Trung lộ trong luyện tập: Một vài trao đổi

Như các bạn đã biết, trong võ thuật (cũng như trong một số lĩnh vực khác), để lưu truyền lại những tinh hoa, những điều cơ bản, cốt lõi mà mình đã tìm ra và chứng nghiệm, các bậc tiền bối thường đưa ra những câu đúc kết cực kỳ cô đọng, có tính định hướng xuyên suốt trong hệ thống luyện tập. Đó chính là các yếu quyết (nguyên tắc) căn bản, quan trọng nhất giúp cho các hậu duệ tự xem xét, nhìn nhận lại việc luyện tập của bản thân và tự hòan thiện mình. Mọi môn phái võ đều có các đúc kết của mình. Trong Vĩnh Xuân, yếu quyết "Trung lộ" là một trong những đúc kết đó, và các môn sinh cần luôn ghi nhớ ngay từ những động tác ban đầu , để vận dụng vào quá trình tập luyện và giao đấu, và áp dụng xuyên suốt cho các bài quyền cao hơn sau này.

Với đôi chút kinh nghiệm của bản thân và được sư phụ cho phép, tôi cũng xin được chia sẻ xung quanh "trung lộ" và một số điều liên quan, trước hết với các anh chị em môn sinh trong võ đường, và sau đó với các bạn quan tâm đến hệ thống luyện tập của Vĩnh Xuân Nội gia. Đây chỉ là các kinh nghiệm cá nhân trong thời gian theo thầy luyện tập. Sở học còn nông cạn, trong quá trình trao đổi chắc chắn sẽ có nhiều khiếm khuyết, rất mong anh chị em  đồng môn cũng như các bạn lượng thứ và bổ khuyết.
Trên thực tế khi truyền dạy cho chúng tôi, cũng như cho anh chị em trên võ đường, sư phụ tôi rất ít khi nói riêng về các yếu quyết mà thường lý giải những yếu quyết đó thông qua các đòn thế, gắn với các bài tập cụ thể để môn sinh có thể hiểu nhanh hơn, cảm nhận rõ hơn về chúng, hiểu được cách thức tự hòan thiện và quan trọng là thực hiện được chúng. Để thực sự hiểu sâu những điều lý giải của thầy cũng cần có thời gian tập luyện, tự chiêm nghiệm và không phải một sớm một chiều là có thể thấy hết chiều sâu của các yếu quyết, mà thoạt nhìn vốn có vẻ rất giản đơn.
Trung lộ là đường chính giữa, nằm dọc theo người từ đỉnh đầu xuống đến hạ bộ, như là đường trục đối xứng của cơ thể . Hầu hết các môn võ đều đặc biệt quan tâm đến “trung lộ” vì đó là một khu vực trọng yếu nhất đối với cơ thể con người.  Ở môn phái Vĩnh Xuân có khác chăng là gắn trung lộ vào một trong 3 yếu quyết cơ bản nhất, tinh túy nhất thường được gọi là “Tam tinh”. Trong thực thi quyền thuật, mọi người thường nhắc đến đường đi của đòn đánh. Trong Vĩnh Xuân cũng vậy, con đường ngắn nhất chính là từ trung lộ mình đến trung lộ người. Do đó, đi liền với “Tam tinh” trong Vĩnh Xuân Nội gia có phương châm “giữ trung lộ, đánh trung lộ”. Tư thế cơ bản khi lâm sự thường là 2 tay để phía trước trung lộ mình (giữ trung lộ, chiếm trung lộ ). Đòn đánh trong Vĩnh Xuân thường xuất phát từ đây (trung lộ mình) sang thẳng trung lộ đối phương. Đây chính là con đường ngắn nhất giữa ta và đối thủ. Trong hệ thống tập luyện của võ đường, các môn sinh được chú trọng tập luyện nhiều đến lĩnh vực này ngay từ những động tác cơ bản ban đầu (Các bạn có thể nhận xét thấy ngay trong các động tác cơ bản ban đầu do thầy tôi giới thiệu). Việc giữ trung lộ đòi hỏi người tập phải có ý thức về đường đánh, vị trí tay, dóng tay, cùi tay, vai (khép khuỷu) v.v..
Trong những thời gian đầu, các môn sinh còn cứng có thể sẽ có những khó khăn nhất định khi cố gắng khép tay giữ trung lộ, tuân thủ hình thế mềm mại của đòn đánh v.v. và sẽ cảm thấy dường như điều đó là không tự nhiên. Việc ghi tâm yếu quyết trung lộ chính là sự luyện tập ý thức để việc khép trung lộ thành một điều tự nhiên trong tâm thức luyện tập và giao đấu, để một khi đưa quyền ra là đúng đường đi, vào đúng vị trí, từ đó phát triển dần tính chính xác, tốc độ của đòn đánh, và giúp cho cả quá trình nâng cao sức của đòn đánh, đặc biệt trong cận chiến khi đường đánh là một khoảng cách rất ngắn, thời gian phản xạ là rất hạn hẹp. Yếu quyết "trung lộ" đi cùng suốt quá trình tập luyện từ thấp lên cao và liên quan sâu sắc với các nội dung luyện tập khác về ý, về khí lực v.v.. Chính vì vậy, đi liền với việc thực thi yếu quyết “trung lộ” này, là việc thực hiện “Tam hợp”. Với những anh chị em mới tập, việc luyện khí chưa được nhiều, chưa có được khí lực, thì việc thực thi “Tam hợp” là điều vô cùng cần thiết để phát huy được sức mạnh của đòn đánh. Tuy nhiên quan điểm của Vĩnh Xuân Nội gia lấy tự vệ làm đầu,  do đó việc trang bị cho mình những kỹ năng tự vệ, thông qua việc tâp luyện các bài bản, các đòn thế một cách kỹ lưỡng, cẩn thận là một điều rất cần thiết, trước khi nghĩ đến sự va chạm, như thế mới có thể giữ được mình một cách hữu hiệu, chứ không thể “ăn sổi ở thì”, chỉ tập trung vào mục tiêu giao đấu thủ thắng. "Không mong muốn thì đạt ", "Không làm nhưng không gì không làm" - đây dường như là nghịch lý nhưng lại hàm chứa sự đúc kết uyên thâm của tinh hoa văn hóa phương Đông mà càng tập lên cao, chúng ta sẽ càng cảm nhận rõ trong quá trình luyện làm chủ các kỹ năng trong Vĩnh Xuân Nội gia.
Quá trình tập luyện tất nhiên là một quá trình tiệm tiến, là quá trình tương hỗ tinh tế giữa "nhận thức hiểu biết" với "kỹ năng thực hiện", và ngay cả yếu quyết tưởng chừng đơn giản như "trung lộ" cũng cần có sự tự kiểm tra thường xuyên, luyện tập từ từ, chắc chắn, đối chiếu với các yêu cầu quyền thuật để chiêm nghiệm và chỉnh sửa. Kinh nghiệm cho thấy, từ việc "biết" đến việc "hiểu" và việc "làm được" luôn có những khoảng cách đôi khi rất lớn, đòi hỏi quá trình luyện tập kiên trì, sự tự kiểm tra, đối chiếu và quan sát.  Các trao đổi cởi mở với thầy và với các bạn đồng môn trong luyện tập ... đều rất có ích.
Như vậy có thể thấy, trong thời gian ban đầu, bên cạnh những phương châm tập luyện cơ bản ban đầu như “lỏng mềm”, “khuôn phép”, “chính xác”, môn sinh cũng cần rất để tâm vào phương châm “giữ trung lộ, đánh trung lộ”, vào sự đồng hợp của các bộ phận cơ thể như chân, thân, tay ..., đồng thời phát triển dần sự cảm nhận, quan sát tinh tế v.v. Đây cũng chính là một phần nội dung của các yếu quyết như "Tam tinh",  “Tam hợp”,  “Thất đáo” .. do các sư tổ truyền lại mà sư phụ tôi đã đề cập cô đọng trong một số bài viết. Các anh chị em môn sinh cần luyện tập thật cẩn thận và theo đúng những hướng dẫn của sư phụ và các huấn luyện viên. Có như vậy, mới có thể tạo dựng nền tảng vững chắc cho tiến bộ về lâu dài sau này, mà trước hết là thực hiện tốt được mục tiêu của chương trình cơ bản ban đầu.
Để hiểu sâu hơn, diễn giải khúc triết hơn những yếu quyết của môn, bản thân các huấn luyện viên chúng tôi chắc chắn còn phải phấn đấu nhiều. Dù sao, với đôi chút kinh nghiệm trên con đường tập luyện, tôi cũng xin mạo muội trao đổi, chia sẻ cùng các bạn, với mong muốn cùng nhau nâng cao hiểu biết, và có thể có ích phần nào cho các bạn mới tập. Rất mong các bạn và anh em đồng môn nhìn nhận các trao đổi này dưới góc độ như vậy và thể tất cho những hạn chế của tôi. Chân thành cảm ơn các bạn.
Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2006
Nguyễn Cường, HLV
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo