Đôi nét trao đổi về nội công trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia

Sau khi trang web của chúng tôi ra mắt, và nhất là sau khi thầy trò chúng tôi biểu diễn nội công qua chuyên mục "Chuyện lạ Việt Nam" trên VTV3, Đài THVN, đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này mà trong các bài viết trước tôi đã nói tới. Rất nhiều người quan tâm đã hỏi trực tiếp tôi về nội công, và có người còn đặt vấn đề xin học riêng nội công mà không học quyền thuật. Tôi thấy đây là một vấn đề cũng muốn trao đổi rộng để mọi người hiểu thêm.

Đúng là trong Vĩnh Xuân Nội gia, nội công là một tuyệt kỹ, một công phu cao nhất. Song các bạn nên hiểu rằng dù là cao nhất, nội công cũng là một phần trong hệ thống quyền thuật  Vĩnh Xuân Nội gia. Có chăng nội công chỉ để truyền cho những đệ tử kế nghiệp mà thôi.
Trên thực tế, khả năng chịu đòn chỉ là một mặt thể hiện của nội công. Trong quá trình được truyền dạy nội công, môn đồ được nâng cao nhiều mặt, trên nhiều phương diện trong thực thi quyền thuật. Và khi thành đạt nội công, nhiều lĩnh vực cũng được hội tụ dần và đồng thời. Nội công được truyền dậy thành không phải để rồi bạ ai cũng cho đánh, mà trước hết, đó là một công phu của môn phái nằm trong hệ thống quyền thuật, đồng thời còn được dùng để truyền dậy công phu bản môn cho các thế hệ sau với tính chất là giúp cho trò tinh tiến trong quá trình luyện tập. Đây cũng là một trách nhiệm với môn phái của người được truyền dậy nội công: phải để cho trò đánh vào người khi dậy các bài quyền cao cấp 108 (tại chỗ và tiến lùi). Tất nhiên việc để trò đánh cũng còn phụ thuộc nhiều vào khả năng hiện tại và quá trình tiến bộ của trò, đồng thời cũng còn phụ thuộc vào khả năng được truyền dậy của người thầy.
Qua đây các bạn nên hiểu rằng: nội công là một công phu trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia và để tập được, môn đồ cũng phải tập luyện được nhiều mặt trước đó (Vấn đề này tôi đã đề cập ở một số bài viết trước).
Trên thực tế cũng có rất nhiều các môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia rất giỏi quyền thuật mà không có nội công. Trong giao đấu, điều quan trọng bậc nhất là không để đối thủ đánh vào người. Chính vì thế mà có câu "Giữ được mình tức là thắng được người". Đâu phải lúc nào cũng giơ người cho đối thủ đánh. Tuy nhiên, trong những tình huống nhất định, có thể ta để cho đối thủ đánh vào người ta để đồng thời ta đánh vào người đối thủ, ta không sao mà đối thủ bị phạm.
Với đôi điều trao đổi như trên, tôi nghĩ các bạn đến với Vĩnh Xuân Nội gia, điều đầu tiên là tuân thủ quy trình đào tạo, phấn đầu thực hiện tốt các bài tập luyện. Mọi điều sẽ do cơ duyên dẫn dắt. Các sư tổ chắc chắn sẽ không để những môn đồ chân thành, tâm thiện, một lòng say mê luyện tập lại không được đi đến cùng. Và mọi công phu của môn phái mà các sư tổ đã dầy công nghiên cứu, sáng tạo ra, lưu truyền lại sẽ mãi mãi còn với hậu thế.
Nhân viết bài này, tôi xin phép được thay mặt anh Nguyễn Chí Thành (Con trai Sư tổ Nguyễn Tế Công) cảm ơn một số huynh đệ đã cho trò của mình đến thăm viếng mộ Sư tổ, như học trò của VS Phan Dương Bình và một vài người nữa mà tôi không biết tên. Mong rằng những nén hương tâm thành của hậu duệ chúng ta sẽ làm ấm áp hương hồn Sư tổ nơi chín suối. 
Nhân dịp này xin chúc các bạn và gia đình một năm mới an khang thịnh vượng. Chân thành cảm ơn những tình cảm của các bạn đã giành cho Vĩnh Xuân Nội gia.
Hà Nội, ngày 15/12/2005
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng võ đường VNVXNGQ
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo