Một số trao đổi thêm về những liên quan trong tập thở theo Vĩnh Xuân Nội gia nhân những ngày đầu xuân Kỉ Sửu 2009
Trong những ngày xuân mới, các lễ hội ở khắp mọi miền đất nước được mở theo truyền thống từ bao đời nay. Trong đó hầu như không thể thiếu được các màn trình diễn võ thuật của các môn phái, võ đường. Trong niềm vui chung của đất nước, của phong trào võ thuật, trong những ngày đầu xuân mới, tôi xin được trao đổi thêm đôi điều xung quanh việc tập thở trong môn phái Vĩnh Xuân Nội gia.
Như nhiều người đã được biết qua tập luyện, qua tìm hiểu, môn Vĩnh Xuân Nội gia thuộc dòng võ Nội gia: lấy nhu (lỏng mềm) để thể hiện quyền thuật, lấy khí làm nguồn nội lực. Và với Vĩnh Xuân Nội gia còn lấy cận chiến làm phương châm trong giao đấu và sử dụng đòn thế. Trên võ đường, trong một số bài viết và qua tập 1 trong bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp” đã được xuất bản, việc tập lỏng mềm, tập thở trong môn Vĩnh Xuân cũng đã được trình bầy. Trong bài viết này tôi xin được trao đổi thêm về một số vấn đề trong việc tập thở, một lĩnh vực được rất nhiều người, trong đó có các học trò tôi quan tâm.
Trong những bài viết trước, tôi cũng đã nói rõ: để tập tốt môn Vĩnh Xuân Nội gia, người theo tập phải dựa trên luận điểm triết học Đông phương. Triết học Đông phương lấy mối quan hệ Âm – Dương làm nền tảng. Trong đó nêu bật vai trò của “khí” trong sự sinh tồn của Thế giới, trong đó có con người. Theo Triết học Đông phương, “khí” ở đây không đơn thuần là khí để giúp cơ thể trao đổi chất (khí oxy), mà “khí” ở đây còn mang một ý nghĩa lớn hơn rất nhiều đó là nguồn năng lượng của vũ trụ. Trong qua trình tìm hiểu và nghiên cứu về con người, các bậc tiền bối xưa đã phát hiện ra trong con người ẩn tàng một khả năng siêu việt, nếu biết cách đánh thức những tiềm năng đó thì con người có thể làm được những điều như đã có trong vũ trụ. Và lớn hơn cả là đem lại cho con người sự trường sinh bất lão - trường thọ. Điều mà biết bao nhà luyện Đan, biết bao vị Hoàng Đế từ ngàn xưa đã mất bao tâm sức, của cải và cả sinh mệnh bao người để đi tìm kiếm, đi luyện Đan, mong tìm ra những Linh đan có thể làm cho con người trường sinh bất tử. Trong khi đó những Linh đan này lại ẩn tàng sẵn trong cơ thể mỗi con người. Để làm được điều này, con người chúng ta phải biết hấp thụ nguồn năng lượng của vũ trụ trong “khí”. Nguồn năng lượng vô tận, vô biên này, không chỉ đảm bảo và thúc đẩy sự sống, mà cao hơn còn làm thức dậy, thúc đẩy và phát huy đến mức cao độ tiềm năng siêu phàm ẩn tàng trong con người. Chính vì thế mà người xưa đã có sự khẳng định: “nhân thân tiểu thiên địa”.
Khi ta luyện thở, với phương pháp thở cơ bản, khí được được đưa vào cơ thể. Một phần khí tự nhiên (khí oxy) ở lại phổi thực hiện quá trình trao đổi khí tại phổi, phần khí cơ bản (đây chính là nguồn năng lượng của khí – năng lượng của vũ trụ trong khí) được dẫn xuống Đan Điền. Đan Điền ta hiểu đó là một vùng của cơ thể nằm ở bụng dưới (tâm điểm nằm dưới rốn khoảng 2 cm). Người xưa coi đây giống như một thửa ruộng (Điền), chuyên để trồng Đan (cho nên gọi là Đan Điền). Ẩn tàng trong thửa ruộng đó là những mầm Đan dược (một linh dược ẩn tàng sẵn trong con người, khi được nuôi dưỡng phát triển, sẽ đem lại cho con người sức khỏe, khả năng chống đỡ bệnh tật, cân bằng mọi mặt trong cơ thể và cao hơn phát huy được những tiềm năng của con người được ẩn tàng trong con người, có thể giúp con người trường sinh bất lão - trường thọ). Những mầm Đan dược này chính là những khả năng tiềm ẩn có sẵn trong con người. Nhờ những luồng khí của vũ trụ được dẫn xuống ngấm vào Đan Điền, những khả năng tiềm ẩn (mầm Đan dược) dần dần được thức dậy và thúc đẩy phát triển. Qua đó con người có thể sử dụng được những công năng có trong con người, trong đó có cả những công năng đặc dị, để phục vụ cho mục đích đặt ra trong tập luyện như: để bảo vệ sức khỏe, để tạo sức mạnh và khả năng chịu đựng, để chữa bệnh, để tác động được đến môi trường xung quanh, thậm chí thay đổi được cả bản chất của cơ thể v.v. Trong lịch sử, có những vị Thiền sư chuyên luyện Đan Điền, đã đạt được khả năng siêu phàm, khi viên tịch, thân thể không bị hủy trong môi trường tự nhiên, được hậu duệ đưa lên thờ, như vị Đan Điền Thiền Sư ở Trung Hoa (Thân thể của Người, sau này bị người đời phá hủy). Ở Việt Nam cũng có hai nhà sư, khi viên tịch vẫn còn nguyên thân thể, được đưa lên thờ là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội.
Vĩnh Xuân Nội gia lấy khí làm nguồn lực, từ đây tạo nên sức mạnh và phát huy nội công. Cho nên tập luyện thở là điều mà người tập môn Vĩnh Xuân Nội gia phải quan tâm đặc biệt trong quá trình luyện tập. Như tôi đã nêu rõ trước đây: nếu không tập thở, thì không nên tập môn Vĩnh Xuân Nội gia. Trên thực tế có rất nhiều phương pháp thở được giới thiệu, tuy nhiên, phương pháp thở của Vĩnh Xuân Nội gia không nhiều. Và đặc biệt phương pháp thở cơ bản của môn được đặt lên hàng đầu và xuyên suốt cả quá trình tập luyện. Cho dù, sau này, các môn đệ tập ở các chương trình cao, được dạy các phương pháp thở khác, thì phương pháp thở cơ bản vẫn được duy trì tập ở mức độ cao.
Trong Vĩnh Xuân Nội gia, tập luyện thở Đan Điền với mục tiêu: nâng cao nội khí, điều hòa và cân bằng âm dương trong con người, tích lũy nguồn năng lượng cho cơ thể, từ đó nâng cao được nội lực, tạo sức mạnh và sự nhậy cảm (linh giác) trong thực thi quyền thuật, giúp cho việc tập luyện được Tiểu Chu Thiên, Đại Chu Thiên và cao hơn là giúp cho việc tập luyện được nội công (khả năng gia tăng sức mạnh và chịu đựng các đòn đánh vào người). Đồng thời qua đó bảo vệ được sức khỏe, tự chữa một số bệnh và loại trừ được những bệnh tật đang tiềm ẩn trong người. Yếu quyết tập luyện thở nằm ở năm chữ: ÊM - ĐỀU - CHẬM - SÂU – DÀI. Để đạt được những điều này là cả một quá trình lâu dài, tiệm tiến, tự nhiên, không thể nóng vội.
Đối với con người, khi còn nằm trong bụng mẹ, mọi quá trình trao đổi chất, trong đó có cả việc hấp thụ khí, đều qua rốn, từ đó hình hài con người được hình thành và phát triển. Chính vì thế mà người xưa còn gọi thở Đan Điền (thở bụng) là thở “thai tức”.
Đan Điền, không chỉ là thửa ruộng trồng Đan, mà còn là một kho chứa nguồn năng lượng, một bể chứa khí cho cơ thể. Quá trình tập luyện thở, khí của vũ trụ được ngấm dần vào Đan Điền, được tích lũy dần ở Đan Điền, như được chứa dần vào kho, vào bể, từ đó cho con người nguồn nội khí đầy đủ, để tạo ra nguồn nội lực dồi dào. Đây là một quá trình liên tục, đều đặn và trong suốt cuộc đời (nếu muốn duy trì khả năng đã đạt được).
Trên thực tế việc tập luyện thở không đơn giản. Để tập thở có hiệu quả, người tập phải gạt bỏ được những tạp nghĩ trong đầu. Con người chúng ta (nhất là trong thời hiện đại), chịu biết bao tác động của cuộc sống tới bản thân. Biết bao luồng suy nghĩ vần vũ trong đầu. Gạt bỏ mọi thứ để đầu óc trống rỗng trong khi tập, là điều không dễ. Bên cạnh đó để tạo được thế ngồi tập hiệu quả (ngồi bán già, kiết già) đối với một số người cũng rất khó khăn. Do đó, tập thở là một quá trình lâu dài, mang tính tiệm tiến. Buộc người tập phải rất cần mẫn, duy trì thường xuyên, mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Trong quá trình tập thở, luôn có những tác động đến cơ thể, nhiều khi người tập khó kiểm soát, thậm chí có khi gây nhầm lẫn về kết quả tập. Cho nên người tập cần phải thường xuyên hỏi thầy (hoặc người hướng dẫn) về những diễn biến trong quá trình tập thở của mình, mà mình thấy thắc mắc, hoặc cảm thấy không bình thường. Trên cơ sở những lý giải của thầy, người tập điều chỉnh quá trình tập thở của mình cho hiệu quả. Đừng cố mò mẫm, tự tìm hiểu. Có như vậy mới giúp cho việc tập thở được đúng, không kéo dài vô ích và tránh được những tác động không tốt trong quá trình tập luyện.
Tập luyện thở là một điều kiện có tính tiên quyết, đưa người tập luyện môn Nội gia đi xa trên con đường tập luyện. Tác động của khí với người tập khi tập rất lớn. Đòi hỏi người tập thở cần phải rất nghiêm túc, tuân thủ tuyệt đối những chỉ dẫn, đồng thời phải luôn hỏi và đón nhận những lý giải của thầy để việc tập được luôn đúng. Đây là điều rất quan trọng.
Người tập thở theo môn gì, mục đích tập thở là gì, cần phải theo đúng những hướng dẫn của người thầy môn đó. Không được chủ quan và xem nhẹ.
Đôi dòng trao đổi thêm về những gì liên quan đến tập thở trong môn Vĩnh Xuân Nội gia trên cơ sở những hiểu biết của tôi. Rất mong nhận được những góp ý của những bậc cao nhân, những huynh đệ đồng môn, cùng những trao đổi của mọi người, để cho việc hiểu biết về tập luyện thở nói chung được tốt hơn, cùng giúp đỡ cho những người tập luyện tiến bộ.
Chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm tới bài viết của tôi.
Ngày Lập Xuân Kỷ Sửu – 2009 (mùng 9 tháng Giêng)
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường VNVXNGQ
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường VNVXNGQ
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT