Trao đổi về việc "Lễ" trong võ đường Vĩnh Xuân Nội gia

Hôm nay vừa tròn một tháng võ đường Vĩnh Xuân Nội gia khai giảng lớp A4 (24/7/2006).  Trong tháng qua, đã có một số anh chị em trong võ đường (không chỉ riêng lớp A4 mà cả một số anh chị em ở lớp trên) hỏi tôi về việc đi thăm viếng mộ Tôn sư Trần Thúc Tiển. Có lẽ một số anh chị em cũng đã biết thầy trò chúng tôi thường hay lên mộ Tôn sư nên hỏi như vậy. Điều mong muốn thăm viếng mộ Tôn sư là hoàn toàn chính đáng. Nhưng cũng vì một vài lý do mà nhân dịp này tôi xin được trao đổi ở đây cùng các anh chị em của võ đường, và cũng xin giãi bầy cùng các bạn yêu mến Võ đường, về việc "Lễ" trong Võ đường.

Sau khi Tôn sư Trần Thúc Tiển mất (2/1980), đến tháng 5/1980 thì sư phụ tôi - võ sư Nguyễn Ngọc Nội chính thức dậy chúng tôi môn Vĩnh Xuân Nội gia. Lớp đầu tiên chúng tôi lúc đó có 7 người. (Trong đó 6 người đã chụp ảnh cùng sư phụ tôi trong trang ảnh).  Ngay từ những ngày đầu tiên cho đến trước năm 1992, mỗi khi sư phụ tôi nhận học trò mới, bao giờ sư phụ tôi cũng đưa học trò lên mộ làm lễ Tôn sư , sau đó về mới chính thức dạy. Những năm đó việc đi lại còn rất khó khăn, nhất là khi Tôn sư được đưa từ nghĩa trang Văn Điển về nghĩa trang Yên Kỳ - Bất Bạt - Sơn Tây.  Chúng tôi thường phải đi bằng xe khách, và có khi phải đi bộ qua mấy quả đồi mới tới nơi.  Tuy vậy, chúng tôi đều cảm thấy sự trang nghiêm và rất vui vì được bầy tỏ lòng mình với Tôn sư trước khi được theo tập môn phái.  Tôi may mắn luôn được đi cùng những buổi như vậy, có lẽ vì tôi là người học trò đầu tiên, được sư phụ chỉ bảo, nhắc nhở nhiều về việc mang tính đạo lý này, cho nên được đi cùng để giúp đỡ các anh em mới.

Không chỉ vào những buổi như vậy, mà đã thành truyền thống, suốt 26 năm qua, thầy trò chúng tôi năm nào cũng tổ chức đi viếng mộ Tôn sư vào những dịp Thanh minh, hoặc đầu năm mới, hoặc cuối năm, hoặc vào những ngày đặc biệt nào đó. Để chia sẻ phần nào các kỷ niệm đẹp này, tôi xin được giới thiệu một vài bức ảnh trước đây và gần đây chụp thầy trò chúng tôi đi thăm viếng mộ Tôn sư Trần Thúc Tiển ở nghĩa trang Văn Điển và nghĩa trang Yên Kỳ - Bất Bạt - Sơn Tây. (Xem thêm tại trang Ảnh)

Sau này sư phụ tôi thấy có một số anh em tuy theo tập luyện, nhưng chỉ tập vì mục đích dưỡng sinh thuần túy, cũng có những người đi tập mang tính phong trào, theo bạn bè đi tập mà thôi. Do đó sư phụ tôi khi nhận học trò mới, không tổ chức đi lễ ở mộ Tôn sư ngay, mà trước hết làm lễ tại nhà. Qua một thời gian, các anh em nào có lòng tâm huyết với môn phái, có mong muốn tập luyện lâu dài, lúc đó khi có điều kiện thích hợp sư phụ tôi sẽ dẫn lên làm lễ tại mộ Tôn sư.  Cách thức như vậy vừa thích hợp hơn với điều kiện và tính chất việc luyện võ hiện thời, nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi cần thiết của truyền thống. 

Điều đó là cần thiết vì tôi thiết nghĩ, học võ không chỉ thuần túy học các kỹ năng tự vệ, chiến đấu. Mà trong võ còn có những điều mang tính nhân văn và, cao hơn là, mang tính ĐẠO.  Không phải ngẫu nhiên mà đã có nhiều câu nói đúc kết của người xưa về lĩnh vực này và không phải không có lý khi mà các cụ đã dành cho người thầy dạy võ một danh từ bao gồm hai ý nghĩa cao cả: SƯ PHỤ.  Trong môn Vĩnh Xuân, chữ “duyên” mang một ý nghĩa tâm linh rất sâu sắc, đồng thời cũng chứa đựng những ý nghĩa về Đạo rất sâu xa.  Do sự đòi hỏi trong quá trình phát triển, do tính xã hội của việc ra võ đường, tất yếu các anh chị em đến với võ đường từ nhiều góc độ, hoàn cảnh, điều kiện ... khác nhau.  Và thông thường cần phải có thời gian để thầy trò, huynh đệ đồng môn hiểu nhau và hòa hợp cùng nhau.  Rồi từ đó hình thành dần những gắn bó mang tính tâm linh sâu sắc qua những việc LỄ trong môn phái như thăm viếng mộ Sư tổ, mộ Tôn sư… Trong môn quy của võ đường có nhiều nội dung, nhưng về lẽ đạo, có thể chỉ cần tóm gọn trong một câu : “Tôn Sư Trọng Đạo”.  Cũng như các yếu quyết của môn, câu này thật cô đọng và hàm chứa biết bao điều cần hiểu, cần biết, cần theo ... trong đó.

Chia sẻ các kỷ niệm này, tôi mong sao sẽ có nhiều anh chị em đồng môn cảm thông và giữ được truyền thống đó, đoàn kết quây quần xung quanh Tôn sư.  Để Tôn sư thấy được sự phát triển của chi nhánh, của môn phái và để cùng nhau xây dựng võ đường ngày càng hưng thịnh, không phụ lại công lao to lớn của các bậc sư tổ, các bậc tôn sư. 

Đôi điều trao đổi như trên, mong các anh chị em trong Võ đường VXNGQ và các bạn đồng cảm, thể tất cho những điều còn sơ xuất của tôi. Chân thành cảm ơn tất cả.

Hà Nội ngày 24 tháng 08 năm 2006
Trưởng tràng - Kĩ sư Trần Thanh Ngọc 

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo