Chuyện về Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam và cơ duyên của Cố võ sư Trần Thúc Tiển

Vào những năm 1940, nhà cố võ sư Trần Thúc Tiển ở 38 Gia Ngư.  Vào các buổi chiều, cố võ sư có thời gian thường mang ghế ra ngồi ở trước cửa. Thời đó phố xá vắng vẻ, hè phố Gia Ngư rộng rãi. Qua những lúc ngồi ở cửa, cố võ sư Trần Thúc Tiển thường thấy một ông già người Tàu cao gầy, một tay cắp cái mẹt trên đựng quẩy, bánh gối, tương ớt, dấm, còn tay kia cắp một cái giá gấp đi bán rong từ phía chợ Hàng Bè lại. Vào một buổi chiều, cố võ sư Trần Thúc Tiển đang ngồi thì thấy hai người lính lê dương to cao đi từ phố Đinh Liệt (bây giờ) lại. Bộ dạng hai người lính như đang say, dáng đi chếnh choáng. Cùng lúc đó, ông già người Tàu đó cũng đi trên hè với hướng ngược lại hai người lính. Lúc giáp nhau, vô tình cứ ông già Tàu tránh sang bên này, thì hai người lính tránh về bên đó. Sau hai ba lần như vậy, một trong hai người lính có vẻ tức tối, vung nắm đấm, đấm vào người ông già. Cố võ sư Trần Thúc Tiển thấy ông già không tránh và cũng không buông mẹt và giá đỡ ra để đỡ. Cố võ sư Trần Thúc Tiển thấy người lính đấm vào ngực ông già. Và thật lạ, người lính kia bắn ngược lại khoảng 2m, lăn ra vỉa hè (gần cống). Người lính thứ hai thấy bạn mình bị ngã, tưởng bị ông già kia đánh, mới tung cú đấm rất mạnh vào người ông già. Và lại giống như bạn mình, người lính này bị bắn ngược lại còn văng xa hơn người kia, lăn xuống hẳn rãnh cống. Trong khi đó, ông già người Tàu vẫn đứng yên. Hai người lính lồm cồm bò dậy (chắc vì ngượng) dẫn nhau bỏ đi. Tận mắt chứng kiến sự việc đó, cố võ sư Trần Thúc Tiển đã nghĩ đến đây là một ông già Tàu rất giỏi võ. Sau đó, cố võ sư đã để tâm tìm hiểu lai lịch, chỗ ở của ông già Tàu. Và rồi một hôm, cố võ sư đã tìm đến nơi ông già Tàu ở để xin theo học. Có thể bằng nhỡn quan của một Đại sư, với sự từng trải, ông già Tàu (lúc đó đã trên 60 tuổi), đã nhìn thấy cơ duyên ở người học trò nhỏ bé này, và đã nhận lời. Từ đó cố võ sư Trần Thúc Tiển đã theo học ông già Tàu, và đây chính là Đại sư Nguyễn Tế Công. Sau này Đại sư Nguyễn Tế Công đã trở thành Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam. Cố võ sư đã được Sư tổ Nguyễn Tế Công chữa cho khỏi bệnh lao và truyền dạy cho tinh túy của môn Vĩnh Xuân với nội công thâm hậu, quyền thuật cao thâm.

(Ghi theo lời kể của ông Phạm Xuân Cường - một học trò gần gũi và rất được yêu quý của cố võ sư Trần Thúc Tiển ở những năm 1958 và 1959. Ông đã được chính cố võ sư Trần Thúc Tiển kể lại câu chuyện này. Trước khi bài viết được giới thiệu trên trang Web của chúng tôi, đã được ông Phạm Xuân Cường xem lại. Ông Phạm Xuân Cường là em ruột của cựu vô địch quyền anh, bác sĩ Phạm Xuân Nhàn.  Ông Nhàn là người đã giới thiệu ông Cường lên học trên cố võ sư Trần Thúc Tiển thời bấy giờ. VXNGQ).
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo