Một chuyến đi đầy ý nghĩa về vùng đất tâm linh Kinh Bắc
Một 8-3 ấm áp và đầy ý nghĩa.
8-3 này, nhóm trưởng nhóm Đồng môn nữ võ đường VXNG của chúng tôi nghỉ sinh cháu. Trong những ngày này, bỗng thấy thiếu vắng chị hơn mọi hôm. Nhưng rồi thật vui vì chị vẫn quan tâm đến việc tổ chức hoạt động kỉ niệm ngày 8-3 của võ đường. Với sự chỉ đạo của sư phụ, sự giúp đỡ của các anh trong võ đường, nhóm nữ chúng tôi đã phân công nhau, mỗi người một việc, để có được một chuyến đi chu đáo và bổ ích. 8-3 ấm áp.
Bắc Ninh, một vùng đất Địa linh nhân kiệt, một vùng đất văn hiến, giầu chất nhân văn, có giọng ca quan họ mượt mà da diết say đắm lòng người đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Nơi đây, có rất nhiều địa danh gắn liền với lịch sử của dân tộc, gắn liền với lịch sử phát triển 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tôi đã được đọc, được nghe nhiều các tích về nơi đây, tự trong lòng mình ấp ủ hướng về khám phá tìm kiếm. Tôi đã được đến đất này nhiều lần, đã thăm một vài điểm di tích. Nhưng vẫn còn cảm thấy rất nhiều điều mình chưa khám phá hết. Chuyến đi này, thực sự tôi có “thu hoạch” lớn.
Thật vậy, với những tài liệu viết về một số chùa, đền ở Bắc Ninh nơi chúng tôi dự định đến mà các chị trong nhóm đã chuẩn bị, cũng như những điều được hỏi thêm thầy về chùa chiền, về thủ tục thờ cúng, ban bệ trong chùa, trong chuyến đi này, tôi đã hiểu thêm được nhiều điều về chùa Việt Nam, về lịch sử giao lưu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như sự du nhập của Đạo Phật vào Việt Nam, những thăng trầm và những câu chuyện hết sức cảm động và linh thiêng trong lịch sử triều đại nhà Lý.
Đúng 6h30 ngày 06/3/2010, tức là ngày 21 tháng Giêng năm Canh Dần, xe ô tô lăn bánh, đưa chúng tôi về vùng đất Tâm linh, miền quê Kinh Bắc. Tham dự chuyến đi với chúng tôi có sư phụ Nguyễn Ngọc Nội, võ sư Trưởng tràng - kỹ sư Trần Thanh Ngọc, các huấn luyện viên của võ đường, các anh ở võ đường Hồng Phúc, các anh lớp trưởng, lớp phó các lớp ở võ đường Thanh Quan.
Ngôi chùa đầu tiên thầy trò chúng tôi đến là chùa Dâu, nằm trên xã Thanh Khương thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là một ngôi chùa cổ xưa nhất ở nước ta. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 187 và được xây dựng lại năm 1313. Chùa thờ Pháp Vân, một trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Chùa Dâu được coi là một ngôi chùa rất thiêng, nên còn được gọi là chùa Diên Ứng (Diên là cầu, Ứng là ứng nghiệm). Trong không bình yên đầy tính Tâm linh của chùa, trong những giờ đầu tiên của một ngày mới, thầy trò chúng tôi được thụ hưởng sự bình yên trong tâm hồn, sự an lành trong sự chở che và phù hộ của Phật pháp, của Thánh mẫu.
Tạm biệt chùa Dâu, thầy trò chúng tôi đến chùa Bút Tháp. Đây là một ngôi chùa cổ có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở nước ta. Theo như sư phụ chúng tôi cho biết, đây là một ngôi chùa có tính phong thủy rất cao. Trước đây trong thời gian theo học môn phong thủy, thầy tôi đã được người thầy dậy phong thủy đưa đến chùa Bút Tháp giảng giải về bố trí phong thủy của chùa. Trong chùa có bức tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt được tạc năm 1656. Bức tượng được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng. Đi chiêm bái gần 100 bức tượng trong chùa, cũng như ngắm nhìn những hình ảnh chạm khắc sống động mang đậm nghệ thuật Thiền, trong lòng chúng tôi trào dâng những cảm xúc tâm linh sâu sác. Chúng tôi như được đón nhận những linh khí từ những bức tượng Phật, tượng Sư tổ Đạt Ma, các bức tượng La Hán truyền sang, giúp cho chúng tôi thêm nguồn sống mới.
Từ chùa Bút Tháp, chúng tôi sang thăm lễ chùa Phật Tích. Đây là một ngôi chùa có lịch sử trên 1000 năm, và được coi là cái nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Trong chùa có bức tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất nước ta. Điều vô cùng quý giá, trong chùa có di cốt của thiền sư Chuyết Chuyết. Di cốt của Người đã được nhóm các nhà khoa học do PGS Nguyễn Lân Cường phục nguyên hình dạng, để giờ đây chúng ta đến với chùa Phật Tích, chúng ta được chiêm bái Người. Đứng chiêm bái Người, thầy trò chúng tôi lại nhớ về chùa Đậu, nơi có hai di dài của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường. Những tấm gương bất tử trong tu luyện nhắc nhở thầy trò chúng tôi rất nhiều trên con đường tập luyện. Điều vô cùng đặc biệt và vinh dự với chùa Phật Tích, từ ngày 16/05/2009 đến ngày 22/02/2009, chùa đã được nghinh đón Pho tượng Phật ngọc, một báu vật của Phật giáo trên Thế giới đến Việt Nam chúng ta. Chùa Phật Tích là một trong những nơi mà tượng Phật Ngọc dừng chân. Giờ đây, trên núi Phật Tích, tượng Phật A Di Đà cũng đang được gấp rút hoàn thành trong dịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Sau những giờ phút nghỉ trưa, thụ lộc của Phật - Thánh, thầy trò chúng tôi đến chùa Tiêu Sơn. Đây là cũng một trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam, là nơi trụ trì của Thiền sư Vạn Hạnh, cũng là Quốc sư của Triều Lý, người có công nuôi dạy vị vua đầu tiên của Triều Lý: Vua Lý Công Uẩn. Điều vô cùng hạnh phúc và cũng như có được nhân duyên rất lớn với thầy trò chúng tôi, thầy trò chúng tôi đã được chiêm bái xá lợi toàn thân Đức Phật Thích Ca, xá lợi A Nan, xá lợi Mục Kiền Liên,… Tấm lòng thành của thầy trò chúng tôi đã được Trời Phật chứng giám, đã cho chuyến đi của thầy trò chúng tôi hưởng niềm hạnh phúc vô cùng to lớn. Thầy trò chúng tôi như nhận được và thực sự cảm nhận được những nguồn sáng linh thiêng đến vô cùng tỏa ra từ những hạt Xá lợi Phật trên Tam Bảo của chùa ngấm vào mỗi con người trong thầy trò chúng tôi. Đem lại cho thầy trò chúng tôi niềm hạnh phúc an lành và sự che chở của Phật từ trong tâm khảm. Thời gian đã không chiều thầy trò chúng tôi. Thầy trò chúng tôi phải bái biệt ngôi chùa Tiêu Sơn linh thiêng, nơi đang có những báu vật vô giá của Phật giáo, của cả nhân loại, những Xá lợi Phật. Điều mà rất ít nơi trên thế giới cũng có được vinh dự lớn lao như vậy. Thầy trò chúng tôi rời chùa Tiêu Sơn mang theo trong lòng niềm hạnh phúc đến vô cùng.
Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày hành lễ hôm đó của thầy trò chúng tôi là Đền Lý Bát Đế, hay còn được gọi là Đền Đô. Đây là ngôi đền thờ tám vị vua đầu tiên của Triều Lý. Ngôi đền được tọa lạc trên khu đất được giới thiệu rộng trên 30.000m2. Theo chân người hướng dẫn của nhà Đền giới thiệu về lịch sử của Đền, thầy trò chúng tôi hiểu thêm nhiều điều về lịch sử triều nhà Lý cũng như nhiều điều khác có liên quan. Thầy trò chúng tôi cũng cầu xin các vị vua nhà Lý cùng các quan võ tướng trong Nhà võ chỉ phù hộ cho thầy trò chúng tôi thành đạt trên con đường tập luyện môn Vĩnh Xuân, phù hộ cho võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền của chúng tôi được phát triển bền vững.
Chuyến đi của thầy trò chúng tôi về vùng đất Tâm linh Kinh Bắc biết bao ý nghĩa và thật vô cùng may mắn, hạnh phúc.
Do hoàn cảnh của cuộc sống, võ đường chúng tôi cũng rất ít khi có dịp tổ chúc được đông đảo các anh chị em ở võ đường tham gia vào những sinh hoạt ngoại khóa. Những chuyến đi như chuyến hành lễ này thực sự là những dấu ấn trong cuộc đời, dấu ấn trên con đường gắn bó với võ đường của mỗi chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, với lòng tâm thành của mỗi con người trên mọi mặt của cuộc đời, sẽ luôn được đón nhận những điều tốt lành đến với mình, sẽ được Trời - Phật – Thánh Mẫu che chở và phù hộ.
Cũng như những điều thầy trò chúng tôi cầu xin nơi cửa Phật, nơi cửa Đền, tôi thành tâm cầu mong cho thầy trò chúng tôi cùng gia đình luôn mạnh khỏe, an lành, hạnh phúc. Cầu mong cho môn phái Vĩnh Xuân cũng như võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền của chúng tôi được phát triển bền vững.
Xin được chân thành chia sẻ với tất cả mọi người những niềm vui, niềm hạnh phúc qua chuyến đi về miền đất Tâm linh nơi Kinh Bắc.
Rời vùng đất Kinh Bắc, nhưng tôi biết mình sẽ còn trở lại đây nhiều lần.
Một 8-3 nữa lại đến với võ đường Vĩnh Xuân Nội gia, tôi mong sao các chị em trong võ đường có một cuộc sống riêng hạnh phúc, luôn cảm thấy ấm áp và được tiếp thêm niềm vui sống nơi tập thể võ đường Vĩnh Xuân Nội gia nói chung và nhóm Đồng môn nữ nói riêng.
Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3, tôi xin kính chúc các bậc nữ sư phụ và các chị em đồng môn trong môn phái Vĩnh Xuân luôn dồi dào sức khỏe, có nhiều niềm vui trong cuộc sống và hạnh phúc trong gia đình.
Xin cảm ơn mọi người đã quan tâm tới bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 08 tháng 03 năm 2010
Huấn luyện viên võ đường VXNG
Cử nhân Kiều Ngọc Diệp
Huấn luyện viên võ đường VXNG
Cử nhân Kiều Ngọc Diệp
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT