Đôi điều trao đổi về hệ thống Ngũ hình quyền trong Vĩnh Xuân Nội gia

Trong những thời gian qua, có nhiều người (trong đó có cả các môn sinh của võ đường) hỏi tôi nhiều điều về quyền thuật của Vĩnh Xuân và cả về những điều liên quan đến quá khứ. Như các bạn đã biết: sự khác nhau về hệ thống quyền thuật của các nhánh trong một môn phái là điều tất yếu với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Kể cả những vấn đề thuộc về lịch sử mà chúng ta là những hậu duệ khó có thể nắm bắt, hiểu biết được những điều sâu xa bên trong để có thể đưa ra những nhận định đúng.  Có lẽ điều quan trọng là phải nhìn vào thực tế hiện tại đang thể hiện để đánh giá. Và có chăng, có thể dựa vào thực tế hiện tại này để nhìn nhận một số điều liên quan đến quá khứ. Cũng trong những thời gian qua, tôi có viết một số bài (đã đăng tải trên Website) trong đó cũng đã trình bầy một số điều liên quan đến một số lĩnh vực mà các bạn quan tâm. Trong bài viết này , tôi xin được trình bầy đôi nét về hệ thống Ngũ hình quyền trong Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi. Hy vọng có thể giải đáp được phần nào những điều các bạn quan tâm, hỏi về Ngũ hình quyền, cũng như cho những môn sinh của chúng tôi bắt đầu tập vào Ngũ hình quyền có những hiểu biết cơ bản ban đầu về hệ thống Ngũ hình quyền trong Vĩnh Xuân Nội gia.

Những người đam mê võ thuật chúng ta đều biết: từ ngàn xưa, khi hình thành võ thuật (kỹ năng tự vệ, chiến đấu), các tiền bối đã vận dụng rất nhiều các kỹ năng chiến đấu để sinh tồn của các loài vật vào võ thuật. Như của các loài: Hổ, Báo, Hạc, Xà (rắn), Long (Rồng- một linh vật truyền thuyết), Ưng (đại bàng), Hầu (khỉ), Kê (gà), Đường lang (bọ ngựa)… Thậm chí có những kỹ năng chiến đấu của một số loài, qua trải nghiệm thực tế đã được nâng lên một mức cao hơn trở thành một môn võ chứ không chỉ là bài quyền.

Trong môn Vĩnh Xuân, như tôi được nghe, được biết, qua nghiên cứu, trải nghiệm, các Sư tổ môn phái đã chọn ra năm linh vật có những tác động sâu sắc và thể hiện được bản chất quyền thuật của Vĩnh Xuân. Đó là: Hổ, Báo, Hạc, Xà, Long. Toàn bộ hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân xoay quanh kỹ thật chiến đấu của năm hình này. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, việc sắp xếp và thể hiện kỹ thuật của năm bài quyền này có khác nhau giữa các nhánh.  Đồng thời khác nhau cả về lý luận về bản chất, sự biểu hiện, mối liên hệ, liên quan…Do tôi không có điều kiện tìm hiểu sâu được các nhánh, cho nên trong bài viềt này, tôi chỉ xin được trình bày những nét cơ bản của hệ thống Ngũ hình quyền trong Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi. Với mong muốn để cùng nhau nâng cao kiến thức, hiểu biết về môn phái Vĩnh Xuân nói chung và các nhánh trong môn phái nói riêng.

Ngũ hình quyền (NHQ) trong Vĩnh Xuân Nội gia gồm 6 bài quyền: 5 bài của 5 hình và 1 bài Tổng hợp. Bài Tổng hợp gồm một số đòn thế đại diện cho mỗi hình (đủ 5 hình) trong một bài. NHQ của Vĩnh Xuân Nội gia được sắp xếp theo trình tự: Hổ, Báo, Hạc, Xà, Long. Bản chất của việc sắp xếp là đi từ ngoài (phần ngoại) vào trong (phần nội), và đi từ dễ đến khó (về mặt kỹ thuật thực hiện và thể hiện). Bản chất thể hiện và mục đích luyện của từng bài trong NHQ của Vĩnh Xuân Nội gia cụ thể là:

- Hổ quyền luyện cơ - cốt. Quyền đi uy dũng, đòn đánh trung thực.

- Báo quyền luyện gân - lực. Quyền đi nhanh mà dứt khoát.

- Hạc quyền luyện tinh. Quyền đi khoáng đạt, thanh cao, nhanh mà vững.

- Xà quyền luyện khí. Quyền đi mềm mại, uyển chuyển, có tính luồn lách mà tinh nhanh.

- Long quyền luyện thần. Quyền đi phải thể hiện được bản chất của 4 hình trên. Đồng thời phải thể hiện được sự ảo diệu trong các đường quyền. Bài Long là một bài quyền đẹp, song cũng khó thể hiện nhất trong 5 bài của NHQ.  Để thể hiện được tinh thần và bản chất của bài Long, phải tập tốt 4 bài quyền trên (Hổ, Báo, Hạc, Xà).

Như vậy ta có thể thấy:

- 2 bài Hổ quyền và Báo quyền thuộc phần ngoại, luyện về hình thể (cơ - cốt - gân - lực), làm nền tảng cho quá trình vận động quyền thuật.

- 3 bài Hạc quyền, Xà quyền, Long quyền thuộc phần nội, luyện Tinh - Khí - Thần (Tam bảo của con người), tạo nên sự bền vững, thâm sâu của quyền thuật.

Bên cạnh đó, NHQ của Vĩnh Xuân Nội gia còn có những nét khác, đó là: hình nào tay ấy. Mỗi bài quyền duy nhất chỉ có một thế bàn tay. Như tay Hổ từ đầu đến cuối bài quyền đều nắm quyền; tay Báo thì dùng thế tay kẹp 2 đốt ngoài của 4 ngón; tay Xà và tay Hạc là thế tay mở ; tay Long là thế tay “trảo”, cong 2 đốt ngoài tạo như bàn chân rồng. Trong bài Tổng hợp, khi đi đến hình nào thì cũng dùng thế tay của hình đó.

Để thể hiện được những nội dung trên trong các bài của NHQ không phải là điều đơn giản, và không phải một sớm một chiều có thể làm được. Nhất là với những môn sinh thời gian tập luyện chưa nhiều. Do đó, cũng như các phương pháp tập luyện trong Vĩnh Xuân Nội gia, NHQ được tập từ thấp lên cao. Bắt đầu từ những bài quyền tĩnh (Kỹ thuật tay), đến những bài quyền động. Qua đó các môn sinh Vĩnh Xuân Nội gia lĩnh hội được (dần) những bản chất sâu sắc trong vận động quyền thuật của từng hình. Và từ đó thể hiện được ra từng đòn thế trong khi đi quyền cũng như trong khi lâm sự.

Trước năm 1959 (1955 - 1959), sư phụ tôi dạy học trò chủ yếu là những kỹ năng chiến đấu, mà không dạy các bài quyền cụ thể. Các đòn thế sư phụ tôi dạy đều được lấy từ trong NHQ. Cách dạy này, sư phụ tôi cũng theo như cách mà Sư tổ Nguyễn Tế Công đã truyền dạy cho các học trò của người.  Đến giữa năm 1959, sư phụ tôi ngừng dạy. Sau năm 1969, khi quay trở lại dạy, sư phụ tôi mới bắt đầu đặt trọng tâm vào dạy theo hệ thống bài bản, và dần dạy chúng tôi những bài quyền của môn. Hệ thống bài bản này như tôi đã có dịp giới thiệu, đó là những bài: Thủ Đầu Quyền, Khí công Vĩnh Xuân quyền, hệ thống bài 108, hệ thống bài NHQ, những phương pháp tập luyện linh giác, 2 bài binh khí (song đao và lục điểm bán côn) cùng một số phương pháp tập luyện khác. Cũng phải hiểu thêm một điều là tại thời điểm đó (sau năm 1969), do các qui định về việc mở lớp truyền dạy võ thuật nên sư phụ tôi đã không dạy thẳng các kỹ năng chiến đấu, mà thông qua hệ thống bài bản để đi đến các kỹ năng này. Và đây (đối với chúng tôi) chính lại là những điều vô cùng quan trọng và căn cốt. Ở đây, tôi xin được nhắc lại một điều mà tôi luôn tâm niệm: đó chính là cơ duyên.  Vào những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời sư phụ tôi, tôi cũng may mắn được sư phụ chỉ bảo và phân tích thêm về những yếu quyết trong việc luyện Ngũ Hình Quyền.

NHQ mặc dù không phải là những bài quyền cao cấp trong Vĩnh Xuân Nội gia, nhưng trong hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân Nội gia, NHQ là một phần rất quan trọng. NHQ giúp cho các môn sinh luyện tập một cách toàn diện cả về kỹ năng tự vệ và dưỡng sinh (sự quan trọng của 2 mặt này như nhau); cả bên trong (luyện Tinh - Khí - Thần) và bên ngoài (luyện cơ - cốt - gân - lực).

Với đôi điều tóm lược ở trên, tôi xin được tạm dừng những điều trao đổi về NHQ trong Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi. Hy vọng có thể giúp các bạn phần nào hiểu thêm về hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân Nội gia, mà cụ thể là hệ thống NHQ.

Nếu có điều gì đó, tôi viết ra chưa làm các bạn hài lòng, hoặc chưa vừa ý, cũng mong các bạn thông cảm cho sở học của tôi, cũng như giới hạn của tôi chỉ viết được về hệ thống của chúng tôi mà thôi. Xin chân thành cảm ơn và biết ơn những tình cảm của các bạn đã giành cho chúng tôi.

Hà Nội ngày 07 tháng 8 năm 2006
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo