Nhìn nhận bản chất môn Vĩnh Xuân Nội gia qua một số bộ phim về Vĩnh Xuân quyền

Trước hết tôi xin mọi người hiểu về việc tôi sử dụng 2 tên gọi của môn phái là “Vĩnh Xuân” và “Vịnh Xuân” trong bài viết với cùng một nghĩa nói về môn Vĩnh Xuân mà Sư tổ là Ngũ Mai Lão ni.
Như mọi người chúng ta đã biết, sau khi Lý Tiểu Long thành đạt vang dội thế giới trên con đường võ thuật và điện ảnh, cả thế giới đã phải ngưỡng mộ ông và môn Vịnh Xuân Quyền. Môn Vịnh Xuân từ đó đã được biết bao người trên thế giới hâm mộ, tìm học. Trong 36 năm qua, đã có rất nhiều nhà làm phim xây dựng những bộ phim về Vịnh Xuân Quyền cũng như liên quan đến Vịnh Xuân Quyền. Gần đây tôi được xem một số phim như bộ phim dài nhiều tập “Vịnh Xuân Quyền” chiếu trên màn ảnh nhỏ, bộ phim “Diệp Vấn”, bộ phim dài nhiều tập “Lý Tiểu Long truyền kỳ” qua hệ thống phát hành băng đĩa. Càng xem tôi càng thấy trân trọng những điều đã được học từ sư phụ tôi, võ sư - kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội, cũng như qua các bài viết của sư phụ tôi trên trang Web của võ đường Vĩnh Xuân Nội gia và trên sách, báo. Qua đây tôi càng nhận thấy các nhánh Vĩnh Xuân trên thế giới đều mang những bản chất, những nguyên tắc giống nhau, cho dù về công pháp, kỹ thuật, bài bản có thể có những khác nhau nhất định. Tôi không hiểu lắm về điện ảnh, nhưng tôi nghĩ việc xây dựng các phim, cho dù có phần nào có sự hư cấu của người viết kịch bản, người biên tập, người đạo diễn và có thể có cả sự biến tấu của diễn viên, nhưng với những bộ phim có tính lịch sử, có liên quan đến những tổ chức (ở đây là môn phái võ), đến những vấn đề, đến những con người cụ thể, chắc chắn phải dựa trên những nền tảng cụ thể, có thực (ở đây tôi muốn nói đến những liên quan tới võ thuật như : lý luận, bản chất, kỹ thuật...), với sự chỉ đạo về chuyên môn của những chuyên gia trong lĩnh vực đó (trong võ thuật có sự chỉ đạo của các đại sư trong môn phái cũng như của các võ thuật gia). Tôi muốn nói tới điều này để nói lên rằng những điều được nghe trong phim là có cơ sở tin cậy.
Trong bộ phim “Lý Tiểu Long truyền kỳ”, các tác giả làm phim đã để người đóng vai Sư tổ Diệp Vấn nói nhiều điều về bản chất của môn Vịnh Xuân Quyền. Những điều này đều được Sư tổ Diệp Vấn nói cho Lý Tiểu Long nghe cùng các học trò của Sư tổ. Trước hết Sư tổ Diệp Vấn khẳng định: “(tập) Vịnh Xuân là tập Nội gia quyền pháp và quyền pháp đánh gần (cận chiến- người viết). Nó thích hợp thực chiến nhất”. “Vừa thủ vừa đánh (tiêu đả - người viết) đây là cảnh giới của Vịnh Xuân Quyền”. Người làm phim cũng mượn điều mong ước muốn được tập ngay vào những đòn thực chiến của Lý Tiểu Long, để nói tới nguyên tắc tập luyện của môn Vĩnh Xuân: “nếu như võ công cơ bản mà không luyện tốt, thì võ công có tốt hơn cũng không ra gì” và “luyện võ không luyện công, về già cũng như không”. Những điều này - trong phim - còn được người Trưởng tràng của Sư tổ Diệp Vấn nhắc lại mấy lần với Lý Tiểu Long. Đồng thời người Trưởng tràng này còn cho Lý Tiểu Long biết là vì Lý Tiểu Long có ngộ tính rất cao nên được thầy cho tập mộc nhân sớm, còn với các trò khác phải “học ba năm mới được luyện mộc nhân”. Về mức độ quan trọng của việc phải luyện võ công cơ bản trước, trong phim “Vịnh Xuân Quyền”, cũng đã nói về vấn đề này qua chuyện: Sư tổ Hoàng Hoa Bảo dậy cho con của học trò mình là Lương Bích để đi thi đấu sinh tử trên võ đài, cho dù chỉ có 2 tháng tập luyện là đến thời điểm thi đấu, “vẫn phải dùng kỹ thuật cơ bản nhất của Vịnh Xuân Quyền dạy” trước, chứ không dậy thẳng vào các kỹ năng chiến đấu. Sư tổ Hoàng Hoa Bảo còn nói: “Vịnh Xuân Quyền tuy thiên biến vạn hóa, nhưng vạn biến không rời khỏi gốc (võ công cơ bản - người viết) của nó”.
Và cũng qua lời người đóng vai Sư tổ Diệp Vấn đã nói với các trò của mình (trong đó có Lý Tiểu Long) là phải gạt bỏ những động tác rườm rà trong sử dụng quyền thế, vì “luyện võ là luyện thực chiến, không phải là biểu diễn”. Điều này đã tác động rất lớn đến Lý Tiểu Long khi xây dựng môn “Triệt Quyền Đạo” của ông sau này. Không chỉ như vậy, trong phim còn thể hiện rất rõ quan điểm của Lý Tiểu Long trong việc để hiểu biết được sâu sắc bản chất của võ thuật cũng như để tiến xa trên con đường võ thuật, phải nắm bắt và hiểu biết được nền Triết học Đông phương.
Về vấn đề thành đạt trong tập luyện môn Vịnh Xuân Quyền, cũng trong những phim về Vịnh Xuân Quyền nói trên, Sư tổ Hoàng Hoa Bảo đã nói: “động tác trở thành quán tính, phản ứng tự nhiên, xem như đại công cáo thành”. Sư tổ Diệp Vấn khẳng định: “Không có năng khiếu (cơ duyên - người viết), không thể luyện thành đại sư Vịnh Xuân Quyền được”.
Qua đó, tôi thấy rõ ràng những điều trọng yếu (mang tính bản chất), cũng như những nguyên tắc cơ bản của Vĩnh Xuân Quyền của các nhánh Vĩnh Xuân đều giống nhau. (những chữ tôi viết đậm ở trên là những điều giống như trong Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi). Vấn đề thực tế là sự lĩnh hội của các trò về các bản chất này. Cũng như theo thiển nghĩ của tôi, nếu không hiểu Vĩnh Xuân (Vịnh Xuân) là môn Nội gia quyền, mọi người sẽ có sự nhìn nhận khác đi về môn Vĩnh Xuân.
Với chút kinh nghiệm bản thân, tôi thấy càng luyện môn Vĩnh Xuân càng đòi hỏi ở người tập sự giác ngộ (ngộ tính) rất cao. Và càng tập cơ bản tốt bao nhiêu, con đường đi lên như càng được rút ngắn. Qua những buổi trò chuyện giữa các lớp chúng tôi với nhau, tôi thấy tâm lý muốn học nhanh (“dục tốc”), muốn tập thẳng vào các đòn thế chiến đấu trong những học trò chúng tôi vẫn còn. Việc tập vẫn nặng về thời gian trên lớp, ở nhà luyện chưa được nhiều. Mà như sư phụ tôi thường nhắc chúng tôi “tập ở lớp là cơ bản, tập ở nhà là quan trọng. Không thể thiếu được một trong hai việc tập này trong quá trình tập luyện”. Tôi cũng hiểu cuộc sống thường nhật hiện nay có biết bao điều đặt ra với mỗi người phải làm, phải phấn đấu. Áp lực dồn dập từng ngày tạo nên những căng thẳng, mệt mỏi là rất lớn tới thể xác và tinh thần, khiến chúng ta thật khó mà cân bằng kiểm soát được theo ý muốn, khó mà phân định được từng công việc hay thời gian giải quyết dứt điểm những việc đó sao cho có kết quả. Điều này tất nhiên cũng gây khó khăn cho việc sắp xếp thời gian luyện tập và khả năng tập trung của chúng ta. Nhưng chúng ta nên tự giúp chính mình. Thông qua việc luyện tập đều đặn, bền bỉ các bài tập cơ bản của môn Vĩnh Xuân Nội Gia. Từ đó sẽ giúp cơ thể cân bằng, dần khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, chúng ta kiểm soát được công việc, chủ động trong tư duy, dần dần tự tin hơn. Tôi muốn chia sẻ với các anh chị em rằng tập Vĩnh Xuân Nội Gia không phải dễ tập nhưng cũng đừng tự nghĩ là quá khó. Vĩnh Xuân có phương pháp tự nhiên, chỉ cần chúng ta chăm chỉ tập với sự tự giác thoải mái, nhất định sẽ có chuyển biến. Nếu là người có tư chất, cũng đừng nên có tâm lý coi thường dễ dãi, hãy cẩn thận, tuân thủ những điều sư phụ dạy, nên tập cơ bản với mức độ kỹ càng và tinh tế hơn... Sẽ không có điều kỳ diệu đến nếu ai đó sốt ruột, lười biếng. Chúng ta đã đến với môn Vĩnh Xuân, đã theo tập môn Vĩnh Xuân, tôi nghĩ ai cũng muốn tập được lên cao. Do đó mỗi môn đệ chúng ta phải nỗ lực rất lớn, phải chiến thắng chính bản thân mình trong cuộc sống mới có thể đi xa trong môn Vĩnh Xuân được. Ngẫm lại thấy các cụ ví không sai “nhất tu thị, nhị tu sơn”. Tuy nhiên, như sư phụ tôi vẫn nói: với lòng tin tưởng và tâm thành nơi môn phái, chắc chắn chúng ta sẽ được các Sư tổ, Tôn sư phù hộ cho bước đường đi lên trong môn Vĩnh Xuân. Chúng ta, những môn đệ của môn sẽ cố gắng phấn đấu để không phụ lại tâm sức, tâm đức của các Sư tổ, Tôn sư đã dầy công xây dựng môn phái và truyền lại cho hậu duệ chúng ta, cũng như không phụ lại công ơn dạy bảo của sư phụ chúng ta.
Cho tôi được qua bài viết này, thành tâm cầu chúc các bậc sư phụ luôn khỏe mạnh, tràn đầy công lực, để giúp cho các trò được thành đạt trên con đường tập luyện. Chúc cho môn Vĩnh Xuân sẽ mãi xứng đáng với sự ngưỡng mộ của mọi người trên thế giới.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 08 tháng 03 năm 2009
Huấn luyện viên võ đường VNVXNGQ
Kiến trúc sư Phan Quốc Vinh
 
 
 
 
 
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo