Mừng kỉ niệm 1 năm lớp A2: Vài trao đổi về tự vệ đối kháng

Hôm nay 27/9/2006 lớp A2 của Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia đã tham gia tập luyện vừa tròn một năm (27/9/2005 - 27/9/2006).  Hiện nay theo chương trình đào tạo của võ đường, lớp A1 và A2 đã và đang bước vào giai đoạn đầu của việc tập luyện đối kháng. Đã có anh em môn sinh hỏỉ tôi: "Tại sao Võ đường không mở một chương trình chỉ đào tạo chiến đấu thôi? Trên thực tế có không ít người chỉ muốn học như vậy, vì không muốn đi sâu vào võ thuật và cũng eo hẹp về thời gian". Một câu hỏi rất thực và cũng rất đúng với suy nghĩ của không ít người hiện nay. Tôi cũng đã trao đổi sơ bộ với một số anh em, nhưng đây là một vấn đề có lẽ cần trao đổi trên một diện rộng hơn. Trên cơ sở những lĩnh hội của bản thân và ý kiến của sư phụ, nhân dịp này tôi xin được trao đổi một số điều xung quanh việc tự vệ và đối kháng trong tập luyện của Võ đường, trước hết với anh chị em đồng môn, sau đó là với một số bạn quan tâm tới Võ đường, để các bạn rõ hơn về chương trình và các chặng đường luyện tập.

1- Hầu hết chúng ta đều hiểu đi học võ trước hết là để có một khả năng tự vệ. Nhưng bên cạnh đó, mấu chốt sâu xa của việc học võ lại là việc chiến thắng được chính bản thân mình và điều khiển được cơ thể theo ý của mình.  Nếu không điều khiển được thân, chân, tay mình đến được vị trí mình cần đến chính xác và kịp thời (chỗ để mình hộ vệ hay tấn công) thì còn ý nghĩa tự vệ hay giao đấu gì nữa. Trong thực tế, quyền phải biến theo tình hình va chạm cụ thể.  Đánh ta theo kiểu gì là ý của đối thủ, đâu phải ta bắt đối thủ đánh theo ý của ta. Do đó để thực sự bảo vệ được mình, ta phải tập luyện thật tốt các kỹ năng quyền thuật, làm chủ chính mình trước, rồi mới nghĩ đến việc khống chế đối thủ khi va chạm. Đừng vội nghĩ chỉ học một số đòn là có thể va chạm được. Trong truyền thuyết đã có những chuyện: có người chỉ học vài thế, với sức khỏe trời cho, va chạm với ai chỉ cùng lắm đánh đến đòn thứ ba, thường là đã thắng rồi. Nhưng nếu sau 3 đòn mà không thắng thì chỉ còn nước rút và đã không ít lần phải rút.  Rõ ràng khi tập luyện ta phải xác định: phải tập để nâng cao khả năng đối chọi được với người vốn giỏi hơn, khỏe hơn hoặc bằng mình, chứ không phải với người kém mình (mình đã hơn họ rồi thì đánh thế nào chả được). Để được như vậy thì phải tập luyện thật tốt trước khi nghĩ đến việc giao đấu. Do đó không thể tập đòn nào biết đòn đó được. Mà phải tập luyện thật căn bản. Ở đây tôi không nói đến những trường hợp tập luyện đặc biệt vì lý do công việc (như trong công an, quân đội…). Trong võ đường Vĩnh Xuân Nội gia lấy mục đích tự vệ làm đầu, do đó đâu phải để đánh ai ngay mà phải học tắt.

2 - Cũng xuất phát từ mục đích tự vệ, với phương châm : "Giữ được mình tức là thắng được người" , Vĩnh Xuân Nội gia đòi hỏi người tập phải có được sự trang bị những kỹ năng quyền thuật nhất định, để có thể ứng phó được với những biến hóa của quyền thuật trong khi va chạm. Từ đó mới có thể đảm bảo an toàn cho bản thân khi lâm sự. Đây là điều cần thiết trước khi nghĩ đến đánh người. Do đó cần phải được học cơ bản trước khi nghĩ đến sự va chạm.

3 - Bên cạnh việc học võ để chiến thắng bản thân, một mặt quan trọng ngang bằng đó là học võ để nâng cao sức khỏe của mình. Yếu thì làm sao đỡ được đòn đánh mạnh của đối phương (đâu phải lúc nào cũng lái được đòn của đối thủ); yếu thì làm sao có thể hạ được đối thủ bằng đòn ra không có sức hoặc sức kém; yếu thì làm sao có thể cầm cự lâu hoặc phải đối chọi với nhiều đối thủ cùng một lúc; yếu thì còn có thể làm gì được lâu  ? .v.v. và .v.v. Do đó cần phải học để nâng cao sức lực (tức là phải học căn bản) trước khi nghĩ đến đối chọi với ai.

4 - Võ không phải tập để chơi, và cũng không phải để đem ra đùa, hay để thử cho vui. Trong võ thuật, "thử" đôi khi đồng nghĩa với "thật", vì  "đao, kiếm (quyền cước) vô tình".  Đã biết bao trường hợp (trên thực tế, qua phim ảnh, qua sách, qua truyện ...) khi lâm sự mình hạ tay là thắng, thế mà chỉ vì lòng nhân đạo, tình thương hoặc lý do nào đó mà để cho đối thủ lợi dụng điều này ra tay hạ mình, thắng mình, thậm chí là dùng độc thủ với mình. Do đó đừng có lấy chuyện "thử" để so đo cao thấp. Nên nhớ rằng "núi này cao còn có núi khác cao hơn". Trong tập luyện, nhiều khi anh em đồng môn với nhau cũng không kịp dừng tay trước khi đánh vào điểm trọng yếu của bạn mình. Sự nguy hiểm cho bạn tập của mình là điều cần quan tâm khi anh em tập luyện với nhau. Chính vì vậy việc tập luyện đối kháng rất cần có sự chỉ dẫn trực tiếp của thày hoặc của các HLV.

Những điều ngắn gọn như trên cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho sự tập luyện. Tuy nhiên, trong Vĩnh Xuân Nội gia rất may mắn có phương pháp tập luyện với bài 108. Một trong những mục đích tập luyện bài 108 đó là: người tập phải đỡ đòn của người thày ra (và nhiều khi người thày ra đòn như thật, có uy lực và hiểm hóc), đồng thời phải đánh hết sức và hết khả năng của mình vào những vị trí trọng yếu trên người thày.  Đây là một phương pháp tập luyện cao cấp  trong Vĩnh Xuân Nội gia, vì người trò, dù đỡ và đánh thực sự, nhưng lại luôn được an toàn dưới sự ra đòn của người thày. Qua quá trình tập luyện bài 108, sức của người trò cũng được nâng cao và tập trung dần lên, đòn đỡ và đánh ngày càng nhanh, chính xác, và biến hóa. Chính vì vậy, mặc dù không phải tập đối kháng nhiều, nhưng qua những năm tháng tập 108 với thầy, sự ứng biến quyền thuật, khả năng hóa giải đòn thế của các môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia khi lâm sự rất có hiệu quả, cho dù môn đồ đó là nữ giới, hay có vóc người nhỏ bé. Nhiều truyền thuyết cũng như thực tế đã minh chứng cho điều này. Tất cả những môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia khi tập qua bài 108 đều có được sự tự tin như vậy. Ngoài ra, bài 108 còn có những mục đích khác mà người tập phải dần đạt được đồng thời qua tập luyện. Tuy nhiên, chỉ với nội dung này thôi, đối với chúng tôi, phương pháp tập bài 108 cũng đã giải đáp một cách căn bản những câu hỏi nêu ra ở trên.

Với sự răn dạy của người xưa "dục tốc bất đạt", tôi thiển nghĩ rằng: không chỉ riêng học võ, mà học bất kỳ điều gì cũng nên học thật căn bản, chắc chắn, thì mới bền lâu được và mới có thể đem lại hiệu quả sử dụng cao được. Vĩnh Xuân Nội gia "quý hồ tinh bất quý hồ đa", số lượng bài bản lại không nhiều, do đó anh chị em môn sinh cần tập luyện kỹ càng những gì được hướng dẫn. Chắc chắn những điều tốt lành và hiệu quả cao khi sử dụng sẽ đến với anh chị em. Đôi lời trao đổi, bộc bạch chân thành với các bạn và mong các bạn lượng thứ cho những thiếu sót.

Xin cảm ơn và chúc các bạn luyện tập thành công.

Hà Nội ngày 27 tháng 09 năm 2006
Kĩ sư Trần Thanh ngọc, trưởng tràng

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo