Thư ngỏ thứ hai của võ sư Nguyễn Ngọc Nội: Nói rõ thêm về nhánh Vĩnh Xuân của cố võ sư Trần Thúc Tiển

Trong thời gian 4- 5 tháng qua, sau khi tôi gửi thư ngỏ lần đầu (11/10/ 2004), tôi nhận được ý kiến của một số bạn yêu thích môn Vĩnh Xuân, yêu mến chi nhánh Vĩnh Xuân của sư phụ tôi (cố võ sư Trần Thúc Tiển) muốn tôi nói rõ hơn về những năm cuối trong cuộc đời của sư phụ tôi. Vì một số bạn cũng nhận thấy “đây là quãng thời gian mà cố võ sư Trần Thúc Tiển đã liên tiếp truyền nội công cho nhiều học trò của mình”. “Tại sao lại truyền cho nhiều trò trong một quãng thời gian ngắn như vậy? Có phải cố võ sư Trần Thúc Tiển linh cảm thấy việc sắp ra đi của mình không?”. Cảm nhận tấm lòng của các bạn, và tôi thấy cũng muốn giúp các bạn hiểu thêm về chi nhánh của chúng tôi, một chi nhánh của Vĩnh Xuân Việt Nam, trước anh linh của sư phụ tôi (cố võ sư Trần Thúc Tiển), tôi xin gửi bức thư ngỏ thứ hai lên trang Web của chúng tôi để giúp các bạn yêu mến chi nhánh của sư phụ tôi, có chung nguyện vọng tìm hiểu, có thể cùng được rõ hơn những điều các bạn muốn biết.

1.   Trước năm 1976, vì một vài lý do, sư phụ tôi cũng có truyền dậy một phần nội công cho một số trò (cụ thể là khả năng chịu đòn ở bụng trong một chừng mực nhất định). Song việc truyền dạy này mang tính “ngọn” không cơ bản, nên không có sự bền vững. Cuối năm 1976, đầu năm 1977 sư phụ tôi mới chính thức truyền thụ nội công cho người học trò đầu tiên là chị Nguyễn Thị Vân. Sư phụ tôi đã làm lễ, xin các Sư tổ cho phép được truyền dậy cho chị Nguyễn Thị Vân và chọn chị “là môn đệ chính thức để nối nghiệp môn Vĩnh Xuân”. Việc làm lễ này là điều không thể thiếu được trong môn quy. Hiện nay, chị Vân vẫn còn lưu giữ được bài khấn các Sư tổ của sư phụ tôi, do chính tay sư phụ tôi viết ra đề ngày 01/01/1977. Đây là bài khấn đầu tiên xin các Sư tổ cho phép truyền dậy cho chị Vân và cũng là bài khấn duy nhất sư phụ tôi viết ra. Vì sau này, khi truyền dậy nội công cho 1 số học trò chúng tôi (anh Nhâm, anh Lễ, anh Thi, tôi, anh Tuấn), sư phụ tôi đều khấn trực tiếp trước ban thờ Tổ mà không viết ra giấy. Đến giữa năm 1977, sư phụ tôi mắc bệnh đột ngột, phải nằm điều trị mấy tháng mới hồi phục. Sau đó các lớp tập lại. Lúc này, vì hoàn cảnh, chị Vân phải nghỉ hẳn tập. Đầu năm 1978, sư phụ tôi quyết định truyền dậy nội công cho một số trò: anh Nhâm, anh Lễ, anh Thi và người con trai út là Trần Lê Hoài Ngọc. Cuối năm 1978, do hoàn cảnh công việc và gia đình, các sư huynh tôi lại phải nghỉ tập. Anh Nhâm phải về bệnh viện Ninh Bình làm việc (nơi anh công tác từ khi ra trường). Trong mấy năm trước đó anh được bệnh viện cho về Hà Nội học. Gia đình anh thời kỳ đó đang sinh sống ở Ninh Bình. Anh Lễ phải về bệnh viện Thái Nguyên. Nơi đó gia đình đang sinh sống và hiện nay gia đình anh Lễ vẫn đang sống ở Thái Nguyên. Anh Thi phải đi tham gia huấn luyện bơi. Thời kỳ đó anh Thi là huấn luyện viên môn bơi của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội. Đầu năm 1979, sư phụ tôi quyết định truyền dậy nội công cho tôi và anh Tuấn (rất tiếc sau ít buổi, anh Tuấn phải đi công tác – như tôi đã viết ở thư ngỏ trước). Trong thời gian này, tôi cùng sư phụ thỉnh thoảng lại ra bờ hồ Hoàn Kiếm, ngồi ở các ghế tựa bằng bê tông ở phía trước cửa hàng Bốn mùa, luyện thở. Đây là quãng thời gian vô cùng quý giá với tôi. Ngoài việc được sư phụ truyền dậy nội công, luyện linh giác, chỉ dạy luyện quyền, tôi còn được nghe sư phụ nói những chuyện về lịch sử môn phái, về Sư tổ Nguyễn Tế Công, về chuyện học và dạy võ công của sư phụ, những lý giải về công pháp và kỹ thuật của môn, những yếu quyết, yếu lĩnh, những điều căn bản của môn phái... Sư phụ tôi còn bảo tôi ghi lại “để nhớ” và “để sau này còn biết mà luyện”. Trước đây do việc truyền dậy của sư phụ tôi rất liên tục từ sáng sớm đến tối khuya (trừ lúc ăn cơm và nghỉ sau ăn). Mỗi giờ tập chỉ có 2 - 3 người. Hết giờ tập, học trò phải về luôn để người sau còn tập. Hầu như không có thời gian đế sư phụ tôi lý giải cặn kẽ về võ công, trong khi đó sư phụ tôi lại là người ít nói. Do đó quãng thời gian năm 1979 với tôi vô cùng quan trọng. Cuối tháng 01/1980, sư phụ tôi lâm bệnh nặng (khi đó sư phụ tôi ở 38 Gia Ngư – từ giữa năm 1978 sư phụ tôi đã về Gia Ngư ở, trước đó sư phụ tôi ở nhà dưới 15c Hàm Long). Từ lúc lâm bệnh cho đến khi ra đi, sư phụ tôi không nói được gì. Chiều 07/02/1980, sư phụ tôi về với Tiên Tổ – hưởng thọ 69 tuổi. Tôi không nghĩ là sư phụ tôi linh cảm thấy sự ra đi mà truyền thụ nội công liền mấy năm như vậy cho một số học trò. Tôi nghĩ rằng là do hoàn cảnh cụ thể ở những thời điểm đó. Thực tế là khi sư phụ tôi ra đi nhiều trò không biết để đến vĩnh biệt người. Mà thời đó thông tin lại có nhiều hạn chế.

Xin nói thêm với các bạn, về thời gian tôi không nhớ được chính xác tới tên tháng. Song, sự sai lệch cũng chỉ trong phạm vi 1 - 2 tháng mà thôi. Mong các bạn thông cảm.

2.   Có người hỏi tại sao nội công lại “bất lập văn tự”? Tôi xin được nói rõ hơn: Khi sư phụ tôi bắt đầu truyền nội công cho tôi có dặn: “Anh không được ghi chép lại những điều tôi truyền dậy về nội công cho anh. Đây là điều anh phải nhớ” sư phụ tôi cũng nói: “Bản thân tôi theo lời dặn của cụ Tế Công cũng không ghi chép lại những gì liên quan đến nội công”. Do đó, tuân thủ lời sư phụ, tôi không ghi lại những điều liên quan đến việc truyền dậy nội công mà sư phụ tôi đã truyền dậy cho tôi. Trên thực tế, cũng đúng là không thể ghi lại được. Bởi đó là những cảm nhận rất tinh tế, những cảm nhận bằng tâm trí, bằng giác ngộ, không nói ra bằng lời, chỉ có thể cảm nhận khi được thầy trực tiếp truyền dậy. Kể cả sau này khi tôi truyền lại cho học trò của mình cũng phải như vậy. Tất nhiên nội công không phải là điều gì huyền bí, cao siêu. Đây là một công phu, đòi hỏi sự tập luyện rất công phu, đại công phu. Song cũng phải có cơ duyên mới học được, và nội công chỉ được “truyền trực tiếp từ thầy sang trò”. Trong đó có những điều rất riêng, chỉ khi được dậy mới cảm nhận được mà thôi.

3.   Có người hỏi: như tôi viết thì chỉ cần tập khoảng một năm là đạt được nội công? Điều đó không phải như vậy: Một năm này là quãng thời gian được sư phụ trực tiếp truyền cho. Trước đó đã phải có nhiều năm tập luyện thở, luyện Khí công Vĩnh Xuân quyền, luyện dẫn Tiểu chu Thiên rồi Đại chu Thiên. Nếu không có những thời gian tập luyện này thì cũng không có đủ căn cơ để tiếp nhận nội công mà thầy truyền cho. Đó là chưa nói đến phải luyện được nội lực, luyện được linh giác trong một chừng mực nào đó trước khi đi đến được truyền nội công. Trước khi được chính thức truyền nội công, sư phụ tôi đều kiểm tra việc tập thở của từng người. Chỉ có những ai đạt được yêu cầu cần thiết mới được sư phụ truyền dậy nội công. Và theo môn quy (như sư phụ tôi nói) chỉ những trò được chọn kế nghiệp mới được truyền thụ nội công và những yếu quyết quan trọng kèm theo.

4.   Đối với riêng cá nhân tôi, tôi thấy môn Vĩnh Xuân rất khó. Để tập được, ngoài cơ duyên, sự truyền dậy của thầy, bản thân người tập phải có ý chí, nghị lực rất cao, có tư duy và phải có thời gian để tập luyện. Là một trong số ít học trò được sư phụ chọn để truyền thụ, tôi không thể không thực hiện trách nhiệm truyền dậy lại môn Vĩnh Xuân về những gì mình đã học được, đã ngộ được ra. Thực tế tôi cũng đã và đang truyền dậy. Tuy nhiên hiện nay tôi có rất ít học trò. Tôi cũng có dự định sẽ mở rộng việc truyền dậy. Khi nào có đủ mọi yếu tố cần thiết cho việc mở các lớp mới, tôi sẽ thông báo để những bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân, yêu mến chi nhánh của chúng tôi, muốn đi theo công pháp, kỹ thuật và phương thức tập luyện của chi nhánh chúng tôi, có điều kiện tham gia, có thể đăng ký theo học. Tuy nhiên một điều không thể không nói trước để các bạn thông cảm là không thể nhận được nhiều người cùng một lúc, do số lượng người của mỗi lớp nhận có hạn, số lớp mở không được nhiều (do thời gian). Cho nên, nếu chưa đáp ứng được yêu cầu của các bạn cũng mong các bạn thông cảm.

5.   Vừa qua tôi vẫn nhận được những thông tin có ý kiến không đồng tình với những điều tôi viết trên trang Web của chúng tôi, cho là chưa chính xác, chưa đầy đủ. Tôi xin được nói lại là: tôi đã chú giải rất rõ ràng và trước đó đã viết rất rõ ràng “chỉ viết về một số công pháp và kỹ thuật về quyền thuật Vĩnh Xuân trong nhánh của chúng tôi (Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền) mà tôi đã lĩnh hội được từ sư phụ tôi: cố võ sư Trần Thúc Tiển”. Do đó có thể có những công pháp và kỹ thuật hoặc một số điểm khác không giống hoàn toàn như một số nhánh hay một số võ đường  khác, tôi mong mọi người nhìn nhận phần viết của tôi theo góc độ tôi trình bày. Tôi rất vui lòng tiếp nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp về những vấn đề liên quan trong phạm vi chi nhánh của chúng tôi mà tôi đã viết ra. Nhân đây tôi cũng xin trích dẫn một đọan viết của võ sư Phạm Lê Phú (thuộc dòng Vịnh Xuân của Sư tổ Diệp Vấn trên trang Web: http://www.combatwc.com) mà tôi thấy rằng phù hợp với suy nghĩ của tôi cũng như những điều tôi đã viết ra trong trang Web để các bạn cùng suy ngẫm:

“Thật ra, không có một bằng chứng cụ thể nào để chứng minh rõ ràng về nguồn gốc và xuất xứ của môn võ này. Mà nếu như có thì cũng chỉ là truyền thuyết mà thôi, không có sách sử nào đã ghi chép lại một cách thống nhất để dẹp bỏ đi những tranh luận của đồng môn nói chung và giới yêu chuộng võ thuật nói riêng.  Mãi đến đời con cháu chúng ta hiện nay cũng chẳng làm gì được ngoài việc tôn vinh môn phái, cố gắng tập luyện gìn giữ cái hay, cái đẹp của ông cha ta đã dầy công khổ luyện và truyền lại cho chúng ta. Quyền Vịnh Xuân hiện nay được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên toàn thế giới; các nhánh của môn phái đưa những trang lịch sử với nguồn gốc và xuất xứ khác nhau, hệ thống kỹ thuật cũng có phần dị biệt. Chính vì lẽ đó nên chúng ta không nên tranh cãi nhiều về lịch sử và đưa ra những nhận định riêng của từng cá nhân và cho rằng ai đúng hoặc ai sai. Thôi thì chúng ta hãy cùng nhau cố gắng trau rồi,  luyện tập và áp dụng những gì mình đã học được vào thực chiến”.

Võ học vô bờ. Để hiểu Vĩnh Xuân theo diện rộng, có những nhìn nhận chính xác về chân giá trị của môn Vĩnh Xuân, các bạn cần xem thêm những tài liệu về môn phái Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân) hiện có, xem thêm những thông tin qua các Website của các nhánh Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân). Mong rằng những thông tin trong đó sẽ giúp các bạn làm giàu thêm kiến thức về môn phái Vĩnh Xuân nói chung, cũng như các nhánh Vĩnh Xuân nói riêng.

Trên đây là một số vấn đề tôi xin được trình bày để trả lời chung cho một số ý kiến mà tôi đã tiếp nhận.  Rất cám ơn những tấm lòng, những ý kiến của những môn đồ Vĩnh Xuân, của các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân đã gửi đến cho chúng tôi.

Xuân Ất Dậu, Hà Nội ngày 20/02/2005
Võ sư – Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo