Một số trao đổi thêm về việc nhận môn sinh vào học ở võ đường
Vấn đề này trong một bài viết trước đây tôi đã đề cập đến một số vấn đề liên quan (xem bài “Đôi điều trao đổi về việc xin theo học võ đường”). Trong việc võ đường chúng tôi tạm ngừng tiếp nhận môn sinh cũng có một số ý kiến đến với võ đường từ nhiều phía (các bậc võ sư, các môn sinh và bằng hữu). Hôm nay tôi xin được nói rõ thêm để mọi người hiểu và thông cảm.
Phải nói thật lòng là: chúng tôi vì quyền lợi của chính những người theo học mà không thể nhận thêm người, khi mà khả năng đào tạo, truyền dậy của chúng tôi đã tới hạn. Chúng tôi cũng rất muốn có nhiều người theo học, nhưng chúng tôi cũng rất cần có những người theo học đạt chất lượng, có đủ trình độ. Trên thực tế, với tất cả sự khiêm tốn của mình, chúng tôi vẫn muốn nói rằng: chúng tôi đã cố gắng đến mức cao nhất về sự tận tình, thật tâm trong quá trình đào tạo và truyền dậy theo đúng chương trình đào tạo và mức độ tiến bộ chung của các môn sinh, cũng như theo khả năng hiện có của chúng tôi.
Trong quá trình đào tạo, có thể chúng tôi chưa đáp ứng hết mong muốn của một số môn sinh (như muốn học nhanh hơn, nhiều đòn thế hơn, muốn học để va chạm luôn, v.v.), cũng như còn một số hạn chế nhỏ khác, nhưng dù sao chúng tôi vẫn nghĩ rằng các anh chị em đang theo học chắc cũng hiểu lý do và không phàn nàn về việc truyền dậy và hướng dẫn của chúng tôi.
Như thầy tôi thường nói với các học trò: “Học võ trước hết là học để hoàn thiện chính con người mình về nhiều mặt (xây dựng con người khỏe toàn diện về cả sức lực lẫn trí tuệ); học để biết điều khiển các bộ phận trong cơ thể mình theo lệnh của mình; học để chiến thắng chính mình. Sau đó mới là để chống lại đối thủ khi mà tính mạng mình bị uy hiếp”. Trên thực tế, qua thời gian tập luyện tuy ngắn ở võ đường (nhiều nhất được 9 tháng) đã có không ít môn sinh nhìn nhận đúng về hệ thống truyền dậy và hướng dẫn của võ đường, đồng thời có được sự cải thiện tốt về sức khỏe (có bệnh tật thì suy giảm, tinh thần và thể lực được khỏe lên), khả năng làm việc tốt lên. Có được kết quả này trước hết phải nhìn nhận là do các môn sinh ở võ đường rất chăm chỉ, chịu khó và cần mẫn tập luyện. Đây chính là động lực quan trọng để tạo nên những chuyển biến tích cực trong sức khỏe và tâm trí của mỗi người. Thầy tôi cũng đã trao đổi với các môn sinh hiểu “tập ở lớp là cơ bản, tập ở nhà là quan trọng, không thể coi nhẹ mặt nào cả”. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều môn sinh say mê luyện tập, có ý chí vươn lên rõ rệt, có sự tôn trọng và chân thành trong quan hệ thầy – trò, trong quan hệ đồng môn. Tất nhiên, như lời người xưa dậy “Đồ vật tốt khi mới, người bạn tốt khi cũ”. Thời gian sẽ cho chúng tôi những con người tốt để cùng đồng hành trên con đường của môn phái Vĩnh Xuân. Nhưng cũng xin được nói thêm đôi chút là trong cuộc sống cũng có những con người “cũ”, mà không hẳn là tốt. Ta khó rõ được họ, vì họ đã cố tình tạo ra quá khứ, biết che đậy bản chất và tham vọng của họ. Thật may, số này không nhiều. Và như thầy tôi viết: “Mọi điều sẽ do cơ duyên dẫn dắt. Các Sư tổ chắc chắn sẽ không để những môn đồ chân thành, tâm thiện, một lòng say mê luyện tập lại không được đi đến cùng” (xem thêm bài “Đôi nét trao đổi về nội công trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia” của sư phụ tôi). Thực tế đã có nhiều người có được sự dẫn dắt của cơ duyên.
Hiện nay còn một số bạn muốn theo học, song do hoàn cảnh chúng tôi chưa tiếp nhận được đợt này. Như chúng tôi đã đề cập trong “Trả lời một số câu hỏi thường gặp trong thư các bạn gửi” ngày 27/3/2006, xin các bạn để lại địa chỉ, điện thoại, để khi có điều kiện tiếp nhận trở lại chúng tôi sẽ báo trực tiếp đến các bạn (Hiện chúng tôi đang tìm những giải pháp khắc phục, nhưng sẽ không nhận bổ sung vào các lớp đã tập, vì phải đảm bảo sự đồng đều về chất lượng trong cùng một lớp. Có thể chúng tôi sẽ mở thêm lớp khi hội tụ đủ các điều kiện cần thiết). Hoặc nếu cần tập luyện ngay, các bạn có thể tìm hiểu thêm và đến những võ đường Vĩnh Xuân khác (như chúng tôi đã giới thiệu ở các bài trước, ở Hà Nội hiện có khoảng trên chục võ đường Vĩnh Xuân đang hoạt động) phù hợp với nguyện vọng, ý thích và hoàn cảnh của mình để xin học. Tôi nhớ trong Yoga có câu “tìm sẽ thấy”, và mong rằng các bạn “tìm sẽ thấy” điều mình mong đợi và cần có.
Một lần nữa mong các võ sư, các bằng hữu, các bạn chưa được theo học thông cảm cho võ đường của chúng tôi. Chúng tôi xin cố gắng để không phụ lại lòng tin của mọi người.
Chúc các bạn và gia đình luôn tốt lành, hạnh phúc và vạn sự như ý.
Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2006
Trưởng tràng võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Kĩ sư Trần Thanh Ngọc
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT