Một số trao đổi trong tập luyện môn Vĩnh Xuân Nội gia

Trong những năm qua, tôi cũng như các anh em huấn luyện viên đã trao đổi nhiều với các anh chị em ở võ đường trong quá trình tập luyện tại võ đường và qua các bài viết trên trang Web của võ đường về việc tập luyện môn Vĩnh Xuân Nội gia. Tuy nhiên, vẫn có một số ít anh em môn sinh chưa cảm nhận hết được những điều cần thiết trong tập luyện, và cũng có những suy nghĩ như một số anh em ngoài võ đường về vấn đề tập luyện ở võ đường. Hôm nay tôi muốn qua bài viết này nói rõ thêm về những điều liên quan tới các vấn đề trong tập luyện, trong đó có những điều mà một số anh em đã hỏi.
Trước hết, tôi muốn các anh chị em nên hiểu môn Vĩnh Xuân Nội gia đòi hỏi người tập phải rất tư duy trong tập luyện. Đồng thời phải nhìn nhận môn Vĩnh Xuân Nội gia dưới góc độ triết học Đông Phương mới có thể đánh giá đúng được về môn phái. Thực tế môn Vĩnh Xuân Nội gia là một môn võ rất khó, nếu chỉ nhìn qua hình thức, không thể nào cảm nhận được bản chất bên trong sâu xa của môn. Chỉ có thực sự lăn vào tập luyện, chịu tư duy trong tập luyện, thì mới có thể cảm nhận được tinh thần và bản chất bên trong của môn qua từng bài quyền, qua từng đòn thế. Trước đây, khi võ đường mới mở ra và thậm chí ngay cả gần đây, nhiều người cứ nói với tôi “cho con gửi cháu để ông dạy”. Tôi vừa đùa mà cũng vừa dứt khoát trả lời “ông có phải người trông trẻ đâu mà gửi. Môn này cũng có phải là môn học một tý để biết đâu. Mới tý tuổi, bắt nó ngồi thở, bắt nó cảm nhận đòn đánh, làm sao nó làm được. Cứ cho con tập trung học văn hóa cho giỏi. Sau này nếu nó có duyên với môn, ông không dạy thì sẽ có người khác dạy cho nó. Không sợ muộn đâu. Càng chín chắn, học càng kết quả”. Chính vì vậy số cháu ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là môn sinh của võ đường hiện còn đang học phổ thông là rất ít, chỉ vài cháu, mà đều là con, cháu của các anh em môn sinh ở võ đường. Hiện nay ở võ đường, số các môn sinh có trình độ là sinh viên đại học và từ đại học trở lên chiếm gần 90%. Với tất cả sự khiêm tốn, tôi cũng phải nói đây là một “môn võ của trí tuệ”. Tôi cũng đã viết một bài có tiêu đề như vậy: “Vĩnh Xuân - môn võ của trí tuệ và phái đẹp”. Bài đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô, số 6 ngày 08/02/2006.
Như mọi người đều biết, trong thời đại ngày nay, trước những loại vũ khí tinh vi và rất  hiệu quả, tính chiến đấu trong võ thuật không còn là phương tiện hữu hiệu trong giao đấu mà mọi người cần phải có. Tuy nhiên trên thực tế, việc vận dụng nó trong cuộc sống trên nhiều mặt cũng không phải không hữu ích. Do vậy, khi có những người đặt vấn đề với tôi nên mở thêm những lớp ngắn ngày, 3 ÷ 6 tháng, để phù hợp với hoàn cảnh và nguyện vọng của một số người, tôi cũng đã trao đổi lại rằng: “Với thời gian ngắn như vậy, để có thể sử dụng được, bạn phải tập liên tục hàng ngày. Đối với nhiều bạn, buổi tập trong tuần dầy như vậy, khó có thể theo được trong nhiều tháng liền. Chương trình này là cần thiết cho các lực lượng vũ trang, khi ra làm nhiệm vụ, phải đối mặt ngay với các loại người cần phải khống chế ngay hành vi của họ. Còn theo học Vĩnh Xuân Nội gia, nếu học tuần 2 buổi, học 3 ÷ 6 tháng, thì bạn cũng chưa điểu khiển nổi chân tay bạn theo ý bạn, chứ đừng nói đánh được ai. Đây là một thực tế ở võ đường VXNG, chứ không phải trên phương diện lý thuyết. Học võ ta nên hiểu thực chất là học điều khiển chân, tay, thân mình, theo được ý của mình, để đặt vào đâu, đưa đến đâu, đều nhanh, chính xác, có được sức mạnh, có hiệu quả. Qua đó xây dựng cho mình một bản lĩnh trong cuộc sống, bảo vệ được mình trước các tác nhân có hại đến cơ thể mình. Với Vĩnh Xuân Nội gia, không thể học một tý để biết. Do đó, tôi vẫn thường nói với các anh chị em môn sinh: “phải biết học để trước hết chiến thắng chính bản thân mình, điều khiển được cơ thể mình trước khi nghĩ đến việc đánh được người khác”. Đây chính là tính Phật trong võ thuật. Và nên nhớ một trong những phương châm quan trọng của võ thuật là “giữ được mình tức là thắng được người”. Để được như vậy, bắt buộc phải học có cơ bản, có hệ thống và phải xác định thời gian theo học không phải ngắn.
Trước đây, việc tập luyện không có tài liệu tham khảo, xem thêm, do đó tôi phải nghe như nuốt từng lời thầy dạy ở lớp, để khi về tập một mình, cố gắng suy nghĩ, nhìn nhận việc tập của mình so với những điều thầy đã chỉ dạy. Thật vất vả, song cũng rất giá trị. Vì qua đó, làm cho mình hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn lời dạy, bài bản, đòn thế, cả về mặt hình thái và bản chất. Đúng như lời thầy tôi nói “anh phải tập thật nhuần nhuyễn, để biến những điều tôi dạy anh thành của anh, thế mới được”. Tiếp thu những lời thầy dạy, tôi luôn nhắc với các anh chị em ở võ đường “tập ở lớp là cơ bản, tập ở nhà là quan trọng. Không thể thiếu được một trong 2 việc tập này trong quá trình tập luyện. Hai hình thức này quan hệ hữu cơ với nhau một cách chặt chẽ”. Hiện nay tôi đã xuất bản tập 1 của bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền pháp” và cuốn “Những bài viết về Vĩnh Xuân Việt Nam và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền”. Trong quá trình tập luyện, các bạn nên thường xuyên xem, tìm hiểu và đối chiếu những điều tiếp thu trên võ đường với những điếu đã được ghi trong 2 cuốn sách trên, để việc tập luyện được tốt hơn trên nhiều mặt: như việc thực hiện đúng đòn thế, như việc hiểu biết về lý luận của môn.v.v.
Với những điều đã được thầy truyền dạy, với kinh nghiệm của bản thân, tôi thường khuyên các anh chị em ở võ đường: "điều khôn ngoan nhất là thầy dạy sao, tập đúng như vậy, đừng tập khác đi. Trên đời này không có ông thầy nào muốn trò mình dốt cả. Và hãy đừng biến khi tập, để có thể biến hóa được khi va chạm”, đúng như lời người xưa đã nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Các bậc tiền bối, khi xây dựng các bài quyền, các đòn thế, các phương pháp, các yếu quyết v.v..., đã dựa trên rất nhiều các tình huống có thể sẩy ra khi va chạm, khi giao đấu, và tất cả đã được hoàn thiện qua biết bao nhiêu năm trời, qua biết bao nhiêu thế hệ. Với nét văn hóa truyền thống, sự quý trọng những tinh hoa của môn phái được chắt lọc qua bao thế hệ, cho nên việc truyền lại tinh hoa (gọi đơn giản là truyền “bí kíp”) cho các đời sau, đã gần như theo một quy luật: chỉ truyền lại cho một người. Do những biến cố nhiều khi bất khả kháng trong cuộc đời, các bậc truyền nhân đã không kịp truyền lại, chưa kịp truyền hết, hoặc phải truyền ra ngoài, và thậm chí không tìm được người xứng đáng để truyền, đã mang đi những tinh hoa (“bí kíp”) đã được truyền dạy. Những tinh hoa (“bí kíp”) là những sản phẩm trí tuệ của con người, để cho có những điều đó mất đi, thật vô cùng nuối tiếc, không gì có thể bù đắp được và cũng là tội lỗi với với các bậc tiền bối. Song cũng chính nhờ phương pháp xây dựng một hệ thống quyền thuật trong đó có những mối quan hệ hữu cơ sâu sắc của các bậc tiền bối, mà một khi tâm huyết luyện tập, môn đồ cũng có thể “ngộ” ra được những điều sâu sắc của bản môn tiềm ẩn trong hệ thống quyền thuật của bản môn. Nhiều điều chúng ta cảm nhận ra, “ngộ” ra, cứ nghĩ là những gì mới mẻ, song có được điều đó chính là nhờ sự chuyên tâm tập luyện theo hệ thống quyền thuật mà các bậc tiền bối đã dầy công xây dựng, trong đó chứa đựng những mối quan hệ hữu cơ sâu sắc. Như nhà nghiên cứu khoa học, nhà Yoga của Việt Nam Nguyễn Thế Trường đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền pháp”: “Thật vậy, ngay từ thế kỷ XVII – XVIII, các Sư tổ Vĩnh Xuân đã sáng tạo ra các bài quyền Hổ - Báo - Hạc – Xà – Long, lấy NHU (lỏng mềm ) trong thể hiện quyền thuật, lấy KHÍ làm nguồn nội lực v...v..., còn ở phương Tây thì mãi tới khoảng giữa thế kỷ XX, nhà toán học Mỹ N.Wiener mới khai sinh môn điều khiển học (Cybernetics) làm cơ sở cho sự ra đời của môn học bắt chước sinh vật (Bionics). Sau đó, tới năm 1956, nhà sinh lý học kiêm bệnh học Canada H. Selye xây dựng học thuyết về Stress và bác sĩ tâm thần Đức J.H.Sehultz đề xuất phuơng pháp tạo nên trạng thái thư giãn (thả lỏng) thường được gọi là tập luyện tự sinh (Training autogène). Thì ra, những phương pháp dưỡng sinh ngày nay chính đã manh nha từ những công pháp tập luyện và tu luyện từ xa xưa trong đó có Vĩnh Xuân quyền."  Chính ví vậy khi ta tuân thủ những nguyên tắc tập luyện trong quá trình tập luyện, ta sẽ dễ “ngộ” ra những điều tiềm ẩn sâu xa trong bản chất quyền thuật của môn phái qua những bài quyền, các đòn thế, các phương pháp, các yếu quyết v.v...
Điều quan trọng nhất, cơ bản nhất đối với tôi trong tập luyện chính là “cơ duyên với môn phái, với thầy”. Mà điều đầu tiên thể hiện có được “cơ duyên”, chính là: ta biết đến môn phái, cảm nhận ban đầu yêu thích và tin vào môn phái, tìm được võ đường mà ta muốn đến tập, tìm được người thầy mà ta muốn bái sư, xin được vào tập ở nơi ta muốn. Phần còn lại “hậu duyên”, chính là ở nơi bản thân ta: ta tâm huyết với môn phái, với võ đường đến đâu? ta thành tâm với thầy đến đâu? ta tin tưởng, quyết tâm, kiên trì tập luyện đến đâu? Trong thư ngỏ thứ nhất ”Nói thêm một số điều về Vĩnh Xuân Việt Nam” ngày 07/10/2004, tôi cũng đã viết: ”việc  tập luyện để thành đạt, theo tôi, về cơ bản phụ thuộc vào 3 yếu tố chính. Đó là:
2. Sự truyền đạt của người thầy.
3. Sự quyết tâm, lòng tin và sự chuyên cần tập luyện...”. Đúng như lời người xưa đã nói: “linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Có một điều tôi tin chắc rằng: khi ta biết trân trọng “cơ duyên”, biết thành tâm vun đắp “hậu duyên” (với những điều tôi đã nêu ở trên), chắc chắn ta sẽ đi đến thành công trên con đường tập luyện. Tôi luôn tin rằng các Sư tổ, Tôn sư sẽ luôn phù hộ cho những con người như vậy.
Đôi điều tâm sự, trao đổi chân thành cùng các bạn. Có thể có những điều gì đó các bạn thấy chưa phù hợp, rất mong các bạn thông cảm, bởi đây hoàn toàn là thành ý của tôi muốn đươc chia sẻ cùng các bạn trên bước đường tập luyện.
Chúc các bạn luôn hạnh phúc, thành công trên con đường tập luyện và thành đạt trên mọi phương diện của cuộc sống.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm bài viết của tôi.
Hà Nội Ngày 22 tháng 11 năm 2008
Chủ nhiệm – Võ sư trưởng võ đường VXNG
Võ sư - Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo