Đôi điều trao đổi về tính dưỡng sinh trong Vĩnh Xuân Nội gia

Đã có nhiều người nói đến môn Vĩnh Xuân chữa được bệnh hoặc thích hợp với chữa bệnh này, bệnh khác. Cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện cũng đã bỏ thời gian theo học và tìm hiểu môn Vĩnh Xuân. Và đã có một số bài, sách viết liên quan đến tính dưỡng sinh của môn Vĩnh Xuân. Trên thực tế, sư phụ tôi - cố võ sư Trần Thúc Tiển đã từ một người mắc bệnh thuộc loại 'tứ chứng nan y' thời đó, song qua luyện tập đã khỏi bệnh và còn luyện được võ công thượng thừa của môn phái Vĩnh Xuân. Học trò của Người - chị Nguyễn Thị Bích Vân - phải về mất sức lao động khi mới ngoài 30 tuổi, song dưới sự dạy bảo của sư phụ, duy trì tập luyện đến nay vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, khiến khó ai có thể nghĩ rằng chị đã  65 tuổi. Rất nhiều trường hợp khác cũng đã được thừa hưởng tính dưỡng sinh cao qua tập luyện môn Vĩnh Xuân. 

Rõ ràng, chưa nói đến tính tự vệ (tính võ) của môn Vĩnh Xuân được rất nhiều người hâm mộ, nói riêng về tính dưỡng sinh, Vĩnh Xuân đã rất hữu hiệu.
Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, khi truyền đạo cho các môn đồ ở chùa Thiếu Lâm, thấy  nhiều người không đủ sức khỏe để ngồi tu lluyện thiền, Người đã sáng chế ra nhiều bài tập luyện vận đông có tính tăng cường nội lực cho cơ thể rất cao, qua đó nâng cao sức khỏe, khả năng chịu đựng, giúp họ tu hành. Đồng thời còn giúp cho các môn đồ khả năng bảo vệ mình trước các hung hiểm như chống lại cướp, giặc, chống lại thú dữ... Chính từ các bài tập luyện này đã hình thành nên võ công Thiếu Lâm. Và võ công Thiếu Lâm đã trở thành ngôi sao Bắc Đẩu trong võ lâm Trung Hoa, là khởi nguồn của nhiều môn phái võ sau này.
Như vậy ta có thể thấy tính dưỡng sinh (tăng cường sức khỏe, phục hồi sức khỏe, chữa bệnh) trong võ thuật rất cao, sau đó là khả năng tự vệ. Đây chính là tính Phật trong võ.
Vĩnh Xuân cũng là một môn võ bắt nguồn từ Thiếu Lâm, do đó đã thừa hưởng sâu sắc tính Phật, thể hiện trong hệ thống công pháp của mình. Vĩnh Xuân Nội gia là một bộ phận của môn phái Vĩnh Xuân Phật gia, cũng mang tính Phật sâu sắc trong quyền thuật, giúp người tập vừa có khả năng tự vệ cao, vừa nâng cao sức khỏe, chiến thắng ốm đau bệnh tật.
Đối với con người chúng ta, tôi thiết nghĩ có ít người hòan hảo thực sự về sức khỏe (từ các mặt bên trong cơ thể đến các khả năng thích ứng của con người trong mọi hoàn cảnh). Hầu như ai cũng có khiếm khuyết nhât định nào đó trong con người. Những khiếm khuyết này phải hiểu theo nghĩa rộng về khả năng vận động (cả về vận động thần kinh, tư duy ...), về sự tiềm ẩn bệnh tật (hay có sẵn bệnh) ... Qua tập luyện (theo các hình thức) các khiếm khuyết được bộc lộ dần ra, và nó dần được bù đắp, hiệu chỉnh qua quá trình tập luyện.
Quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia hòa quyện tính dưỡng sinh, tính chiến đấu vào nhau một cách sâu sắc (2 trong 1). Không thể bảo tôi chỉ tập dưỡng sinh mà không tập quyền , hay chỉ tập quyền mà không tập dưỡng sinh. Đã tập cái này, cái kia đương nhiên có và ngược lại.  Hầu hết các môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia qua tập luyện nghiêm túc, sức khỏe đều được cải thiện đáng kể: người khỏe sẵn thì khỏe thêm, yếu thì khỏe lên, bệnh tật thì được cải thiện theo chiều hướng tích cực, hệ vận động thì được củng cố và hòan thiện ...
Trong bài này, tôi không bàn đến sự vận hành cơ chế dưỡng sinh trong hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân Nội gia, mà chỉ muốn nêu lên một khía cạnh rất tốt cho sức khỏe con người trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi mà nhiều chứng bệnh nguy hiểm phát sinh, thuốc lại có nhiều tác dụng phụ không tốt cho cơ thể, và hơn nữa, nhiều khi không có đủ khả năng kinh tế để phục thuốc ... Từ đó ta thấy rằng tập luyện là phương thức rất hữu hiệu. Có nhiều phương thức tập luyện như vậy mà Vĩnh Xuân Nội gia là một trong số đó. Tất nhiên, vẫn cần phải thấy rằng Vĩnh Xuân Nội gia là một môn võ. Do đó, không thể không nói đến tính tự vệ làm đầu. Mặc dù trong thời đại hiện nay, các thứ vũ khí giết người nguy hiểm, nhanh và tinh vi đã làm giảm tính chiến đấu của võ thuật trong đời sống.  Song nó vẫn mang một ý nghĩa tự vệ tích cực vào những hòan cảnh cụ thể trong cuộc sống đời thường.
Các bạn tập luyện môn Vĩnh Xuân nói chung, Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng, sẽ luôn đạt được cả hai mặt - dưỡng sinh và khả năng tự vệ -  trong quá trình luyện tập. Qua đó, các bạn có điều kiện để hòan thiện thêm con người mình theo chiều hướng tích cực và có nội lực để đi xa hơn trên con đường tập luyện. 
Đôi điều trao đổi cùng các bạn về tính dưỡng sinh trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Cảm ơn những tình cảm và sự quan tâm của các bạn đối với  Vĩnh Xuân Nội gia và những điều tôi đã trao đổi.
Hà Nội, ngày 24/12/2005
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng võ đường VNVXNGQ
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo