Đôi điều trao đổi thêm về mộc nhân

Sau khi tôi giới thiệu bức ảnh lịch sử của chi nhánh chúng tôi chụp sư phụ tôi cùng người đồng môn đứng cạnh cây mộc nhân, tôi nhận được một số ý kiến muốn tôi nói rõ thêm về một số vấn đề liên quan đến mộc nhân. Có những vấn đề thuộc phạm vi nội bộ võ đường, tôi xin không trao đổi trong bài viết này. Những vấn đề khác, tôi xin được trao đổi trên cơ sở những hiểu biết của tôi.

Như các bạn đã biết (qua thực tế cũng như qua các phim giới thiệu về các câu lạc bộ, võ đường, và qua các Website), mộc nhân ở Hà Nội có một số hình dáng tiêu biểu như sau:

i - Kiểu hình dáng mộc nhân như của võ đường chúng tôi đã giới thiệu: Đây là loại mộc nhân được gọi là “mộc nhân tam thủ” (tức là có ba tay).  Trên thực tế còn một tay nữa ở vị trí dưới (chúng tôi thường dùng từ “tay” để chỉ chung các tay gỗ được cắm vào mộc nhân). Song tay này chỉ dùng để tập những kỹ thuật khác với mộc nhân, không có trong bài tập 108 với mộc nhân.  Như tôi đã viết ở bài trước, đây là kiểu mộc nhân tôi làm theo sự chỉ dạy của sư phụ tôi.  Hiện nay tôi được biết hình dáng mộc nhân kiểu này có ở võ đường chúng tôi, võ đường của võ sư Trần Thiết Côn (tức Sinh), võ đường của võ sư Trần Lê Hoài Ngọc.  Ngoài ra ở một vài võ đường thuộc các chi nhánh khác tôi cũng thấy có hình dáng giống như của chúng tôi.

ii - Kiểu hình dáng mộc nhân được làm theo của Vịnh Xuân Hồng Kông:  Đây là loại mộc nhân có ưu điểm rất lớn là có thể điều chỉnh mộc nhân theo vị trí cao thấp khác nhau phù hợp với người tập. Đồng thời do mộc nhân này thiết kế tay lệch, cho nên chỉ cần cây gỗ vừa phải là có thể làm được mộc nhân.

iii - Kiểu hình dáng mộc nhân nhiều tay: Tôi không rõ nguồn gốc của loại mộc nhân này. Song theo thiển ý của tôi, có lẽ loại mộc nhân này được thiết kế là do người tập qua quá trình tập luyện ngộ ra được những vấn đề nào đó mà thấy rằng phải có mộc nhân nhiều tay mới có thể tập ra được.

Như các bạn cũng hiểu: hình dáng mộc nhân khác nhau tất yếu các bài tập, các phương pháp tập mộc nhân cũng sẽ khác nhau. Tất nhiên cũng không ít điều giống nhau vì cùng là tập với mộc nhân. Trong bài 108 với mộc nhân của chúng tôi, chân chỉ xoay tại chỗ (như bài tập 108 tại chỗ), không có di chuyển ngang hoặc vòng. Những bài tập với các mộc nhân khác, tôi mới biết qua phim, ảnh, tài liệu và cũng chưa tập qua, do đó tôi không thể đưa ra những nhận xét của tôi về những phương pháp và những bài tập này. Song dù tập theo phương pháp nào, bài tập nào đi chăng nữa, việc tập với mộc nhân (như tôi đã viết ở bài trước) thông thường đều đòi hỏi ở người tập phải rất khá về quyền thì khi tập với mộc nhân mới có thể lĩnh hội được những điều lợi ích qua việc tập với mộc nhân. Kỹ thuật tập mộc nhân, như tôi được biết, không chỉ ở nước ta mà ngay cả ở một số nước khác, là những kỹ thuật cao chỉ dành cho những môn đồ lâu năm (thậm chí chỉ dành cho những nội đồ).

Một số điều trao đổi trên đây có thể chưa làm vừa lòng các bạn, mong các bạn cảm thông. Tôi được biết hiện nay có nhiều tài liệu (phim, tranh ảnh, sách) giới thiệu về những phương pháp tập mộc nhân. Các bạn quan tâm nên tìm xem và đọc thêm.  Hy vọng các bạn sẽ tiếp thu thêm được nhiều kiến thức bổ ích.

Xin chân thành cảm ơn những tình cảm của các bạn đã dành cho chúng tôi.

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2006
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo