Trao đổi về "Cơ duyên" trong Vĩnh Xuân
Trong những thời gian qua, một số anh chị em môn sinh hỏi tôi về “cơ duyên” với môn phái và tập trung vào một số ý chính như sau:
- Thế nào là biết mình có “cơ duyên” với môn phái?
- Làm thế nào để phát huy được “cơ duyên” của mình?
- Thầy có nhận biết được “cơ duyên” của người trò không?
Tôi cũng đã trao đổi, lý giải với một số anh chị em, song cũng chỉ trong một phạm vi nhỏ. Và tôi cũng nhận thấy một số ít anh em cũng chưa hiểu thấu đáo và có những suy nghĩ không mang tính tạo dựng, giúp cho “cơ duyên” của mình. Trong bài viết này tôi muốn trao đổi rộng hơn, sâu hơn, với mong muốn có thể giúp anh em có những cố gắng hơn trong việc xây dựng “cơ duyên” của mình với môn phái. Để từ đó có thể đi xa trên con đường tập luyện của mình.
“Cơ duyên” là một khái niệm rất rộng và với nhiều lĩnh vực. Trong bài này, tôi chỉ xin được trao đổi trên góc độ liên quan tới môn phái. Tuy nhiên vì sự bao hàm rộng lớn của từ này, cho nên cũng có thể nhìn nhận đồng thời theo một góc độ khác.
Nhiều người vẫn hiểu “cơ duyên” như duyên “Trời định”. Thực ra chưa hoàn toàn là như vậy, mà “cơ duyên” còn chịu tác động không nhỏ bởi sự chăm lo của bản thân con người tới “cơ duyên” của mình. “Cơ duyên” như một khối cầu: quả cầu “cơ duyên”. Quả cầu “cơ duyên” được cấu thành bởi 2 yếu tố như là điều kiện cần và đủ, không thể thiếu được. Hai yếu tố này luôn vận động và qua bản chất của hai sự vận động mà chuyển hóa tạo cho quả cầu “cơ duyên”có thể được tròn chĩnh hoặc bị hao mòn, hay méo mó. Hai yếu tố đó là:
1- Tiền duyên: Nếu hiểu theo nghĩa tâm linh thì Tiền duyên là “cơ duyên” với môn phái (và với cả người thầy) vốn có sẵn trong cuộc đời mình, từ khi mình chưa hề biết gì tới môn phái và chính “Tiền duyên” sẽ dẫn dắt mình đến được với môn phái, gặp được người thầy. Đấy chính là “Cơ duyên Trời định”.
2 - Hậu duyên: là phần “cơ duyên” do con người vun đắp sau khi Tiền duyên đã bộc lộ. Đấy chính là “Cơ duyên Nhân định”. Quá trình này cực kỳ quan trọng. Vì đây là giai đoạn có thể giúp cho quả cầu “cơ duyên” được tròn chĩnh hoặc méo mó, hao mòn, thậm chí là mất đi “cơ duyên”. Chính vì thế mà người đời có câu: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”.
Tôi cũng thường giảng giải cho các anh chị em môn sinh về “Tiền duyên”, và “hậu duyên” trong quả cầu “cơ duyên”. Nếu “Tiền duyên” lớn thì đó chính là tố chất quan trọng (nếu trong học thuật thì đó chính là sự thần đồng). Với tâm sáng, chỉ cần “Hậu duyên” nhỏ cũng có thể giúp quả cầu “cơ duyên” tròn chĩnh. Con người ta không cần cố gắng lắm cũng có thể đạt kết quả cao. Song nếu chủ quan coi thường sự cố gắng bản thân thì cũng chưa chắc có được quả cầu “cơ duyên” tròn chĩnh. Nếu “Tiền duyên” nhỏ, thì trong cuộc đời, người đó phải phấn đấu rất nhiều mới có thể có quả cầu “cơ duyên” tròn chĩnh được. “Tiền duyên” càng nhỏ thì sự phấn đấu phải càng lớn mới có thể đạt được kết quả mong muốn. Điều này có thể hiểu rằng “thiên tài có được là nhờ 90% mồ hôi, công sức lao động cần mẫn của bản thân”. Còn nếu “Hậu duyên” mà tà tâm, cho dù “Tiền duyên” có lớn mấy thì sẽ chỉ làm cho “cơ duyên” bị biến dạng, không còn là một khối cầu nữa, mà là một di dạng khó nhìn, thậm chí không thể chấp nhận nổi và “cơ duyên” sẽ dần tuột đi mất. Với những con người như vậy, các Sư tổ, các Tôn sư đâu thể dung thứ.
Cũng theo ý nghĩa tâm linh, “cơ duyên Trời định” của mỗi người cũng khác nhau, có dầy, có mỏng và khi đã bộc lộ ra luôn được gắn kết với “cơ duyên nhân định”. Chính vì thế có người đến với môn phái chỉ vài buổi, hoặc được vài tháng, thậm chí vài năm vẫn rời khỏi môn phái với nhiều lý do như: không thu xếp được hoàn cảnh cá nhân để theo tập, không thích ứng được phương thức tập luyện, không hợp với cá tính của bản thân, không đáp ứng được những mong muốn riêng của cá nhân, thậm chí chỉ là vì không “hợp” với thầy (theo cả hai phía).v.v. Với những điều như vậy, cho dù với lý do gì đi chăng nữa, đó cũng là sự biểu hiện “cơ duyên” không lớn, không dầy, không đủ. Hay nói như người đời là: “có duyên, không có phận”.
Trong bức thư ngỏ đầu tiên tôi viết trước đây (07/10/2004) có đề cập đến 3 yếu tố cần có để có thể tập luyện được môn Vĩnh Xuân, đó là: Cơ duyên – Người thầy - Bản thân. Với người thầy, tôi vẫn thường trao đổi với anh chị em môn sinh là: không có người thầy nào không muốn trò mình thật giỏi. Chỉ có điều là bản thân người trò quyết tâm tập luyện đến đâu, và tập luyện như thế nào. Còn với “cơ duyên”, khi đến được với võ đường và được nhận vào tập, đã là thể hiện có “cơ duyên” rồi. Do vậy, điều còn lại: “bản thân”, mới là quan trọng. Đây lại là điều mang tính chủ quan rất lớn. Đó là việc mình quyết tâm tập luyện ra sao? Tâm huyết với võ đường, với môn phái đến đâu? Kính trọng, chân thành và tuân thủ lời thầy dạy thế nào? Theo được chữ “khiêm” đến đâu? Có biết vui mừng khi đồng môn mình tiến bộ hay lại đố kỵ, tỵ hiềm?.v.v. Trên thực tế có người chỉ vì muốn đạt được tham vọng riêng của cá nhân: mình phải hơn tất cả, không muốn thầy dạy cho các đồng môn khác giỏi, và không muốn đồng môn khác hơn mình, từ đó đã làm những điều trái với đạo thầy trò, phương hại đến sự phát triển của môn phái, của võ đường. Cho dù có được che đậy dưới những lý do gì, thì bản thân họ cũng đã tự làm mất đi cái “cơ duyên” của mình với môn phái. Tôi thường nói với các trò của minh: “Trong học võ, chữ KHIÊM là vô cùng quan trọng”. Bạn mình tập giỏi, mình mừng. Mừng thầy có thêm trò giỏi, mình có thêm huynh đệ giỏi, võ đường, môn phái có thêm môn đệ giỏi. Điều mừng đó sẽ giúp mình vươn lên và đi xa hơn trong tập luyện theo gương của các huynh đệ đồng môn. Và chính điều đó sẽ làm cho người thầy nhận thấy sự tâm huyết chân thành ở người trò, từ đó người trò có thể còn học được nhiều hơn cả sự mong muốn. Sự tỵ hiềm luôn là một vật cản rất lớn trên con đường phấn đấu của con người trên nhiều lĩnh vực (tôi có nhắc điều này trong một bài viết trước đây). Cũng như trong tập luyện, sự luôn hoàn thiện là điều vô cùng quan trọng. Và tôi cũng luôn nhắc các trò của mình “Đừng bao giờ thỏa mãn với việc tập luyện của mình thì mới giỏi được. Khi mình tự cho là đúng thì đó là lúc đã bắt đầu cái sai”.
Khi tiến hành mở võ đường, một trong những mục đích đặt ra là để giúp cho những người có cơ duyên với môn phái có thêm điều kiện đến được với môn phái, thông qua việc đến tập tại võ đường. Trong qua trình truyền dạy của mình, với điều kiện có thể, tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho những người có khả năng phát triển những cơ hội tập luyện tốt để họ vươn lên. Đó chính là đang giúp cho “cơ duyên” của họ thêm tròn chĩnh. Tôi nghĩ đó không chỉ là trách nhiệm với trò, mà còn là nghĩa vụ của mình với môn phái. Tôi tin rằng đã là người thầy, chắc chắn sẽ nhìn ra các trò có khả năng phát triển (nhìn nhận thấy “cơ duyên” của người trò). Tuy nhiên cũng nên biết rằng “ đồ vật tốt khi mới, người bạn tốt khi cũ”. Và tôi tin rằng: với mỗi người, qua thời gian, bằng sự nỗ lực tâm thành của mình, “cơ duyên” của mình sẽ ngày thêm tròn chĩnh, tất yếu mình sẽ đạt được những nguyện vọng chính đáng của mình. Thế giới tâm linh, các Sư tổ, các Tôn sư sẽ luôn phù hộ cho những môn đệ tâm thành với môn phái.
Trên đây là đôi điều trao đổi chân thành về ý nghĩa của “cơ duyên” với môn phái. Sự hiếu biết là bất tận. Song tôi hy vọng những điều tôi trao đổi có thể giải đáp phần nào những điều các anh chị em muốn tìm hiểu. Chân thành chúc anh chị em môn đệ luôn đạt được sự tròn chĩnh trong “cơ duyên” của mình với môn phái. Cầu chúc cho môn phái có được nhiều môn đệ giỏi để làm rạng rỡ cho môn phái.
Nhân chào đón Đại lễ Phật Đản tháng Tư năm Mậu Tý - 2008
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường VXNG
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường VXNG
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT