Đôi nét về những con số trong Vĩnh Xuân Nội gia

Trong số báo Xuân Mậu Tý – 2008 của báo Kinh tế Đô Thị, có bài của tác giả Thế Trường viết về những điều liên quan đến con số 5 với tên gọi “Con số 5 kỳ diệu”. Tác giả Thế Trường đã chỉ ra những mối liên hệ kỳ diệu, linh thiêng, sinh động giữa con số 5 với những mặt trong đời sống xã hội, đời sống con người, trong vũ trụ, trong con người, trong quan niệm tư duy, thậm chí trong cả mục tiêu phấn đấu của xã hội… Đọc bài của tác giả Thế Trường, tôi liên tưởng đến những con số trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Những con số này cũng mang những sắc thái, yếu tố tâm linh rất sâu sắc.
Trước hết phải nói tới con số 108. Đây là một con số mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đã được các Sư tổ môn phái đặt cho bài quyền cao cấp nhất và cũng là bài thể hiện sâu sắc nhất bản chất quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia: bài 108. Mặc dù số đòn trong bài lớn hơn con số 108, nhưng các Sư tổ đã sắp xếp một cách hợp lý để có thể sử dụng đúng số thế trong bài vừa với con số 108. Từ đó mang những yếu tố tâm linh sâu sắc trong bài quyền, giúp cho người tập khi đã ngộ ra được những điều sâu xa trong đó, sẽ có được những sự tinh diệu trong quá trình sử dụng quyền thuật.
Cũng như tác giả Thế Trường đã viết về con số 5, hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia cũng có Ngũ hình quyền (5 bài quyền động). Trên thực tế, trong võ thuật có rất nhiều linh vật (hình) được các bậc tiền bối vận dụng vào hệ thống quyền thuật. Nhưng các Sư tổ Vĩnh Xuân không chỉ nhìn nhận ra tác dụng rất lớn của năm linh vật: Hổ, Báo, Hạc, Xà, Long đối với hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, mà chắc hẳn còn nhìn nhận ra yếu tố tâm linh qua con số 5 để chọn ra 5 linh vật, từ đó xây dựng nên bộ Ngũ hình quyền.
Như tôi đã viết qua một số bài trên trang Web của chúng tôi, cũng như qua cuốn “Việt Nam Vĩnh Nội gia quyền pháp” quyển 1, Tam tinh trong Vĩnh Xuân Nội gia là những yếu quyết rất quan trọng xuyên suốt trong quá trình tập luyện và thực thi quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Tam tinh trong Vĩnh Xuân Nội gia cũng có 3 cấp bậc cho 3 trình độ khác nhau: Tam tinh cơ bản cho mọi môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia, Tam tinh ở cấp thứ hai dành cho những môn đồ được tập luyện Nội công, và Tam tinh ở cấp thứ ba dành cho những môn đồ được kế nghiệp. Tam (3) tinh, ba cấp độ của tam tinh (3x3 =9), chứa đựng những con số Tâm linh: 3 và 9. Với bài quyền 108, Vĩnh Xuân Nội gia cũng có 3 bài 108 tạo nên hệ thống bài 108. Đó là bài 108 tại chỗ, bài 108 tiến lùi, bài 108 với Mộc nhân. Khi 3 bài đó được tập đồng thời, sẽ giúp cho người tập nắm bắt và thể hiện được bản chất sâu xa của quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
Thất đáo (7 cái đến) cũng như Tam tinh cơ bản, đây là một yếu quyết quan trọng trong suốt quá trình tập luyện và thực thi quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Con số 7 cũng chứa đựng những yếu tố sâu sắc, cơ bản trong chiêm tinh học cũng như trong lĩnh vực Tâm linh.
Trong tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia, một trong những điều quan trọng là ta phải hiểu và dựa trên nền tảng triết học Đông Phương để tập luyện. Nếu không chúng ta sẽ khó có thể lên cao được trong tập luyện. Nhưng con số nằm trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia cũng phản ảnh, thể hiện yếu tố Tâm linh và ý nghĩa sâu xa của nền triết học Đông Phương.
Nhân dịp những ngày đầu xuân Mậu Tý – 2008, tôi xin được trao đổi đôi nét về những con số trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Và cũng nhân dịp những ngày đầu năm mới, tôi xin thay mặt võ đường Vĩnh Xuân Nội gia, chân thành kính chúc các huynh đệ đồng môn, các anh em trong môn phái Vĩnh Xuân cùng các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân, yêu quý võ đường Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi và gia đình một năm mới khỏe mạnh, bình an, mọi sự tốt lành, may mắn, thành đạt và hạnh phúc. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm và giúp đỡ võ đường Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi.
Xuân Mậu Tý – 2008
Võ sư – Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo