Người bị đánh không biết đau

(Đây là bài đăng đã lâu, có những chi tiết chưa chính xác.  Tôn trọng quan điểm của tác giả, chúng tôi vẫn giới thiệu để các bạn cùng tham khảo. Admin)
58 tuổi, tóc muối tiêu để dài quá tai, mang cặp kính cận dày trên gương mặt hồng hào phúc hậu, trông ông Nguyễn Ngọc Nội đúng là một kỹ sư xây dựng như vai trò của ông trước đây chứ không giống một võ sư phái Vĩnh Xuân nội gia đang hành nghề.  Mỗi ngày, 2 giờ liên tục, ông phải chịu cho các võ sinh chặt, chưởng, đấm, đánh khủyu tay, cùi trỏ ... với tất cả sức bình sinh vào những chỗ "hiểm" như hai bên sườn, bụng, ngực... nói chung từ cổ trở xuống như một cách luyện tập.  Theo ông thống kê, mỗi ngày ông phải chịu khoảng 300 đòn.  Mà mỗi tuần có 4 buổi tập.  Như vậy một tháng cơ thể vạm vỡ của ông phải chịu tất cả 4800 đòn từ đệ tử.  Thế mà sau khi "lĩnh chưởng" xong, ông vẫn cười nói thoải mái như không có chuyện gì xảy ra, trong khi các môn sinh, những người đã đánh vào người ông, thậm chí có người trọng lượng gần gấp rưỡi ông nói không ra hơi, mồ hôi mướt mát...Quả là ông Nội có sức chịu đựng kỳ lạ!

Chịu đựng được như trên, không phải có sức mạnh từ tiên, phật mà thực ra ông Nội đã lĩnh hội được nội công tuyệt đỉnh của phái Vĩnh Xuân, môn phái có xuất xứ từ Trung Hoa qua sự dày công luyện tập.  Theo học phái võ này từ năm 27 tuổi, mặc dù chỉ theo thầy (Võ sư Trần Thúc Tiển) rèn luyện 3 năm, nhưng nhờ tâm-trí-khí trong quá trình học, ông Nội đã được thầy Tiển truyền cho bí quyết để trở thành truyền nhân và phát triển môn võ này.  Yếu tố quan trọng nhất trong rèn luyện Vĩnh Xuân là nội công.  Nội công có thể chi phối mọi quyền thuật của Vĩnh Xuân.  Trong nội công, một trong những yếu tố quyết định lại là vận khí bằng cách hít thở, cho nên bài học đầu tiên và xuyên suốt trong quá trình luyện tập Vĩnh Xuân là cách thở.  Thở trong Vĩnh Xuân gần giống với thở của Yoga, từ tư thế (Vĩnh Xuân gọi là điều thân) cho đến cách hít thở.  Thở sao cho êm, nhẹ, đều (thời gian hít vào bằng thời gian thở ra) và xuống tận tới đan điền (điểm bên trong bụng cách dưới rốn khoảng 2 cm) để có thể hấp thu khí trời đất một cách hiệu quả nhất.  Trải qua quá trình luyện tập lâu dài, cách thở này sẽ trở thành bản năng của người trong môn phái Vĩnh Xuân.  Và ông Nội cũng "bật mí" cách thở trên giúp ông có thể chịu đòn như đã nói.  Một quyền thuật khác có tính quan trọng không kém, thậm chí song song  với việc hít thở trong nội công vủa Vĩnh Xuân để giúp ông Nội tiếp thu được tinh hoa của môn phái là thể trạng lỏng mềm của cơ thể.  Nếu chứng kiến cảnh ông Nội và môn sinh luyện tập với nhau theo kiểu "một chọi một" thì có cảm giác cơ thể của ông như dòng nước chảy. Khi người ta đánh vào chỗ nào thì chỗ ấy mềm, lỏng ra.  Chính vì vậy có lẽ ông Nội không thấy hề hấn gì khi chịu đòn.  Chỉ có dấu vết để lại trên những chỗ va chạm là hơi đỏ.  Nhưng khoảng hai tiếng sau, tự nó hết.  Để đạt được "chiêu" này, cần một sự kỳ công không chỉ về luyện tập mà còn cả về thời gian.  Hiện nay chưa một môn sinh nào của ông Nội đạt được một phần như ông. Với những đặc điểm đặc trưng như vậy cộng với quyền thuật sử dụng bằng tay là chính, Vĩnh Xuân có tính chất cận chiến. "Cận chiến nhưng không mang tính công phá, sát thương, không sử dụng cơ bắp".  Đó là quan điểm của ông Nội trong việc truyền dạy Vĩnh Xuân cho các đệ tử.  Chứ hiện nay một số võ đường luyện tập môn phái này theo chiều hướng "cơ bắp" mang tính "sát thủ", chiến đấu cao trong khi tinh thần Vĩnh Xuân lại đề cao từ bi, bác ái theo đạo Phật.  Chính vì vậy tại võ đường hay nhà riêng của ông Nội treo trang trọng khẩu hiệu thể hiện tinh thần chính của Vĩnh Xuân: "Vĩnh Xuân Phật gia".  Ông luôn răn dạy 60 môn sinh điều này và ông còn nói :"Học Vĩnh Xuân là để tự vệ chứ không phải để đánh người".

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo