Tính dưỡng sinh trong Vĩnh Xuân Nội gia Quyền - Phần 2

(Bài đăng tại Tạp chí 'Thế Giới Mới' số 699 ngày 21/08/2006)

[Xem lại  Phần I ]

Môn Vĩnh Xuân Nội gia Quyền là một môn Nội gia - Nhu quyền, lấy KHÍ (THỞ) làm trọng, lấy LỎNG MỀM làm yêu cầu cơ bản trong luyện tập. Hai hình thái tập luyện này (Thở và lỏng mềm) xuyên suốt quá trình tập luyện của mỗi môn sinh. Hai trạng thái này cũng đồng thời là những yêu cầu cơ bản trong luyện tập dưỡng sinh, có quan hệ hữu cơ với nhau rất chặt chẽ và là những tác nhân cơ bản, quan trọng đến việc bảo vệ sức khỏe của con người trong các lĩnh vực: giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể lực, đẩy lùi và chiến thắng bệnh tật. Do đó bên cạnh các bài tập, các động tác, các bạn phải tập luyện đồng thời 2 phương pháp tập luyện này. Với khuôn khổ bài viết, tôi chỉ xin giới thiệu tóm lược một số động tác cơ bản liên quan đến tập luyện dưỡng sinh trong Vĩnh Xuân Nội gia quyền để các bạn tìm hiểu và có thể tập luyện theo:

Tập thở:

Có rất nhiều phương pháp tập thở. Phương pháp tập thở cơ bản của môn Vĩnh Xuân Nội gia là thở bụng (thở Đan Điền) theo chu kỳ 2 hơi (hít vào - thở ra).

Trước hết bạn phải chọn (phải có) một tư thế tập thích hợp. Đây thường được gọi là Điều thân. Có nhiều tư thế để bạn tìm cho mình một tư thế phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của bạn như: ngồi kiết già, ngồi bán già, ngồi xếp bằng, ngồi ghế, nằm… 2 tư thế ngồi đem lại hiệu quả cao nhất cho việc tập thở là: ngồi kiết già và ngồi bán già. Tuy nhiên, dù ở tư thế nào bạn cũng phải để cho toàn cơ thể của bạn trong trạng thái thả lỏng, bụng mềm, sau đó bạn mới bắt đầu tập thở.

Phương pháp tập thở như sau:

Hít vào nhẹ nhàng qua mũi, rồi đưa khí đi thẳng xuống bụng dưới tới Đan Điền (điểm bên trong bụng dưới và dưới rốn khoảng 2 cm). Bụng dưới từ từ phồng ra. Sau đó thở ra, đưa khí từ Đan Điền nhẹ nhàng đi ngược lại theo đường dẫn vào, qua mũi ra ngoài. Bụng dưới từ từ xẹp lại. Rồi lại bắt đầu hít vào, thở ra.

Điểm quan trọng trong quá trình tập thở là: hai hơi (hít vào - thở ra) bằng nhau (có thời gian hít vào, thở ra bằng nhau). Việc thở phải hoàn toàn tự nhiên, không cưỡng bức. Quá trình thở phải mềm mại, êm, đều, nhẹ nhàng, từ từ, và quan trọng là phải đưa khí xuống được tới Đan Điền. Thời gian tập thở tùy theo trạng thái cơ thể và khả năng tập trung khi tập của bạn. Điều quan trọng mà bạn có thể kiểm tra việc tập thở của mình là bạn phải thấy cơ thể mình sau buổi tập có được thanh thản và thoải mái.

Tập lỏng mềm:

Trong suốt quá trình thực thi các động tác, bạn không được lên gân, hay gồng cứng người, mà vẫn phải thả lỏng cơ thể. Đây là thả lỏng có ý thức, không phải thả lỏng vô thức. Do đó mặc dù trong trạng thái thả lỏng, động tác vẫn phải chính xác, khuôn phép. Đó chính là yêu cầu đặt ra trong tập luyện.

Dưới đây là một số động tác tập luyện cơ bản.

1. Tư thế đứng: Trong môn Vĩnh Xuân, tư thế này được gọi là thế “Nhị tự kiềm dương”.

 Hai chân đứng cách nhau rộng bằng vai và song song với nhau, đầu gối hơi trùng xuống và hướng vào trong. Hai bàn tay nắm lại để hai bên thắt lưng.

2. Động tác 1: Đứng Nhị tự kiềm dương,mở hai bàn tay đưa dần lên tới ngực. Xoay hai bàn tay úp xuống và huớng các ngón tay ra trước từ từ đẩy xuống, người cong dần theo. Khi tới gần mặt đất thì đảo vòng hai bàn tay ngửa lên,các ngón tay hướng vào nhau (như đang bê một vật) và nâng dần lên, người lên theo. Khi tới thắt lưng thì vòng hai cổ tay đưa ra ngoài, dần ra sau, ngón tay hướng ra sau, người ngả dần ra sau. Nâng hai tay lên qua đầu rồi hạ dần hai khuỷu tay xuống và đẩy ra sau tối đa. Ấn hai bàn tay xuống. Sau đó từ từ nâng hai bàn tay, người thẳng lên theo. Hai bàn tay nâng gần tới nách thì chuyển ra trước và lại bắt đầu lại. Làm 3 – 5 lần thì chuyển động tác.

3. Động tác 2: Đứng Nhị tự kiềm dương. Mở hai bàn tay đảo vòng bàn tay và đưa vòng lên cao, ngang vai ra phía trước, hai bàn tay úp. Đảo vòng 2 bàn tay ngửa lên rồi thu về hai bên thắt lưng. Và lại bắt đầu. Làm 3 – 5 lần thì chuyển động tác.

4. Động tác 3: Vận động như động tác 2, nhưng không mở tay mà 2 tay vẫn nắm quyền (nắm đấm). Làm 3 – 5 lần thì chuyển động tác.

5. Động tác 4: Đứng Nhị tự kiềm dương. Mở hai bàn tay, đưa chéo chếch 2 bàn tay lên trước mặt, xoay úp hai bàn tay đưa chếch dần sang hai bên (ngang vai), rồi vòng hai bàn tay đưa về thắt lưng. Và lại bắt đầu. Làm tư 3- 5 lần thì chuyển động tác.

6. Động tác 5: Vận động như động tác 4, nhưng không mở tay mà 2 tay vẫn nắm quyền. Làm 3 – 5 lần thì chuyển động tác.

7. Động tác 6: Đứng Nhị tự kiềm dương. Quay hông, lưng, vặn đưa vai ra trước. Làm 3 – 5 lần thì chuyển động tác.

8. Động tác 7: Vận động như trên, nhưng hai tay không nắm để thắt lưng mà buông thẳng hai tay, để lỏng cho văng tự do theo sự vặn người. Làm 3 – 5 lần thì chuyển động tác.

9. Động tác 8: Đứng Nhị tư kiềm dương. Mở hai bàn tay đưa sang hai bên lên ngang vai rồi gập khuỷu đưa hai lưng cổ tay vào gần tai. Hạ khuỷu tay xuống và đẩy hai cùi tay sang hai bên. Gập cổ tay, hơi nâng đưa lên, hạ khuỷu xuống, hai cánh tay gần thẳng và đẩy hai cùi tay sang ngang hai bên như vừa xong. Rồi lại bắt đầu lại từ đầu, đưa 2 cùi tay vào gần tai…Làm 3 – 5 lần thì chuyển động tác.

Trên đây là một số động tác tập luyện cơ bản trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia có tác dụng dưỡng sinh rất tốt, hy vọng có thể giúp các bạn tìm hiểu và tập luyện để nâng cao sức khỏe cho bản thân, đồng thời qua đó có thể hiểu thêm được về một môn võ quý trong kho tàng võ học của nhân loại. Chúc các bạn thành công. 

Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

[Xem lại  Phần I ]

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo