Thư ngỏ thứ 5 của võ sư Nguyễn Ngọc Nội: Đôi điều trao đổi về hệ thống quyền thuật của võ đường

Vừa qua tôi có tiếp nhận một số ý kiến của các bạn yêu quý chi nhánh và Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi. Qua thư ngỏ này, tôi xin được trả lời chung về mấy điều các bạn hỏi như sau:

  1. Tại sao chương trình cơ bản của Võ đường lại dài những 2 năm? Sẽ đạt được kết quả gì sau khi tập xong chương trình cơ bản?
  2. Để học được nội công phải có những điều kiện gì? Các bước luyện tập ra sao? Sự liên quan giữa thở và nội công như thế nào?
  3. Tầm Kiều và Tiêu Chỉ mà một số võ đường Vĩnh Xuân ở Việt Nam đang tập có phải được truyền từ Sư tổ Nguyễn Tế Công không? Cố võ sư Trần Thúc Tiển có dạy Tầm Kiều và Tiêu Chỉ không? Tầm Kiều và Tiêu Chỉ có gì giống và khác với hệ thống công pháp và kỹ thuật của Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia Quyền?
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn những tình cảm các bạn đã giành cho chúng tôi.  Điều đó cũng đã thúc đẩy chúng tôi phải cố gắng hơn nữa trong nhiều mặt để xứng đáng với lòng tin yêu của các bạn.  Trên thực tế, về một số ý trong thắc mắc của các bạn, tôi đã viết rõ trong website này và một số bài đăng báo.  Song, với các thắc mắc trên, tôi cũng xin được trả lời như sau:
  1. Vĩnh Xuân là một môn Nội gia - Nhu quyền, lấy cận chiến làm phương châm chủ yếu trong tập luyện.  Với cận chiến không thể học đòn nào sử dụng đòn đó, mà phải trải qua một thời gian luyện tập, thông qua các công phu cơ bản, xây dựng nên kỹ năng giao đấu. Do đó không chỉ vài tháng, một năm có thể tạo dựng được các kỹ năng thủ - công trong giao đấu cận chiến. Một điều tưởng như đơn giản là tập lỏng mềm, song cũng phải tập luyện không ít tháng mới đạt được yêu cầu. Vì vậy với thời gian khoảng 2 năm, các yếu tố cần thiết trong quyền thuật  Vĩnh Xuân Nội gia được hình thành và giúp cho việc giao đấu được hiệu quả.
  2. Nội công trong Vĩnh Xuân Nội gia là công phu cao nhất.  Để đạt được nội công, môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia phải đạt được những công phu về quyền thuật (như phải tập tốt hệ thống bài 108, phải có được nội lực nhất định...). Khi đó mới hội tụ được những yếu tố làm nền tảng cho việc đón nhận nội công mà người thầy truyền cho.  Nội công là công phu chỉ được truyền trực tiếp từ thầy sang trò.  Và theo môn quy, nội công chỉ được truyền cho những người trò được chọn để kế nghiệp.  Thở là một phương pháp quan trọng trong xây dựng các nền tảng cần thiết để có thể đủ căn cơ đón nhận việc truyền nội công của thầy.
  3. Việc các bạn hỏi Tầm Kiều và Tiêu Chỉ mà một số võ đường Vĩnh Xuân ở Việt Nam đang tập có phải từ Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền dậy lại không, tôi không có đủ cơ sở và hiểu biết để trả lời câu hỏi này. Song về chi nhánh Vĩnh Xuân của sư phụ tôi (Cố võ sư Trần Thúc Tiển) thì tôi có thể khẳng định là sư phụ tôi không dậy Tầm Kiều và Tiêu Chỉ. Trong hệ thống công pháp và kỹ thuật của chi nhánh chúng tôi không có hai bài này. Trong suốt thời gian theo thầy học đạo, kể cả những năm, tháng sau cùng trong cuộc đời của sư phụ tôi, tôi được sư phụ truyền dậy cho những yếu quyết quan trọng của bản môn, tôi cũng chưa bao giờ thấy sư phụ tôi nhắc đến tên 2 bài này. Tôi cũng đã viết rất rõ từ lâu, qua nhiều bài viết về hệ thống công pháp và kỹ thuật của chi nhánh chúng tôi. Chỉ sau năm 1980, qua tìm hiểu công phu Vĩnh Xuân của Hồng Công và Trung Quốc, tôi mới biết đến 2 bài quyền này. Tôi cũng nhận thấy đây là 2 bài quyền quan trọng trong hệ thống công pháp và kỹ thuật của các nhánh Vĩnh Xuân nước ngoài, và là những bài luyện quyền rất công phu. Về hình thể, cũng có bài có những nét giống với các bài luyện quyền trong hệ thống công pháp và kỹ thuật của chi nhánh chúng tôi (như Thủ Đầu Quyền với Tiểu Niệm Đầu), song đây là hai bài có kèm luyện chân và thân, và có những nét rất riêng. Về bản chất sâu xa của 2 bài quyền này, tôi chưa hiểu biết, nên không có được các đánh giá cụ thể, ngoài những nhận xét ở trên. Các bạn có thể tìm hiểu sâu hơn qua các tài liệu (sách báo, phim ảnh...) hiện có hoặc hỏi trực tiếp những võ đường có dậy 2 bài này.
Mỗi môn phái, mỗi nhánh trong một môn phái đều có những nét đặc sắc riêng. Chính điều này đã làm cho kho tàng võ học của loài ngừơi thêm phong phú, sâu sắc và hòan thiện hơn.  mỗi người nên tìm cho mình một môn võ thích hợp với hòan cảnh mọi mặt của bản thân và chuyên cần luyện tập theo đó. Chắc chắn bạn sẽ đạt được những thành tựu nhất định.  Mong sao cho các bạn yêu quý võ sẽ tìm được cho mình môn võ như ý.
Những điều tôi trả lời, nếu chưa làm hài lòng các bạn, cũng mong các bạn thông cảm.
Xin chân thành cảm ơn các bạn. Chúc các bạn luôn hạnh phúc và thành đạt.
Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2005
Chủ nhiệm, Võ sư trưởng Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo