Lễ trao tượng Sư tổ Nguyễn Tế Công và Tôn sư Trần Thúc Tiển nhân ngày giỗ Tôn sư

Ngày 19 tháng chạp năm Bính Tuất (vào ngày 06/02/2007), võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền chúng tôi đã tổ chức long trọng lễ trao tượng Sư tổ Nguyễn Tế Công và tượng Tôn sư Trần Thúc Tiển cho một số anh chị em trong võ đường.  Đồng thời chúng tôi cũng đã long trọng tưởng nhớ tới Tôn sư Trần Thúc Tiển, nhân ngày giỗ lần thứ 27 của Tôn sư.  Đến dự cùng với chúng tôi có ông Nguyễn Thế Trường, người đã gần gũi với thầy chúng tôi trong mấy chục năm qua, đã gắn bó với võ đường của chúng tôi từ những khi còn trong ý tưởng.  Cùng tham dự với chúng tôi còn có nghệ nhân đúc đồng Lê Khang, người đã giúp đỡ thầy chúng tôi đạt được tâm nguyện đúc tượng Sư tổ Nguyễn Tế Công và Tôn sư Trần Thúc Tiển để hình tượng của Sư tổ và Tôn sư được lưu mãi với thời gian.

Với những tình cảm chân thành, trong buổi lễ long trọng này, thầy chúng tôi đã trân trọng kính tặng ông Nguyễn Thế Trường tượng của Sư tổ Nguyễn Tế Công và tượng của Tôn sư Trần Thúc Tiển (Ảnh 1), kính tặng nghệ nhân Lê Khang biểu tượng của võ đường (Ảnh 2).  Ông Nguyễn Thế Trường cùng nghệ nhân Lê Khang đã có những lời phát biểu chân tình với thầy chúng tôi và với anh chị em trong võ đường, trân trọng những việc mà thầy tôi đã làm với môn phái, với Sư tổ, với Tôn sư Trần Thúc Tiển.  Một số anh chị em môn đệ đã  đại diện cho các anh chị em trong võ đường vui mừng đón nhận những bức tượng Sư tổ, tượng Tôn sư từ nghệ nhân Lê Khang, từ Ông Nguyễn Thế Trường và từ thầy Nguyễn Ngọc Nội (Ảnh 3).  Với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc với Sư tổ và tôn sư, đây quả thực là niềm vui và vinh hạnh với mỗi chúng tôi - những môn đệ của môn phái Vĩnh Xuân.  Vì từ nay trở đi, hàng ngày chúng tôi đều có hình tượng Sư tổ cùng Tôn sư dõi theo, tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực cũng như sự giác ngộ trên bước đường tập luyện theo môn phái, để ngày một tăng tiến.

Cũng trong ngày này, thầy trò chúng tôi đã long trọng tưởng nhớ tới Tôn sư Trần Thúc Tiển, nhân ngày giỗ thứ 27 của Người (21 tháng Chạp). Sau phút mặc niệm tưởng nhớ tới Tôn sư, thầy chúng tôi đã ôn lại những kỷ niệm và những câu chuyện cảm động khi còn theo Tôn sư luyện tập và cả những chuyện trong những quãng thời gian từ cuối năm 1978 cho đến khi Tôn sư ra đi về cõi Vĩnh Hằng- tháng 2/1980, khi mà chỉ còn một mình thầy tôi là học trò ở bên cạnh Tôn sư như đã nhắc trong một số bài viết trước đây.

Thời đó, ngay từ tháng 5/1980, sau khi Tôn sư mất mấy tháng, thầy tôi đã bắt đầu dạy một số anh chị em chúng tôi bài 108. Và đó là lần đầu tiên mà chúng tôi biết cách luyện tập này: được đánh và phải đánh hết sức trẻ của tuổi đôi mươi vào người thầy.  (Điều này trái ngược với những ý kiến, dù vô tình hay cố ý, cho rằng nội công và quyền thuật của thầy tôi không phải do Tôn sư truyền lại).  Vào thời gian này, thầy tôi tuân theo lời chỉ dạy của Tôn sư, tiếp tục luyện quyền với những sư huynh của mình: võ sư Nguyễn Xuân Thi, võ sư Trần Thiết Côn (tức Sinh), võ sư Trần Lê Hoài Ngọc.  Lớp chúng tôi hồi đó chỉ có ít người, bản thân thầy tôi cũng không nói cho ai biết về công phu và việc dạy võ của mình, nên nhiều người đã không biết cụ thể về những công phu của thầy tôi có được chính là do sự truyền dạy của Tôn sư, trong đó có cả linh giác, nội công cùng những điều chỉ dạy sâu sắc khác vốn chỉ được truyền khẩu mà thôi.

Trước khi thầy tôi đi ra nước ngoài (từ 1984), một số học trò chúng tôi đã được thầy tôi dạy cho nhiều phương thức tập luyện quyền thuật, đã được luyện bài 108 cũng như một số bài quyền khác…Tuy nhiên, đến giữa năm 1984, chúng tôi đã phải nghỉ tập để thầy tôi thu xếp đi nước ngoài làm việc. Phải đến giữa năm 1987, sau khi về nước một thời gian, thầy tôi mới thu xếp để chúng tôi tiếp tục tập lại.  (Đây cũng là điều khác hẳn với các ý kiến cho rằng thầy tôi đã đi học của người khác trong suốt 7 năm từ 1982-1989)

Ôn lại các kỷ niệm trên, (Ảnh 4) vừa là để tỏ lòng tri ân với Tôn sư, vừa là dịp để chúng tôi biết thêm những sự thật về các ý kiến không đúng đắn.  Dù biết rằng đây là điều nhỏ nhặt, không đáng để ý,  nhưng dù vô tình hay cố ý, nó cũng đã làm tổn thương đến tình cảm thiêng liêng, tới lòng tri ân sâu sắc của thầy chúng tôi với Tôn sư Trần Thúc Tiển, cũng như của chúng tôi đối với Tôn sư, và lớn hơn là xúc phạm đến Tôn sư Trần thúc Tiển - người đã truyền những công phu võ thuật Vĩnh Xuân cho thầy chúng tôi, nên tôi cũng xin mạo muội thêm đôi lời giãi bày cũng anh em và các bạn như trên.  Sự thật sẽ có cách tự hiển lộ mình, như thầy tôi nói với chúng tôi: ”Phải tin vào Đạo Trời Đất, mọi sự rồi cũng sẽ rất công bằng theo thời gian, sự thật vẫn là sự thật".  Theo tôi nghĩ, vấn đề là hãy cố gắng cùng nhau làm những điều gì tốt đẹp cho môn phái, làm vui lòng các Sư tổ, các Tôn sư, các sư phụ bằng cách cố gắng tập luyện để thành đạt, chứ không phải bằng cách tranh hơn thua, so đo được mất.

Nhân dịp này, chúng tôi đã được nghe những tâm sự chân tình của ông Nguyễn Thế Trường về những kỷ niệm khi được biết đến Tôn sư Trần Thúc Tiển lần đầu, qua buổi biểu diễn của Tôn sư tại Viện Khoa học Giáo dục. Và sau đó là những ngày ông Nguyễn Thế Trường theo học Tôn sư Trần Thúc Tiển tại Nhà xuất bản Ngoại văn (Ảnh 5).

Những tâm sự chân thành của thầy chúng tôi, của ông Nguyễn Thế Trường đã làm cho buổi lễ thêm sự sâu đậm của tình cảm, thêm trang trọng và tôn nghiêm. Chúng tôi thành tâm cùng nhau hướng về Sư tổ, Tôn sư, nhân ngày giỗ thứ 27 của Tôn sư. Niềm hạnh phúc, niềm thành kính, niềm tri ân sâu sắc của thầy trò chúng tôi đối với Sư tổ Nguyễn Tế Công và Tôn sư Trần Thúc Tiển chỉ được nhân lên theo thời gian. Các bạn cho phép chúng tôi chia sẻ những niềm vui này, chung vui với chúng tôi những hạnh phúc này.

Chuẩn bị bước sang một năm mới, năm Đinh Hợi - 2007, cho phép tôi thay mặt các anh chị em môn sinh ở Võ đường thành tâm kính chúc các bậc sư phụ, các anh chị em đồng môn, các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân, yêu quý võ đường và trang Web của chúng tôi cùng gia đình một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.  Chúc cho môn phái Vĩnh Xuân đoàn kết, phát triển bền vững, xứng đáng với sự tin yêu của mọi người.

Hà Nội ngày 08 tháng 02 năm 2007
(tức ngày 21 tháng Chạp năm Bính Tuất) 
Trưởng tràng võ đường VNVXNGQ
Kĩ sư Trần Thanh Ngọc 

Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo