Vĩnh Xuân – Môn võ của mùa xuân

Mùa Xuân – Một trong bốn mùa mà thiên nhiên đã tạo ra, đứng ở vị trí đầu tiên trong tứ quý. Đã từ hàng nghìn năm nay, mùa Xuân là một mùa đem lại cho con người nói riêng, cho cả thế giới tự nhiên nói chung một niềm hạnh phúc, một chất men say mê với bao khát vọng. Chúng ta thường mong ước mùa Xuân vĩnh viễn (Vĩnh Xuân) ở với chúng ta. Biết bao lời văn, câu thơ ca ngợi mùa Xuân (Vịnh Xuân). Và trong thực tế có một môn phái võ gắn bó với mùa Xuân ngay từ tên gọi, đó là: môn Vĩnh Xuân (hay còn có tên là Vịnh Xuân).

Mùa Xuân đem lại cho chúng ta một hình ảnh tươi sáng và rực rỡ, một sự nhẹ nhàng, nét dịu dàng, đằm thắm song cũng đầy sức sống mới với sự sinh trưởng, nẩy chồi đâm lộc. Vĩnh Xuân (môn võ nội gia – hiểu đơn giản là “Nhu quyền”) cũng đem lại cho người tập một sự mềm mại, nhu nhuyễn mà bên trong hàm chứa một sức mạnh được sinh trưởng và phát triển.
Người sản sinh ra môn võ Vĩnh Xuân là một nhà sư nữ, một đại cao thủ Thiếu Lâm (Bà Ngũ Mai Sư Bá). Truyền thuyết nói rằng: qua nhiều năm Bà trăn trở với một suy nghĩ là cùng học một thầy, cùng công phu như nhau, song hầu như người nữ giới thường thể hiện một sự kém hơn người nam giới trong giao đấu. Và từ đó Bà đã dầy công suy nghĩ nghiên cứu tìm một đường hướng mới trong võ thuật. Dựa trên tố chất của người nữ giới (một sự ưu việt hơn hẳn người nam giới) Bà đã xây dựng nên một môn võ mới với nhiều tính ưu việt, đạt hiệu quả cao trong giao đấu và nhất là rất phù hợp với tố chất của người nữ giới. Âu cũng là một sự trùng lặp hữu duyên, người học trò đầu tiên mà Bà truyền thụ là một người con gái có tên là Nghiêm Vĩnh Xuân, một cái tên rất phù hợp với nhiều mặt của môn võ mới mà Bà sáng tạo ra. Và khi được người trò hỏi tên môn võ của Bà, Bà đã dùng ngay tên của người học trò đặt tên cho môn võ: môn Vĩnh Xuân.
Môn Vĩnh Xuân đòi hỏi người tập phải mềm mại và thả lỏng được cơ thể ngay từ khi mới vào tập và điều này cũng xuyên suốt cả quá trình tập luyện môn Vĩnh Xuân. Chỉ có qua sự mềm mại và thả lỏng, sức (nội lực) mới ra được, từ đó mới tạo ra được sức mạnh của quyền thuật Vĩnh Xuân.  Mềm mại, nhẹ nhàng giờ đây không hoàn toàn là chỉ có ở nữ giới.  Đối với những người làm công tác khoa học nghiên cứu, âm nhạc, họa sĩ,... (nói chung là giới tri thức) đều là những con người rất cần đến sự nhẹ nhàng, mềm mại, song lại phải thể hiện được sức lực cần thiết, một sự tập trung cao độ cho công việc thực hiện. Cầm một cây bút vẽ đâu chỉ là mềm mại lướt trên giấy mà cần phải có sức khỏe, sự bền bỉ với đôi tay có lực để chấm phá, để tập trung tinh thần thể hiện tác phẩm cũng như cảm nhận nó. Để lướt đôi tay trên các phím đàn, bàn phím máy tính đâu chỉ là mềm mại (tất nhiên đây chắc chắn là yêu cầu đầu tiên)... Vĩnh Xuân chính là môn võ giúp ích nhiều cho những lĩnh vực này.
Hình ảnh cố hữu về một võ sĩ như Nguyễn Du tả Từ Hải trong truyện Kiều, hay hình ảnh người võ sĩ với bắp tay cuồn cuộn, thân thể săn chắc không phải là hình ảnh của các môn đồ Vĩnh Xuân, cũng như không thể hoặc khó có thể phù hợp với nữ giới, với những con người làm công tác khoa học, nghệ thuật. Chính vì thế mà trong vòng trên 20 năm trở lại đây, môn Vĩnh Xuân được nhiều người làm công tác khoa học (tri thức), nghệ thuật tham gia tập luyện. Họ đã tìm thấy ở môn Vĩnh Xuân có nhiều nét phù hợp với con người và tình chất công việc của họ. Trong số đó nhiều người đã luyện tập thành đạt như: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Nhâm, bác sĩ Nguyễn Văn Lễ, nhà văn – nghệ sĩ violon Nguyễn Thị Vân, họa sĩ Đỗ Tuấn, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Thành, bác sĩ Hoàng Quốc Toàn, bác sĩ Dương Quốc Tuấn,... Ngay bản thân môn Vĩnh Xuân cũng đòi hỏi người tập rất cao về tư duy, tầm suy nghĩ, khả năng tập trung. Ngược lại với một số môn võ khác, tập môn Vĩnh Xuân với cùng một thầy, với cùng một công phu bỏ ra người nữ giới tiến nhanh và bền vững hơn nhiều so với người nam giới cùng tập; người tri thức tập tiến nhanh hơn người lao động chân tay.  Điển hình như nữ nhà văn – nghệ sĩ violon Nguyễn Thị Vân, người học trò chân truyền của cố võ sư Trần Thúc Tiển. Thực tế môn Vĩnh Xuân còn đem lại cho người tập sự dưỡng sinh rất cao. Không chỉ khỏe mạnh làm chủ được cơ thể mà nhiều người qua tập luyện môn Vĩnh Xuân đã đẩy lùi được những căn bệnh như: đau lưng, đau khớp, bệnh gút, bệnh mỡ trong máu (những căn bệnh của thời hiện đại)... Thậm chí ngay cả bệnh lao cũng qua tập luyện kết hợp dùng thuốc mà khỏi bệnh. Cố võ sư Trần Thúc Tiển từ một bệnh nhân lao cấp độ 3 (ở vào những năm 1940 gấn như khó có thể chữa khỏi) thế mà dưới sự truyền dạy của Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam: Nguyễn Tế Công, cố võ sư Trần Thúc Tiển không những đã khỏi bệnh mà còn trở thành một đệ tử chân truyền của Sư tổ Nguyễn Tế Công đạt được nội công thâm hậu, quyền thuật uyên thâm. Ngay cả chị Nguyễn Thị Vân (người đã nói đến ở trên) trước khi đến học cố võ sư Trần Thúc Tiển là một người ốm đau, nhiều bệnh tật nhưng sau khi được luyện tập môn Vĩnh Xuân đã khỏe mạnh, hết bệnh và đạt được nội công thượng thừa, một tuyệt kỹ của môn phái Vĩnh Xuân(xem thêm bài “Tiết lộ mới nhất của “ẩn sĩ”làng võ thuật Việt Nam: Người tái sinh” – bài của Nguyễn Nam đăng trên tạp chí Ngày Nay số 6, tháng 3/2003. Bài ““Luyện công trị bệnh” và truyện những “người tái sinh” ở Hà Nội” của Dương Bình Nguyên đăng trên báo An ninh Thế giới số 174, ngày 17/ 11/ 2004).
Trong những năm gần đây môn võ Vĩnh Xuân ngày càng được nhiều người quan tâm, tìm hiểu và theo học. Chân giá trị của môn võ ngày càng được khám phá. Và như một mùa Xuân vĩnh viễn, sự sinh trưởng đâm chồi nảy lộc luôn đem lại những sức sống mãnh liệt. Đón mùa Xuân tới, chúng ta ngày càng hiểu thiên nhiên đất trời, cũng như ngày càng thêm quý những sản phẩm trí tuệ mà cha ông ta đã để lại. Trong đó có kho tàng võ thuật mà Vĩnh Xuân là một môn võ của mùa Xuân, của sự tươi trẻ. nhẹ nhàng, đằm thắm, quyến rũ mà cũng tràn đầy sinh lực.
Hy vọng rằng mọi người, nhất là những người làm công tác tri thức, nghệ thuật, những con người của phái đẹp sẽ tìm thấy ở môn võ Vĩnh Xuân những gì cao đẹp, gần gũi và phù hợp với mình.
Đăng trên tạp chí Ngày nay, số Xuân Ất Dậu – 2005. (số 2+3+4 từ 15/1 - 30/2/2005)
Võ sư, kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo