Võ Vịnh Xuân ở Việt Nam

Lời giới thiệu: Chiều ngày 27/3/2006, anh Hải - học trò của sư huynh tôi, VS Nguyễn Mạnh Nhâm - mang đến cho tôi chiếc đĩa mềm bài viết về Vịnh Xuân Quyền của VS Nguyễn Mạnh Nhâm.  Các đây vài tuần, đầu tháng 3/2006, sư huynh - võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm có trao đổi và đặt vấn đề muốn tôi đăng tải bài viết của võ sư trên website của Võ đường chúng tôi.  Tôi rất vui trước sự tin tưởng của sư huynh - VS Nguyễn Mạnh Nhâm vào trang web của tôi.  Và hôm nay, sau khi nhận được chiếc đĩa mềm bài viết của VS Nguyễn Mạnh Nhâm, tôi xin giới thiệu với các huynh đệ đồng môn, các môn đệ và các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân toàn văn bài viết của sư huynh tôi - Võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch CLB Vịnh Xuân Hà Nội.

Hà Nội, Ngày 30 tháng 03 năm 2006
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

 

I. Sơ Lược Về Sự Hình Thành Và Phát Triển Vịnh Xuân Quyền Ở Việt Nam

      Dân tộc Việt Nam vốn rất quý trọng võ thuật (hiếu võ). Phải chăng, đó là vì chúng ta sống trên một đất nước nhỏ, thường xuyên bị nạn ngoại xâm đe doạ. Lịch sử 4000 năm của chúng ta chủ yếu là những trang sử oanh liệt giữ nước, chống xâm lược - như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Có lẽ ngàn năm đã dạn dày
Anh hùng xưa để giống hôm nay.

      Trong cộng đồng Việt Nam, nói đến Võ Thuật, ngoài võ cổ truyền dân tộc (võ ta), người ta còn nhắc đến Thiếu Lâm, Võ Đang, Côn Lôn, Bạch Hạc, Sơn Đông, Không động…(võ Tàu), Nhu đạo, Ju-jitsu, Hiệp khí đạo (Aikido), Karatê (võ Nhật) và các môn võ khác như Thái cực đạo (Tai quan đô), Pen cat Silat, Quyền Thái, Quyền Anh (boxe)…, nhưng rất ít người biết đến VỊNH XUÂN QUYỀN.

     Cho đến vài ba thập niên trước đây, VỊNH XUÂN QUYỀN ( VXQ) là một môn võ còn ít được biết đến, ngay cả ở Trung Quốc cũng như ở Âu Mĩ. Có những nhà quyền thuật “cao thủ”, những người nghiên cứu võ học nhiều khi còn hiểu rất ”mơ hồ” về môn võ này. (Năm 1985, bản thân tôi được gặp Võ sư Hoàng Nam ở Paris (Pháp) - ông là một Võ sư, một nhà nghiên cứu sâu về võ học Á đông - năm ấy con ông vừa được giải thưởng trong một cuộc thi đấu Kong Fu của thanh niên - võ sư Hoàng Nam khi ấy vừa viết một cuốn sách bằng tiếng Pháp giới thiệu Võ cổ truyền Trung Quốc, nêu khá kỹ về các môn phái- nhưng với VXQ ông chỉ viết được có mấy dòng, và thực ra không chính xác lắm. Tôi hỏi thì ông cho biết thực tế bản thân chưa gặp được người nào tập luyện VXQ, và những điều viết trong sách là “nghe nói” thôi).

     Quả thật, người Việt Nam đã có “cơ duyên” được truyền dạy VXQ  từ khá sớm - trước Hồng Kông 3, 4 thập kỉ. Sư tổ của Vịnh Xuân Quyền Việt Nam (VXQVN) là Nguyễn Tế Công (Nguyễn Thái Vân, Tài Cống) lánh nạn (có nguồn tin là tham gia kháng chiến) sang VN năm 1907 - Lúc đầu ở Hải Phòng, sau mới chuyển về Hàng Buồm (mở hiệu Nắn Bó Xương), cuối cùng chuyển về phố Hàng Giầy, chỉ dạy võ thôi. Cụ sinh năm 1877 ở Tân Hội, Quảng Đông, Trung Quốc, thân phụ là Nguyễn Long Minh, một thương gia giàu có mở xưởng pháo hoa ở Phật Sơn. Cụ là con thứ tư, cùng người em thứ năm là Nguyễn Kỳ Sơn được gia đình bỏ ra một món tiền lớn để xin học võ của Hoắc Bảo Toàn (Phổ Bá Quyền) vì tiền học võ thời đó rất đắt(!!). Hoắc Bảo Toàn là một bộ đầu ở Phật Sơn, nổi tiếng về VXQ, nhất là đao pháp. Ông là học trò của Hoàng Hoa Bảo (Cháu Ngũ Mai) và Đại Hoa Diện Cẩm. Sau khi học Hoắc Bảo Toàn, hai anh em lại tiếp tục xin theo học Phùng Tiểu Thanh, học trò Đại Hoa Diện Cẩm, là quan án sát Quảng Châu - cũng rất nổi tiếng về VXQ, đặc biệt là côn thuật (Hình như đã có tỷ đấu với Lương Tán?) - Lúc ấy Phùng Tiểu Thanh đã có tuổi (70 tuổi). Trước thịnh tình của gia đình họ Nguyễn, Phùng Tiểu Thanh đồng ý đến ở trong nhà họ Nguyễn và đồng ý dạy cho một nhóm 8 người: 2 anh em cụ Tế Công và 6 người khác. Cụ mất năm 74 tuổi và được gia đình họ Nguyễn an táng chu đáo. Gia đình cụ Tế Công ở rất gần gia đình Diệp Vấn (cũng rất giàu có). Trong thời cách mạng văn hoá, gia đình cụ Diệp Vấn gặp một số khó khăn về kinh tế cũng đã được gia đình họ Nguyễn giúp đỡ.

     Khi mới sang Việt Nam, cụ Nguyễn Tế Công (NTC) làm quản gia - bảo tiêu cho một nhà tư sản (có mỏ ở Bắc Việt) người Hoa - và dạy võ cho Cam Túc Cường - con trai gia chủ. Cam Túc Cường là nhạc sĩ sáng tác - mỗi ngày lễ thường biểu diễn múa lụa - với 5m lụa mềm, nhưng lụa không bao giờ chấm đất.

     Lúc đầu cụ có một người con gái, võ thuật cao cường nhưng sau mất sớm (hình như do ung thư vú). Sau này cụ tục huyền và có 2 con: 1 trai (A. Dếnh), 1 gái (A. Dung) cùng theo cụ vào Nam Bộ năm 1954. Lúc này 2 người còn rất nhỏ. Cụ sống ở Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh), dạy võ và mất năm 1959, thọ 82 tuổi. Hai anh chị con cụ NTC hình như không học được nhiều VXQ.

     Tháng 3 năm 2004, chúng tôi có dịp hành hương tới Phật Sơn - được đến chiêm bái bàn thờ Hoắc Nguyên Giáp ( một trong 10 kỳ nhân võ học đương đại Trung Quốc - người sáng lập ra Tinh Võ Môn) tại võ đường Phật Sơn - một nơi rất nổi tiếng, rất đẹp, hoành tráng. Rất may mắn, tôi được Ban Chấp Hành Hội võ thuật Phật Sơn gồm chủ tịch danh dự và nhiều vị lãnh đạo, võ sư, võ sinh tiếp thân mật - cũng qua đây, tôi được thắp hương tại võ đường Diêu Kỳ - do cố võ sư Diêu Tài sáng lập - và Diêu Tài chính là học trò cụ Tế Công (trước khi sang Việt Nam).

     Trong báo “ngày nay” số 13, năm 2003, trong bài “ Vịnh Xuân Quyền khảo lược” tác giả Hoa Nhi T.S đã có một bài viết khá sâu về VXQ, nhưng rất tiếc là tác giả đã nêu tên sư tổ Nguyễn Tế Công lại là Nguyên Tế Công. Thực ra cụ họ Nguyễn (như đã nêu trên). Đợt thăm Trung Quốc (3/2004) chúng tôi cũng có đến Quảng Châu được phu nhân và con trai cố võ sư Sâm Năng (hiện là chủ tịch Hội VXQ Quảng Châu) tiếp, ở buổi họp mặt này tôi hân hạnh được gặp võ sư Nguyễn Tổ Đường là cháu nội Nguyễn Kỳ Sơn - gọi Nguyễn Tế Công bằng ông bác ruột - ông hiện là thư ký Hội VXQ Quảng Châu và cũng là họ Nguyễn.

    Từ khi sang  Việt Nam, cho đến năm 1954, cụ NTC có dạy khá nhiều học trò ở Hà Nội. Tuy nhiên những cao đồ được biết đến thì không nhiều. Thường giới võ học hay nhắc đến các võ sư sau đây: Việt Hương, Trần Văn Phùng, Trần Thúc Tiển, Vũ Quý và Ngô Sĩ Quý. Sau khi cụ NTC chuyển vào Nam, 3 võ sư Trần Văn Phùng, Trần Thúc Tiển và Vũ Quý bắt đầu thu nhận học trò. Cụ Ngô Sĩ Quý lúc đầu có đến học cụ Trần Thúc Tiển một thời gian, rồi sau cũng mở lớp truyền dạy VXQ. Hình như cụ Việt Hương không mở lớp dạy VXQ.

      Giờ đây các cụ đều đã khuất và để lại nhiều học trò giỏi.

      Võ sư Trần Văn Phùng (1900-1988) quê ở Hải Dương, tính tình cương trực, khảng khái. Cụ học võ từ rất sớm (từ 16 tuổi) nhiều môn võ, nhưng sau theo học VXQ của NTC, từng một thời theo sư phụ làm bảo tiêu và được cụ NTC rất yêu mến mà truyền cho nhiều bí thuật. Cụ tham gia cách mạng (chiếm Bắc Bộ Phủ, bắt Cung Đình Vận - một tên phản động). Cụ mất năm 1988, để lại nhiều học trò giỏi: Hoạ sĩ Đỗ Tuấn, giáo sư tiến sĩ Lê Kim Thành (Hiện ở Nga), võ sư Trịnh Quốc Định (nhờ tập VXQ đã khỏi bệnh lao phổi nặng), hoạ sĩ Mai Ánh Châu, võ sư Thái Bá Sao (võ đường ở Thanh Xuân), võ sư Vũ Văn Hồng (Lạc Trung) và nhiều người khác.

    Võ sư Ngô Sĩ Quý, xuất thân từ một gia đình khoa bảng - là một giáo viên thẩm mĩ, một nhạc sĩ Violon…ông là con người hào hoa, phong nhã, sống cởi mở, kiến thức võ học rất cao siêu. Sau khi tham gia kháng chiến, ông về làm ở Bộ Giáo dục. Ông mất năm 1998, thọ 77 tuổi (1921-1998). Ông dạy được nhiều học trò giỏi: tiến sĩ , bác sĩ Hoàng Quốc Toàn (phó Chủ nhiệm Khoa mổ tim mạch Quân y viện 108), bác sĩ CK1 Dương Quốc Tuấn (Viện Dinh dưỡng Việt Nam), bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng (Viện mắt Trung Ương), võ sư Nguyễn Đức Dũng, võ sư Nguyễn Việt Trung, võ sư Trần Hậu Tuấn (thành phố Hồ Chí Minh) và rất nhiều người khác.

     Võ sư Vũ Quý (Vũ Bá Quý) vốn gốc ở Hải Dương - nhà có ôtô cho thuê nên còn có tên là “Quý ôtô”. Cụ hay để tóc ngắn (húi đầu bốc) rất nhanh nhẹn, cụ tính vui vẻ, khoát hoạt và đòn ra rất mạnh mẽ và thần tốc…võ sư Vũ Quý từng đoạt giải vô địch võ tự do Đông Dương (1939) và nhiều giải khác; lúc có tuổi cụ về quê ở Hải Dương và dạy Vũ Gia Thân Pháp; cụ có nhiều học trò giỏi thành danh – dạy võ không chỉ trong nước mà còn mở võ đường ở Châu Âu - và đã mời cụ qua thăm. Cụ mất năm 1994, thọ 84 tuổi.

     Võ sư Trần Thúc Tiển người Thanh Trì (Nam Dư hạ) Hà Nội. Cụ sinh năm 1912 ở Quảng Châu Văn Trạm Giang, Trung Quốc (cụ thân sinh làm việc ở đó). Cụ theo Tây học (đỗ Diplom) và là một doanh nhân. Cụ có nghề nấu rượu tây, mở nhà in Chấn Hưng ở 35 Hoà Mã (sau bị Pháp đốt vì in tài liệu cho Việt Minh). Cụ đặc biệt người bé nhỏ, gầy yếu, bị lao phổi nặng - nhờ tập VX nên khỏi hẳn. Cụ rất hiền lành, tính tình điềm đạm khiêm tốn… cụ mất năm 1980, thọ 69 tuổi. Cụ tiếp tục dạy một số bạn đồng môn khi cụ Tế Công đã đi Nam: bác sĩ Phạm Khắc Quảng, bác sĩ Lê Văn Trung, ông Nguyễn Văn Phương…và nhiều học trò mới trong đó có tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Lễ (nguyên phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên), võ sư cao cấp Phan Dương Bình (Bình Bún), võ sư Nguyễn Xuân Thi (nguyên chủ tịch Hội võ cổ truyền Hà Nội), kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội, luật sư Nguyễn Thành Vinh, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, ông Vũ Văn Luân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam trong nhiều năm  là chủ tịch liên đoàn võ cổ truyền VN) ..v..v..Võ sư Trần Thúc Tiển sinh hạ được nhiều con nhưng chỉ có hai anh Trần Thiết Côn (Sinh) và Trần Hoài Ngọc là học được đến trình độ cao - đặc biệt anh Trần Thiết Côn lĩnh hội được nhiều tinh tuý của VXQ, bản lĩnh cao cường, nội công thâm hậu…

     Tại thành phố Hồ Chí Minh, sư tổ NTC chỉ sống có mấy năm (1954-1959) nhưng cũng đã truyền dạy được cho khá nhiều học trò thành danh như Lục Viễn Khai, giáo sư kiến trúc Đỗ Bá Vinh, Bộ trưởng Bộ Y tế (miền Nam), bác sĩ Nguyễn Bá Khả, võ sư Nguyễn Duy Hải ( Hải Tàu - Hồ Hải Long) và nhiều người khác…

     Hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có khá nhiều người học tập VXQ.

     Môn đồ thuộc thế hệ thứ 3 và thứ 4 nữa (tính từ sư tổ Tế Công) hiện đang tập luyện, huấn luyện VXQ tại nhà hay tại các võ đường.

      Nhiều võ đường (VĐ) có khá nhiều võ sinh như VĐ Cột Cờ (Vs. Nguyễn Đức Dũng, Vs. Hoàng Quốc Toàn, Vs. Nguyễn Đăng Dũng, Vs. Nguyễn Văn Trung….); VĐ Hàng Trống ( Vs. Nguyễn Hữu Thế, Vs. Nguyễn Nam Vinh); VĐ Tăng Bạt Hổ ( Vs. Đặng Tuấn Hải), VĐ ở Thanh Xuân (Vs. Thái Bá Sao); VĐ Hàng Buồm (Vs. Phan Dương Bình, Vs. Nguyễn Đức Long…); VĐ của VS Nguyễn Ngọc Nội ;VĐ Lạc Trung (Vs. Vũ Văn Hồng); VĐ Ngọc Hà (Vs. Trịnh Quốc Định); VĐ phố Phó Đức Chính ( Vs. Nguyễn Tiến Mỹ); VĐ Ngõ 103 Bạch Mai (Vs. Trần Văn Nguyên); VĐ ở Bạch Đằng ( Vs. Đỗ Tuấn); VĐ ở thành phố Hải Dương (Vs. Đoàn Chí Thanh); VĐ ở Hà Tây ( Vs. Thích Đạo Liên); VĐ Trần Bình Trọng ( Vs. Đinh Trọng Thuỷ). ở thành phố Hồ Chí Minh có Võ đường Nam Chính Trực , VĐ của Vs. Trần Hậu Tuấn và…nhiều VĐ khác…

     Nhiều võ sư cũng đã truyền dạy VXQ ở nước ngoài. Người đầu tiên chính là giáo sư tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang (Giám đốc Sở TDTT Hà Nội). Là một cao đồ của VXQ, ông đã truyền thụ cho các bạn Liên Xô cũ từ những năm 1979, 1980. Hiện nay, việc các võ sư Việt Nam qua các nước để dạy VXQ cũng như các đoàn ngoại quốc sang tập huấn VXQ ở nước ta hoặc các cá nhân người nước ngoài trong thời gian sống và công tác tại Việt Nam đã đến học VXQ với các vị thầy người Việt Nam…. đã trở thành chuyện bình thường.

    Trong một số đặc biệt về VỊNH XUÂN QUYỀN báo Inside Kong Fu, tạp chí khá uy tín , đã nêu: ” Phải chăng VỊNH XUÂN QUYỀN Việt Nam là một mắt xích quý giá đã bị thất lạc và tại đây nó đã bắt đầu một cuộc hành trình mới ?”

     Có lẽ đó là do một  “cơ duyên” đặc biệt, chính sư tổ Nguyễn Tế Công đã phải thốt ra “ Vịnh Xuân sang Việt Nam mất rồi!”, trước khi rời Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh - đúng nửa thế kỷ trước đây - 1954.

     Đến nay đã có nhiều website được tra cứu (cả của các nước, cả của Việt Nam), nhiều bài báo khảo luận giới thiệu VXQ… Đó là những tư liệu, thông tin rất quý báu của những người có nhiệt tình nghiên cứu, tìm hiểu viết ra và rất được độc giả hoan nghênh… Tuy nhiên, những thông tin đó nhiều khi rất khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau và đôi khi có những sai lầm rất đáng tiếc - Như bài “ Sích Vồ - người võ sĩ công an huyền thoại” đăng trên báo An Ninh Thế Giới ( 2 số trong tháng 10/2004). Nhà văn trẻ Dương Bình Nguyên đã viết một bài rất hay, giới thiệu một cao thủ luyện tập say mê ( suốt đời) và đã có những thành tựu đặc biệt…Nhưng anh đã viết hoàn toàn sai lạc về nhân thân võ sư Trần Thúc Tiển?!

     Một sự kiện rất đáng quan tâm đó là CÂU LẠC BỘ VỊNH XUÂN HÀ NỘI đã được thành lập. Lễ ra mắt Câu lạc bộ (ngày 14/09/2003) đã được tổ chức rất hoành tráng tại nhà thi đấu (Sở TDTT Hà Nội) và được đông đảo các môn phái, những người yêu võ ủng hộ. Việc ra đời của CÂU LẠC BỘ VỊNH XUÂN HÀ NỘI đánh dấu một bước tiến của môn sinh VXQ ở nước ta.

     Bản thân tôi (tác giả) may mắn là người đầu tiên được tôn sư Trần Thúc Tiển truyền dạy VXQ năm 1954, từ bấy đến nay vẫn luôn luyện tập theo sự chỉ dạy của người. Do yêu cầu của nhiều bạn bè, thanh niên … cũng đã tiến hành huấn luyện từ năm 1981.

     Là môn đồ VX, đã tập luyện, nghiên cứu, giảng dạy VXQ khá lâu, chúng tôi xin phép giới thiệu một số thông tin, tư liệu về VXQ mà bản thân thu lượm được nhờ sự chỉ dạy của tôn sư, qua nghiên cứu sách báo, tin học và cũng từ chiêm nghiệm của chính bản thân qua 50 năm chăm chỉ luyện tập và hướng dẫn môn sinh.

     Mong rằng những tư liệu này sẽ giúp ích phần nào cho các môn sinh VXQ cũng như các nhà nghiên cứu, yêu thích võ học nói chung và VXQ nói riêng.

 II. Sự hình thành Vịnh Xuân Quyền ở Trung Quốc và các nước

A. Sơ Lược Lịch Sử

     Vịnh Xuân Quyền - được hình thành vào đời Ung Chính - Càn Long nhà Thanh (1644-1911) - Trung Hoa - được khoảng 300 năm nay - đúng vào lúc dân tộc Hán muốn lật đổ nhà Thanh (Phản Thanh Phục Minh) để khôi phục lại đế chế cũ. Trung tâm lớn nhất, có uy tín nhất và trình độ võ thuật cao nhất chính là chùa Thiếu Lâm - các môn phái võ ở Trung Quốc về cơ bản đều từ Thiếu Lâm tự mà ra (công phu xuất Thiếu Lâm). Chính tại cái “nôi võ thuật” này các chiến sĩ cách mạng chống lại Thanh triều được đào tạo - Vua Thanh biết điều đó và đã ra tay trấn áp, nhiều lần thiêu huỷ Thiếu Lâm tự, tàn sát chư tăng (Thiếu Lâm trường hận)

     Trước tình thế đó, các vị cao tăng phải hoạt động gấp rút, không thể cứ đào tạo võ sĩ theo bài bản cũ: 15-20 năm hay lâu hơn nữa mới “tốt nghiệp”, sau khi qua được trận đồ của 108 người gỗ (mộc nhân) mới được “hạ sơn” . Để đáp ứng nhu cầu lúc đó, cần phải có một môn võ hữu hiệu (hiệu quả cao ) có thể đánh thắng các môn sinh của các võ phái khác, nhưng lại không được quá rườm rà, phức tạp và tập luyện với thời gian ngắn hơn. Với kinh nghiệm luyện tập , huấn luyện võ học cũng như kinh nghiệm trong chiến đấu thực hành (hành hiệp), đúc rút tinh hoa của môn võ Thiếu Lâm cũng như các môn võ đương thời (Bạch Hạc, Võ Đang, Hồng Gia..) các đại sư (theo tương truyền có 5 người, gọi là “Ngũ Tổ” : Ngũ Mai, Chí Thiện thiền sư , Miêu Hiển, Bạch Mi đạo nhân và Phùng Đạo Đức) đã sáng tạo ra một môn võ mới lấy tên là Vịnh Xuân Công Phu, lấy mật hiệu bái tổ là một tay nắm một tay xoè - biểu hiện chữ Minh         - gọi là Minh tự cung thủ lễ.

     Do phải tránh sự truy lùng của Thanh triều, việc dạy võ, luyện võ phải được giữ bí mật - người tập phải dấu tên, nơi tập phải kín đáo - và các sư phụ càng phải bí mật hơn - chủ yếu dùng tên giả, bí danh…và tất cả - võ học cũng như lịch sử môn phái chỉ được truyền miệng. Những tư liệu chúng ta có được ngày nay đều là nhờ trí nhớ lưu truyền lại qua các thế hệ - không thể tránh khỏi những điều trùng lặp, nhớ, quên - và có thể pha thêm cả hư cấu. Vì thế , những nhân vật chủ yếu (võ sư sáng tổ) của môn VXQ (như Ngũ tổ, Nghiêm Vịnh Xuân, Than Thủ Ngũ, Lương Bác Trù, Đại Hoa Diện Cẩm, Nhất Trần Am Chủ…) đến nay không ai rõ tông tích, tên thật và ngay cả các vị đó ai là thật ai là hư cấu…Tại các chi phái, lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về các vị, đến nay chúng ta không có đủ bằng chứng để khẳng định hay phủ định.

     Tuy vậy cũng có thể tin chắc là VXQ phát sinh và phát triển ở miền nam Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở Phật Sơn, với nhiều nhân vật trọng yếu trong Hồng Thuyền (một đoàn hát kịch lưu diễn rong ruổi theo đường thuỷ) và Hồng Hoa Hội, rất có thể có liên hệ khá chặt chẽ với Thiên Địa Hội. Khi bị nhà Thanh trấn áp, các vị lãnh tụ (võ sư cao đồ VXQ) di tản đi rất nhiều nơi và cả sang nhiều nước vùng phía Nam, Đông Nam Trung Quốc (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonisia, Singapore…) và truyền dạy VXQ tại đó. Ngoài Hồng Kông, Phật Sơn, khuảng gần 20 chi phái VXQ được biết đến với những điểm chung cũng như những điểm riêng của mỗi chi phái. Xin liệt kê một số chi phái lớn:

1.      Vịnh Xuân Quyền  Hồng Kông (Diệp Vấn)

2.      Vịnh Xuân Quyền Bành Nam - Nhất Trần am chủ truyền dạy (Phật Sơn)

3.      Vịnh Xuân Quyền Việt Nam (Nguyễn Tế Công)

4.      Vịnh Xuân Quyền Quảng Châu - Nguyễn Kỳ Sơn

5.      Vịnh Xuân Quyền Cổ Lao (Lương Tán)

6.      Vịnh Xuân Quyền Nam Dương (Tào Đức An)

7.      Vĩnh Xuân Quyền Bào Hoa Liên (Đại Đông Phong) - Phật Sơn và Hồng Kông

8.      Vĩnh Xuân Quyền Chí Thiện Thiền Sư (Vĩnh Xuân Điện) - Phật Sơn

9.      Vĩnh Xuân Quyền Hồng Quyền (Nhất Trần Đại Sư - Than thủ Ngũ) - Quảng Đông

10.     Vĩnh Xuân Quyền Phúc Kiến (Phương Thế Ngọc) 

11.     Vịnh Xuân Quyền Malaysia (Diệp Kiên -1930)

12.     Vịnh Xuân Quyền Diêu Kỳ Phật Sơn (Nguyễn Tế Công và Ngô Trọng Tố).

13.     Và nhiều chi phái khác….

    Một điểm đáng lưu ý là : Có những chi phái võ, không có tên là Vịnh Xuân nhưng lại có nhiều điểm rất giống với Vịnh Xuân (khoảng 70-80%), như ở Phúc Kiến (Long Hình Quyền, Ngũ Tổ Quyền…) và bắc Thái Lan (môn võ Phi Hầu - theo truyền thuyết là từ Tề Thiên Đại Thánh?!!) Vậy thì có nhiều phái VXQ hay đây cũng là VXQ chính thống nhưng sư truyền dấu tên và lấy tên khác thay vào?

B. Tên gọi: Vịnh Xuân Quyền hay Vĩnh Xuân Quyền?

1. Vịnh Xuân Quyền (Wing Chun Kuen hoặc Wing Tsun Kuen)

      Đa số (khuảng 80% chi phái) nhận tên là Vịnh Xuân Quyền (Vịnh 咏 hoặc     có nghĩa là ngâm nga, ca ngợi). Họ công nhận VXQ bắt nguồn từ Ngũ Mai sư bá truyền dạy cho Nghiêm Vịnh Xuân  và lấy tên của Nghiêm Vịnh Xuân đặt cho môn võ này.

     Tuy vậy, cũng có nhiều truyền thuyết về Nghiêm Vịnh Xuân: Theo Diệp Vấn và một số người thì bà là con Nghiêm Nhị, một cao thủ Thiếu Lâm, lánh nạn ở chân núi Đại Lương, làm nghề bán đậu hủ. Biết Nghiêm Vịnh Xuân bị một tên cướp trong vùng bắt phải lấy làm vợ, Ngũ Mai sư bá đã truyền dạy cho bà võ nghệ và sau đó bà đã đánh bại tên cướp. Lương Bác Trù cũng là một cao thủ phái Hồng Gia (có tài liệu cho là một thương nhân) đã gặp và đem lòng yêu cô gái họ Nghiêm, nhất là khi được xem trộm cô luyện tập võ nghệ cùng bố là Nghiêm Nhị dưới ánh trăng. Nghiêm Vịnh Xuân truyền lại Vịnh Xuân Quyền cho chồng và hai vợ chồng về Phật Sơn và Hồng Thuyền dạy Vịnh Xuân Quyền . Sau khi Lương Bác Trù mất, Nghiêm Vịnh Xuân quy y ở chùa Vĩnh Xuân ở huyện Kiến Xương thuộc tỉnh Quảng Đông. Nguồn tin khác lại  cho biết Nghiêm Vịnh Xuân mất sớm, Lương Bác Trù đi đến nhiều địa điểm để dạy võ và sau không biết mất ở đâu, năm nào. Không thấy có nguồn tin nào nói về hậu duệ của ông bà cả.

     Cố võ sư Trần Thúc Tiển biết hai truyền thuyết về Nghiêm Vịnh Xuân - Một truyền thuyết đã được Võ sư Nguyễn Ngọc Nội kể lại trong bài “Vĩnh Xuân Việt Nam - Những bí mật quá khứ và hiện tại” (báo Ngày Nay, số 23-2003, tr.36-37) gần giống tư liệu của Diệp Vấn. Truyền thuyết thứ hai như sau: Ngũ Mai sư bá - lúc đó tu ở Bạch Hạc Sơn - một hôm đi hái thuốc thấy một hài nhi bị bỏ ở trong rừng, mình bọc trong một cái chăn màu hồng rất đẹp, có viết chữ Nghiêm. Bà nghĩ rằng bé gái này là từ một gia đình quyền quý họ Nghiêm, lúc đó lại là mùa xuân nên đặt tên là Vịnh Xuân. Nghiêm Vịnh Xuân lớn dần, được truyền dạy văn hoá, đạo và môn võ Ngũ Mai mới sáng tạo dựa trên võ Thiếu Lâm, Bạch Hạc, kinh nghiệm chiến đấu của bản thân và nhất là sau khi quan sát cuộc chiến đấu giữa một con chim hạc và một con rắn. Trước khi hạ sơn, Nghiêm Vịnh Xuân có hỏi tên môn phái thì Ngũ Mai bảo: con là người đầu tiên được ta dạy môn võ này, cứ lấy tên con mà đặt cũng được.

2Vĩnh Xuân Quyền  (Weng Chun Kuen)

      Một số chi phái khác (khoảng 20%) lại nhận là Vĩnh Xuân Quyền (chữ Vĩnh 永  khác chữ Vịnh 咏 là không có bộ ngôn hoặc chữ khẩu ở bên trái, có nghĩa là dài lâu). Các ý kiến này cũng cho rằng, nguồn gốc Vịnh Xuân Quyền  hơi khác, có thể là:

  1. Do các cao thủ Thiếu Lâm sáng tạo ra ở Cung Vĩnh Xuân (trong chùa Thiếu Lâm), do đó gọi là Vĩnh Xuân Quyền.

  2. Do Ngũ Mai và Chí Thiện thiền sư sáng tạo ra ở Cung Vĩnh Xuân.

  3. Do Chí Thiện thiền sư sáng tạo ra và dạy cho các cao thủ ở Hồng Thuyền (khi ông trốn tránh ở đây làm việc như một đầu bếp).

  4. Do Nhất Trần am chủ (sư nữ) dạy cho Than thủ Ngũ ( khi trốn về Phật Sơn), Than Thủ Ngũ dạy cho các vị ở Hồng Thuyền (Hoàng Hoa Bảo, Đại  Hoa Diện Cẩm, Lê Phúc Tôn…). Tên Vĩnh Xuân Quyền là do chữ Vĩnh bắt nguồn từ tên Trần Vĩnh Hoa (một trong những người sáng lập ra Thiên Địa Hội) - Chữ Xuân là tổng hợp của 3 chữ : chữ Đại  là hàm ý chỉ nhà Đại Minh, chữ Thiên  là lấy từ tên Thiên Địa Hội, và chữ Nhật  là mặt trời biểu hiện ánh sáng trở lại. Vĩnh Xuân trở thành khẩu hiệu bí mật - có nghĩa là chỉ có lật đổ nhà Thanh thì mới có được tự do (theo chi phái Bành Nam ở Phật Sơn).    

  5. Bào Hoa Liên Vĩnh Xuân Quyền cho rằng Vĩnh Xuân Quyền bắt nguồn từ một nhân vật cách mạng, có biệt hiệu là Đại Đông Phong (một sư ông mà người ta không biết tên), bị Thanh triều truy nã, Ông trốn ở Quảng Đông trong nhà hai anh em Tăng Quốc Lương và Tăng Quốc Chương. Tuy là quan thời đó nhưng hai anh em họ Tăng không yêu gì nhà Thanh - và được Đại Đông Phong dạy võ - Hai ông sau này lại dạy võ cho một người con nuôi tên là Lê Đạt Sinh từ lúc 9 tuổi, khoảng 10 năm sau Lê Đạt Sinh về sống ở Phật Sơn, nhưng phải đi đày biết xứ trong 30 năm vì đã giết chết đối thủ trong một cuộc đấu dao. Sau khi mãn hạn, ông lại về Phật Sơn và truyền thụ Vĩnh Xuân Quyền. Theo chi phái này Vĩnh Xuân lấy từ mật khẩu cách mạng Vĩnh ngôn thất chí, vô vong Hán Tộc, đại địa hồi Xuân, (đại ý: luôn nói lời quyết tâm, không quên nhà Hán, đất nước hồi xuân)

  6. Vĩnh Xuân là tên một vùng thuộc tỉnh Phúc Kiến - Nơi môn võ được tập luyện, do đó đặt tên là Vĩnh Xuân Quyền.

  7. Vĩnh Xuân là cách gọi lạc đi để đảm bảo bí mật cho môn phái.

  8. Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân âm đọc rất giống nhau nên có thê lẫn khi truyền khẩu từ người này sang người khác mà thôi.

  9. Vĩnh Xuân là tên một nữ hiệp, vợ của Hồng Hi Quan, đó là Phương Vĩnh Xuân.

C. Các điểm chung về nguồn gốc VXQ

     Tuy có nhiều truyền thuyết , nhiều thông tin lắm khi trái ngược nhau như đã nêu nhưng chúng ta vẫn thấy những điểm chung.

  1. VXQ có xuất xứ từ Thiếu Lâm Tự, là một môn võ mới được sáng tạo, chỉ khuảng 300 năm nay, trên cơ sở các kinh nghiệm giang hồ, các môn võ khác, đúc rút tinh tuý sao cho thực dụng, hiệu quả, thời gian tập không quá dài, có thể giúp người yếu (hoặc phụ nữ) chế ngự kẻ mạnh, phải chăng mục tiêu là để sớm đào tạo ra những cao thủ tham gia cách mạng (Phản Thanh Phục Minh)?

  2. Địa điểm khởi nguồn của VXQ là ở phía nam Trung Quốc, khá tập trung ở Phật Sơn và liên quan nhiều đến một đoàn ca kịch lưu động, rong ruổi trên một chiếc thuyền màu hồng (Hồng Thuyền). Ngoài Trung Quốc, các đại sư di tản chủ yếu sang các nước phía Nam và Đông Nam Trung Quốc và truyền thụ võ nghệ cho nhân dân bản địa.

  3. Các vị tông sư, tiền bối chủ yếu là những nhân vật được biết đến với Pháp danh, Biệt danh - Không biết tên thật, quê quán, đời tư ra sao - các thông tin về lịch sử (và võ học) chủ yếu được bí truyền trong gia đình (nội gia) hoặc trong các nhóm bí mật - không ghi thành sách (bí kíp). Những điều dị biệt trên cũng được phản ánh rõ rệt trong võ học.

III.   Một số điểm về võ học Vịnh Xuân

 1.     Luyện tập cơ bản ( cơ bản công

1.1-Tấn: chủ yếu đứng hai chân, theo thế Kiềm Dương, 2 bàn chân quay vào trong     (Nhị tự kiềm dương mã) chân khuỵu xuống một chút làm hai đầu gối quay vào trong chỉ còn cách nhau bằng một bề ngang nắm tay.

1.2-Tay:

      * Tay nắm (quyền) hình chữ nhật (Nhật tự quyền) chủ yếu đấm thẳng ra trước theo đường giữa (tý ngọ chuỳ)

      * Tay xoè (chưởng) cần chú ý khép ngón tay cái (Phật chưởng) hoặc cong ngón tay tạo thành trảo.

       * Ứng dụng tất cả các phần của chi trên (ngón tay, hai cạnh  bàn tay, đốt ngón tay, mu cổ tay, cẳng tay, cánh tay, khuỷu tay,… kể cả vai, đầu, trán…)

        Có nhiều kiểu thế tay nhưng chủ yếu có 8 thế chính: Than Thủ, Bàng Thủ, Tháp Thủ, Trầm Thủ, Kinh Thủ, Phục Thủ, Xuyên Thủ, Tiêu (Phiêu) Thủ.

1.3-Chân:  Vịnh Xuân Quyền không dùng nhiều thế đá (cước). Vì chủ yếu phát triển ở miền Nam Trung Quốc nên quyền chiếm ưu thế (Nam quyền Bắc cước). Tuy nhiên VXQ cũng có những cú đá rất nổi tiếng: Xuyên tâm cước, Vô ảnh cước…

         Tất nhiên khi dùng chân, VXQ cũng tận dụng tất cả các bộ phận hữu ích để tấn công hoặc hoá giải đòn thế của địch: mông, đầu gối, ống quyển, gót chân, mũi chân, mu chân , cạnh bàn chân.

2. – Các bài quyền:

         Đó là những bài tập luyện các thế võ liên tiếp, có những bài tập một mình, có những bài tập hai người (song luyện, đối luyện..v..v..)

2.1 – Tiểu niệm đầu- còn có tên khác: Thủ đầu quyền, Tiểu luyện đầu…(bài học vỡ lòng)

2.2- Tầm kiều.

2.3- Tiêu chỉ .

2.4- Mộc nhân thung (Hình dạng mộc nhân đôi khi cũng thay đổi tý chút). Mỗi chi phái đều có 1, 2, 3, 4… bài, tập với mộc nhân (người gỗ) hoặc tập với người khác (thầy, bạn), cũng có thể tập một mình ( không thung).

2.5- Ngũ hình quyền (Long, Xà, Hổ, Hạc, Báo, Tổng hợp) : các bài võ luyện theo hoạt động, chiến đấu, dáng điệu (hình) của một số con vật - Đây chính là ứng dụng của phỏng sinh học(bionic).

2.6- Khí công quyền – còn có tên là Bài vận khí, Phật gia khí công quyền.

2.7- Một số chi phái còn có thêm những bài võ khác

 3. – Vũ khí.

        Vũ khí là tay nối dài. Trước hết cần tập quyền, sau mới đến vũ khí.

Hầu hết các chi phái đều có Bát trảm đao và Côn ( Lục điểm bán côn, Tam điểm bán côn)

3.1 – Bát trảm đao: Sử dụng đôi đao ngắn ( khuảng 60 cm) có tay quai có thể quay vào được, có nhiều tên: Âm dương đoạt mệnh song đao, Hồ Điệp đao, Nhân tự song đao, Hổ vĩ song đao…). Trong lịch sử kháng Nhật, Mã Chiếm Sơn cùng một đội quân dùng song đao đánh giáp lá cà đã chiến thắng đội quân Nhật nổi tiếng sử dụng trường kiếm.

3.2- Lục điểm bán côn

     Tương truyền bài côn này là từ Chí Thiện thiền sư, sau được nhập thêm vào kho tàng Vịnh Xuân Quyền (do Lương Nhị Tỷ trao đổi với Hoàng Hoa Bảo). Có thể là Tề mi côn , Trường côn (có thể có một đầu nhọn, trở thành thương).

     Có chi phái có tam điểm bán côn.

     Lục điểm bán côn hay tam điểm bán côn là ở chỗ có 6,5 điểm hay 3,5 điểm trong kỹ thuật sử dụng (côn pháp). Sáu thế côn chính là : Toả hầu – Trung bình – Dịch tự – Cái côn – Hoành đả - Hạ khiêu.

3.3- Các vũ khí khác.

     Các chi phái khác nhau có thể có thêm một số vũ khí khác.

-    Đại đao (Quan đao) – tức đao dài, to như của Quan Vân Trường (đời Hậu Hán).

-    Kiếm, bài kiếm của Việt Nam, (liễu diệp kiếm) có sáu thế chính: khuyên-trầm-trát-thích-phất-lặc.

-    Phi tiêu: cụ Tế Công vẫy tay phóng ra một lúc 5 lưỡi dao nhỏ cắm vào cửa gỗ, phải lấy kìm mới nhổ ra được.

-    Lưu tinh chuỳ (chuỳ dây). Trước đây cụ Tế Công có dạy cho ông Đinh Công Niết ở Hoà Bình (uỷ viên quốc hội Việt Nam) – tháng tập một lần.

-    Khiên đao (dùng đao và khiên)

4.  Tập luyện quyền cước như thế nào?

     Môn sinh VXQ phải tập luyện thật chuyên cần, các động tác khởi động chú ý nhiều đến  làm mềm, linh hoạt các khớp ( phá khớp), thăng bằng, du đẩy.

     Tiếp đến tập các động tác cơ bản: đánh hoặc đỡ, hoặc vừa đỡ vừa đánh bằng chi trên, chi dưới, vai, hông…

     Tập Tán thủ: các thế võ riêng rẽ - Tập Ly thủ: các đòn đánh liên tiếp - Tập Niêm thủ: để tăng cường khả năng cảm nhận của tay (linh giác), tiến tới quen dần thực chiến - Tập các bài quyền - Mộc nhân - Mộc mã - Tập vũ khí - Tập đấu tự do - Tuý đả - Điểm huyệt ( 12 tử huyệt đánh theo 12 giờ trong ngày đêm) - Tham gia thi đấu “ Quyền tay dính”

     Có thể tập một mình, có thể nhìn gương để chỉnh các động tác (đối kính), với người khác (thầy, bạn…) và với những dụng cụ hỗ trợ tập luyện…

5.-  Dụng cụ hỗ trợ luyện tập.

5.1- Mộc nhân (người gỗ)

     Tiếng Hán là mộc nhân thung, dùng cho môn sinh tự luyện. Có khá nhiều kiểu thay đổi nhưng cơ bản là một cột gỗ (đường kính khuảng 30 cm), chôn xuống đất cao khuảng 2m, thay cho thân người và những tay gỗ ngang thay cho các thế tay: ở cao (thượng), giữa (trung) và thấp (hạ) và 2 cái thật thấp (mức đầu gối mắt cá chân đê luyện cước pháp). Thường có thêm các chi tiết khác để luyện côn, kiếm.

     Mộc nhân và các ‘tay’ cố định cần có độ “dơ’ di động đôi chút để tập đỡ chấn thương mạnh và tạo âm thanh dễ nghe.

     Các chi phái có những mộc nhân thay đổi tý chút: vị trí tay, độ di động, số lượng các tay…có độ phản hồi nhiều hay ít.

     Gần đây, do những môn sinh ở nhà tầng không có điều kiện chôn, người ta đã cải tiến mộc nhân đứng trên giá đỡ, đặt trên sàn.

     Tập thành thục, đòn thế gọn gàng, âm thanh (do đòn đánh vào mộc nhân) nghe rất thú vị. Sư tổ Nguyễn Tế Công kể lại: thời cụ tập, mộc nhân được để trong cái buồng nhỏ, sư phụ giữ chìa khoá, khi cho học sinh vào tập mới mở cửa buồng cho vào, xong lại khoá lại và ông thầy lại giữ lấy chìa khoá. Thời kỳ mới đây ở Hồng Kông, Diệp Vấn có mộc nhân nhưng đắp chiếu để ở chỗ khuất, chỉ học trò nào được tập mộc nhân ông mới bỏ chiếu ra cho tập, xong lại đậy kín. Chỗ để mộc nhân lại rất gần cổng ra vào, Diệp Vấn đi đâu về cũng “tranh thủ” tập 1-2 lần trước khi vào nhà.

5.2- Các dụng cụ hỗ trợ khác.

    Còn rất nhiều các thiết bị được chế ra để luyện các kỹ năng VXQ (quyền cước, vũ khí…) mỗi chi phái lại có thêm những công cụ độc đáo riêng rất hữu hiệu, sáng tạo…Ví dụ cọc tre, khung gỗ, mộc mã (ngựa gỗ để tập cưỡi ngựa), bảng huyệt vị để tập đả huyệt..

     Các dụng cụ này rất đa dạng, có lẽ do các chi phái sáng tạo thêm và gần đây du nhập những dụng cụ của các môn tập khác (có cải tiến hay không). Bởi vậy, trên đây chúng tôi chỉ đưa ra một số được biết qua tập luyện, các thông tin…

6. – Linh Giác (Niêm Thủ)

     Đây là một trong những môn công phu rất đặc biệt , độc đáo của VXQ - một trong những vấn đề quan trong nhất của luyện tập.

     Điều chắc chắn là, từ những điều học tập ở Võ đường đến những trận đánh nhau thật có một khoảng cách khá xa: địch thủ đánh ra một đòn không “chờ đợi”, ta hoá giải rồi mới rút tay (hay chân) về để đánh tiếp và đặc biệt, không báo giờ báo trước sẽ đánh đòn nào vào chỗ nào…(!!!)

     Người võ sinh, dù có tinh tường lanh lẹ đến mấy cũng không thể kịp thời đối phó bằng cách chỉ nhìn thấy đòn địch và áp dụng một miếng võ thích hợp như khi tập ở Võ đường mà ở đó bao giờ anh ta cũng biết trước được đòn “địch” và dùng thế võ đã học được để đánh lại bao giờ cũng đắc thủ(!). Ngoài đời, đòn địch bao giờ cũng rất nhanh, không dễ dàng gì mà vừa nhìn thấy “bằng mắt” và trả đòn chính xác ngay được. Bởi vì thông thường, đòn đánh của địch phải được nhìn thấy, thần kinh thị giác chuyển lên não bộ - từ đây não mới “ chỉ thị” cho tay và/hay chân hoạt động. Dù hiện tượng nhận tín hiệu và ra lệnh hành động của não bộ rất nhanh nhưng vẫn là “quá chậm “ để chiến đấu. Chính vì vậy, trong cuộc chiến với ngoại vật, cơ thể chúng ta đã phải tự bảo vệ bằng một cơ chế vô thức: Phản xạ - để duy trì cuộc sống trước hiểm nguy - Ví dụ, khi ta vô tình sờ tay vào nước nóng, hay bị một cái gai nào đó đâm vào tay… ta chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng tay ta đã giật mạnh và co lại tức thì.

    Tập linh giác (tay dính, niêm thủ) trong VXQ chính là dựa trên cơ chế phản xạ đó bằng cách tập đi tập lại nhiều lần, bằng tiếp xúc tay với đối tác. Nó làm tăng cảm giác của đôi tay và khi đã tiếp xúc với tay địch, tay ta có thể cảm nhận và phát hiện đòn tấn công theo hướng nào, mạnh hay yếu (nghe lực, thính kình) và tự động lập tức xuất ra những đòn thế phù hợp để đối phó (theo cơ chế phản xạ) trong khi não chưa kịp ra lệnh. Và chỉ có nhờ vậy mới có thể ứng phó kịp thời với các đòn của đối phương.

    Xin lấy ví dụ như khi tập đánh đàn Guitar, đầu tiên ta phải học đọc các nốt nhạc cơ bản (đồ, rê, mi…) rồi tập các nốt này trên cần đàn (bấm vào đâu, đánh vào dây nào?) một cách chậm chạp. Nhưng sau một thời gian rèn luyện (tập đi tập lại), người nhạc sĩ dần dần đã thành thạo (tạo được phản xạ) . Người nhạc sĩ lúc này chỉ thoáng nhìn vào bản nhạc, nhìn đến đâu tay đàn đánh theo đến đó, không cần đọc tên nốt nhạc là gì nữa… mà vẫn đảm bảo được tiết tấu, nhịp, tình cảm, và các sắc thái biểu cảm của âm thanh hài hoà và chính xác….(các nhạc sĩ gọi đó là chơi “à vue”).

     Người môn sinh VXQ , (khi đã luyện tập giỏi ) khi gặp địch thủ ra đòn tấn công - có khi liên tục, ở nhiều góc độ….- chân tay tự động sẽ xuất đòn hoá giải và/hay phản công một cách hữu hiệu, hợp lí (nhiều khi mắt chưa kịp nhìn, óc chưa kịp nghĩ – vì nhanh quá!) Đó là cơ chế phản xạ (tâm ứng thủ, nhờ linh giác).

     Có thể minh hoạ cơ chế phản xạ như sau:

        + Bình thường: Phản ứng của cơ thể đối với sự vật qua 3 bước:

  •       Bước 1:   Nhận biết sự vật qua giác quan (mắt, tai…)
  •       Bước 2 : Thông tin được chuyển lên não và não xử lý nó - ra lệnh hành động.
  •       Bước 3 :  Cơ quan (chân, tay…) hành động theo lệnh của não.
  •       Phản xạ : đi thẳng từ bước 1 đến bước 3 không qua não bộ. 

Theo sơ đồ sau đây.

Bình thường:    Nhận biết (1) -> Não (2) -> Hành động (3)

Phản xạ:            Nhận biết (1) -> Hành động (3)

7. – Nôi công        Để tạo được khả năng linh giác (tay dính ) này, môn sinh VXQ phải tập với một người khác (thầy, bạn) tiến dần từng bước: dính một tay (đơn niêm thủ) , rồi đến dính hai tay (song niêm thủ), các động tác ngày càng phức tạp, biến hoá…, kèm theo di chuyển (),… tiến đến có thể tập đánh đỡ trong tối, bịt mắt - đặc biệt là đòn ra bất kỳ, (không báo trước), đòn đỡ hoàn toàn tự do, (tâm ứng thủ), không gò bó, miễn là có hiệu quả. Nhờ kiên trì tập luyện Tay dính, môn xinh VXQ quen dần với thực chiến (bài tập ngày càng phức tạp, đòn thế bất ngờ, mạnh, liên hoàn tấn công - hoá giải/phản công…). Có thể nói tập Tay dính là CẦU NỐI GIỮA BÀI TẬP VÀ THỰC CHIẾN. Đã tập các thế võ, các bài võ, môn sinh VXQ muốn có kinh nghiệm thực chiến thì phải qua đánh nhau thật - điều này nguy hiểm và không phải lúc nào cũng thực hiện được (người thầy võ khiêm tốn thường nói với học trò: Tôi dạy anh được 5 phần, anh tự tìm hiểu được 2 phần, còn 3 phần anh sẽ thu được sau này thông qua thực tế chiến đấu). Chính nhờ tập tay dính họ có được những kinh nghiệm khá gần gũi với thực tế chiến đấu - điều này có thể hoàn thiện nốt bằng các cuộc thi đấu dính tay mà gần đây môn phái VXQ mới đề xuất và đã có những trận thi đấu thí điểm tại Phật Sơn, Trung Quốc. Sau khi được tập luyện như vậy, môn sinh VXQ chắc chắn sẽ có đủ khả năng đối đầu với những cuộc chiến gay go nhất mà họ bất đắc dĩ phải chiến đấu.

           • Trong tập tay dính cũng có võ đường cho dùng mũ áo bảo vệ. Một số đòn thế bị cấm, (Ví dụ xỉa vào mắt).

           • Trong lúc tập tay dính, người ta luôn cần thư giãn, ý nghĩ chỉ tập trung vào niêm thủ (càng thư giãn càng tốt, càng tập trung tinh thần càng tốt - tập tay dính  càng có hiệu quả), lại luôn phải di chuyển, quay người, vận động toàn thân, các khớp… do vậy, ngoài tác dụng chiến đấu, tập tay dính còn là phương pháp tập dưỡng sinh rất tốt, có tác dụng “thiền động”…rất có lợi cho sức khoẻ, mỗi ngày tập được độ 30 phút – 1 tiếng thì rất tốt. ở nước ngoài chúng tôi thấy nhiều người đi tập tay dính tuần 2-3 lần, họ coi đây là một thứ thể thao như chơi bóng Tennis, Golf…

           • Tuy nhiên, muốn tập có hiệu quả (võ thuật cũng như dưỡng sinh) cần lưu ý 2 điểm sau đây:

       a. VXQ là cách đánh của phụ nữ. Bởi vậy không nên dùng lực nhiều, chỉ dùng khi cần thiết. VXQ chủ trương dùng lực hợp lí, như người đi chợ dùng tiền, vì tiền có hạn nên không thể gặp cái gì cũng mua để rồi khi cần mua món đồ thực sự cần thiết thì lại hết tiền mất rồi. Tập tay dính làm sao đạt: MỀM DẺO KHÉO NHANH MẠNH.

       b. Người tập cần luôn nhớ đây là luyện tập giữa các bạn đồng môn, cần có tinh thần thương yêu đoàn kết giúp đỡ  nhau cùng tập (như anh em trong gia đình). Tuyệt đối không được coi đây là tỉ thí , thi đấu. Mục tiêu của tập tay dính tuyệt đối không phải là đánh  trúng được bạn tập, và nếu bạn có lỡ tay đánh trúng ta thì ta không nên coi mình là kém, là thua và cố tìm cách trả đòn (trả thù), ghen ghét nhau…Đó là những điều rất nên tránh để Tập Tay Dính trở thành một dạng tập thú vị, tao nhã, hữu ích giữa các đồng đạo.

             • Ngoài ra quan điểm DÍNH còn được VXQ áp dụng cho cả chi dưới (niêm cước), vũ khí như côn (niêm côn), đao (niêm đao), kiếm (niêm kiếm)…..

     Vịnh Xuân Quyền , ngoài việc tập luyện các bài quyền, đòn thế… còn rất quan tâm về khí - với nhiều tên gọi khác nhau và có lẽ nội dung cũng khác nhau chút ít - như Nội Công, Khí Công, Dịch cân kinh, Thận khí quy nguyên….

     Vai trò của khí công thể hiện rõ rệt nhất trong truyền thuyết của Đạt Ma Sư tổ: sau 9 năm luyện tập (cửu niên diện bích), ông đã trở thành chưởng môn Thiếu Lâm Tự. Minh chủ Vũ Lâm với những bài võ nổi tiếng (Thập bát La hán chưởng…).

     Trung Quốc có câu nói: Tập võ mà không luyện công, đến già chỉ còn con số không   (Đả quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không) hoặc : lực bất đả quyền, quyền bất đả công (có sức không đánh được võ, có võ không đánh được người luyện công).

     Nội công cơ bản là luyện thở (hô hấp, điều tức, thổ nạp) với tập trung ý nghĩ ở một điểm (nhất điểm), đan điền (ý thủ đan điền), thư giãn, dần dần đi đến điều khiển ý khí (thần dẫn khí, khí dẫn huyết-lực) theo các đường kinh lạc (điều tức), khai thông huyệt đạo dần dần đả thông được sinh tử huyền quan (nhâm đốc) dẫn theo tiểu chu thiên, đại chu thiên (đạo dẫn), hoà nhập với vũ trụ (thiên nhân hợp nhất), lúc này thì sinh lão bệnh tử không còn là quy luật với người tập nữa. Những giai đoạn khổ luyện của các cao nhân      (được gọi là nhập tuất) kéo dài hàng bao nhiêu năm, với cơ duyên, với danh sư, với căn cốt tiên thiên mà cũng không phải giờ họ cũng giúp họ đạt đến tình trạng “cảnh giới” như vậy.

     Chúng ta trong thực tế, luyện tập công phu phải tiến hành đồng thời với các hoạt động của cuộc sống trong xã hội với tất cả những khó khăn, phức tạp, lo âu…, thời gian không phải nhiều (kể cả những người tập chuyên nghiệp), không phải ai cũng có được danh sư thật (danh sư không thật thì rất nhiều!!), căn cốt không chắc gì đã có… Bởi thế có lẽ không ai dám hi vọng đạt được cảnh giới trong thế giới văn minh công nghiệp này.

     Không dám kể đến những công phu đặc dị thường được biểu diễn bởi các môn phái, thực tế chúng tôi thấy Nội Công đã chữa được khá nhiều bệnh như đau dạ dày, viêm xoang, hen phế quản, lao phổi (phối hợp với thuốc), bệnh trĩ, táo bón… Xin lấy những thí dụ mà nhiều người biết : Sư phụ tôi bị Lao phổi thời kỳ thứ 3, ho ra máu, có nước màng phổi.Cụ đã khỏi hẳn bệnh, cố võ sư Trần Thúc Tiển còn có được hai lá phổi chịu được những cú đấm rất mạnh. Ngay GS Phạm Khắc Quảng (nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, giám đốc bệnh viện Lao-Bệnh phổi), trong khi chữa bệnh cho sư phụ tôi đã thấy được sự kỳ diệu cũng đã tập luyện VXQ (học cụ Tế Công). Năm 1954 khi đến phòng tập, tôi thấy giáo sư Phạm Khắc Quảng đang chịu những quả đấm rất mạnh vào bụng và bản thân ông cũng rất thọ (trên 80 tuổi). Gần đây, Giáo sư Ngô Gia Hy, một bậc thầy đáng kính trong nghành Y ( Tiết Niệu) mới mất thọ 90 tuổi. Tôi nghĩ rằng việc luyện tập khí công đã có vai trò quan trọng giúp cụ sống thọ và khỏe mạnh cho đến những năm cuối đời vì Giáo sư Ngô Gia Hy cũng là một nhà khí công rất lão luyện.

     Sư tổ Nguyễn Tế Công nhờ nội công mà có cách dạy học trò rất độc đáo: người thầy tập trực tiếp với học trò xuất đòn đánh thẳng (hết sức mạnh của học trò ) vào ngực, bụng, mạng sườn sư phụ bằng quyền, chưởng, cạnh tay, khuỷu tay…suốt trong buổi tập. Người thầy chịu đòn liên tục của nhiều học trò (thay nhau tập) trong 4-5 giờ liền. Sư phụ không cần phải nhịn hơi, lấy “gồng” làm gì cả mà vẫn vừa dạy vừa chịu đòn vừa nói chuyện hay giảng các thế võ… và không hề đau đớn, mệt nhọc.

     Võ sư Trần Thúc Tiển từ năm 1954 dạy võ cũng theo hình thức đó - để cho học trò (cao to, nặng hơn mình nhiều) thường xuyên xuất đòn vào cơ thể cụ… Hơn nữa, các cụ còn có thể dạy võ như vậy cho đến khi đã cao niên: cụ Tế Công trên 80 tuổi, cụ Trần Thúc Tiển gần 70 tuổi.

     Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hiện nay chưa có chi phái nào ở nước ngoài dạy, huấn luyện VXQ theo cách này.

     Rất may là hiện nay một số võ sư VXQ Việt Nam vẫn còn duy trì được hình thức huấn luyện độc đáo này.

     Qua kinh nghiệm bản thân và các học trò, tôi thấy tập nội công thực là khó khăn vô cùng, đặc biệt là việc ngồi thiền (tĩnh toạ).

     Người ta có thể tập các thế võ, các bài tập một mình (đơn luyện) hoặc với bạn, nhất là khi có 4-5 người thì tập rất vui,liên tục 2-3 giờ dễ dàng… Nhưng với ngồi thiền trong đêm thanh vắng một mình, chống lại sự buồn ngủ, mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả (nhiều khi đầy rẫy những khó khăn, bực bội…) thì không phải ai cũng có đủ nghị lực và ý chí để làm được. Hơn nữa phải làm như vậy trong nhiều năm… Ngoài ra, tập nội công dù rất chăm chỉ, dù tập trung được ý nghĩ (điều này cũng khó khăn vô cùng) thì tiến bộ cũng không thể rõ rệt như tập bài, tập tấn được - tiến bộ chỉ có thể quan sát thấy sau nhiều tháng, nhiều năm. Có lẽ vì thế mà người ta gọi đó là Công Phu.

     Tôi thường lấy ví dụ hiện tượng nước chảy đá mòn: Nếu ta đứng cạnh nhìn dòng nước chảy trên tảng đá cả một ngày trời cũng chẳng thấy tảng đá mòn đi bao nhiêu!! Nhưng nếu một năm sau ta quay lại thì mới thấy tảng đá ấy có mòn đi thật! Vậy, nếu có đủ lòng tin, chúng ta hãy tập thiền – coi  như đánh răng rửa mặt hàng ngày vậy, lâu dần bạn sẽ quen đi và nếu bỏ một buổi tập sẽ thấy như “thiếu một điều gì đó”. Sau nhiều năm luyện tập, môn sinh VXQ chắc chắn sẽ đạt được những thành quả quý báu!

      Để động viên học trò, tôi thường nhắc lại bài thơ của Bác Hồ mà tôi rất thấm thía:

Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.

    Và thường thì các môn sinh cũng rất đồng cảm… Muốn được nên người, muốn thành công, chỉ có một con đường chân chính duy nhất: gian nan rèn luyện!

8. Yếu quyết

    Ngoài việc luyện tập các thế (miếng) võ, các bài võ, ly thủ, tán thủ, niêm thủ… VXQ còn dạy các môn đồ những yếu quyết, đó là đường lối, quan niệm, những nguyên tắc cần quán triệt trong khi tập luyện hay chiến đấu sao cho đạt được hiệu quả cao nhất mà ta muốn (ý đáo)

   Xin giới thiệu một số:      

8.1 – Tý Ngọ Tuyến.

     Là đường giữa (trung lộ), đường chia đôi thân thể, đi từ huyệt Ấn Đường (giữa hai lông mày) đến Đan Điền (bụng dưới). Môn đồ VXQ phải cố gắng bảo vệ Tý Ngọ Tuyến (TNT) của mình và tấn công địch thủ trên đường này (tối ưu).

- Khuỷu tay ở đường giữa (thủ lưu trung tuyến), cách ngực bề ngang một nắm tay (Lý Tiểu Long nói: khuỷu tay giữ ở chéo áo là nhãn hiệu của VXQ).

- Bàn chân xoay 60˚, thân người xoay 90˚, hướng phía bên thân mình ra trước (biên thân), lực chủ yếu ở chân sau (80%). Như thế phần nguy hiểm (nằm ở TNT) được che đi – còn đòn trở nên dài hơn đòn địch vì tay ta ở gần địch hơn (theo lý thuyết trường thắng đoản) .

- Nếu đảm bảo được vững chân trụ và trùng dãn toàn bộ cơ thể (tinh thần, cơ bắp), lực ra đòn sẽ rất mạnh – xuất phát từ lòng đất – qua chi duới – cơ thể – vai – tay - địch thủ, ứng dụng được lục hợp ( Thần-khí; Ý Lực; Nội-Ngoại; Vai-Hông; Tay-Chân; Khuỷu tay- Đầu gối.)

- Chân phải vững: VXQ ví phần dưới cơ thể như cái gốc cây, nếu vững thì phần trên cơ thể có thể dễ dàng xoay chuyển , nghiêng, ngả…tuỳ tình huống để đạt hiểu quả cao nhất.

    Sư phụ tôi (võ sư Trần Thúc Tiển) vào khoảng năm 1955-1956, người bé nhỏ, chỉ nặng hơn 40 kg, đứng một chân mà võ sư Phạm Xuân Nhàn, vô địch Quyền Anh, 57 kg, lấy đà mà đẩy không bật được. Cũng nên chú ý là thầy tôi lúc đó khoảng 50 tuổi, trước đây bị lao phổi rất nặng (cả khái huyết, cả có nước màng phổi), Võ sư Phạm Xuân Nhàn mới độ ngoài 20. (Sự kiện này đã được chính Võ sư Phạm Xuân Nhàn kể lại ngày 14/9/2003 tại buổi ra mắt của CLB Vịnh Xuân Hà Nội trước hàng ngàn quan khách).

  8.2 – Lai Lưu Khứ Tống, Thoát Thủ Trực Xông.

    “ (Khi) địch đến ta tiếp - địch đi ta theo – khi tay ta được tự do (không vướng mắc) thì tấn công thẳng về phía trước.”

     Khi lực tấn công đến, môn sinh VXQ không chống lại, nhưng tiếp nhận có thể làm chệch hướng tý chút (nên nhớ rằng : chống lại lực tấn công, ví dụ một quả đấm thì khó, nhưng nếu đẩy chệch quả đấm sang bên một chút thì chỉ cần một ngón tay cũng đủ) và dính theo. Khi lực đi thì theo nó và có khi còn bổ sung lực cho nó, và khi sự tiếp xúc mất đi (hoặc có thể bị bắt chéo) thì ta tấn công thẳng ra trước theo Tý Ngọ Tuyến.

     Đây là CẬN CHIẾN – môn sinh VXQ không bao giờ chuẩn bị sẵn các thế đánh trước mà tuỳ địch thủ ra đòn thế nào mà có phản đòn. Nhờ tập luyện linh giác, tay có khả năng “nhìn thấy” (tay có mắt = nhãn thủ) trước khi mắt kịp thấy (vì quá nhanh, có khi đòn còn bị che lấp) đồng thời tay cũng thấy được đòn địch nặng hay nhẹ, hướng của lực (nghe được lực : thính kình). Bàn tay lúc đó như là người hỏi thăm đường đi (vấn thủ: tay hỏi). Khi đã biết đòn của địch, ta tự động biến chiêu xuất đòn (quyền do tâm phát) mà không phụ thuộc hoàn toàn vào não bộ.

    Lý Tiểu Long cũng nói rõ quan điểm này: tôi không biết sẽ ra đòn gì trước khi chiến đấu. Đòn tôi đánh tuỳ thuộc vào phía địch thủ ra đòn thế nào (tức là không chuẩn bị sẽ ra đòn nào trước).

8.3 – Phản Thủ Đồng Thời

   Kỹ thuật phản thủ đồng thời cần phải luyện rất kỹ, là đặc điểm độc đáo trong VXQ – (còn gọi là Liên Tiêu Đái Đả). Phải nhiều năm khổ luyện mới có thể thi triển được thốn kình – tiêu đả.

    Trong chiến đấu, VXQ luôn luôn giành thế chủ động tấn công – mặc dù địch tấn công trước, (động trước), ta động sau, nhưng đã động là tấn công ngay, có thể kèm theo đỡ, nhưng cũng có thể không cần đỡ đòn địch (tiêu đả), vì đòn ta sẽ đến người địch trước (tiên đáo), khi ấy đòn địch sẽ tự triệt tiêu. Đây cũng là sách lược của Mao Trạch Đông: phương pháp phòng ngự tốt nhất là tấn công. Tiêu đả chỉ có hiệu quả (uy lực) khi biết ứng dụng thốn kình (đòn đánh khi tay ta chỉ cách địch một thốn = 1,5cm).

8.4 - Đòn đánh theo khuôn

     Vì đòn VXQ là cận chiến, tiết kiệm di chuyển, chủ yếu thân pháp sử dụng quay người để né đòn địch, tiếp đón và bảo trì lực tấn công của địch (để lợi dụng cho đòn tấn công của mình), nên rất cần độ chính xác cao, sai lệch sẽ nguy hiểm ngay, (theo đúng khuôn). Môn đồ VXQ luôn ở ngay gianh giới giữa thắng và thua – giống như khi đánh bóng bàn, trái bóng luôn là sát lưới, sang thì được (thắng), nếu chỉ hơi thấp một chút thì bóng sẽ rơi về phía mình (thua). Sự ảo diệu của VXQ chính là nằm ở đây, nó đòi hỏi kỹ thuật chính xác, khổ luyện, và bình tĩnh mềm dẻo khi thực hiện. Bởi thế, VXQ đặc biệt hiệu quả trong chiến đấu (cận chiến) – nhưng cũng là một nhược điểm: biểu diễn không đẹp mắt, không hoành tráng.

    Trong  tài liệu “ Những bí mật của Lý Tiểu Long”, William Cheung có kể rằng: Diệp Vấn một hôm đã truyền thụ bí mật này cho ông và nói “ta sẽ dạy cho con cách chiến đấu của người đàn bà” và cho biết ông học được kỹ thuật này từ Lương Bích, con của Lương Tán. Vì Trần Hoa Thuận, người thầy trước của Diệp Vấn, vóc người to lớn, khoẻ mạnh nên Lương Tán không dạy các chiêu thức này. Cũng có nguồn tin cho rằng Lương Tán không dạy Trần Hoa Thuận các chiêu thức đặc biệt này vì sợ ông sẽ thắng con mình là Lương Bích (người bé nhỏ).Là sư huynh đồng thời là bạn thân của Lý Tiểu Long, William Cheung tiết lộ rằng Lý Tiểu Long vì không biết “cách đánh của đàn bà” nên gặp khó khăn khi đấu với người tây to khỏe, dài tay. Do đó đành bỏ dở VXQ và chuyển qua Triệt Quyền đạo (tấn công từ xa với những cú đá vừa mạnh mẽ vừa đẹp mắt).

 THAY CHO LỜI KẾT LUẬN

   Chúng tôi vừa trình bày một số nét sơ lược về VỊNH XUÂN QUYỀN. Môn NỘI GIA CÔNG PHU này được ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt: Hán tộc nổi dậy chống lại sự thống trị của Mãn tộc (Thanh triều 1644-1911). Ngay từ ban đầu, môn phái Vịnh Xuân đã phải hoạt động rất kín đáo dưới sự truy sát của nhà Thanh - từ cơ sở huấn luyện, võ sư đến võ sinh đều được giữ rất bí mật - ngay cả sau này, khi chính phủ nhân dân Trung Quốc nắm chính quyền thì trong thời gian đầu võ thuật cũng chưa được khuyến khích phát triển - đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng văn hoá - một số võ đường, võ sư bị đàn áp; chỉ đến thời kỳ đổi mới, võ thuật mới có điều kiện nở rộ và VXQ cũng đã dần dần bước ra từ màn bí mật để sánh vai cùng các môn công phu khác.

    Từ một số người tập lẻ tẻ ban đầu, ở Việt Nam hiện nay số môn sinh VXQ đã khá đông - đáng chú ý là giới tri thức chiếm đa số - khoảng 60-70% (cũng như ở các nước khác trên thế giới).

   Có thể tóm lại rằng VXQ (Nội gia công phu) là một môn võ đặc biệt, mới được sáng tạo mấy trăm năm nay ở miền Nam Trung Quốc (Phật Sơn). Hiện nay, VXQ được thế giới đánh giá rất cao và đang phát triển khá mạnh ở hầu khắp các nước trên thế giới. Việt Nam có may mắn được tiếp thu VXQ khá sớm, và cũng có những nét độc đáo của mình. Các môn đồ VXQ ở Việt Nam đang cố gắng tập hợp, cùng các nhà nghiên cứu VXQ của cả nước để đoàn kết lại, hợp tác với nhau tiến tới thành lập HỘI VÕ THUẬT VỊNH XUÂN VIỆT NAM để có điều kiện hơn trong việc học tập, giúp đỡ lẫn nhau, tiếp thu những tinh hoa quý báu của VXQ để có thể phát triển cho nhân dân tập luyện, lưu truyền ở nước ta, cũng như có điều kiện hội nhập, tiếp xúc, trao đổi với giới võ học quốc tế.  

     Có người hỏi tôi: “ thời đại bây giờ là thời đại súng đạn, làm gì có môn võ nào có đòn thế nhanh, mạnh , hữu hiệu như súng lục, tiểu liên cực nhanh. Việc gì mà vất vả tập luyện, cứ mua lấy một khẩu súng…”.

     Trong một chừng mực nào đó thì ý kiến trên không phải không đúng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tập luyện võ thuật có hai mục đích : rèn luyện thân thể và chiến đấu.

     Rèn luyện thân thể là mục đích đầu tiên và quan trọng hơn. Qua luyện tập Vịnh Xuân Quyền, chúng ta không những có được một cơ thể khoẻ mạnh, ít bệnh tật, học tập lao động có hiệu quả hơn, minh mẫn, dẻo dai…nhưng đặc biệt VXQ còn tạo cho người tập ý chí vững vàng, đầu óc minh mẫn, khả năng tập trung tư tưởng cao và dài lâu (vào một vấn đề nghiên cứu, học tập…) nhờ luyện tập Nội dưỡng công. Môn sinh của VXQ trở thành người điềm tĩnh, bình thản trước những tình thế khó khăn, nguy hiểm (dù xảy ra đột ngột) và chính sự bình tĩnh này sẽ giúp anh ta/cô ta sáng suốt giải quyết vấn đề một cách kịp thời, hợp lý, logic.

      Chiến đấu – mục tiêu thứ hai cũng có lúc, trở nên rất cần thiết, có khi cực kỳ quan trọng để cứu sống bản thân (hoặc người khác) , hoặc có thể hoàn thành nhiệm vụ. Võ thuật là một môn học chính khoá quan trọng của các lực lượng vũ trang ở bất cứ quốc gia nào: quân đội, công an, tình báo, đặc công… Trong thực tế, dù có súng, ngay các các lực lượng vũ trang này vẫn có lúc phải sử dụng võ thuật như : không có sẵn vũ khí trong tay (hoặc súng bị đánh văng đi), súng hết đạn, điều kiện không được nổ súng (trong đám đông, cần giữ không phát tiếng động…), đối tượng chưa đáng bị bắn (ví dụ công an nếu bị một người say rượu tấn công, hoặc một kẻ xấu tấn công công an bằng tay…). Người dân bình thường càng không có điều kiện và càng không nên giữ kè kè vũ khí bên mình (ngay khi ta có giấy phép sử dụng…).

     Mặt khác, khi đã học võ, người ta đã tự trang bị cho mình vũ khí. Việc sử dụng vũ khí đó như thế nào chính là cái đạo của người luyện võ.

    Bản thân tôi khi nhận học trò bao giờ cũng đặc biệt quan tâm đến đạo đức và chỉ thu nhận khi biết chắc là họ có đạo đức tốt. Điều này còn được lưu ý trong suốt quá trình luyện tập, nếu có biểu hiện xấu, học viên sẽ bị đào thải. Võ thuật chỉ là để phòng thân (tự vệ, cứu người) trong trường hợp đặc biệt cần thiết. Tuyệt đối không dùng võ trong những việc trái đạo đức (phản bội tổ quốc, đàn áp hay hà hiếp người khác…) đó là trái với VÕ ĐỨC. Ngay việc sử dụng võ thuật để tỷ thí , gây sự đánh nhau cũng bị nghiêm cấm ở các lớp võ của tôi để tránh những hiềm khích, những rối loạn không cần thiết, ảnh hưởng trật tự trị an v..v.. Tôi thường dạy học trò :” phương pháp tốt nhất để thắng một trận đánh nhau là nên tránh việc đánh nhau”. Người học võ cần khiêm tốn, hoà nhã, nêu cao chữ ‘Nhẫn” , nhưng biết tôn trọng bảo vệ chính nghĩa, không được tự cao tự mãn cho mình là nhất ( vũ vô đệ nhị, văn vô đệ nhất). Phải biết võ học là vô bờ, núi cao còn có núi cao hơn.

    Một lần nữa tôi cũng muốn bày tỏ ở đây quan điểm: tập võ là để rèn luyện tinh thần, thể lực, võ đức và võ thuật. Phải rèn cái TÂM, chứ không nên chỉ cố tập lấy cái TÀI như Nguyễn Du, một nhà văn, thơ nổi tiếng đồng thời là người cũng rất uyên thâm về võ học (Hồng Sơn Hiệp Lộ) viết:

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

     Và đây cũng là cái tâm của tôi khi viết bài này, kính cẩn hướng tới sư tổ, sư phụ của tôi và các bậc tiền bối của Vịnh Xuân Phái, cũng như chân thành chia sẻ với các bạn đồng môn, và những nhà nghiên cứu, yêu thích Vịnh Xuân Phật Gia Công Phu.

Hà Nội , đầu Xuân Bính Tuất (2005)
Võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo