Trao đổi về tập luyện Linh giác trong võ đường VXNG
Qua hơn một năm, từ khi võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi ra mắt, võ đường đã được nhiều anh chị em tin yêu và theo tập. Chúng tôi rất mừng, nhưng cũng thấy trách nhiệm của mình càng phải lớn hơn để không phụ lại tình cảm của mọi người đã giành cho võ đường và đến với võ đường của chúng tôi.
Trong quá trình tham gia tập luyện tại võ đường, nhiều anh chị em môn sinh có hỏi tôi cũng như các anh chị em huấn luyện viên về nhiều mặt của võ đường, trong đó có những điều liên quan đến quyền thuật. Những tìm hiểu này là cần thiết, để qua đó anh chị em môn sinh biết được những chặng đường trên con đường tập luyện tại võ đường, từ đó có thế xác định con đường mình sẽ đi và nếu muốn đi xa hơn trong môn phái. Một số điều các anh chị em môn sinh hỏi, đã được tôi và các huấn luyện viên trong võ đường lý giải qua trực tiếp, qua các buổi tập, đồng thời qua các bài viết đăng tải trên Website của võ đường để việc trao đổi được rộng hơn.
Hôm nay tôi cũng xin trao đổi một số điều có thể được về tập “linh giác” trong võ đường Vĩnh Xuân Nội gia quyền mà các bạn quan tâm. Âu cũng là sự lý giải chung cho các anh chị em trong võ đường, đồng thời cũng là những trao đổi cụ thể hơn về một lĩnh vực trong hệ thống quyền thuật của Võ đường với các bạn yêu quý chi nhánh Vĩnh Xuân và võ đường Vĩnh Xuân Nội gia quyền.
“Linh giác” đối với chúng tôi, trước hết đó là một môn tập luyện rất cao, đòi hỏi công phu và phải nói là đại công phu mới đúng vì thời gian luyện tập được tính bằng năm. Đây là một môn trong “bát môn” mà các bạn thường hay được nghe tới. Như một số bài tôi đã viết về hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia trước đây : Để được tập luyện “linh giác”, môn sinh phải trải qua một thời gian tập luyện quyền thuật và phải đạt đến một trình độ nhất định mới được tập và mới tập được. Luyện tập “linh giác” là một môn luyện tập dưới sự dẫn dắt của người thầy , mà không thể tự tập với nhau được. Điều này tôi được biết không chỉ có ở chi nhánh Vĩnh Xuân của chúng tôi. Trong một bài viết của mình đăng trên tạp chí Black Belt năm 1969 dưới nhan đề: “Phép “chi sao” của Vịnh Xuân Thiếu Lâm phái” Lý Tiểu Long đã viết : “Muốn tập “chi sao”, phải có một ông THẦY LÀNH NGHỀ dẫn dắt từng bước…” (Trích dịch của giáo sư Trần Văn Từ - đính chính quyền sư Hồ Hải Long).
Tập “linh giác” đối với chúng tôi không đơn thuần là quay tay, cảm nhận mọi mặt xung quanh đòn của đối thủ qua tay. Tập luyện “linh giác” trong Vĩnh Xuân Nội gia quyền còn chứa đựng nhiều yếu tố khác mà chỉ khi vào tập mới được thầy dẫn dắt, chỉ bảo. Chính vì vậy, môn tập luyện “linh giác” chỉ nằm trong chương trình đào tạo cho những môn sinh đã có thâm niên tập luyện (hay tạm gọi là dành cho chương trình trung cao cấp). Trong khi tôi dạy có người hỏi rằng: tại sao thầy không cho các trò quay tay với nhau, vừa phong phú cách tập, vừa đỡ mệt mà trò lại nhanh khá? Tôi đã trả lời “ nếu được như vậy thì quá quý. Nhưng không thể được. Trong Vĩnh Xuân Nội gia nếu làm như vậy chính là tôi đang làm cho trò của mình bị ảnh hưởng đến khả năng tiến bộ. Cho nên không thể được”. Tập “linh giác” đòi hỏi người tập phải được sự chỉ dẫn về những cảm giác khi tiếp xúc tay với thầy ở mọi góc độ. Được thầy dẫn dắt đi theo những yêu cầu trong việc tập “linh giác” và phải hiểu được sự biến đổi về lực qua quá trình tập. Để có thể hiểu được những biến đổi như vậy, đòi hỏi người tập phải có được khả năng nhất định về việc “ra lực” cũng như sự lỏng mềm thì mới có thể cảm nhận được. Trò còn chưa cảm nhận được những điều tôi trình bầy ở trên thì làm sao có thể lý giải cho bạn tập của mình và “dẫn dắt” bạn mình được? Đây là tôi chưa nói đến những vấn đề khác trong tập “linh giác” mà chưa được đề cập ở đây. Trong bài viết “Thiếu Lâm Phật sơn Vịnh Xuân phái” của Peter Bennett đăng trên tạp chí Black Belt năm 1972 và cũng được giáo sư Trần Văn Từ trích dịch, quyền sư Hồ Hải Long đính chính, đã viết : “Người học võ phải tập căn bản hai năm rồi mới được tập “đẩy tay” tự do”. ( “Chi sao”, “đẩy tay” là những hình thức “linh giác”). Tuy vậy ai cũng biết “võ học vô bờ”, có thể còn có những phương pháp tập “linh giác” hoặc các hình thức tập tương tự khác mà tôi không biết. Song theo những gì mà mình đã được học, hiện nay tôi chưa thể làm khác được như những điều tôi trình bầy ở trên. Điều này không chỉ trong lĩnh vực “linh giác”, mà trong những công phu khác cũng như vậy. Đơn cử như với yếu quyết “Tam tinh” mà trong bài viết gần đây học trò Nguyễn Cường của tôi đã đề cập. Đây chỉ là yếu quyết “Tam tinh cơ bản” xuyên suốt trong quá trình thực thi quyền thuật Vĩnh Xuân ở mọi trình độ. Ngoài ra còn những nội dung về yếu quyết “Tam tinh” khác chỉ lý giải được khi mà người tập đạt được những công phu tập luyện nhất định.
Trên thế giới có rất nhiều tài liệu (sách, báo, bài viết, phim ảnh…) giới thiệu về môn Vĩnh Xuân nói chung cũng như các lĩnh vực cụ thể trong môn nói riêng. Các bạn có thể tìm hiểu để hiểu rõ hơn về các lĩnh vực trong môn Vĩnh Xuân. Tuy nhiên cũng xin được nói thêm với các bạn là : trong võ thuật nói riêng và trong nhiều lĩnh vực khác nói chung, có những điều chỉ có thể truyền dậy khi người học đạt được những kết quả nhất định và có tâm. Môn sinh mới tập hoặc người ngoài môn sẽ có những điều khó hiểu, hoặc chưa có điều kiện có thể hiểu được. Chính vì thế để có thể hiểu được lĩnh vực mình quan tâm, cần phải có thời gian và sự chỉ dẫn. Rất mong các bạn hiểu, thông cảm và thể tất cho những giới hạn trong trình bầy của tôi.
Chân thành cảm ơn và biết ơn các bạn.
Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 2006
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT