Một số điều nói rõ thêm về lịch sử Vĩnh Xuân Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, tôi có tiếp nhận ý kiến của một số môn đệ Vĩnh Xuân về thời gian học Vĩnh Xuân của một số học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công. Tuy có những ý kiến khác nhau, song trên cơ sở các hiểu biết và suy nghĩ của tôi, cũng như sự tham gia góp ý tôi tiếp nhận được, tôi cũng xin được bổ sung thêm một số ý như sau:

  1. Trong phần viết "Khái lược về Vĩnh Xuân Phật gia và Vĩnh Xuân Việt Nam" tôi đã viết: 
    "Sau này khi vào trong Nam, Sư tổ cũng dậy cho các ông Nguyễn Bá Khả (là Bộ trưởng Bộ Y tế chế độ cũ thời đó), giáo sư đại học kiến trúc Đỗ Bá Vinh v.v. Song ở ngoài Bắc, cho đến trước khi Sư tổ vào Nam (năm 1954) chỉ có một số ít học trò được coi là lớp trò kế vị của Người (xem ảnh Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam Nguyễn Tế Công và các học trò của Người). Sau năm 1954, Sư tổ có dậy cho một số học trò trong Nam (như ông Nguyễn Duy Hải tức Hổ Hải Long, ông Đỗ Bá Vinh, ông Lục Viễn Khải...). Song do Người mất sớm, thời gian truyền dậy còn ngắn (khoảng 4 năm) nên việc truyền dậy chưa được nhiều".
     
    Nay tôi xin được sửa như sau (đã được đưa vào trong bài): 
    Ở ngoài Bắc, cho đến trước khi Sư tổ vào Nam (năm 1954) chỉ có một số ít học trò được coi là lớp trò kế vị của Người (xem ảnh Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam Nguyễn Tế Công và các học trò của Người). Sau năm 1954, ở trong Nam, Sư tổ tiếp tục dậy cho một số học trò cũ từ ngoài Bắc theo Sư tổ vào Nam như ông Nguyễn Duy Hải (tức Hổ Hải Long), ông giáo sư đại học kiến trúc Đỗ Bá Vinh, ông Nguyễn Bá Khả (Sau là bộ trưởng y tế chế độ cũ thời đó)...Ngoài ra Sư tổ còn thu nhận một số học trò mới (như ông Lục Viễn Khai...). Sư tổ sống trong Nam được 5 năm thì mất." 
    Trong phần "Sự kiện", tôi đã viết: 
  2. Cuối năm 1954, Sư tổ Nguyễn Tế Công cùng gia đình vào Nam. Trong Nam, Người có thu nhận một số học trò. Và sau này, cũng có người đã mở lớp dậy môn Vĩnh Xuân như võ sư Hồ Hải Long (tên thật là Nguyễn Duy Hải). 
    Nay tôi xin được sửa như sau (đã được đưa vào trong bài): 
    Cuối năm 1954, Sư tổ Nguyễn Tế Công cùng gia đình vào Nam. Trong Nam, Người tiếp tục dậy cho một số học trò cũ từ ngoài Bắc theo vào, và thu nhận thêm một số học trò mới. Sau khi Sư tổ quy tiên, một số học trò của Sư tổ ở trong đó đã mở lớp truyền dậy môn Vĩnh Xuân (như cố võ sư Hồ Hải Long, cố võ sư Lục Viễn Khai...)
  3. Rất cảm ơn ý kiến đóng góp của các vị môn đệ Vĩnh Xuân, cũng như các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân. Như tôi đã viết: "chúng ta hiện nay (và các lớp kế thừa của chúng ta) phải có trách nhiệm cùng nhau hoàn chỉnh lại lịch sử môn phái một cách chính xác nhất và thống nhất nhất."  Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy là lịch sử của môn phái nói chung và của các nhánh, các chi nhánh nói riêng, vẫn còn có những điều khó thống nhất, khó có và không có cơ sở để xác định tính chính xác. Tôi đơn cử như trong cùng một chi nhánh, cùng một thầy, nhưng khi dậy trò thì người gọi là Vĩnh Xuân người gọi là Vịnh Xuân, v.v. và v.v..  Tôi đã viết bài  trình bày rõ quan điểm của tôi về vấn đề lịch sử nói chung (Qua thư ngỏ trước đây và bài đăng trên tạp chí Ngày Nay). Những điều tôi đã viết liên quan đến lịch sử đều xuất phát từ những gì được sư phụ tôi kể lại, từ những tìm hiểu qua tài liệu chính thức, qua các lời kể khác (mà bản thân tôi đã có kiểm chứng). Tuy nhiên còn có những giới hạn mà tôi chưa tìm hiểu được và không thể tìm hiểu (như đôi điều tôi nói ở trên). Rất mong các bậc cao niên, các đồng môn, và các bạn thông cảm, lượng thứ.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn các ý kiến của các quý vị đã gửi cho chúng tôi, cũng như các tình cảm của các quý vị giành cho môn phái Vĩnh Xuân, cho Vĩnh Xuân Việt Nam, và cho chi nhánh của chúng tôi.
Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2005
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng võ đường VNVXNGQ
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo