Đôi điều xung quanh việc gọi tên các đòn thế trong Vĩnh Xuân Nội gia

Trong quá trình truyền dậy của tôi từ trước tới nay, việc gọi tên các đòn thế trong các bài quyền trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia đối với tôi quả là rất khó khăn. Bởi lẽ trong thời gian theo học sư phụ, tôi chưa bao giờ được nghe tên gọi một đòn thế nào cả, ngoài một số từ Hán – Việt thông dụng như: Thượng – Trung – Hạ, Trá tẩu... còn gần như tập đòn thế theo bài, theo chỉ dẫn. Và tôi chỉ biết tên bài như: Thủ Đầu Quyền, 108 (tại chỗ, tiến lùi, mộc nhân), Ngũ Hình... Ngay như sư phụ tôi khi gọi tên đòn thế cũng gọi nôm. Trong bài 108 có thế vuốt tay đánh (tôi vẫn nhớ) sư phụ tôi bảo “đòn vuốt tay về đánh ra (sư phụ tôi gọi nôm), phải ra thật nhanh (tốc độ nhanh hơn hẳn khi đánh các đòn khác), đánh cho đối thủ không kịp rút tay về”. Chưa một lần tôi được nghe sư phụ tôi gọi tên đòn thế theo từ Hán – Việt (hoặc thuần Hán). Do đó bây giờ, tôi viết lại các bài quyền cũng chỉ biết gọi nôm theo hình thái đòn thế, (Như: xoắn xỉa, đập đánh.v.v...) chứ không biết tên gốc là gì để gọi. Nhân đây tôi xin được nói thêm: tôi được biết và nghe có học trò của sư phụ tôi gọi tên đòn thế (theo âm Hán – Việt) nghe rất hay và có nói là “ thầy tôi gọi”. Tôi thật sự không biết bình luận thế nào. Và tôi cũng được biết ngay cả một vài bài quyền, bài binh khí, tôi dám chắc (và tôi đã khẳng định) thầy tôi không dậy, song cũng được nói ra là “thầy tôi dậy”. Tôi cũng không biết bình luận gì hơn. Ngoài sự hiểu biết của tôi (qua năm tháng theo sư phụ), tôi còn hỏi rõ sư huynh tôi – võ sư Trần Thiết Côn (tức Sinh), con trai lớn của sư phụ tôi, hỏi anh Nguyễn Chí Thành con trai Sư tổ Nguyễn Tế Công, tôi càng khẳng định chắc chắn về những chuyện này. Trong những lần vào viếng mộ Sư tổ vừa qua, tôi cùng võ sư Nguyễn Đăng Quang trao đổi, trò chuyện, võ sư Nguyễn Đăng Quang đã thể hiện cho biết các thế cơ bản trong bài “Liễu Diệp Kiếm”. Tôi rất cảm ơn và xin được ghi nhận để nghiên cứu. Song tôi cũng không thể bảo lại cho các trò của mình. Vì cho dù những kỹ thuật đó hay, song cũng không nằm trong hệ thống bài bản mà tôi đã được học.
Cũng trong những ngày ở trong thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã gặp và trò chuyện chân tình cùng võ sư Lục Hà Kim, tôi đã được võ sư đưa cho bản “Khẩu Quyết Tam Thủ Mộc Nhân” bằng tiếng Trung Quốc (tôi đã nhờ sư huynh – võ sư Phan Dương Bình dịch ra tiếng Việt), trong đó ghi rõ tên 36 đòn thế của bài mộc nhân. Song tôi cũng thấy không dám tự tiện đưa vào gọi tên các thế trong bài tôi được học. Bởi lẽ bản “Khẩu Quyết” này gọi tên đòn thế không giống với một tài liệu quý khác mà tôi hiện có.
Tôi nghĩ, sau này, khi có điều kiện, chúng tôi (những học trò của sư phụ tôi) cùng ngồi lại với nhau để thống nhất tên gọi các đòn thế (và nhiều vấn đề khác nữa) để truyền lại cho thế hệ sau được thống nhất hơn. Còn không, chắc phải để cho các học trò hoặc các thế hệ sau đưa ra các tên gọi thống nhất vậy. Lúc này tôi thiết nghĩ là khi ta đưa ra thông tin nào, tên gọi nào (đòn thế, bài bản, công phu và cả tên môn phái...) phải nên rất thận trọng. Bởi lẽ nếu không sẽ đẩy các học trò và các thế hệ sau vào tình thế khó xử. Nhân đây tôi cũng xin được nhắc lại việc gọi tên môn phái: Vĩnh Xuân hay Vịnh Xuân? Tôi đã viết đôi lần về vấn đề này và đến nay tôi vẫn giữ quan điểm “Sư phụ của ta gọi sao, ta hãy gọi đúng như vậy”.  Đừng vì lý do này, lý do kia mà gọi khác đi.  Đó chính là sự tôn trọng sư phụ mình.
Tôi tin rằng với mức độ tiến bộ rất nhanh của lớp trò (thế hệ thứ tư) nói chung và các học trò tôi nói riêng, hiện nay trong điều kiện thời đại thông tin, với tri thức, sức trẻ và thời gian cùng sự tâm huyết với môn phái, họ (các học trò) sẽ còn rất nhiều dịp để nghiên cứu, tìm hiểu các mặt (theo diện rộng) về môn phái Vĩnh Xuân để củng cố thêm những điều đã được học và sẽ có nhiều điều (cả về tên gọi) đi đến thống nhất hơn. Tuy vậy tôi cũng đã nói với các học trò của mình, và thực tế chính các học trò của tôi cũng nhận thức được ra, rằng “Vĩnh Xuân không thể học qua băng, đĩa hoặc nhìn qua hình, mà phải có thầy”.
Qua bài viết này, tôi cũng mong các bạn thông cảm cho việc gọi nôm của tôi về tên các đòn thế trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia . Hy vọng (và chắc chắn) đến lúc nào đó các đòn thế trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia sẽ có được các tên gọi đúng.
Chân thành cám ơn về những tình cảm của các bạn đã giành cho Vĩnh Xuân Nội gia.
Hà Nội, ngày 07/04/2006
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng Võ đường VXNGQ
Võ sư - kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo