Kỉ niệm 1 năm ngày đến viếng mộ Sư tổ Nguyễn Tế Công

Cách đây đúng một năm (ngày 28/9/2005), sau hơn 20 năm đặt tâm tìm kiếm, thầy trò tôi (tôi và trưởng tràng võ đường Trần Thanh Ngọc) đã đến được mộ sư tổ Nguyễn Tế Công, sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam. Đã một năm trôi qua, nhưng những tình cảm, những nỗi bồi hồi xúc động khi lần đầu đến mộ sư tổ vẫn trỗi dậy trong tôi mỗi khi nhắc tới. Và cảm giác này vẫn ở nơi tôi, theo tôi trong những lần đến mộ sư tổ suốt một năm qua. Càng nghĩ tôi càng lại nhớ những tháng năm mà tôi không ngờ đó là những tháng năm cuối cùng của sư phụ tôi, khi được sư phụ dặn dò chỉ bảo nhiều điều trong đó có những điều về Sư tổ Nguyễn Tế Công. Tôi nghĩ dưới suối vàng chắc sư phụ tôi cũng hài lòng với những gì chúng tôi đã làm với Sư tổ.

Kể từ ngày ấy đến nay, đã có nhiều môn đệ trong môn phái đến mộ sư tổ thắp những nén hương thành kính dâng lên Người. Trong đó có những huynh đệ đồng môn là học trò của cố võ sư Hồ Hải Long, học trò của sư huynh tôi - võ sư Phan Dương Bình và nhiều học trò của tôi.  Ngoài ra còn những người học trò ở những võ đường khác mà tôi chưa biết.  Đặc biệt, vừa qua tôi được biết có một số vận động viên Việt Nam trước khi đi nước ngoài thi đấu đã đến mộ Sư tổ thắp hương. Tôi vẫn chưa rõ tính danh của các vận động viên đến thăm viếng mộ sư tổ, song tôi nghĩ đây chắc là những người đã, đang là môn đệ của môn phái Vĩnh Xuân hoặc có mối liên hệ đến môn phái Vĩnh Xuân. Những tình cảm và việc làm của chúng ta với Sư tổ, chính là sự thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", " ăn quả nhớ người trồng cây". Các sư phụ, các tôn sư của chúng ta dưới suối vàng chắc cũng cảm thấy vui lòng trước các việc làm của các học trò, các hậu duệ của mình đối với sư tổ.  Anh Nguyễn Chí Thành, con trai của Sư tổ đã rất cảm động và có nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến các anh em trong môn phái về những tình cảm mà các anh em đã giành cho người cha của mình, đồng thời là sư tổ của chúng ta.

Cùng với việc kỷ niệm một năm đến được mộ Sư tổ Nguyễn Tế Công, Võ đường cũng kỷ niệm một năm lớp A2 tham gia tập luyện tại võ đường (27/9/2005 - 27/9/2006).  Các học trò lớp A2 đã có cơ duyên được kỷ niệm ngày đầu tiên tham gia tập luyện tại võ đường sát với ngày võ đường đến được mộ sư tổ. Thầy trò chúng tôi rất vui được kính báo lên Sư tổ Nguyễn Tế Công cũng như sư phụ tôi - cố võ sư Trần Thúc Tiển, về sự phát triển của võ đường. Chúng tôi luôn cầu mong các sư tổ, các tôn sư của môn phái phù hộ cho môn phái, cho các võ đường của môn phái, trong đó có võ đường của chúng tôi được phát triển và hưng thịnh.

Trong kho tàng võ học của nhân loại, môn Vĩnh Xuân là một trong những môn võ quý. Trong mấy chục năm qua, đã có biết bao lời ca ngợi về môn phái Vĩnh Xuân trên Thế giới. Công đầu phải kể đến nhánh Vĩnh Xuân Hồng Kông của sư tố Diệp Vấn mà trong đó người học trò xuất sắc, ngôi sao điện ảnh võ thuật Lý Tiểu Long đã góp công rất lớn. Mặc dù trong các nhánh Vĩnh Xuân có những hệ thống bài bản khác nhau, nhưng tôi vẫn nhận thấy nhiều nét rất tương đồng, nhất là về bản chất sâu xa của quyền thuật Vĩnh Xuân. Và nhất là càng học lên cao thì các điểm tương đồng càng nhiều. Tất nhiên cũng có những võ đường mang những bản chất, sắc thái khác hẳn. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thực quả cũng không có nhiều người có thể giành nhiều giờ hàng ngày để ngồi bất động luyện khí, để dẫn khí luân chuyển, để luyện các bài quyền, luyện các kỹ thuật quyền… Song thực tế vẫn có những người có tâm huyết với môn phái, đặt tâm gìn giữ những tinh hoa của môn phái được tiếp thu từ sư phụ mình, cũng như từ các bậc tiền bối, và những tinh hoa đó vẫn được lưu truyền lại.  Để thích ứng với với cuộc sống hiện đại, phương pháp tập luyện truyền thống có thể phải có những biến đổi, thay đổi nhất định. Song tôi nghĩ, dù có biến đổi gì đi chăng nữa thì vẫn phải giữ được bản sắc của môn phái Vĩnh Xuân, không pha tạp, lẫn lộn. Có như vậy mới không phụ lại công sức, tâm sức, tâm huyết của các bậc sư tổ, các bậc tôn sư đã truyền lại những tinh hoa của môn phái cho hậu duệ chúng ta.

Nhân một năm ngày đến với sư tổ (28/9/2005 - 28/9/2006), tôi thành tâm cầu mong Sư tổ Nguyễn Tế Công cũng như các sư tổ, các tôn sư của môn phái, phù hộ cho môn phái Vĩnh Xuân nói chung và môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam nói riêng được phát triển và hưng thịnh. Mong sao mộ Sư tổ luôn được ấm áp trước những nén hương thành kính của các hậu duệ chúng ta kính dâng lên Người.

Hà Nội ngày 28 tháng 09 năm 2006
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo