Về phương pháp tập thở cơ bản ban đầu của Vĩnh Xuân Nội gia

Trong thời gian qua, có một số bạn quí mến chi nhánh Vĩnh Xuân Nội gia Quyền hỏi chúng tôi về phương pháp thở. Như các bạn đã biết với Vĩnh Xuân Nội gia chúng tôi, một trong những trọng tâm trong công pháp và quyền thuật là luyện thở. Qua ý kiến của các bạn, được sư phụ cho phép, hôm nay tôi xin trao đổi với các bạn phương pháp tập thở cơ bản ban đầu của chúng tôi, hy vọng có thể giúp các bạn hiểu thêm về chi phái chúng tôi cũng như giúp thêm phần nào các bạn trong và ngoài võ đường trên con đường tập luyện môn Vĩnh Xuân, và trong cả tập luyện dưỡng sinh, giữ gìn sức khỏe, nâng cao khả năng, sức đề kháng của cơ thể.

Như mọi phương pháp tập thở, điều đầu tiên là phải tập điều thân. Điều thân là luyện tư thế tập thở. Chúng ta đã biết có nhiều tư thế tập thở như đứng, ngồi, nằm ...Với Vĩnh Xuân Nội gia, chúng tôi đặt trọng tâm vào tư thế ngồi để luyện thở. Trong đó chú trọng đến ngồi bán già và kiết già. Ngồi bán già chỉ là giai đọan ban đầu, khi người tập chưa ngồi được kiết già. Kiết già là tư thế ngồi tập luyện thở tốt nhất. Đây là cách thức ngồi của Phật, của nhà Phật để tập thở và luyện thiền. Cách ngồi này tạo ra một tư thế vững vàng, bình ổn và tạo ra khả năng hấp thụ khí của trời đất cao nhất, hiệu quả nhất. Ngoài mồm và mũi là hai cửa ngõ ra vào của khí (2 trung tâm thu khí), người tập thở còn hấp thu khí trời đất qua các trung tâm khác là: huyệt Bách hội (trên đỉnh đầu), hai lòng bàn tay (huyệt Lao cung), hai lòng bàn chân (huyệt Dũng tuyền) và huyệt Hội âm (gần hậu môn). Trong tư thế kiết già,  tay có thể được đặt theo 2 cách:  i - có thể theo cách hai tay đan các ngón vào nhau sao cho 2 đầu ngón cái chạm nhau, lòng bàn tay đặt ngửa  trên hai gót chân, trước bụng dưới; Hoặc, ii - theo cách hai tay để ngửa trên hai đầu gối, đầu ngón cái và ngón trỏ chạm nhau, tạo thành một vòng tròn, các ngón khác duỗi tự nhiên. Tư thế này còn được gọi là thế ngồi "Ngũ Tâm Hướng Thiên" vì khi luyện trong tư thế này, khí của trời không chỉ qua miệng và mũi, mà còn được hấp thu qua 5/6 trung tâm thu khí khác (qua đỉnh đầu, 2 lòng bàn tay, 2 lòng bàn chân). Và lúc này, huyệt Hội âm tiếp giáp đất, cũng thu khi của đất (Lúc đứng, khí của đất được thu qua 2 lòng bàn chân). Trong tư thế này, chúng ta phải thả lỏng được toàn thân, không để một bộ phận nào, một điểm nào trên cơ thể bị co cứng, có thế mới hấp thu khí vào trong người tốt nhất. Do vậy, thế ngồi kiết già là thế để tập luyện thở tốt nhất, hiệu quả cao nhất.
Khi đã ngồi bình ổn, ta tiến hành tập thở. Việc tập ngồi kiết già và tập thở  nên tiến hành đồng thời, không nhất thiết phải ngồi tốt rồi mới tập thở. Phương pháp thở cơ bản ban đầu của Vĩnh Xuân Nội gia là thở hai hơi (hai kỳ):  ta hít khí nhẹ nhàng qua mũi (lúc này miệng khẽ ngậm), đưa khí vòng qua cổ xuống thẳng bụng dưới tại Đan điền (điểm bên trong bụng, cách dưới rốn khoảng 2 cm), lúc này bụng dưới từ từ phồng ra. Sau đó từ Đan điền, ta lại đưa khí ngược lên trên (theo con đướng khí đã vào) và qua mũi ra ngoài (thở ra), lúc này bụng dưới từ từ xẹp lại. Sau đó lại hít vào thở ra như đã làm. Điều quan trọng trong tập thở là phải đạt được thở ÊM, NHẸ, ĐỀU (thời gian hít vào bằng thời gian thở ra), và xuống tới ĐAN ĐIỀN. Việc tưởng như đơn giản, song để đạt được các yêu cầu như vậy trong quá trình tập thở, đối với chúng tôi, đây là một công phu. Để đạt được những kết quả qua tập thở, điều tốt nhất là kiên trì tập theo đúng những điều đã trình bày ở trên. Ngoài ra, một điều quan trọng cần lưu ý các bạn là, sau khi tập thở xong, bạn không được đứng dậy ngay vì điều đó không tốt cho cơ thể, mà phải đảo lại tư thế ngồi: tức đảo chân trên dưới. Nếu lúc thở bạn đưa chân phải lên trước (trong thế kiết già), thì sau khi thở xong, bạn đưa chân trái lên trước. Giữ tư thế mới đảo đó, bạn tĩnh tâm độ 5 phút, sau đó đứng dậy hoạt động bình thường (Đây được gọi là thời gian "xả thiền").
Hy vọng phương pháp được trình bày ở trên có thể giúp phần nào các bạn hiểu thêm về hệ thống công pháp và kỹ thuật trong VXNGQ, cũng như có ích cho việc tập luyện của các bạn. Cũng xin cảm ơn vì tình cảm các bạn đã giành cho chúng tôi./.
Hà Nội, ngày 21/11/2005
Trần Thanh Ngọc, Trưởng tràng Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo