Một số trao đổi thêm về "Cơ duyên" trong tập luyện

Sau bài viết “Trao đổi về “cơ duyên” trong Vĩnh Xuân” và vừa qua với bài “Một số trao đổi trong tập luyện môn Vĩnh Xuân Nội gia”, một số anh em trong và ngoài võ đường có hỏi tôi thêm và muốn tôi nói thêm về lĩnh vực này, nhất là “cơ duyên với môn phái, với thầy”. Sau khi suy nghĩ, tôi thấy đây cũng là một vấn đề mang tính rất chung, không chỉ ở những anh em đã hỏi, mà có thể còn nhiều anh em khác cũng quan tâm, cũng muốn biết. Do vậy, tôi nghĩ cũng nên viết ra để mọi người cùng hiểu thêm. Tuy nhiên như tôi đã trao đổi, “cơ duyên” là một lĩnh vực rất rộng, lại mang tính “tâm linh” sâu sắc, trong khi những hiểu biết của tôi lại có hạn, không hiểu có làm các bạn hài lòng về những trao đổi của tôi hay không. Song trước những điều mà các bạn và nhất là những học trò của tôi, đã hỏi, đã muốn biết, tôi nghĩ cũng nên viết ra những điều mình muốn trao đổi. Ngõ hầu cùng nhau nâng cao những hiểu biết của mình trong một lĩnh vực rất có ý nghĩa này.
Như chúng ta từng nghe, và có thể từng nghĩ đến một trong những điều giáo lý nhà Phật đã dạy: cuộc sống được chia làm 3 giai đoạn: Quá khứ - Hiện tại – Tương lai. Ba giai đoạn này quan hệ với nhau một cách khăng khít, hữu cơ, tác động qua lại với nhau một cách “nhân - quả” trong vòng tuần hoàn của cuộc sống, “vòng luân hồi”. Cuộc sống hiện tại phản ảnh những điều đã làm trong quá khứ (cuộc sống kiếp trước, thậm chí nhiều kiếp trước); những điều đã làm, đang làm trong thì hiện tại (cuộc đời đang sống), sẽ được tái hiện đồng dạng, tương tự, thậm chí là sự sao chép gần như nguyên bản trong tương lai (cuộc sống kiếp sau). Chính vì vậy Đạo Phật dậy mọi người trong kiếp sống hiện tại hãy sống tốt, làm những điều tốt, thiện lương để trả nợ cho những điều đã làm ở kiếp trước (nếu có tội lỗi, sai lầm), tạo phúc phận tốt lành cho bản thân, cho những người thân, và gây dựng, nuôi trồng “cơ duyên” cho bản thân ở kiếp sau. Đồng thời tiếp tục vun đắp những “cơ duyên” đã đến trong thì hiện tại cho thêm tròn chĩnh. Những “cơ duyên” này chính là điều mà mình được thừa hưởng từ những việc làm tốt lành ở những kiếp trước. Tôi muốn nói tới điều này trước hết, để tôi không phải nhắc lại trong những trao đổi ở sau.
 Với “cơ duyên với môn phái, với thầy”, đây là 2 lĩnh vực có liên quan mật thiết với nhau. Trong những bài trước tôi cũng đã nói đến. Trong bài này tôi muốn nói thêm về “cơ duyên với thầy”. Tôi cũng mong các bậc sư phụ, và các bạn thông cảm, nếu tôi viết có điều gì đó chưa được hài lòng mọi người.
Trước đây, người thầy dạy võ thường là những người lớn tuổi, chêch lệch với trò thường là một thế hệ, ở vào bậc cha chú, thậm chí có khi chêch lệch tới 2 thế hệ. Và với nét đặc biệt riêng trong việc truyền thụ trong võ học, cho nên người xưa đã gọi những người thầy dạy võ là “sư phụ” với 2 ý nghĩa sâu xa, thiêng liêng. Trong võ đạo trước đây, người xưa đã có câu “một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Trong xã hội vẫn thường nhắc nhở mọi người “ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy”. Ngày nay, đã có nhiều sự thay đổi về con người, về thầy – trò, thậm chí cả về Đạo lý, câu dạy cái đạo của người học trò trong võ thuật đã mai một ở nhiều nơi, nhiều lúc, và với nhiều người. Tuy nhiên cũng có những người trò với những sự cư xử trong đạo thầy trò làm cho nhiều người phải cảm phục. Và bản thân tôi cũng có những người trò, dù đã thôi tập tôi nhiều năm, nhưng tình thầy trò vẫn gắn bó chân tình, sâu sắc. 
Tôi xin được nói về 2 trường hợp của 2 người học trò trong môn phái để mọi người cùng suy ngẫm.
Trường hợp đầu tiên, một người với lòng đam mê vô cùng lớn môn Vĩnh Xuân, đã vượt biết bao gian khổ trong cuộc sống của bản thân, trong nhiều năm liền: nhà thì nghèo, đường xá đến thầy xa xôi muôn nẻo, mỗi lần lên tập với thầy vô cùng gian nan, đến mức sau này phải bỏ nhà, lên gần nhà thầy, chấp nhận những việc đời thường để kiếm sống, chỉ để tiện đến nhà thầy theo tập. Nhưng rồi vì những lý do bất khả kháng, không tập được trọn vẹn cùng thầy, phải thôi tập. Tuy nhiên với lòng đam mê võ thuật vẫn miệt mài tự tìm học để vươn lên cao. Song cho dù như vậy, khi nhắc đến thầy, vẫn một lòng tôn kính thầy, sẵn sàng vì thầy. Khi gặp gỡ các huynh đệ của mình đang theo tập thầy, vẫn khuyên nhủ các anh em cố gắng theo thầy tập luyện, đừng bỏ giữa đường. Trên thực tế, người trò này được rất nhiều anh em trong võ lâm cảm phục.
Trường hợp thứ hai, người trò này lần đầu tiên biết đến Vĩnh Xuân, khi đến với Vĩnh Xuân trong người nhiều bệnh. Sau mấy năm được thầy tận tình truyền dạy, không chỉ khỏe lên, thay đổi được cuộc đời, gần như lột xác, mà công phu còn tinh tấn gấp bội so với mọi người, được thầy lưu tâm mọi mặt. Khi đã đạt được một số thành quả trong tập luyện, và khi thấy một số ham vọng cá nhân không có thể đạt được, đã vin vào điều này điều khác để thôi tập. Không những vậy, lại còn lôi kéo, vận động một  số anh em đang tập với thầy, bỏ thầy, theo tập với mình v.v.
Như mọi người đã biết, qua thực tế, qua sách truyện, qua phim ảnh, không một tổ chức nào trong xã hội, không một môn phái, võ đường nào trong võ lâm, dù chính hay tà (theo quan điểm nhìn nhận của mỗi người) có thể chấp nhận kẻ phản đồ, phản thầy, “khinh sư, diệt tổ”. Nói rộng ra, thế giới Tâm linh, trong đó có các sư tổ, các tôn sư không bao giờ có thể bỏ qua, không bao giờ có thể tha thứ cho kẻ phản thầy. Đây chính là Đạo Trời. Và nói như người xưa “trồng cây gì, ăn quả nấy”, “cầu trước bắc đâu, cầu sau bắc đấy”... Ở đây tôi xin được nói rộng ra đôi điều. Trong giáo lý nhà Phật, khi nhắc đến tội bất hiếu, thường chỉ rõ ra rằng: tội bất hiếu là tội lớn nhất trong cuộc đời, không phải chờ đến kiếp sau mới trả. Thường phải gánh tội ngay tại kiếp hiện sinh.  
Rõ ràng để cho “cơ duyên với với môn phái, với thầy” được tròn chĩnh, người trò phải thật tâm với thầy theo đúng đạo thầy – trò, “tôn sư, trọng đạo”, vì môn phái, vì võ đường, không chỉ khi còn đang được thầy dạy, mà cả khi phải nghỉ tập, cho dù với lý do gì. Ở đây cho tôi được viết lại điều tôi đã viết trong bài “trao đổi về “cơ duyên” trong Vĩnh Xuân”: mình “Tâm huyết với võ đường, với môn phái đến đâu? Kính trọng, chân thành và tuân thủ lời thầy dạy thế nào? Theo được chữ “khiêm” đến đâu? Có biết vui mừng khi đồng môn mình tiến bộ hay lại đố kỵ, tỵ hiềm?.v.v. Trên thực tế có người chỉ vì muốn đạt được tham vọng riêng của cá nhân: mình phải hơn tất cả, không muốn thầy dạy cho các đồng môn khác giỏi, và không muốn đồng môn khác hơn mình, từ đó đã làm những điều trái với đạo thầy trò, phương hại đến sự phát triển của môn phái, của võ đường. Cho dù có được che đậy dưới những lý do gì, thì bản thân họ cũng đã tự làm mất đi cái “cơ duyên” của mình với môn phái. Tôi thường nói với các trò của minh: “Trong học võ, chữ KHIÊM là vô cùng quan trọng”. Bạn mình tập giỏi, mình mừng. Mừng thầy có thêm trò giỏi, mình có thêm huynh đệ giỏi, võ đường, môn phái có thêm môn đệ giỏi. Điều mừng đó sẽ giúp mình vươn lên và đi xa hơn trong tập luyện theo gương của các huynh đệ đồng môn. Và chính điều đó sẽ làm cho người thầy nhận thấy sự tâm huyết chân thành ở người trò, từ đó người trò có thể còn học được nhiều hơn cả sự mong muốn. Sự tỵ hiềm luôn là một vật cản rất lớn trên con đường phấn đấu của con người trên nhiều lĩnh vực”.  Chỉ có sống thuận Đạo Trời, mới mong được “âm phù, dương trợ” và có thể sẽ đạt được những mong muốn chính đáng trong tập luyện (nói riêng). Điều quan trọng đối với người thầy là người thầy phải biết sớm nhìn nhận ra con người thật của học trò, để khỏi phải “trao trứng cho ác”, để khỏi phải ân hận trong cuộc đời, để không mắc tội với các bậc tiền bối. Và đối với những người trò tâm thiện, giúp cho họ vươn lên.
Như tôi đã trao đổi, hầu như trong cuộc đời không có người thầy nào muốn trò mình dốt cả. Và người trò càng giỏi, người thầy càng mừng, càng hãnh diện. Đó là điều phúc đức với môn phái. Người xưa đã có câu “con hơn cha là nhà có phúc”. Trên thực tế cũng có những người thầy, vì nhiều lý do, không giúp được cho trò đạt đến những mong muốn trong tập luyện. Nhưng nếu vì thế mà coi thường thầy, không nhớ đến công ơn người thầy đã khai tâm, mở trí cho mình. Như vậy là vô đạo, vô đức. Người thầy cũng là con người bình thường như mọi người trong cuộc sống. Vẫn có thể có những điều chưa đúng trong cuộc sống thường nhật, có thể có những điều chưa hợp với suy nghĩ của trò. Việc đòi hỏi người thầy theo ý mình (người trò), vượt quá chức phận của người trò, là không được. Và khi không được như ý, thì quay ra phản lại thầy. Như vậy cũng là vô đạo, vô đức. Ví như cha mẹ có thể có những điều không được như người con mong muốn, con quay lại thất hiếu với cha mẹ, điều này không ai có thể chấp nhận được. Tôi không muốn nói là người con phải cam phận, phải âm thầm chịu đựng những gì là sai ở cha mẹ. Nhưng quay lại thất hiếu với cha mẹ đó là thất đức.
Đạo lý ở đời, mọi người đều biết cả. Song để luôn giữ được đạo lý trong mình là một quá trình tu dưỡng thường xuyên, lâu dài và là cả một đời. Tôi biết có một câu nói về lòng tin với đại ý “để giữ lòng tin thì phải giữ cả đời, để mất lòng tin thì chỉ cần một lần”. Do đó tôi nghĩ, điều đầu tiên trước khi chúng ta bước vào con đường võ thuật, chúng ta phải có, và phải học “võ đạo”, xây dựng “võ đức” cho bản thân. Được như vậy, thì cho dù chúng ta không định hướng để trở thành võ nghiệp, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ học được rất nhiều, nhiều hơn cả mong muốn, và quan trọng là tạo cho mình những “cơ duyên” tốt lành cho kiếp sau.
Như tôi đã nói ở trên, “cơ duyên” là một lĩnh vực rất rộng, bao hàm nhiều ý nghĩa mang tính tâm linh sâu sắc. Kiến thức của tôi còn rất hạn hẹp. Diễn giải có thể chưa triết khúc. Rất mong các bậc sư phụ, các bậc cao nhân và mọi người lượng thứ cho những gì còn chưa hiểu biết của tôi. Và tôi cũng hy vọng những trao đổi trên có thể giải đáp phần nào những điều mà mọi người đã hỏi.
Tôi thành tâm cầu xin Trời - Đất , các Đức Phật, và Thế giới Tâm linh phù hộ cho cuộc sống của con người ngày thêm tốt lành, đạt được CHÂN - THIỆN - MỸ. Cầu chúc cho mọi người hạnh phúc và thành đạt.
Chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm tới bài viết của tôi.
Ngày 14 tháng 12 năm 2008
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường VXNG
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo