Đôi nét về võ đường Phật gia Vĩnh Xuân Quyền: 38 Gia Ngư của võ sư Trần Thiết Côn (tức Sinh)
Địa chỉ 38 phố Gia Ngư - Hà Nội, nhà của sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, từ những năm 1940 đã trở nên quen thuộc với những học trò của sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam Nguyễn Tế Công. Hàng ngày sư tổ đến đây để truyền dạy môn Vĩnh Xuân cho các học trò của mình cho đến khi người di chuyển vào Nam (năm 1954). Sau khi sư tổ vào Nam, cố võ sư Trần Thúc Tiển đã kế tục sự nghiệp của sư phụ mình tiếp tục truyền dạy môn Vĩnh Xuân tại 38 Gia Ngư. Sau những năm 1970, sư phụ tôi còn có những thời gian dạy tại 15c phố Hàm Long. Hiện nay võ sư Trần Lê Hoài Ngọc, người con trai út của sư phụ tôi đang truyền dạy môn Vĩnh Xuân tại đây.
Trong những ngày tôi vào Sài Gòn, trò chuyện cùng anh Nguyễn Chí Thành, con trai sư tổ Nguyễn Tế Công, anh Thành vẫn rất nhớ những kỷ niệm xa xưa, trong những thời gian sống ở Hà Nội. Hàng ngày, anh theo cha, sư tổ Nguyễn Tế Công , sang 38 Gia Ngư, nhà cố võ sư Trần Thúc Tiển. Trong khi sư tổ dạy học trò thì anh Thành cùng chơi đùa với anh Sinh (tên thật là Trần Thiết Côn) hoặc xem cha dạy võ. Anh Thành và anh Sinh chênh nhau có mấy tuổi. Đợt anh Sinh vào Sài Gòn, gặp anh Thành, hai anh đã ôn lại những kỷ niệm xưa và cả hai anh vẫn rất nhớ những lúc còn nhỏ vui đùa bên nhau ở 38 Gia Ngư.
Sau khi sư phụ tôi qua đời đầu năm 1980, võ sư Trần Thiết Côn, người con trai lớn của sư phụ tôi, đã tiếp tục sự nghiệp của cha mình, truyền dạy môn Vĩnh Xuân cho đến nay ở 38 Gia Ngư. Trước đây, trong những lúc dạy chúng tôi, sư phụ tôi thường nói: “đây là môn Vĩnh Xuân Phật gia”. Võ sư Trần Thiết Côn đã theo lời dạy của cha mình - cố võ sư Trần Thúc Tiển - và cũng là để tôn vinh, để nhớ đến nguồn gốc của môn phái, võ sư Trần Thiết Côn đã lấy tên võ đường 38 Gia Ngư là “Phật gia Vĩnh Xuân Quyền”. (Nhân đây xin được nói thêm là bốn chữ Hán chạy dọc, chính giữa trong biểu tượng của võ đường chúng tôi, cũng là "Vĩnh Xuân Phật gia"). Được sự truyền dạy trực tiếp của người cha - cố võ sư Trần Thúc Tiển - cộng với khả năng thiên bẩm và sự chuyên cần sâu sắc, chịu khó đào sâu tìm tòi suy nghĩ, võ sư Trần Thiết Côn đã nhanh chóng nắm bắt được những tinh hoa của môn phái Vĩnh Xuân. Võ sư Trần Thiết Côn cũng là người đầu tiên được cố võ sư Trần Thúc Tiển truyền dạy nội công. Đồng thời võ sư Trần Thiết Côn còn là người vận dụng quyền thuật Vĩnh Xuân rất tinh tế và hiệu quả vào thực tế va chạm. Trong mấy chục năm qua, võ sư Trần Thiết Côn luôn được các anh em huynh đệ đồng môn, trong chi nhánh, và tôi nghĩ kể cả các anh em trong giới võ thuật Hà Nội rất kính trọng. Tuy nhiên bản tính của võ sư Trần Thiết Côn rất ít nói, sống bình dị, đồng thời lại không thích hiện diện, cho nên cũng không nhiều người hiểu và biết được nhiều về võ sư.
Trong hơn 30 năm truyền dạy môn Vĩnh Xuân, võ sư Trần Thiết Côn đã có rất nhiều thế hệ học trò. Do hoàn cảnh nơi ở, từ những khi phải truyền dạy ở căn phòng nhỏ bé chật trội, đến nay võ đường của võ sư Trần Thiết Côn vẫn chỉ khiêm tốn trong một căn phòng trên gác thượng. Tuy nhiên, mến mộ võ sư, vẫn có rất nhiều người đến xin học song võ sư cũng chỉ nhận rất giới hạn các học trò. Hiện nay không chỉ có những người học trò mới theo được vài ba năm, mà còn có những người học trò tâm đắc gắn bó hàng chục năm qua. Những dịp võ đường hội ngộ, các thế hệ trò của võ sư gặp gỡ nhau, người tóc đã hoa râm ở tuổi lục tuần, người vẫn đang độ tuổi đôi muơi sung sức, tình cảm chan hòa thân thiện, gắn bó, biết sống vì nhau, cùng một lòng kính trọng sư phụ, kính trọng Tôn sư, thành tâm với môn phái.
Địa chỉ 38 Gia Ngư - Hà Nội, nơi sư tổ Nguyễn Tế Công truyền dạy môn Vĩnh Xuân trong suốt mười mấy năm trời, nơi cố võ sư Trần Thúc Tiển tiếp tục sự nghiệp của sư phụ mình - sư tổ Nguyễn Tế Công - truyền dạy môn Vĩnh Xuân, nơi võ đường Phật gia Vĩnh Xuân quyền của võ sư Trần Thiết Côn đang tiếp tục truyền thống truyền dạy môn Vĩnh Xuân, đã, đang và vẫn là một địa chỉ mang một dấu ấn sâu sắc trong lịch sử môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam , có những đóng góp vô cùng to lớn vào quá trình phát triển môn Vĩnh Xuân ở Việt Nam.
Hà Nội ngày 03 tháng 11 năm 2006
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT