Vài trao đổi về thế tấn trong Vĩnh Xuân Nội gia

Trên võ đường, có anh chị em môn sinh hỏi tôi về một số điều liên quan đến thế tấn của môn Vĩnh Xuân. Để mọi người, đặc biệt là các anh chị em mới bắt đầu tập, có thêm góc nhìn rộng hơn về môn Vĩnh Xuân nói chung và về võ đường Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng, được sự đồng ý của sư phụ, võ sư – Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội, tôi xin trao đổi một số điều về thế tấn trong Vĩnh Xuân Nội gia.

Trong quá trình được truyền thụ công phu của bản môn, tất cả các môn đồ Vĩnh Xuân chúng tôi đều nhận thấy có rất ít thế tấn của Vĩnh Xuân . Qua tìm hiểu hệ thống võ thuật của các môn võ hiện nay, tôi thấy trên thực tế môn Vĩnh Xuân theo dòng của Sư tổ Nguyễn Tế Công là một môn võ có lẽ có ít thế tấn nhất. Bởi môn Vĩnh Xuân là môn võ bắt nguồn từ nhà Phật, với mục đich tự vệ làm đầu, môn đồ Vĩnh Xuân không bao giờ ra tay xuất đòn trước. Thực tế trong giao đấu, để đánh được người bắt buộc người muốn đánh phải vào gần đối thủ (ở đây tôi không bàn đến việc sử dụng binh khí).  Nói một cách khác là giữa người đánh với đối thủ chỉ cách nhau chừng một tầm tay (một cánh tay). Có nghĩa phải đánh gần (cận chiến).
Bản chất quyền thuật Vĩnh Xuân lấy cận chiến làm phương châm sử dụng quyền thuật. Trong giao đấu cận chiến không đòi hỏi nhiều thế tấn, vì không gian cận chiến rất hẹp. Do đó Vĩnh Xuân không nhất thiết cần nhiều thế tấn. Điều này hoàn toàn phù hợp để thực thi chuẩn xác các đòn thế Vĩnh Xuân. Vấn đề là việc sử dụng được những thế tấn như thế nào để đạt được sự linh hoạt và hiệu quả. Vĩnh Xuân tuy không đặt ra thời gian riêng để tập thế tấn, nhưng ngay từ khi nhập môn, trong thực tế, việc tập những thế tấn của Vĩnh Xuân được luyện rất nhiều, rất kỹ lưỡng ngay trong các bài tập.   Đây cũng là một trong những tiêu chí xuyên suốt quá trình luyện kungfu của bản môn. Thế tấn Vĩnh Xuân thường chỉ hơi khụyu gối. Điều này giúp cho việc di chuyển, thay đổi và thi triển các đòn thế rất nhanh, chính xác, vận dụng được hiệu quả ngoại tam hợp, rồi lục hợp trong quyền thuật nội gia. Việc tập luyện thế tấn ngoài việc ứng dụng trong việc thực thi quyền thuật, còn mang lại lợi ích rất lớn trong việc nâng cao sức khỏe cho bản thân người tập.
Một điều nữa là trong việc thực hiện tập luyện các thế tấn của Vĩnh Xuân, về lâu dài chúng ta còn phải tập để khí xuống được chân. Đây là một công phu, khi tập lên cao chúng ta sẽ được sư phụ lý giải và truyền dạy. Hệ thống tập luyện trong Vĩnh Xuân được hòa quyện với nhau, khăng khít, rất hữu cơ. Chúng ta không thể tách riêng biệt từng phần hoặc có quan niệm: chỉ học cái này mà không học cái kia, nhất là đối với chương trình cơ bản. Hy vọng đôi điều trao đổi cùng anh chị em về thế tấn trong Vĩnh Xuân Nội gia để chúng ta có thể hiểu thêm phần nào về hệ thống quyền thuật trong Vĩnh Xuân Nội gia Quyền qua đó cùng nhau gắng công trong tập luyện để lĩnh hội được những công phu của bản môn.
Cám ơn các anh chị em đã quan tâm tới bài viết của tôi. 
 
Hà Nội ngày 04 tháng 10 năm 2007
HLV Nguyễn Thị Phương Dung
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo