo đúng khả năng của mỗi người. Vì chương trình giới thiệu quá rút gọn (khoảng 10 phút) so với thời gian quay vào tay thực tế khoảng trên một tiếng đồng hồ (mỗi người khoảng 15 phút), cho nên đúng là khó hình dung được khả năng thực hiện bài 108 của mỗi cá nhân trên đó. Song cũng như tôi đã trả lời trong lúc quay phim là công lực của người tập cũng phụ thuộc vào thời gian công phu tập luyện của mỗi người. Cho nên trong một lớp có người ra đòn nặng , có người ra đòn còn nhẹ là điều tất yếu. Ở đâu cũng vậy, có trò giỏi và có trò còn phải cố gắng nhiều hơn để tiến tới giỏi. Tuy vậy, hy vọng rằng qua các tư liệu Video của chúng tôi đã giới thiệu, các bạn cũng hình dung được phần nào việc tập bài 108 trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
Đối với chúng tôi, dù chỉ để đạt được một số yêu cầu nói ở trên khi tập bài 108 cũng phải mất rất nhiều thời gian, và thời gian này đối với chúng tôi thường kéo dài hàng năm, chứ không thể tính bằng tháng. Trên thực tế chỉ để thuộc bài 108 thì không mất bao nhiêu thời gian. Song để tiến tới tinh luyện là cả một vấn đề. Ở bất kỳ môn phái nào cũng vậy, sự tinh luyện mới chính là vấn đề quan trọng trong tập luyện, chứ không phải việc học được bao nhiêu bài quyền. Tất nhiên biết nhiều bài cũng có thể giúp cho sự nhìn nhận các hình thái va chạm trong giao đấu. Song để có được hiệu quả trong giao đấu thì cần phải có hiểu biết sâu sắc bản chất cũng như tinh thông những yếu quyết trong hệ thống quyền thuật và nhất là phải đạt được sự tinh luyện trong quá trình tập luyện. Đôi điều trao đổi về việc tập bài 108, hy vọng các bạn cũng hiểu thêm về hệ thống công pháp và kỹ thuật của Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi. Nếu có điều gì đó các bạn chưa hài lòng, cũng rất mong các bạn thông cảm cho khả năng diễn đạt và sở học của tôi.
Nhân dịp đón tết dương lịch năm 2007, tôi xin chân thành chúc toàn thể các anh chị em huynh đệ đồng môn, các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân , yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc và thành đạt.
Chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và những sự quan tâm chân thành của các bạn đã giành cho chúng tôi.
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2006
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội