Một số trao đổi về những phương pháp thở trong Vĩnh Xuân Nội gia

Như các bạn cũng đã biết: thở là một phương pháp tập luyện quan trọng bậc nhất trong môn nội gia bởi lẽ nội gia lấy khí làm nguồn lực, từ đó để ra được nội lực và nội công. Do đó trong nội gia, tập thở là một công phu tập luyện xuyên suốt cả quá trình tập luyện. Trong Vĩnh Xuân Nội gia có những phương pháp tập luyện thở và trong đó có phương pháp tập thở cơ bản mà một người học trò của tôi (trưởng tràng của võ đường) đã viết bài giới thiệu với các bạn. Đây là một phương pháp thở quan trọng để làm cơ sở cho quá trình tập luyện. Những phương pháp tập luyện thở khác thì tùy theo công phu, đức độ có được trong quá trình tập luyện của học trò mà người thầy hướng dẫn tiếp và truyền cho. Những điều chúng tôi đã viết ra dù chưa phải là toàn bộ, song đã nói ra thì đều chân thực và chính xác, không được phép nói sai.

Trước đây và vừa qua tôi nhận được một số thư xin học và đặt vấn đề chỉ xin học riêng nội công. Tôi rất cảm ơn về sự quan tâm đến nội công của chủ nhân những thư xin học. Tôi xin được nói lại để các bạn hiểu rằng công phu tập thở là một quá trình tiệm tiến. Do đó đều phải tập từ thấp đến cao, không thể đi tắt được (tuy nhiên có thể có chuyện tập tắt nào đó mà tôi không biết). Nhân đây tôi cũng xin được nói thêm đôi điều về một số công phu của bản môn. Công phu của sư phụ tôi được Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền cho, trong đó có nội công, đã đạt được sự rất cao thâm và tinh diệu. Có điều đáng buồn phải nói thật với các bạn là công phu của chúng tôi đến nay vẫn còn kém xa sư phụ mình. Đây là lỗi của chúng tôi với sư phụ cũng như với môn phái. Chúng tôi đã thiếu cố gắng trong việc khắc phục hòan cảnh, khổ công tập luyện để có thể nâng cao khả năng công phu của mình theo gương sư phụ và các bậc tiền bối. Nếu các bạn có chê trách thì hãy trách chúng tôi (những con người cụ thể) đã thiếu cố gắng nỗ lực tập luyện để nâng cao trình độ hơn nữa. Còn những công phu của bản môn, trong đó nội công đối với chúng tôi là công phu cao nhất, đừng nên có những lời lẽ khiếm nhã mà làm đau lòng các sư tổ, các bậc tiền bối của môn phái nơi chín suối, những người đã sáng tạo ra và truyền thụ lại cho hậu duệ những công phu này.

Tôi xin được quay lại với nội dung tôi muốn trao đổi trong bài viết này. Những phương pháp tập luyện thở tôi nêu dưới đây là những phương pháp tôi được sư phụ tôi truyền dậy trong những năm tháng theo sư phụ học đạo. Cụ thể có những phương pháp như sau:

I - Phương pháp tập thở căn bản:

Xin các bạn đọc bài viết của học trò tôi, anh Trần Thanh Ngọc, Trưởng tràng của võ đường.  Bài viết này đã trình bầy cụ thể về phương pháp tập thở cơ bản của Vĩnh Xuân Nội gia. Gọi là cơ bản và tưởng chừng như đơn giản, song hiệu quả của việc luyện thở này lại vô cùng to lớn. Thở căn bản còn được gọi bằng các tên khác: “thở bụng”,“ thở thai tức”, “thở Đan điền”. Không phải không có căn cứ khi mà người xưa đặt tên cho một vị trí trong cơ thể con người là “Đan điền”: ruộng để trồng Đan, một loại dược quý theo quan điểm của người xưa có thể đem lại sự trường sinh bất lão cho con người. Trong một tài liệu trước đây tôi đã đọc có nói đến các bậc chân tu đạt đến mức sau khi viên tịch thân thể của các Ngài vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian. Như trường hợp của hai nhà sư ở chùa Đậu - Thường Tín - Hà Tây : Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường. Một trong những vị chân tu đó là Đan Điền Thiền Sư. Chỉ tu luyện Đan điền, Đan Điền Thiền Sư đã đạt đến cảnh giới cao như vậy. Người đã minh chứng cho việc bằng công phu tập luyện Đan điền, con người có thể tạo cho mình khả năng kỳ diệu như việc luyện Đan trong cơ thể. Rất đau xót là trong những năm 1960, do một số người thiếu hiểu biết đã hủy mất thân thể của Người cũng như một số thân thể của một số bậc chân tu khác đạt được cảnh giới như vậy.  Viết đến đây tôi lại nhớ tới những kỷ niệm xưa. Mỗi khi xuống Văn Điển thăm viếng mộ sư phụ tôi, tôi và các học trò của mình lại đạp xe xuống chùa Đậu để chiêm ngưỡng di hài của hai nhà sư Vũ Khắc Minh , Vũ Khắc Trường. Và nhắc nhở nhau noi gương Tiền bối tập luyện cho tốt. Thấm thoắt đã hơn hai muơi năm trôi qua. Tôi thiển nghĩ những công phu của các bậc tiền bối đã truyền lại cho chúng ta, tất cả đều vô giá và không có gì là đơn giản cả. Chỉ là do chúng ta chưa đủ cơ duyên, tâm đức, tâm huyết, công sức để có thể đi đến đích của những công phu đó mà thôi.

II – Những phương pháp tập thở dẫn khí và nâng cao nội lực:

1 – Thở theo Tiểu chu thiên:

Đây là một phương pháp thở được nhiều môn phái sử dụng, trong đó có Vĩnh Xuân Nội gia. Sự vi diệu của phương pháp này cũng như đại thể về cách thức tập đã có rất nhiều tài liệu, sách lưu hành từ trước đến nay. Các bạn rất dễ tìm thấy ở trên các giá sách của thư viện, của các nhà sách, hoặc trên Internet. Tôi xin phép không trình bầy lại. Tuy nhiên giữa các môn cũng có những nét khác nhau bên trong, trong quá trình dẫn. Do đó tập theo môn nào cần có sự chỉ dẫn của người thầy môn đó. Không nên tự ý tập. Tôi xin được lưu ý với các bạn rằng: những phương pháp tập thở có quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với bên trong cơ thể con người, nhất là những phương pháp tập luyện cao. Mọi sự sai lệch đều rất nguy hiểm cho con người. Do vậy tập thở rất cần có sự hướng dẫn của người có hiểu biết hoặc người thầy. Không tự tập lấy. Để tập được Tiểu chu thiên, người tập cũng phải tập thở theo phương pháp cơ bản thật tốt rồi mới tập theo được.

2 – Thở theo Đại chu thiên:

Cũng như Tiểu chu thiên, Đại chu thiên cũng có nhiều tài liệu, sách viết đến. Tuy nhiên đường đi của vòng Đại chu thiên các sách cũng viết khác nhau chút ít. Do đó cũng như Tiểu chu thiên, ta tập theo môn nào cần phải theo sự chỉ dậy của các thầy ở môn đó . Không nên tự ý tập. Tập thở theo Đại chu thiên để đả thông các đường dẫn khí ra tay, ra chân. Phương pháp này đòi hỏi công phu người tập phải cao hơn, vì đường đi của việc dẫn dài hơn. Do đó để đến được với phương pháp này người tập trước đó phải thở theo Tiểu chu thiên rất tốt.

3 – Thở theo bài “Khí công Vĩnh Xuân quyền”:

Đây là phương pháp thở của riêng môn Vĩnh Xuân. Nói một cách đơn giản đây là phương pháp thở động trong môn Vĩnh Xuân. Trong Vĩnh Xuân Nội gia, phương pháp này chỉ dạy cho những môn sinh đã có thời gian tập luyện lâu. Cũng như với Đại chu thiên, đường đi của khí cũng rất dài, do đó cần phải có công phu tập thở trước đó thật tốt rồi mới tập được.

III – Thở nội công:

Nội công của Vĩnh Xuân có nguồn gốc là khí, hay nói theo một cách khác: bản chất của nội công là khí. Nội công là một phương pháp mang tính bí truyền của môn, chỉ truyền cho những người trò kế nghiệp. Trong lĩnh vực tập thở, thở nội công là phương pháp cao nhất trong những phương pháp thở của Vĩnh Xuân Nội gia mà tôi đã nêu ở trên. Do đó để tập được nội công, riêng công phu về thở đã phải rất tốt. Và riêng điều này thôi chắc các bạn cũng đồng cảm với tôi là không thể hiểu đơn giản cứ vào tập là tập ngay được nội công như một số bạn suy nghĩ.  Để hiểu thêm về một số điều liên quan đến nội công, xin các bạn đọc thêm một số bài tôi đã viết trước đây. Rất mong các bạn có sự nhìn nhận đúng về nội công.

Trên thực tế có một số phương pháp thở khác đã được giới thiệu trong môn phái. Và một số người đã hỏi tôi về những phương pháp này. Song tôi không được sư phụ tôi nói về những phương pháp đó, cho nên không biết. Do không tập những phương pháp thở này, nên tôi không thể mạo muội đưa ra nhận xét về những phương pháp đó. Mong các bạn thông cảm. Tôi chỉ trình bầy đúng những gì tôi học được từ sư phụ.  Có thể còn nhiều điều tôi chưa được sư phụ truyền cho, và cũng có thể do cơ duyên của mình còn mỏng nên đã phải sớm xa rời sư phụ, không còn được sư phụ tiếp tục chỉ dạy. Song tôi nghĩ có được cơ duyên với môn đã là điều rất hạnh phúc rồi, học được nhiều ít là duyên của mình, “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”.  “Võ học vô bờ”, ai mà có thể có kiến thức sâu rộng để có thể hiểu biết hết được. Do đó rất mong các bạn lượng thứ những điều còn thiếu hiểu biết của tôi.

Xin chân thành cảm ơn và biết ơn những tình cảm của các bạn đã giành cho chúng tôi.

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2006
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo