Về một Martial Art Expo đầm ấm, thân thiện và ý nghĩa tại Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ở Malina, Philippines

Ngày 27/11/2008, tại ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ở  Manila – Philippin, đã diễn ra “MARTIAL ARTS EXPO ‘08” do ADB tổ chức với sự tham gia của các môn phái trong Câu lạc bộ võ thuật của ADB. Trong “MARTIAL ARTS EXPO ‘08” có 6 môn phái tham dự, trong đó có Vĩnh Xuân Nội gia. (xem chương trình của “MARTIAL ARTS EXPO ‘08” và ảnh đăng kèm theo).
Ngày 25/11/2008, tôi đã lên đường sang Philippin để tham dự “MARTIAL ARTS EXPO ‘08”. Do điều kiện công tác, cho nên một số học trò của tôi không đi tham dự cùng được.
Cùng với việc biểu diễn của các môn phái, những lời giới thiệu tóm tắt về các môn phái đã được chiếu lên 2 màn hình cực lớn ở 2 bên sàn biểu diễn. Ngoài những lời giới thiệu về môn Vĩnh Xuân Nội gia (xem toàn bộ nội dung đăng kèm theo), theo yêu cầu của Ban tổ chức, chúng tôi cũng gửi một đoạn phim giới thiệu một số công phu của võ đường để chiếu kèm theo lời giới thiệu.
Tham gia biểu diễn tại “MARTIAL ARTS EXPO ‘08” có tôi và người học trò tôi là Nguyễn Minh Cường. Anh Nguyễn Minh Cường là cán bộ của ADB, đồng thời là Chủ tịch Hội người Việt tại Philippin. Anh Nguyễn Minh Cường đã theo học tôi từ những năm 1987. Do công việc, năm 2004, anh Cường phải ra nước ngoài làm việc, cho nên anh Cường phải nghỉ tập. Tuy nhiên vào những kỳ nghỉ phép, hoặc tranh thủ những chuyến công tác về Việt Nam, anh đều dành nhiều thời gian để đến võ đường tập luyện. Hiện nay anh Cường đã mở một lớp dạy môn Vĩnh Xuân Nội gia tại ADB.
Sau những lời giới thiệu và chiếu phim về công phu của võ đường (xem ảnh), tôi và huấn luyện viên Nguyễn Minh Cường đã lên biểu diễn bài 108 (xem ảnh). Sau khi biểu diễn xong, khi thầy trò chúng tôi đi về chỗ ngồi, một số người đã gặp gỡ chúc mừng, bầy tỏ sự kính phục công phu của Vĩnh Xuân Nội gia. Và ngay cả sau buổi biểu diễn, trong phòng ăn, chúng tôi vẫn được mọi người đến chúc mừng và bầy tỏ lòng kính phục. Mấy anh em ở môn phái khác cũng đến xin được chụp ảnh lưu niệm cùng tôi. Trong không khí đầm ấm, vui vẻ và thân mật, một người Mã Lai, gốc Trung Quốc, đã nói với thầy trò chúng tôi “Bộ tay Vĩnh Xuân của các ông thật tuyệt. Các ông nên dạy lại để nhiều người được biết”. Tình cảm của mọi người đối với thầy trò chúng tôi thật thân thiện và chân thành. Chị Virginita Capulong, Chủ tịch Câu lạc bộ võ thuật của ADB, đồng thời cũng đang theo học lớp Vĩnh Xuân Nội gia do anh Nguyễn Minh Cường huấn luyện, đã dẫn chồng của mình, anh Mrio Capulong đến gặp thầy trò tôi và cho biết chồng mình trước đây cũng đã theo tập môn Vĩnh Xuân. Qua trò chuyện cùng người chồng, chúng tôi được biết anh Mrio Capulong đã được tập môn Vĩnh Xuân từ một nhà truyền đạo là người Mỹ, Fr. Michel Delieres. Sư phụ của anh Mrio Capulong , trước năm 1970, trong khi đi truyền đạo tại Phật Sơn, Trung Quốc, đã theo tập môn Vĩnh Xuân. Và khi đến Philippin truyền đạo, đã chọn trong số những người Philippin theo học đạo ra 10 người, mà như sư phụ anh Mrio Capulong nói là “có tố chất tập tốt môn Vĩnh Xuân” để dạy cho môn Vĩnh Xuân. Anh Mrio Capulong nói đã được tập tất cả các bài quyền: Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, Mộc nhân thung, tập dính tay (“chi sao”) và Bát Trảm Đao. Anh Mrio Capulong cũng cho biết tập “chi sao” có nhiều thứ bậc. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe anh Mrio Capulong nói lại với thầy trò tôi về lời sư phụ mình: “Tập môn Vĩnh Xuân không căn cứ vào tạng người to, nhỏ. Mà vấn đề là cách ra đòn, và cách thể hiện lực, lực đánh ra của Vĩnh Xuân phải như một dòng nước”. Trước đây tôi cứ nghĩ những người không thuộc nền triết học Phương Đông khó có thể cảm nhận, khó có thể hiểu được bản chất sâu xa của môn Vĩnh Xuân. Thực tế có một số người tập luyện Vĩnh Xuân, song cũng không cảm nhận, không hiểu được điều này. Thế mà giờ đây tôi lại được một người Philippin nói về người thầy của mình, một người Mỹ, Fr. Michel Delieres, có được sự hiểu biết rất sâu sắc về môn Vĩnh Xuân mang tính Nội gia và đã truyền thụ lại được cho trò của mình. Mặc dù anh Mrio Capulong và học trò của tôi đã hẹn sẽ gặp nhau để trao đổi thêm về môn Vĩnh Xuân, song tôi cũng nhắc anh Cường hỏi về Fr. Michel Delieres, sư phụ của anh Mrio Capulong, để có thể đến bái kiến. Và nếu có thể được, hỏi Fr. Michel Delieres về nguồn gốc nhánh Vĩnh Xuân ở Phật Sơn mà Fr. Michel Delieres đã theo học. Để khi có điều kiện sang Phật Sơn sẽ tìm đến gặp gỡ, vì tôi nghĩ đây là nhánh Vĩnh Xuân có bản chất giống như Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi.
Chuyến đi Philippin lần này, cùng với việc tham gia “MARTIAL ARTS EXPO ‘08” rất đầm ấm, thân thiện và ý nghĩa của ADB, thầy trò chúng tôi cũng đã để lại trong tâm khảm mọi người tham dự “MARTIAL ARTS EXPO ‘08” về một hình ảnh đẹp và ấn tượng về Vĩnh Xuân Việt Nam và võ đường Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi. Thầy trò chúng tôi cũng đã đón nhận được những tình cảm chân thành của những người yêu mến môn Vĩnh Xuân. Và một điều rất có ý nghĩa, đó là thông tin về môn Vĩnh Xuân trên đất nước Philippin và vị sư phụ người Mỹ, Fr. Michel Delieres. Tôi cũng hy vọng rằng sau “MARTIAL ARTS EXPO ‘08”, và sau khi tìm hiểu thêm về việc tập luyện môn Vĩnh Xuân ở Philippin, thông qua việc trao đổi với người học trò của vị sư phụ người Mỹ, môn Vĩnh Xuân Nội gia sẽ có thêm điều kiện để phát triển một cách sâu rộng ở Philippin.
Với những niềm vui sau chuyến đi Philippin, thầy trò chúng tôi xin được chia sẻ cùng mọi người. Và xin được cầu chúc cho môn Vĩnh Xuân phát triển, thịnh vượng, đem lại những điều hữu ích thiết thực cho mọi người theo tập.
Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này của tôi.
Hà Nội ngày 01 tháng 12 năm 2008
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường VXNG
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo