Giới thiệu phần tập luyện cơ bản ban đầu (Dưỡng sinh)

[Kỷ niệm một năm ngày ra mắt võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền, 17/7/2005 - 17/7/2006]

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được nhiều thư của các bạn gửi đến với nhiều vấn đề mà các bạn quan tâm liên quan tới võ đường của chúng tôi. Có những vấn đề chúng tôi đã trả lời chung trên trang Web của chúng tôi, hoặc trả lời thư trực tiếp tới các bạn. Có những mong muốn của một số bạn mà chúng tôi cũng thấy cần có những giải pháp thích hợp để đáp ứng nguyện vọng chân thành và chính đáng này. Cụ thể là muốn theo học nhưng lại ở xa, chỉ muốn theo học dưỡng sinh để chữa bệnh, muốn có một hình thức tập luyện nào đó trong khi chờ đợi võ đường chiêu sinh. Như các bạn đọc trong các bài tôi đã viết: tập Vĩnh Xuân Nội gia thực sự phải có thầy mới có thể đi xa được trong tập luyện. Tuy nhiên, với chương trình cơ bản, trong một mong muốn chừng mực nào đó, nếu các bạn thật tâm và đặt tâm vào tập luyện, cũng có thể tự tập được.

Hôm nay (17/7/2006) là ngày kỷ niệm một năm ra mắt võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền (17/7/2005).  Đối với võ đường chúng tôi, ngày giỗ Tổ (18 tháng Năm âm lịch hàng năm) là ngày quan trọng nhất, bởi vì nhiều dấu ấn, những điểm mốc quan trọng được hình  thành  trong ngày  này,  trong đó có ngày quyết định thành lập võ đường. Tuy nhiên ngày ra mắt võ đường cũng là một ngày có những ý nghĩa lớn lao đối với chúng tôi.  Nhân ngày này, tôi xin được giới thiệu với các bạn một số đòn thế trong hệ thống tập luyện cơ bản của võ đường.  Những đòn thế tôi giới thiệu sau đây không chỉ là những đòn thế mang tính chiến đấu mà trong đó còn hàm chứa công phu dưỡng sinh rất cao. Hầu hết các môn sinh theo tập tại võ đường đều có những kết quả rất tốt về sức khỏe. Và cũng đã bắt đầu từ những động tác tôi giới thiệu ở đây.  Ở đây tôi xin không bàn đến việc sử dụng các đòn thế này khi lâm sự, mà chỉ muốn giới thiệu một số đòn thế để các bạn tham khảo và có thể tập theo. Tôi tin rằng khi các bạn tập luyện nghiêm túc, những động tác này chắc chắn sẽ có ích cho các bạn, trước hết là về dưỡng sinh. Đối với những bạn có mong muốn theo tập ở võ đường sau này, thì đây cũng là một phần trong chương trình tập luyện cơ bản của võ đường.  Các bạn tập theo tốt, sau này khi tham gia vào võ đường sẽ giúp cho các bạn rút ngắn được thời gian tập luyện cơ bản. Vĩnh Xuân Nội gia “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.  Do vậy, các bạn nên tập kỹ, tập cẩn thận, và chú ý đến từng chi tiết trong động tác.

Một điều cần nhắc các bạn lưu ý là môn Vĩnh Xuân Nội gia lấy khí làm trọng. Do đó, bạn phải tập thở trước hoặc tập đồng thời với quá trình tập luyện các động tác tôi giới thiệu sau đây. Có như vậy mới có tác dụng sâu qua tập luyện. (Về phương pháp tập thở xin các bạn xem bài viết của anh Trần Thanh Ngọc, Trưởng tràng của võ đường, và bài về phương pháp thở của BS Nguyễn Khắc Viện, người từng theo học Cố Võ sư Trần Thúc Tiển, của ông Nguyễn Khắc Phê )

Tư thế ngồi xin các bạn xem ảnh 1 và 2. Đồng thời các bạn nên đọc thêm bài về lỏng mềm, cũng của anh Trần Thanh Ngọc, để hiểu và định hình cho việc tập luyện của bản thân. Hy vọng các bạn sẽ vượt qua đuợc những khó khăn của việc tự luyện tập và sẽ đạt được những kết quả mong muốn.                                                  

Ảnh 1Ảnh 2

Trước mắt chúng tôi xin giới thiệu một số động tác sau để các bạn tham khảo và tập luyện:

1. Động tác Lễ, Bái tổ và khởi thế:

Đây là những động tác bắt buộc trong võ đường của chúng tôi với trước mỗi buổi tập hoặc trước mỗi bài quyền. Có thể một số bạn sẽ cho là tôi giới thiệu những động tác này là không cần thiết. Song các bạn nên hiểu rằng những động tác này không đơn thuần là mang tính nghi lễ. Một trong những đòi hỏi của việc tập luyện là phải tập trung tinh thần khi bước vào tập luyện. Khi bạn thực hành 2 động tác (Lễ và Bái tổ) này, không chỉ là thể hiện sự trang nghiêm khi bước vào tập luyện mà chính là bạn đang thực hiện sự chuyển trạng thái tinh thần để bắt đầu cho việc tập luyện. Một điều khuyên với các bạn trước mỗi buổi tập là: “Các bạn hãy để mọi việc ngoài đời xuống dưới gót giầy của mình trước khi vào phòng tập”. Có được như vậy thì buổi tập mới có hiệu quả cao. Do đó tôi thấy rằng sẽ là cần thiết khi tập những động tác này trước hết.

1.1.  Lễ: Đây là động tác lễ Phật ta thường làm, chỉ khác là lúc này chân ta đứng ở tư thế Lập tấn (xem ảnh 3).

1.2. Bái tổ: Có 2 tư thế chân khi bái tổ. Song tư thế bắt đầu các bài quyền hoặc bắt đầu buổi tập thì luôn đứng Lập tấn. Tư thế khi kết thúc bài quyền thì chân có thể ở tư thế Nhị tự Kiềm dương (xem ảnh 4). Trong tư thế Lập tấn hoặc Nhị tự Kiềm dương, đưa 2 tay lên trước, gập khuỷu, ngang vai, tay phải nắm đấm (quyền), tay trái mở, bàn tay trái áp sát nắm đấm tay phải (xem ảnh 5).

Ảnh 3Ảnh 4Ảnh 5

1.3. Khởi thế: (chân luôn ở thế Lập tấn),  Từ tư thế Bái tổ, bạn để nguyên tư thế tay và đưa ra phía trước (2 bàn tay dần tách nhau). Khi gần hết tay, bạn đảo 2 bàn tay xuống dưới (lúc này mở bàn tay phải), vòng vào trong (sát người), rồi đưa vòng lên và hất đập 2 lưng bàn tay ra trước. Nắm 2 bàn tay lại thu về 2 bên thắt lưng. Xoay đưa 2 mũi bàn chân sang 2 bên, 2 gót chân tạo thành 1 góc vuông, rồi xoay 2 gót chân sang 2 bên, 2 bàn chân song song nhau, 2 gối hơi trùng xuống, 2 đầu gối đưa vào trong. Đây là tư thế Nhị tự Kiềm dương..

2. Động tác 1:

Từ đây trở đi, mỗi động tác tập 5 lần. Tuy nhiên đối với từng động tác, tùy theo người tập không hạn chế số lần tập.

Đứng Nhị tự kiềm dương, mở 2 bàn tay đưa dần lên tới ngực (xem ảnh 6). Xoay 2 bàn tay úp xuống và huớng các ngón tay ra trước từ từ đẩy xuống, người cong dần theo. Khi tới gần mặt đất (xem ảnh 7) thì đảo vòng 2 bàn tay ngửa lên, các ngón tay hướng vào nhau (như đang bê một vật) và nâng dần lên, người lên theo. Khi tới thắt lưng thì vòng 2 cổ tay đưa ra ngoài, dần ra sau, ngón tay hướng ra sau, người ngả dần ra sau. Nâng 2 tay lên qua đầu (xem ảnh 8) rồi hạ dần 2 khuỷu tay xuống và đẩy ra sau tối đa. Ấn 2 bàn tay xuống (xem ảnh 9). Sau đó từ từ nâng 2 bàn tay, người thẳng lên theo. Hai bàn tay nâng gần tới nách thì chuyển ra trước và lại bắt đầu lại. Làm 5 lần thì chuyển động tác.

Ảnh 6Ảnh 7Ảnh 8Ảnh 9

3. Động tác 2:

Từ tư thế Nhị tự Kiềm dương, mở 2 bàn tay, đảo vòng ra sau sang 2 bên vòng lên ngang vai, bàn tay dần úp xuống, khuỷu tay hơi cong, rồi đưa ngang ra trước mặt, ở ngang vị trí thái dương (xem ảnh 10). Đảo vòng 2 bàn tay và hơi hạ tay và hạ khuỷu xuống, 2 bàn tay ngửa, ở ngang vị trí cổ (xem ảnh 11). Thu 2 tay về 2 bên thắt lưng, và lại bắt đầu đảo vòng ra sau…Trong quá trình chuyển đảo tay, tay phải thả lỏng, không được dùng sức, lên gân hay gồng cứng, và quá trình chuyển đảo phải có tính liên tục. Lần tập cuối, thì khi thu tay về sườn, 2 bàn tay nắm lại.

Ảnh 10Ảnh 11Ảnh 12

4. Động tác3:

Tập như động tác trên. Nhưng thay vì mở bàn tay, thì ở động tác này 2 bàn tay luôn nắm.

5. Động tác 4:

Từ tư thế Nhị tự Kiềm dương, mở 2 bàn tay đưa ra trước và xỉa chếch lên trên, 2 cạnh  bàn tay sát nhau (xem ảnh 12). Úp 2 bàn tay và đưa chếch 2 cánh tay sang 2 bên, 2 tay ngang vai. Hai cánh tay đưa dần sang 2 bên ra gần thẳng 2 vai, rồi đảo 2 cổ tay ra sau vòng về 2 bên thắt lưng, bàn tay dần ngửa. Và từ 2 bên thắt lưng lại bắt đầu tập lại.

6. Động tác 5:

Tập như động tác 3. Nhưng thay vì bàn tay mở, thì 2 bàn tay nắm lại trong suốt quá trình tập.

7. Động tác 6:

Đứng Nhị tự kiềm dương. Quay hông, lưng, vặn đưa vai ra trước (xem ảnh 13). Làm 5 lần thì chuyển động tác.

8. Động tác 7:

Vận động như trên, nhưng 2 tay không nắm để thắt lưng mà buông thẳng 2 tay, để lỏng cho văng tự do theo sự vặn người (xem ảnh 14). Làm  5 lần thì chuyển động tác.

9. Động tác 8:

Đứng Nhị tư kiềm dương. Mở 2 bàn tay đưa sang 2 bên lên ngang vai rồi gập khuỷu đưa 2 lưng cổ tay vào gần tai. Hạ khuỷu tay xuống và đẩy 2 cùi tay sang 2 bên (xem ảnh 15). Gập cổ tay, hơi nâng đưa lên, hạ khuỷu xuống, 2 cánh tay gần thẳng và đẩy 2 cùi tay sang ngang 2 bên như vừa xong. Rồi lại bắt đầu lại từ đầu, đưa 2 cùi tay vào gần tai…Làm  5 lần thì chuyển động tác.

Ảnh 13Ảnh 14Ảnh 15

10. Động tác 9:

Đứng Nhị tự Kiềm dương. Hai tay mở ra, tay phải đưa ngược khuỷu tay lên trên rồi vòng ra sau, vặn người và hạ khuỷu tay xuống. Đồng thời ngả nguời ra sau. Khuỷu tay hạ tới vị trí ngang ức ra thì dừng, cánh tay thẳng. Tay trái bàn tay dựng, đồng thời đẩy bàn tay theo sự vặn người từ sườn trái sang phải (xem ảnh16). Đẩy cùi tay phải ra (trong tư thế này) độ 20 cm.Tay trái đẩy ra theo một chút (xem ảnh17), rối hất khuỷu tay trái lên (giống như tay phải lúc đầu), vặn người sang trái. Và đánh giống như tay phải lúc đầu. Tay phải lúc này thu về sườn phải và đẩy sang sườn trái theo sự vặn người. Sau khi dừng khuỷu thì 2 tay lại đẩy cườm tay ra như lúc trước (xem ảnh 18). Rồi lại bắt đầu lại.

Ảnh 16Ảnh 17Ảnh 18Ảnh 19Ảnh 20

11. Động tác 10:

Đứng Nhị tự Kiềm dương. Đấm 2 tay ra trước vào trung lộ, tay phải trên, tay trái dưới (xem ảnh 19). Tay phải vòng lên đấm ra trước, tay trái hơi thu về và đấm theo. Tay phải đấm ra gần hết tay thì hạ xuống, cánh tay song song với mặt đất và thu về bụng. Tay trái lúc này đấm ra trước. Rồi hạ tay trái. Hai tay đấm liên tiếp theo hình vòng tròn (xem ảnh 20). Vị trí tay đấm được chuyển dần theo các điểm Thượng (trên ức)– Trung (trên rốn) - Hạ (từ rốn xuống) hoặc theo vòng Thượng - Hạ. Vòng tròn đấm to nhỏ tùy theo yêu cầu tập đặt ra. Sau đó thì đấm 2 tay theo chiều ngược lại như trên.

Phần giới thiệu một số động tác cơ bản trong hệ thống quyền thuật của võ đường chúng tôi xin được dừng ở đây. Hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu thêm về võ đường của chúng tôi. Các bạn xem xét và có thể tập theo những động tác tôi đã giới thiệu ở trên. Tôi tin rằng nếu các bạn kiên trì tập theo, chắc chắn sẽ có những kết quả tốt. Và đừng quên tập thở cùng. Chúc các bạn thành công.

Hôm nay cũng nhân kỷ niệm một năm ngày ra mắt võ đường, tôi xin có đôi điều trao đổi cùng các bạn . Trên cơ sở những điều được sư phụ truyền dạy, qua những giác ngộ của bản thân, qua những tìm hiểu và suy ngẫm, tôi đã viết những bài đăng trên trang Web của chúng tôi cũng như đăng trên một số báo và tạp chí , chỉ với một mục đích cao nhất là tôn vinh môn phái Vĩnh Xuân, giới thiệu phần nào về chi nhánh Vĩnh Xuân của sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, và về võ đường của chúng tôi.

Chân thành cảm ơn và biết ơn các bạn.

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2006
Võ sư - Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo