Giới thiệu bức ảnh cố võ sư Trần Thúc Tiển với mộc nhân

Mộc nhân là một dụng cụ tập luyện rất quan trọng trong môn phái Vĩnh Xuân.  Được tiếp thu từ hệ thống mộc nhân của Thiếu Lâm, mộc nhân trong Vĩnh Xuân cũng có được những nét riêng phù hợp với bản chất nội gia của môn phái.

Trong những năm ở Hà Nội, Sư tổ Nguyễn Tế Công cũng đã cho các học trò của Người tập luyện với mộc nhân.  Song có một điều ít ai hiện nay biết, đó là cây mộc nhân mà Sư tổ dùng để cho các học trò tập luyện được dựng ở tầng một nhà của sư phụ tôi - Cố võ sư Trần Thúc Tiển - ở 38 Gia Ngư.  Sư phụ tôi đã dành toàn bộ tầng một làm phòng tập.  Nơi đây, hàng ngày Sư tổ Nguyễn Tế Công đến để dạy các học trò.

Hôm nay, qua trang web này, tôi xin được trân trọng giới thiệu bức ảnh lịch sử của chi nhánh chúng tôi - ảnh chụp sư phụ tôi (người đứng bên phải) và người đồng môn đứng cùng cây mộc nhân ở nhà sư phụ tôi vào năm 1951.  Đây là cây mộc nhân mà Sư tổ Nguyễn Tế Công đã hướng dẫn sư phụ tôi làm và dựng ở nhà sư phụ tôi vào sau năm 1945.

Sau khi Sư tổ Nguyễn Tế Công vào Nam (khoảng tháng 8 năm 1954), sư phụ tôi tiến hành dạy môn Vĩnh Xuân và cũng cho các học trò của mình tập với cây mộc nhân này.  Đến giữa năm 1959, do hòan cảnh, sư phụ tôi ngừng dạy.  Trong thời gian sư phụ tôi ngừng dạy - từ 1959 đến 1969 - cũng do hòan cảnh, gia đình sư phụ tôi phải chuyển tòan bộ lên ở tầng hai (38 Gia Ngư).  Tầng một có người khác đến ở và đã bỏ đi cây mộc nhân từng gắn bó với sư phụ tôi mười mấy năm trước đó.  Đến khi sư phụ tôi quay trở lại dạy, do không có điều kiện để dựng mộc nhân, sư phụ tôi phải làm một bảng gỗ gắn vào tường và cắm các tay gỗ vào cho chúng tôi tập, thay cho mộc nhân.  Sau này, sư phụ tôi đã cho tôi biết nguyên lý để dựng mộc nhân, đồng thời cũng dạy tôi những yếu quyết trong việc tập với mộc nhân.

Đến năm 1990 tôi mới có điều kiện dựng được mộc nhân.  Trên cơ sở nguyên lý của việc dựng mộc nhân, tôi cũng mạn phép sư phụ có thay đổi đôi chút, thêm vào các lò so.  Vừa qua, khi tiến hành dựng mộc nhân để cho các học trò lớn của tôi tập luyện, tôi cũng đã cải tiến hệ đỡ mộc nhân dùng cho nơi không có điều kiện đào hố chôn mộc nhân (như trên nhà tầng) trên cơ sở các mộc nhân hiện có (Mộc nhân của tôi được đặt dưới hố).  Nay tôi cũng xin được giới thiệu cây mộc nhân này qua các ảnh minh họa dưới đây, để mọi người cùng tham khảo.  Mong rằng sẽ giúp được những người muốn dựng mộc nhân mà nhà lại ở trên tầng.  Với thầy trò chúng tôi, cây mộc nhân này rất thích hợp.  

Nhân đây, tôi cũng xin được bộc bạch một điều quan trọng trong việc tập mộc nhân mà sư phụ tôi đã dạy, đó là: khi chưa đủ những yếu tố cần thiết, nói đơn giản là thời gian tập luyện chưa nhiều, thì đừng tập vào mộc nhân vội, nếu không sẽ không tốt cho quá trình tập luyện lên cao.  Tất nhiên, xin được nhắc lại là điều này có thể chỉ phù hợp với Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi mà thôi.   Còn trên thực tế có rất nhiều phương pháp, yếu quyết tập mộc nhân khác mà tôi không được biết.  Do đó, mong các bạn hiểu cho là tôi chỉ nói những điều liên quan tới việc tập luyện của tôi và các học trò mình qua lời sư phụ tôi dạy.

Đối với chúng tôi, mộc nhân không đơn thuần là một dụng cụ tập luyện mà, như sư phụ tôi nói, còn có một ý nghĩa tâm linh sâu sắc.  Do đó, khi dựng mộc nhân thì phải làm lễ dựng mộc nhân.  Và trước khi vào tập với mộc nhân, đều phải làm động tác lễ rồi mới bắt đầu tập.  Mộc nhân như là một ông thầy vô cùng nghiêm khắc và không nương tay với bất kỳ ai.  Nếu tập đúng cách, tuân thủ các yếu quyết thì việc tiến bộ trong tập luyện nhiều khi không thể ngờ được.
Như mọi người đã biết, Sư tổ Nguyễn Tế Công vào những tháng cuối đời (2 tháng trước khi mất) mới cho phép các học trò chụp lại những hình ảnh Sư tổ đánh với mộc nhân.   Đây là những bức hình vô giá về Sư tổ mà hậu duệ chúng ta còn lưu giữ được.   Và những hình ảnh Sư tổ đánh mộc nhân đã trở thành biểu tượng cho Vĩnh Xuân Việt Nam.

Qua việc giới thiệu bức ảnh lịch sử trong chi nhánh của chúng tôi chụp sư phụ tôi với mộc nhân, tôi cũng xin được nói thêm một số điều liên quan đến mộc nhân như trên.

Nhân những ngày Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2550, tôi thành tâm cầu xin các Phật tổ phù hộ cho mỗi người chúng ta luôn được bình an, hạnh phúc, xã hội được yên lành, văn minh tiến bộ, môn phái Vĩnh Xuân được phát triển và hưng thịnh.

Xin chân thành cảm ơn tất cả.

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2006
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Ủy viên BCH Hội Võ thuật Hà Nội
Chủ nhiệm - Võ sư trưởng võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền.

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo