Tính dưỡng sinh trong Vĩnh Xuân Nội gia Quyền - Phần 1

(Bài đăng tại Tạp chí 'Thế Giới Mới' số 698 ngày 14/8/2006)

Đã hàng nghìn năm nay, con người, trong sự tồn tại của mình, bên cạnh việc tự hoàn thiện mình trên cơ sở những khả năng sẵn có của con người, con người còn chú tâm quan sát cuộc sống trong thiên nhiên để tìm hiểu, học hỏi những gì có thể vận dụng vào trong con người. Một trong những lĩnh vực mà con người đã học được từ thực tế hoạt động của thiên nhiên đó chính là khả năng bảo vệ sức khỏe (dưỡng sinh, chữa bệnh, tự đề kháng của cơ thể…).

Về nguồn gốc sâu xa của dưỡng sinh

Những sự đúc kết về một số khả năng của loài vật như “chó liền da, gà liền xương”, khả năng “ngủ đông ”, khả năng tìm các loại cây có thể chữa bệnh…đã mách bảo cho con người tìm tòi về những khả năng tiềm tàng trong cơ thể con người. Từ đó dần đã hình thành nên những phương pháp tập luyện, tu luỵện để qua đó khai thác tối đa và cao nhất khả năng tiềm ẩn trong con người chúng ta. Những phương pháp tập luyện, tu luyện mà con người tìm ra đã có lịch sử hàng nghìn năm và đến nay vẫn phát huy tác dụng cao độ  và nhiều vấn đề vẫn đang làm cho nền  khoa học hiện đại chưa tìm ra lời giải đáp.

Trên thực tế có rất nhiều phương pháp mà con người đã tìm ra trong quá trình phát triển.  Điển hình như: Yoga, khí công, tính dưỡng sinh trong võ thuật, thể dục thể thao… Trong bài viết này tôi xin được hạn chế trong lĩnh vực tính dưỡng sinh trong võ thuật. Người khởi nguồn cho tính dưỡng sinh trong võ thuật chính là Sơ tổ Phật giáo Thiền tông Trung Hoa Bồ Đề Đạt Ma. Khi Người truyền đạo ở chùa Thiếu Lâm, thấy nhiều môn đồ không đủ sức khỏe để tu luyện, Người đã sáng chế ra các bài tập luyện cho các môn đồ tập luyện. Qua đó nâng cao được sức khỏe, khả năng chịu đựng của cơ thể, giúp cho môn đồ tu hành. Ngoài ra, các bài tập này còn giúp cho các môn đồ các kỹ năng tự vệ, tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng môn trước các hung hiểm như chống lại thú dữ, giặc cướp trong quá trình tu luyện và trên con đường tu hành. Chính từ các bài tập đã dần hình thành nền võ học Thiếu Lâm, ngôi sao Bắc Đẩu của võ học nhân loại, khởi nguồn của nhiều môn phái võ sau này.

Như vậy ta có thể thấy rằng tính dưỡng sinh (tăng cường sức khỏe, phục hồi sức khỏe, chữa bệnh…) trong võ thuật rất cao, sau đó mới là tính chiến đấu (khả năng tự vệ).  Đây chính là tính Phật trong võ.

Tính dưỡng sinh trong Vĩnh Xuân Nội gia Quyền  

Vĩnh Xuân Nội gia Quyền là một môn võ bắt nguồn từ Thiếu Lâm, do đó cũng đã thừa hưởng tính Phật sâu sắc trong bản chất hệ thống quyền thuật của mình. Tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia vừa giúp cho người tập khả năng tự vệ hữu hiệu, vừa giúp nâng cao sức khỏe, chiến thắng bệnh tật ốm đau. Trên thực tế, con người chúng ta ít có người hoàn hảo thực sự về sức khỏe một cách toàn diện (từ các mặt bên trong cơ thể đến khả năng thích ứng).  Hầu như ai cũng có khiếm khuyết nhất định nào đó theo một nghĩa rộng về khả năng vận động (kể cả về vận động tư duy, vận động thần kinh…), về bệnh tật (tiềm ẩn hay có sẵn)… Mọi khiếm khuyết này chỉ có thể qua thời gian, hay qua tập luyện dần được bộc lộ. Ngoài việc sử dụng thuốc, con người có thể qua các hình thức tập luyện dần bù đắp và hiệu chỉnh lại những khiếm khuyết này.  Vĩnh Xuân Nội gia quyền là một trong những phương pháp đó.

Sinh thời, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã cùng một số cộng sự của ông đã từng nhiều năm theo học môn Vĩnh Xuân. Bên cạnh việc nâng cao sức khỏe cho bản thân, ông còn chú tâm nghiên cứu để có thể đưa môn Vĩnh Xuân vào giáo dục thể chất trong học đường. Đây cũng đã từng là một đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo vào những năm 1970. Cố võ sư Trần Thúc Tiển (người đã dạy cho cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện), vào những năm 1940 đã mắc chứng bệnh nan y (bị bệnh lao). Thế nhưng dưới sự chỉ dạy của Đại sư Nguyễn Tế Công, Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam, cố võ sư Trần Thúc Tiển không những đã khỏi bệnh mà còn luyện được võ công thượng thừa của môn phái Vĩnh Xuân. Chỉ với khoảng 45kg, nhưng cố võ sư có thể để cho các học trò của mình rất to cao đánh thoải mái vào ngực, vào người. Không chỉ chịu vài ba chục, một vài trăm mà là hàng nghìn đòn đánh vào người mỗi ngày. Ngày này qua ngày khác trong suốt những năm truyền dậy môn Vĩnh Xuân Nội gia. Trong bao nhiêu năm qua, rất nhiều người đã được thụ hưởng kết quả của công phu luyện tập môn Vĩnh Xuân, một môn võ của mùa xuân, môn võ của khát vọng có được một mùa xuân vĩnh viễn, như tên gọi của môn phái. Hầu hết các môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia Quyền qua tập luyện nghiêm túc, nói riêng về sức khỏe đều được cải thiện rõ rệt. Khỏe sẵn thì khỏe thêm lên, yếu thì dần khỏe mạnh, đáp ứng được những yêu cầu của việc tập luyện, có bệnh thì cũng dần được cải thiện theo chiều hướng rất tích cực. Thậm chí một số bệnh được đẩy lùi. Hệ vận động được củng cố và hoàn thiện. Khả năng làm việc mọi mặt được nâng cao.

Trong bài viết này, tôi không bàn đến bản chất sự vận hành của cơ chế dưỡng sinh trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia (đây là môt vấn đề đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà khoa học) mà chỉ muốn giới thiệu với mọi người về một mặt rất quan trọng  nằm trong môn phái Vĩnh Xuân Nội gia, đó là  tính dưỡng sinh rất sâu sắc, mà qua thời gian đã được khẳng định, ngõ hầu giúp cho việc có thêm một phương pháp dưỡng sinh, để mọi người có thể lựa chọn cho mình một phương pháp phù hợp trong việc bảo vệ và giữ gìn sức khỏe cho bản thân.

 Quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia hòa quyện tính dưỡng sinh, tính chiến đấu vào nhau một cách sâu sắc (2 trong 1). Tập luyện môn Vĩnh Xuân Nội gia sẽ đạt được cả 2 mặt : dưỡng sinh và tự vệ. Tôi xin được dẫn lời của bác sỹ Phạm Xuân Nhàn, cựu vô địch quyền anh, người đã được minh chứng trực tiếp công phu thượng thừa của môn phái Vĩnh Xuân Nội gia, phát biểu trong lễ ra mắt của võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền: “Công phu của môn này rất ghê”, “Tôi quá phục, quá mến phục, quá kính phục công phu của môn này”. Hy vọng mọi người khi đến với môn Vĩnh Xuân Nội gia sẽ tìm được những điều bổ ích, thiết thực cho việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

Xem tiếp: Phần II của bài viết

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo