Vĩnh Xuân - Môn võ của trí tuệ và phái đẹp

(Đã đăng trên báo Phụ Nữ Thủ Đô, số 6, ngày 8/2/2006)

Vĩnh Xuân - nguồn gốc và quá trình du nhập, phát triển ở Việt Nam

Vĩnh Xuân, một môn võ có nguồn gốc từ Trung Hoa vào giữa thế kỷ XVII. Người sáng chế ra môn võ này là một nhà sư nữ, một đại cao thủ môn phái Thiếu Lâm, bà Ngũ Mai lão ni. Xuất phát từ trăn trở: là cùng học một thầy, cùng một công phu luyện tập như nhau, mà người nữ giới luôn yếu thế hơn người nam giới. Bà đã dầy công suy nghĩ, tìm tòi nghiên cứu và sáng tạo ra một môn võ rất thích hợp với nữ giới. Bà lấy tên người nữ học trò đầu tiên của bà là Nghiêm Vĩnh Xuân đặt tên cho môn võ này: môn Vĩnh Xuân. Vĩnh Xuân là một môn võ hiệu quả chiến đấu rất cao, không những thế còn hàm chứa một công phu dưỡng sinh rất lớn.
Cuối năm 1939, Đại sư Nguyễn Tế Công từ Hồng Kông sang Việt Nam và truyền dậy môn Vĩnh Xuân tại Việt Nam. Đại sư Nguyễn Tế Công trở thành Sư tổ của Vĩnh Xuân Việt Nam. Bác sĩ Phạm Khắc Quảng, luật sư Nguyễn Thành Vinh và ngay cả tổng bi thư Đảng nhân dân cách mạng Lào Cay Xỏn Pon Vi Hẳn cũng theo học môn Vĩnh Xuân khi còn là học sinh trường Bưởi .v.v. Có nhiều võ sư môn Vĩnh Xuân thành danh ở Hà Nội và Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) như cố võ sư Trần Văn Phùng, cố võ sư Trần Thúc Tiển, cố võ sư Ngô Sĩ Quý, cố võ sư Đỗ Bá Vinh, cố võ sư Hồ Hải Long, cố võ sư Lục Viễn Khai… Đến nay các học trò của các cố võ sư vẫn đang tiếp tục truyền dậy môn Vĩnh Xuân với hàng nghìn môn sinh theo học. Ngay tại Hà Nội hiện nay cũng có hơn chục võ đường đang truyền bá môn Vĩnh Xuân.
Tính thực tế của môn Vĩnh Xuân trong cuộc sống:
Vào những năm 1970 của thế kỷ XX, ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long đã làm cả thế giới biết đến tính hiệu quả rất cao trong giao đấu của môn Vĩnh Xuân (Vịnh Xuân). Thế giới bắt đầu nhìn nhận lại môn Vĩnh Xuân trên một góc độ mới. Và càng tìm hiểu họ càng thấy ở Vĩnh Xuân một môn võ cực kỳ công phu, hiệu quả với nhiều điều mới lạ. Trên thực tế  Vĩnh Xuân là một môn võ nội gia - nhu quyền. Trước hết rất phù hợp với tố chất của người nữ giới (vì người sản sinh ra môn võ này là một nhà sư nữ). Vĩnh Xuân là một môn võ không đòi hỏi cơ bắp, mà nhẹ nhàng uyển chuyển song hàm chứa khả năng nội khí (nội lực) cao; không cầu kỳ, rườm rà, bay bướm trong đòn thế mà đi thẳng tới hiệu quả. Mọi phương thức tập luyện đều thuận theo lẽ tự nhiên. Điều quan trọng là ý chí và sự cần mẫn trong tập luyện. Do đó môn Vĩnh Xuân còn rất thích hợp với những người lao động trí óc. Bên cạnh đó môn Vĩnh Xuân rất thích hợp với cuộc sống đô thị: không đòi hỏi sân bãi tập luyện, không đòi hỏi phương tiện tập luyện (nhất là trong nhiều năm đầu), không ồn ào, ầm ĩ, không làm ảnh hưởng đến xung quanh.
Trong số các học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, có cố võ sư Trần Thúc Tiển. Trước khi đến với môn Vĩnh Xuân, cố võ sư đã bị lao cấp độ 3 mà ở những năm 1940 việc chữa lao là rất khó khăn. Nhưng dưới sự truyền dậy của Sư tổ Nguyễn Tế Công, cố võ sư Trần Thúc Tiển không những đã khỏi bệnh mà còn luyện tập được những công phu thượng thừa của môn phái Vĩnh Xuân. Cố võ sư chỉ nặng khoảng 48 ¸ 50kg, song cựu vô địch quyền anh - bác Phạm Xuân Nhàn đã đấm thoải mái với tất cả khả năng có thể vào người cố võ sư mà cố võ sư không sao. Thậm chí đứng một chân mà bác Nhàn đẩy không nổi. Học trò của cố võ sư Trần Thúc Tiển - chị Nguyễn thị Bích Vân - phải về mất sức khi mới ngoài 30 tuổi. Chị Vân đã chạy chữa rất nhiều nơi mà sức khoẻ không tiến triển. Khi theo tập cố võ sư Trần Thúc Tiển, được cố võ sư truyền dậy các  phương pháp tập luyện. Chỉ một thời gian ngắn chị đã đẩy lùi hết bệnh tật và sau đó còn tập được nội công, một tuyệt kỹ của môn phái Vĩnh Xuân. Cũng như sư phụ của mình, chị có thể chịu đựng nhiều đòn đánh vào người mà không hề gây hấn. Đến nay, gặp chị, không ai có thể nghĩ rằng chị đã 65 tuổi. Cố võ sư Nguyễn Khắc Viện, cũng đã theo tập môn Vĩnh Xuân. Và cùng với một số phương pháp tập luyện khác, cố võ sư Nguyễn Khắc Viện đã kéo dài cuộc sống cảu mình thêm nhiều chục năm nữa so với dự đoán của chuyên môn y học. Cố võ sư Nguyễn Khắc Viện đã từng mong muốn nghiên cứu môn Vĩnh Xuân để đưa vào giáo dục thế chất trong học đường. Và còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự như vậy.
Thay cho lời kết:
Cựu vô địch quyền anh - bác Phạm Xuân Nhàn đã có những tâm sự chân thành khi nói về môn Vĩnh Xuân: “công phu của môn này rất ghê”, “tôi quá phục, quá mến phục, quá kính phục công phu của môn này” (xem toàn văn lời tâm sự của bác Phạm Xuân Nhàn trong website: www.wingchun.com.vn). Chị Nguyễn thị Bích Vân một võ sư, một nhà văn đã nhận xét: “những phương pháp rèn luyện của Vĩnh Xuân quả thực vô cùng quý báu, bởi vì nó làm cho người mấp mé cái chết có thể khoẻ mạnh, rồi trở thành một người có bản lĩnh”. Phó giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Mạnh Nhâm, chủ nhiệm CLB Vịnh Xuân Hà Nội, với 50 năm tập luyện môn Vĩnh Xuân dã coi môn Vĩnh Xuân “là một báu vật vô cùng quý giá, một di sản cực kỳ quý hiếm” mà chúng ta may mắn được tiếp thu.
Hy vọng môn Vĩnh Xuân, môn võ của mùa xuân, môn võ của phải đẹp sẽ giúp cho mọi người tìm được những khả năng tiềm ẩn từ bên trong con người. Đem lại cho mọi người sức xuân, sự tươi trẻ, nhẹ nhàng, đắm thắm quyến rũ mà cùng tràn đầy sức lực.
Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2006
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo