Người chịu 800 đòn đánh trong 2 giờ

(VietNamNet) - Bị 5 người đồ đệ lần lượt “quần” liên tục trong hơn 2 giờ  liền, “lĩnh hội” đủ gần 800 đòn đánh vào ức, sườn, bụng, ngực… với đủ các kiểu, các thế từ đấm, đá, chặt, chém đến cùi trỏ, khủi tay, hích chân… mà võ sư Nguyễn Ngọc Nội vẫn không hề nao núng, suy giảm chút nào.

Rất thanh thản, thoải mái ông nhẹ nhàng mỉm cười và trò chuyện với chúng tôi bên cạnh những âm thanh nghe khá kinh tai và rùng mình. Hết “bốp” đến “uỵch” rồi lại “bịch”, “chát”…
3 năm, 12 đồ đệ và “ăn” 470.000 đòn trong 1250 giờ…
Đó mới chỉ là những con số mà những người chứng kiến tạm tính “sơ sơ”. Thời điểm để tính là vào năm 2002, năm mà võ sư chính thức dậy lại và thực sự bắt tay vào việc truyền bá công phu, võ thuật của chi phái Vĩnh Xuân Nội Gia. Vị võ sư 57 tuổi (sinh năm 1949, tại Thanh Trì, Hà Nội) này trông vẫn còn rất “xuân”, rất “trẻ” dù trên đầu đã điểm đôi ba sợi tóc bạc.
Nhìn dáng vẻ không được “đô con” và “vạm vỡ” cho lắm của ông, không ai lại dám nghĩ ông lại có sức chịu đựng bền bỉ đến kinh ngạc. Trên người chỉ mặc mỗi chiếc áo lót của Trung Quốc, thầy Nội lần lượt chống đỡ chống đỡ hàng tá đòn của 5 người đồ đệ đang ở vào tuổi sung sức và hừng hực sinh khí.
Cứ liên tục, từng người vào một trong suốt quãng thời gian hơn 2 giờ đồng hồ. Chứng kiến buổi tập luyện của thầy Nội và học trò, chúng tôi có cảm giác “sờ sợ” nhưng vẫn kịp nhận thấy, ông còn “dư sức” tiếp thêm vài người nữa.
Sau khi làm lễ chào thầy, người đầu tiên, anh Bùi Tá Hòa bắt đầu tập bài quyền “108” – bài quyền thuật cao cấp với khoảng gần 40 cú chém, chặt, đấm, đánh chưởng vào người thầy Nội. “ Vẫn chưa hết say rượu à? Hôm nay là mười 12, hết tết rồi đấy!”, thầy Nội bình tĩnh, mỉm cười trò chuyện hỏi thăm người đồ đệ sau hơn 20 ngày nghỉ.
Anh Hòa không kịp trả lời, chỉ cười đáp lại và tiếp tục tung ra những đòn khá nặng tay vào ngực, ức và bụng của thầy Nội. Thầy vẫn không hề hấn gì. Tiếp tục, thêm 2 người đồ đệ nhỏ nhất vào tập với thầy Nội, vẫn là bài quyền “108”, vẫn những đòn chí mạng vào những chỗ hiểm ác trên khắp phần phía trước từ thắt lưng đến cổ của thầy Nội nhưng vẫn không gây ra khó khăn gì cho thầy. Ngược lại, thầy còn rất thoải mái để ý đến từng động tác ra đòn, di chuyển của người đệ tử: “Tay trái sai rồi nhé, phải chuẩn bị để đỡ đòn phản công của đối phương chứ…”.
Võ sư Nội cùng đồ đệ nhiều tuổi nhất.
Một cú đánh phản công được thầy xuất chiêu vào thẳng vào “trấn thuỷ” người đồ đệ. Người cuối cùng giao đấu với thầy cũng là người đồ đệ thứ nhất – anh Trần Thanh Ngọc. Trong số các đệ tử của thầy, anh là người có thời gian bên cạnh thầy dài nhất và cũng là người có nội lực mạnh hơn cả. Thầy Nội, dù đã truyền dạy liên tục cho 4 người đệ tử trước đó, vẫn ung dung tiếp nhận những cú đánh được coi là nặng ký nhất trong buổi tập ngày hôm nay.
“Bịch”- một gối  vào sườn trái, rồi sườn phải và một cơ số cú đấm, cùi trỏ, huých khuỷu tay với nội lực khá mạnh được Ngọc tung ra. Dù đã rất cố gắng và miệt mài tập luyện, Ngọc cũng giống như 4 người trước đó, làm lễ vái chào thấy và ra ngồi thở hổn hển. Không hề thấy đau, thấy mệt, thầy Nội đi đến chỗ các đệ tử và lên tiếng: “Hôm nay là buổi tập đầu tiên sau Tết nên mọi người có vẻ mệt. Tập luyện một hai buổi nũa là trở lại bình thường”.
Khi chúng tôi đề nghị thầy cởi bỏ chiếc áo ngoài ra thì ai cũng phải mở to mắt ngạc nhiên: ngực, bụng không hề bị xưng tấy, chỉ bị hơi hơi đỏ. “Đấy là hiệu ứng của sự va chấn và sẽ nhanh chóng biến mất sau khi thôi dậy”, Ngọc giải thích. “Chắc phải tập 10 năm nữa thì nội công của tôi mới bằng 1/5 của thầy!”.  
Một tuần có 7 ngày thì có đến 4 thậm chí là 5 ngày, Căn phòng tập luyện chỉ rộng chừng 20 m2 và trông có vẻ tồi tàn, cũ kỹ tại phố Hồng Phúc lại đều đều vang lên những tiếng đấm đá bồm bộp như vậy. Nhiều người đi qua còn tưởng trong nhà này đang xảy ra đánh nhau. Về sau mới vỡ lẽ, thầy Nội đang truyền dạy công phu cho các đệ tử.
Thầy Nội giải thích: “ Nguyên tắc truyền dạy nội công của chi phái Vĩnh Xuân Nội Gia là “bất lập văn tự” tức là không thể ghi chép được mà phải truyền trực tiếp từ thầy sang trò”. Thông qua tập luyện với người thầy, người học trò sẽ cảm nhận được tinh hoa, tuyệt kỹ của môn phái. “Đó là những cảm nhận rất tinh tế, cảm nhận bằng tâm trí, bằng giác ngộ, không nói ra được bằng lời và chỉ có thể lĩnh hội được khi được người thầy trực tiếp dậy…”.
Người cố sư phụ đáng kính và những năm tháng không thể quên         
Bài học đầu tiên thầy Nội truyền dạy cho các đệ tử chính lại là tiêu chuẩn để chọn đồ đệ để truyền dạy võ công. Vĩnh Xuân Nội Gia là một phái võ mang tính đạo, tính tâm linh rất cao. Đây là một môn võ đòi hỏi sự tập luyện rất công phu nhưng số lượng các bài quyền lại không nhiều.
Người muốn theo học môn phái Vĩnh Xuân ngoài việc cần có một niềm tin rất cao, một sự tư duy và kiên trì, cần mẫn tập luyện thì cần phải có yếu tố nữa là  “cơ duyên”. Theo như ông giải thích thì “cơ duyên” tự nó đến, tự nó xuất hiện, không ai có thể dự đoán được nó xuất hiện lúc nào. Cơ duyên của ông đến cũng thật lạ. Một lần tình cờ, ông được nghe về môn phái Vĩnh Xuân và những khả năng kỳ diệu của nó. Háo hức, thấy kỳ lạ, ông xin đến xem thực hư thế nào. Ông cũng không ngờ rằng, hôm ấy cũng là ngày gia nhập môn phái.
Sau khi được cố võ sư Trần Thúc Tiển (đệ tử chân truyền của Sư tổ môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam - Nguyễn Tế Công) thu nhận, thầy Nội đã miệt mài tập luyện, bất kể ngày đêm. Cố võ sư Trần Thúc Tiển lại là một người thầy rất nghiêm khắc và nhất quán. Thầy luôn hành động theo đúng những gì mà Sư tổ Vịnh Xuân Việt Nam đã truyền lại. Bí  kíp “nội công” của môn phái không phải truyền cho tất cả các đồ đệ.
“Chỉ những đệ tử nào được chọn kế nghiệp mới được truyền thụ nội công và những yếu quyết quan trọng kèm theo…”. Bởi thế, trong suốt quãng thời gian hơn 3 năm từ khi thầy Nội bắt đầu luyện tập cho đến lúc được sư phụ truyền dạy bí kíp môn phái thì cũng là một chặng đường đầy gian nan, vất vả. Đấy cũng lại là một “cơ duyên” vì trong số hàng trăm đệ tử của võ sư Tiển khi đó, chỉ có 5 người được truyền bí kíp. Những ngày đầu, ông phải tập liên tục và tập rất cẩn thận các chiêu thức cơ bản ban đầu như tập thả lỏng cơ thể rồi tiếp đến mới tập luyện thở, luyện khí công, luyện quyền….
Riêng phần luyện thở cũng đã mất quãng thời gian khá dài. Khi đó, thầy Nội hay được sư phụ dẫn ra bờ Hồ Hoàn Kiếm, ngồi trên ghế tựa bằng bêtông luyện thở. Ngoài việc được truyền dạy “nội công”, luyện linh giác, chỉ dạy luyện quyền, ông còn được nghe sư phụ kể chuyện về lịch sử môn phái, Sư tổ, về chuyện học và truyền dạy võ công của sư phụ. Nhưng quan trọng nhất có lẽ là những lý giải về công pháp và kỹ thuật, những yếu quyết, yếu lĩnh cũng như những điều căn bản nhất của môn phái…
“Đó thực sự là chiếc chìa khóa để tôi đi sâu vào bản chất, cảm nhận được sự tinh hoa, chiều sâu của môn phái”, thầy Nội tâm sự. Ông còn nhớ những lời truyền dạy của sư phụ và ghi lại được những phần lý giải của thầy, lịch sử môn phái, tư liệu về sư tổ. Ghi “để nhớ” và “sau này còn biết mà luyện tập và truyền dạy”. Đối với những điều dạy về nội công, thì lại không ghi chép lại được. “Đây là những điều phải nhớ”.
Vĩnh Xuân - mùa xuân liệu có vĩnh viễn…
Bị 800 đòn liền vẫn không hề hấn gì.
Thầy Nội cho biết, môn phái Vĩnh Xuân có nghĩa là một phái võ của mùa xuân. Vĩnh Xuân mang đến cho người tập sự tươi trẻ, nhẹ nhàng, đằm thắm, quyến rũ mà cũng tràn đầy sinh lực. Ở Việt Nam, tính từ thời Sư tổ Tế Công đến nay thì đã đến thế hệ thứ tư được truyền dạy. Hiện tại, ở Hà Nội tồn tại 3 chi nhánh và một số câu lạc bộ truyền dạy Vĩnh Xuân. Môn phái đã và đang được phát triển.
Tuy vậy, môn Vĩnh Xuân vẫn là một môn có nhiều điều còn chưa được khám phá hết. Ví như người ta vẫn hay nhầm lẫn “nội công” - tinh hoa của môn phái với nội lực. Trong khi, “nội lực chỉ là khả năng công phá của đòn đánh thì nội công Vĩnh Xuân là khả năng chịu đựng sự va chấn, các đòn đánh vào cơ thể mà không phải cố gắng nhiều” như thầy Nội cho biết.
Ông giải thích: “các bài quyền của Vĩnh Xuân không thiên về sức mạnh cơ bắp mà khả năng ra đòn, phát lực phụ thuộc vào sự kiên trì tập luyện theo những quy tắc của môn và công phu luyện khí của người tập. Môn Vĩnh Xuân không phù hợp với những người ưa sức mạnh cơ bắp. Nó cũng không phải là một môn võ phô diễn sự thành đạt mà chỉ để tự vệ và trong các bài tập hàm chứa công phu dưỡng sinh rất cao”.
Chính vì thế, từ trước đến giờ, chưa bao giờ thầy Nội giao đấu với các võ sư hoặc đệ tử của môn phái khác. “Người bình thường thì tôi sẵn sàng cho thử nội công còn giao đấu để phân định hơn kém thì tôi không bao giờ. Biển võ là vô bờ bến và đó là đi ngược lại với tính “đạo” của môn phái”. Ông vẫn còn băn khoăn vì chưa hoàn thành trọn vẹn chữ “đạo” này. “Đạo” của môn phái cũng có nghĩa là “đạo” của người thầy. 
“Người thầy cần phải có trách nhiệm tìm đồ đệ có tâm, có đức, hết lòng vì môn phái để truyền dạy tuyệt kỹ của môn phái. Nếu thầy mà không dạy đúng các yêu cầu của môn quy thì có nghĩa là người thầy không hoàn thành trách nhiệm với các sư tổ, với môn phái''.
Nguyễn Quốc Việt An
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo