Vĩnh Xuân quyền lên màn bạc
Trong mấy năm qua, sư phụ chúng tôi, võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội đã dầy công để tâm viết bài, viết sách về Vĩnh Xuân Nội gia để giới thiệu với mọi người về nhánh Vĩnh Xuân Nội gia mà sư phụ Nguyễn Ngọc Nội đã theo và đã lĩnh hội được. Trang Web của chúng tôi cũng chủ yếu là những bài viết của sư phụ Nguyễn Ngọc Nội. Chúng tôi cũng rất muốn những người khác cũng bằng những tìm hiếu, lĩnh hội của mình viết bài tham gia vào trang Web chúng tôi để kiến thức Vĩnh Xuân thêm được phong phú và có được nhiều góc nhìn khác nhau. Võ học vô bờ, và luôn là một lĩnh vực để cho những ai say mê võ học tìm hiểu, khám phá, để hoàn thiện những gì đã có, để mở mang sự hiểu biết và biết đâu đó có thể hình thành những kiến thức mới. Vĩnh Xuân là một môn võ trong quá trình phát triển đã có không ít sự khác biệt giữa các nhánh với nhau. Do đó làm cho người tập cũng nhiều khi khó lý giải về những khác biệt đó. Bên cạnh đấy, Vĩnh Xuân lại đòi hỏi rât cao về tư duy đối với người tập. Việc tìm hiểu để nâng cao sự hiểu biết, và giúp cho việc ngộ ra những tinh túy của môn trong quá trình tập là điều rất cần thiết. Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia cũng có rất nhiều anh chị em trong quá trình tham gia tập luyện rất chịu khó tìm hiểu thêm những gì liên quan đến tập luyện, kể cả những vấn đề lịch sử và những mối tương quan trong môn phái. Được phép của Sư phụ Nguyễn Ngọc Nội, hôm nay trang Web của chúng tôi xin được giới thiệu một bài viết mang tính suy nghĩ của một cá nhân hiện đang theo học tại Võ đường Vĩnh Xuân Nội gia, với một tinh thần cùng nhau trao đổi những suy nghĩ về môn phái nhằm giúp nhau nâng cao hiểu biết. Nếu trong bài viết có điều gì đó mà các bạn xem chưa thấy hài lòng, cũng thông cảm cho khả năng hiểu biết của huynh đệ chúng tôi. (Admin)
Trong dịp Tết Mậu Tý 2008, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã giới thiệu trong chương trình thể thao môn phái Vĩnh Xuân Quyền tại Việt Nam. Chương trình được thực hiện với sự tham gia đóng góp của nhiều chi phái, võ đường Vĩnh Xuân ở Hà Nội. Dù các chi phái hiện nay chưa hẳn thống nhất với nhau về nhiều điều trong kỹ thuật và phương pháp tập luyện. Nhưng tất cả đều phải công nhận Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam là cụ Nguyễn Tế Công.
Trong hơn 2 tuần vừa qua, VTV3 cũng đã và đang phát sóng từ 18h đến 19h hàng ngày (trừ chiều chủ nhật) bộ phim Vĩnh Xuân Quyền. Bộ phim này giới thiệu về gia tộc Lương Tán (1826-1901), một lương y tài năng, thương dân và yêu nước tại Phật Sơn (Trung Quốc) đồng thời cũng là một cao thủ Vĩnh Xuân. Hai con trai cụ cũng đã tiếp bước theo con đường của cụ và đã thành công trên con đường võ học và y học. Điểm đáng chú ý là cụ Lương Tán có truyền thụ võ công cho cụ Trần Hoa Thuận (1849-1913), người sau đó đã dạy cụ Nguyễn Tế Công (1877-1959). Dù bộ phim nhiều tập Vĩnh Xuân Quyền mới được trình chiếu, các bạn hẳn đã được chứng kiến những màn chiến đấu đẹp mắt do diễn viên thủ vai cụ Lương Tán thể hiện : cận chiến tay không và sử dụng gậy (côn).
Phật Sơn là một địa danh nổi tiếng tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nơi đây hiện vẫn là nơi có nhiều cao thủ Vĩnh Xuân. Phật Sơn (Foshan) cũng là quê hương của cụ Diệp Vấn (Ip Man). Cụ Diệp Vấn (1893-1972) là thày dạy võ trong 5 năm của Lý Tử Long (Lý Tử Long theo học cụ Diệp Vấn từ năm lên 13 tuổi). Lý Tử Long nổi tiếng sau khi đưa lên màn bạc những màn võ thuật ấn tượng (mang ảnh hưởng lớn của Vĩnh Xuân, đặc biệt là về thủ pháp). Cụ Diệp Vấn nổi tiếng vì dạy được nhiều trò giỏi, những người sau này đã truyền bá môn phái Vĩnh Xuân ra khắp thế giới. Dù ra đời muộn (mới có lịch sử vài trăm năm) và trong một thời kỳ dài chỉ được truyền thụ bí mật giữa một số ít người, hiện nay Vĩnh Xuân đã là một trong số các môn võ có nhiều môn đệ nhất trên thế giới (bên cạnh Thiếu Lâm là phái võ khởi nguồn của Sư tổ Vĩnh Xuân Ngũ Mai Lão Ni). Lý do là có sự quảng bá của Lý Tử Long và bản thân môn Vĩnh Xuân mang lại hiệu quả cao trong giao đấu. Một điểm đáng chú ý là sự yểu mệnh của Lý Tử Long, chết bệnh năm 1973 ở tuổi 32, chỉ một năm sau khi cụ Diệp Vấn qua đời.
Một tin vui là khoảng vào đầu năm 2009, khán giả sẽ có thể thưởng thức một bộ phim về cuộc đời cụ Diệp Vấn, chủ yếu vào thời kỳ cụ còn sống tại Trung Quốc, những căng thẳng trong cuộc sống khi cụ từ chối truyền thụ võ thuật cho quân phiệt Nhật. Trong bộ phim trị giá 5 triệu USD này, người thủ vai cụ Diệp Vấn là Donnie Yen (Chân Tử Đan), ngôi sao đã tham gia các bộ phim Blade II, Hero và Shanghai Knights. Đạo diễn võ thuật là diễn viên bự thường xuất hiện trong các phim võ thuật Hồng Kông: Sammo Hung. Ngày 26 tháng 2 vừa qua, tham gia lễ tưởng nhớ cụ Diệp Vấn, hai diễn viên trên đã tới Phật Sơn cùng với hai con của cụ Diệp Vấn. Donnie Yen đã biểu diễn bài 116 với Mộc Nhân (bài Mộc nhân của Việt Nam có 108 đòn). Đạo diễn Hồng Kông nổi tiếng Vương Gia Vệ cũng đang chuẩn bị quay một bộ phim khác về cụ Diệp Vấn với diễn viên chính thủ vai là Tony Leung Chiu-wai (Lương Triều Vĩ, người đã từng đoạt giải César tại Liên hoan phim Cannes). Nhưng thời điểm thực hiện bộ phim thứ hai này hiện vẫn chưa rõ ràng. Tony Leung Chiu-wai cho biết sẽ dành nửa cuối năm 2008 tập luyện Vĩnh Xuân để có thể tham gia bộ phim vào cuối năm hay đầu năm tới.
Nếu ta xem xét tiểu sử thì ta sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng trong cuộc đời của cụ Diệp Vấn, được coi là Sư tổ Vĩnh Xuân Hồng Kông và cụ Nguyễn Tế Công, Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam. Hai tiền bối cùng thuộc một thế hệ: cụ Nguyễn Tế Công hơn cụ Diệp Vấn 16 tuổi. Thứ nhất: Hai cụ đều đam mê theo học võ từ nhỏ và theo nhiều thầy. Cụ Nguyễn Tế Công theo học Đại sư Trần Hoa Thuận (Chan Wah Shun) và Đại sư Phùng Thiếu Thanh. Còn theo cuốn 116 Wing Chun Dummy Techniques, cụ Diệp Vấn theo học Đại sư Chan Wah Shun, Đại sư Ng Chung So (đại sư huynh của Diệp Vấn), sau này ở Hồng Kông, cụ Diệp Vấn còn theo học Đại sư Lương Bích (Leung Bik), con trai lớn của Đại sư Lương Tán (Leung Jan). Thứ hai: lớn lên gặp cảnh đất nước Trung Hoa bị Nhật dần xâm chiếm và vì có tinh thần bất hợp tác với người Nhật, cả hai cụ đều phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn. Năm 1937, người Nhật chiếm đóng Đông Bắc Trung Quốc, cụ Nguyễn Tế Công bỏ bản quán chạy xuống phía Nam, có lúc ẩn náu tại Phật Sơn và theo lời con trai của cụ Nguyễn Tế Công, sau đó cả gia đình tới Hồng Kông rồi sang Việt Nam cuối năm 1939. Về phần cụ Diệp Vấn, cụ phải rời Phật Sơn quê hương sang Hồng Kông năm 1949 rồi định cư tại đó. Theo tài liệu về chi phái Vĩnh Xuân Diêu Tài của tác giả Diêu Trung Cường được võ sư Phan Dương Bình (Vĩnh xuân Việt Nam) dịch có đoạn viết: “Về sau, Nguyễn Tế Vân (chắc là Nguyễn Tế Công) muốn đi An Nam (tức Việt Nam), bởi nhận thấy Diêu Tài là vốn quý võ học, có đưa Diêu Tài đến nhà Ngô Trọng Tố (Ng Chung So), bái Ngô Trọng làm thầy để được dạy dỗ thêm (Nguyễn Tế Vân và Ngô Trọng Tố vốn là bạn hữu thân thiết), Ngô Trọng Tố chuyên tâm bỗi dưỡng cho Diêu Tài, cùng với Nguyễn Kỳ Sơn và Diệp Vấn cùng được thầy Ngô chỉ dạy, đào tạo nâng cao, ba người thường trao đổi với nhau. Sau này Diêu Tài cũng mời ông Quách Bảo Toàn chỉ đạo nâng cao. Lúc đó người trong môn phái Vịnh Xuân gọi Nguyễn Kỳ Sơn, Diêu Tài và Diệp Vấn là “Ba người hùng Vịnh Xuân” danh tiếng một thời.” Như vậy, ta có thể thấy rằng, cụ Nguyễn Tế Công và cụ Diệp Vấn đều theo học Đại sư Trần Hoa Thuận. Cụ Diệp Vấn sau đó tiếp tục theo học Đại sư Ngô Trọng Tố là bạn đồng môn của Tế Công. Đoạn sau cho thấy cụ Diệp Vấn học võ cùng cụ Nguyễn Kỳ Sơn (em trai cụ Nguyễn Tế Công). Hẳn cụ Nguyễn Tế Công có quen biết cụ Diệp Vấn. Hai cụ có khác biệt về tuổi tác và thứ bậc (dù cụ Diệp Vấn khi còn nhỏ có theo học một thời gian ngắn sư phụ của cụ Nguyễn Tế Công ).
Trước khi qua đời, cả hai cụ: cụ Nguyễn Tế Công và cụ Diệp Vấn đều để các học trò chụp ảnh mình đánh bài mộc nhân, có lẽ cả hai Đại sư đều mong những tuyệt kỹ của môn phái không bị mất đi hay bị hiểu sai lệch. Các bức ảnh cụ Diệp Vấn đánh mộc nhân sau này được các học trò và con Diệp Vấn vốn chỉ sở hữu mỗi người một ít ảnh đã tập hợp lại, in thành sách phổ biến (cuốn 116 Wing Chun Dummy Techniques), các ảnh của cụ Nguyễn Tế Công cũng được thế hệ sau đăng tải trên một số website Vĩnh Xuân Việt Nam.
Không hiểu vì lẽ gì mà phương pháp quyền thuật của Vĩnh Xuân Hồng Kông khác với Vĩnh Xuân Việt Nam. Trong khi Vĩnh Xuân Việt Nam luỵện tập theo Ngũ hình quyền thì Vĩnh Xuân Hồng Kông luyện theo 3 bài: Tiểu niệm đầu, Tầm kiều, Tiêu chỉ. Riêng bài Tiểu niệm đầu của Vĩnh Xuân Hồng Kông có nhiều nét giống bài Thủ đầu quyền của Vĩnh Xuân Việt Nam.
Cuộc đời của Sư tổ Nguyễn Tế Công cũng rất gian nan, bị cuốn theo dòng xoáy của Lịch sử, phiêu bạt nhiều nơi để rồi đưa Vĩnh Xuân Quyền vào Việt Nam từ Bắc chí Nam. Hi vọng một ngày nào đó, sẽ có nhà làm phim quan tâm và đưa cuộc đời Sư tổ lên màn ảnh rộng để tôn vinh và giúp các môn đồ và người đời hiểu hơn về Sư tổ Nguyễn Tế Công, Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam./.
Đỗ Hữu Lộc
Môn đệ Vĩnh Xuân Nội gia
Môn đệ Vĩnh Xuân Nội gia
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT