Hơn 2 tháng qua, kể từ ngày phát hành 2 cuốn sách “Những bài viết về Vĩnh Xuân và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” và “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp” (quyển 1), thầy trò chúng tôi đã rất vui mừng trước sự tin tưởng của các đồng môn Vĩnh Xuân cũng như của nhiều bạn yêu quý võ thuật. Một lượng sách không nhỏ đã được các bạn đón nhận, quan tâm tìm đọc. Như sư phụ chúng tôi đã viết :”Viết (hoặc nói) về quyền thuật Vĩnh Xuân quả là một điều rất khó”, bởi lẽ đó không chỉ “là kỹ năng điều khiển cơ thể phù hợp với các thế, các đòn…mà còn hàm chứa trong đó những triết lý sâu xa, những lẽ huyền vi mà chỉ có thông qua luyện tập thực sự với thời gian công phu mới có thể “ngộ” ra được”. Đối với chúng tôi, từ những người đã theo sư phụ từ những năm 1980 đến những người mới được vài năm, cũng có nhiều điều phải suy ngẫm dài lâu mới có thể thấu hiểu được. Ngay những điều sư phụ chúng tôi viết ra, để thực hiện được cũng không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên chúng tôi cũng có những may mắn là được sư phụ trực tiếp chỉ dạy, uốn nắn, nên sự nhận thức để tiến đến “ngộ” ra được những bản chất của yếu quyết cũng được rút ngắn nhiều về thời gian. Trong những yếu quyết mà sư phụ chúng tôi viết (và nói) ra, trong bài này, cho tôi được trao đổi về “nhãn pháp” trong yếu quyết “Thất đáo” của Vĩnh Xuân Nội gia quyền.
Trong sách sư phụ chúng tôi đã viết rất rõ về nhãn pháp trong thất đáo , mặc dù đó chỉ là những ý cơ bản: “Thất đáo : Đó là 7 cái đến (thất đáo). Thất đáo bao gồm nhãn đáo và lục hợp đáo: mắt đến, ý đến, bộ pháp đến, thân pháp đến, thủ pháp đến, khí đến, lực đến. Kể ra thì dài, song tất cả (thất đáo) diễn ra rất nhanh, chỉ trong một phần của giây. Có như vậy mới đạt được hiệu quả trong giao đấu. Tập lên cao, môn sinh sẽ luyện ra đòn rất nhanh (2 – 3 đòn trong một giây). Do đó ngay tập chương trình cơ bản, môn sinh phải luyện tập quan sát, phán đoán trên những nguyên tắc cơ bản. Và trước hết là luyện tứ đáo: mắt đến, bộ đến, thân đến, thủ đến. Rồi luyện ngũ đáo: thêm ý vào tứ đáo. Có như vậy khi luyện lên cao mới đạt được thất đáo ”.
Nhãn pháp là một yêu cầu tập luyện thường xuyên, liên tục cùng với sự luyện ý, trên phương diện nhìn nhận sự biến hóa của quyền cùng với những mối liên quan xung quanh việc biến hóa quyền. Nhãn pháp không phải là phương pháp có nhiều lý luận. Trên thực tế, trong quá trình tập luyện, sư phụ chúng tôi thường xuyên nhắc nhở học trò quan tâm tới nhãn pháp. Và khi va chạm quyền thuật, với những hoàn cảnh cụ thể, sư phụ chúng tôi thường lý giải những mối liên quan tới nhãn pháp mà chúng tôi thường phải lưu tâm. Đây là cách thức truyền dậy về nhãn pháp rất hiệu quả mà chúng tôi nhận được. Qua đó việc xử lý quyền thuật được nâng cao và tăng thêm tính hiệu quả trong va chạm quyền thuật. Đế có được thất đáo không thể không luyện nhãn pháp. Do vậy anh chị em môn sinh của võ đường Vĩnh Xuân Nội gia cần hết sức quan tâm đến “luyện tập quan sát, phán đoán” trong quá trình tập luyện quyền thuật. Đó chính là đang tập luyện nhãn pháp. Từ đó mới có thể luyện “tứ đáo”, “ngũ đáo”, rồi “thất đáo” trong việc thực thi quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
Đôi điều bàn thêm về nhãn pháp trong yếu quyết “thất đáo” của Vĩnh Xuân Nội gia. Có điều gì chưa vừa lòng, rất mong các huynh đệ đồng môn cùng các anh chị em yếu mến võ đường Vĩnh Xuân Nội gia thể tất cho những hiểu biết của tôi. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm tới bài viết này.
Hà Nội ngày 13 tháng 9 năm 2007
Trưởng tràng võ đường VXNG
Võ sư - Kĩ sư Trần Thanh Ngọc