Một số trao đổi về việc ra sách và những chuyện liên quan

Sau khi võ đường chúng tôi cho ra mắt những tập sách trong bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền pháp” và “Những bài viết về Vĩnh Xuân và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền”, tôi nhận được rất nhiều sự động viên, ủng hộ, quan tâm, trao đổi chia sẻ chân tình, và cả những mong muốn tôi sớm ra trọn bộ “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền pháp”. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến không đồng thuận (những ý kiến này không gửi trực tiếp cho tôi mà tôi được nghe qua các học trò). Tôi xin cám ơn và biết ơn những điều mọi người đã chia sẻ.
Với lòng tâm huyết với môn Vĩnh Xuân, lòng tri ân sâu nặng với Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, mặc dù tôi không phải là người học văn, mà là một nhà kỹ thuật (kỹ sư xây dựng), song tôi vẫn cố gắng hết khả năng có thể để viết bộ sách về hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia mà tôi đã được học, đã ngộ ra trong quá trình tập luyện cũng như truyền dạy. Chính vì không chuyên nghề viết văn, lại thiếu kinh nghiệm trong việc viết sách theo thể loại võ thuật, nên bộ sách tôi viết ra đã có nhiều lỗi trong việc diễn đạt và hình ảnh thể hiện. Với lòng cầu thị, tôi cũng đã cho in ngay các bản đính chính kèm theo sách để phiền bạn đọc có thể sửa giúp hộ những chỗ sai sót trong sách. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên các sai sót vẫn được tiếp tục tìm ra, mặc dù đã có đính chính. Tôi rất mong mọi người lượng thứ cho những sai sót của tôi trong quá trình viết sách. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa, trong khả năng có thể để không phụ lại tình cảm của mọi người đã dành cho tôi cũng như võ đường của chúng tôi.
Nhân việc võ đường chuẩn bị cho ra mắt các tập tiếp theo cũng như tái bản các cuốn sách đã phát hành hết, tôi xin có một vài trao đổi (trên cơ sở những ý kiến mà các bạn yêu quý tôi đã gửi thư và trực tiếp hỏi tôi) về một số điều có liên quan đến nội dung bộ sách. Thực tế trong một số bài viết trước đây, tôi cũng đã trao đổi một số vấn đề có liên quan đến những điều các bạn hỏi. Tuy nhiên, hôm nay tôi cũng xin phép được nói rõ thêm qua bài viết này.
Trước khi nói về điểm xuất phát của việc viết sách, tôi xin khẳng định lại là: toàn bộ nội dung sách tôi đã, đang và sẽ viết hoàn toàn là những điều tôi đã được học từ sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển và những điều tôi ngộ ra được trong quá trình tập luyện cũng như truyền dạy, không hề có một chút kiến thức công phu nào (dù là nhỏ) tôi lấy của ai đó làm của mình. Nếu nói theo Tâm linh thì sự khẳng định này tôi xin nói trước hương hồn Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển. Tôi viết sách vì lòng tâm huyết với môn phái và lòng tri ân với các Sư tổ, sư phụ và cũng vì một mong muốn chân thành được góp thêm một chút hiểu biết của mình vào kho tàng kiến thức của môn Vĩnh Xuân. Tuy nhiên tôi cũng phải nói thật rằng có những điều tôi không thể viết ra mà chỉ được phép nói thẳng với người trò mình dạy. Tôi nghĩ điều đó chắc mọi người cũng thông cảm.
Vào lúc này, khi trao đổi với các bạn về những bức ảnh liên quan đến sư phụ tôi mà các bạn hỏi, nhắc đến sư phụ, đến những bức ảnh, trong tôi lại hiện ra những hình ảnh đau buồn khi phải khiêng Người từ giường bệnh xuống nhà quàn vào một buổi chiều se lạnh; khiêng Người ra xe tang, khiêng Người đến nơi yên nghỉ cuối cùng và đau đớn đứng bên linh cữu Người trước giờ phút đưa Người về với đất mẹ. Những bức ảnh đó, nếu không mở trang web của võ đường, nếu không viết sách, có lẽ sẽ mãi chỉ bên tôi, riêng của tôi trong những kỷ niệm sâu nặng với sư phụ của mình. Nhiều điều cũng tương tự như vậy, vì phải viết bài trên trang web, vì viết sách, nên tôi mới đưa ra, chứ không vì mục đích nào khác.
Việc mở võ đường và ra trang web là xuất phát điểm chính để tôi hình thành việc ra bộ sách về Vĩnh Xuân Nội gia quyền Pháp. Năm 2003, tôi mở lại lớp dạy Vĩnh Xuân cho một số anh em học trò cũ, theo mong muốn của họ, sau một số năm gián đoạn. Trong quá trình truyền dạy, các anh em học trò cũng tâm sự, bộc bạch suy nghĩ của mình về việc học. Hầu hết các anh em theo tập lúc đó là những công chức, viên chức nhà nước, chủ doanh nghiệp. Một số người có địa vị trong xã hội cũng như ở cơ quan, khả năng phát triển còn rất nhiều và còn dài. Nhiều người trong số họ chân thành nói ra mục đích theo tập của mình là vì thích môn Vĩnh Xuân, vì những yếu tố tích cực cho sức khỏe, cho bản lĩnh, cho sự minh trí của bản thân, không đặt mục tiêu theo đến cùng hoặc sẽ lấy Vĩnh Xuân làm nghiệp. Họ khuyên tôi nên mở võ đường, tạo cho những người có cơ duyên có được chỗ tập, thông qua đó tôi có thể tìm ra được những người tâm huyết với môn Vĩnh Xuân, muốn theo môn Vĩnh Xuân đến cùng và lập nghiệp theo Vĩnh Xuân để truyền lại những tinh hoa của môn Vĩnh Xuân mà tôi có. Những ý kiến đó thật chân thành và rất đúng. Sau một thời gian cân nhắc, suy nghĩ, tôi đã nhất trí với những trao đổi đó. Bởi không chỉ như vậy, mà đây sẽ là môi trường tốt để tôi có thể đem lại những điều quý giá, hữu ích của môn Vĩnh Xuân tới cho mọi người. Đồng thời với nhiều điều trước đây tôi cứ nghĩ sau này mình chắc sẽ mang theo khi rời bỏ thế giới này, đắc tội với Sư tổ, sư phụ, thì nay đã được lưu giữ, truyền lại, thông qua việc dạy ở võ đường, viết bài cho trang web, rồi tổng hợp lại và ra sách. Tôi đã tiến hành làm thủ tục xin mở trang Web và võ đường để hoạt động. Hôm nay, tôi cũng muốn qua bài viết này, cảm ơn những người trò cũ của tôi (vì hiện nay một số cũng đã nghỉ tập) về sự chân thành của họ. Sự phát triển của võ đường Vĩnh Xuân Nội gia ngày hôm nay có rất nhiều công sức ban đầu của các học trò cũ của tôi. Trong những năm qua, mỗi khi tổ chức họp võ đường, khi khai giảng, khi bế giảng các lớp, tôi cũng đều bầy tỏ tình cảm của mình, lòng cảm ơn chân thành tới các anh chị em học trò. Cũng chính nhờ họ tin tưởng ở tôi, đến với võ đường để theo tôi tập luyện, đã góp phần giúp cho võ đường phát triển như hiện nay.
Hôm nay, tôi cũng đã tạ tội với sư phụ tôi xin được nói ra lời dặn của sư phụ tôi sau khi truyền cho tôi nội công. Vì điều này có liên quan đến nội dung bộ sách tôi viết. Sau khi sư phụ tôi kiểm tra lại toàn bộ nội công sư phụ tôi đã truyền cho tôi, Người dặn tôi: “anh đừng cho ai biết anh đạt được nội công và đừng dạy ai vội. Anh hãy tập trung nâng cao về quyền đã”. Chính vì lời dặn này mà khi sư phụ tôi còn sống, tôi không dám dạy môn Vĩnh Xuân cho một số người trò của tôi - lớp trò đầu tiên trong bức ảnh tôi đã đưa ra. Trước đó, tôi chỉ dạy cho họ môn Thiếu Lâm, môn võ tôi đã học trước khi đến với sư phụ tôi. Sau khi sư phụ tôi mất được 3 tháng (tháng 5/1980), tôi quyết định dạy các trò tôi môn Vĩnh Xuân và tôi đã dạy ngay cho họ vào thẳng bài 108. Trước khi quyết định dạy, tôi đã đưa họ xuống mộ sư phụ tôi làm lễ và tôi xin phép sư phụ được dạy cho họ. Trong suốt nhiều năm sau đó, mỗi khi nhận học trò mới, tôi đều đưa họ tới làm lễ tại mộ sư phụ tôi (kể cả lên nghĩa trang Yên Kỳ - Bất Bạt) trước khi chính thức dạy. Những bức ảnh tôi đưa ra, đã một phần nói lên điều đó.
Nhớ lời dạy của sư phụ, sau khi Người mất khoảng nửa năm, tôi đã tìm đến các sư huynh của tôi để được luyện thêm về quyền thuật. Tôi đã tập luyện với võ sư Nguyễn Xuân Thi khoảng 2 năm, trong đó chủ yếu là luyện bài 108. Vào khoảng cuối năm 1982, tôi đã nói với võ sư Nguyễn Xuân Thi là tôi đã được sư phụ truyền cho nội công. Võ sư là người đầu tiên trong số những học trò của sư phụ tôi, tôi nói ra. Trước đó, tuân thủ lời dạy của sư phụ tôi không hề nói cho ai biết mình đã được sư phụ truyền cho nội công, chỉ có những học trò của tôi được tôi cho vào tay bài 108 lúc đó mới biết và được chứng thực. Sau đó nhiều năm, tôi cũng không nói thêm với ai nữa. Lợi dụng việc tôi không nói ngay là tôi có nội công sau khi sư phụ tôi ra đi, cho nên sau này có người đã suy diễn, cho là tôi học nội công (kể cả công phu quyền thuật) từ người khác. Nghe chuyện, tôi rất buồn cho sư phụ tôi và tôi cũng không muốn đề cập nhiều về chuyện này, vì sư phụ tôi dưới suối vàng rất hiểu mọi chuyện.
Đối với hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia tôi đã, đang và sẽ viết ra, mọi người cũng hỏi tôi đã và đang truyền dạy ra sao? Cho đến nay, về cơ bản, tôi đã dạy cho một số học trò lớn của tôi từ hệ thống quyền căn bản, hệ thống Ngũ hình quyền, hệ thống bài 108, bài Thủ đầu quyền đến Linh giác cũng như một số những yếu quyết riêng. Đồng thời tôi cũng đã truyền nội công cho hai học trò là anh Trần Thanh Ngọc và anh Bùi Tá Hiếu. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người trong số họ đã nghỉ tập vì hoàn cảnh riêng của bản thân (sự nghiệp, công việc, doanh nghiệp, phải học lên cao), vì hoàn cảnh gia đình, và trong đó có cả sự phản thầy (các bạn xem thêm bài tôi viết “Một số trao đổi thêm về “cơ duyên” trong tập luyện”). Hiện nay một số huấn luyện viên của võ đường cũng đang luyện theo hệ thống quyền thuật tôi nói ở trên, một số khác đang đi vào tập luyện hệ thống bài 108. Các anh chị em lớp A và B ở võ đường Thanh Quan đang tập luyện hệ thống quyền căn bản và hệ thống Ngũ hình quyền.
Nhân nói về việc truyền dạy, tôi cũng xin được trích một đoạn, trong cuốn “Võ thuật thần kỳ” (tái bản lần thứ ba), do võ sư cao cấp Kim Dao, nguyên Chủ tịch Hội võ thuật Hà Nội dịch từ tiếng Trung Quốc sang, để mọi người chúng ta cùng suy ngẫm: “nội gia quyền có năm loại không truyền: kẻ tâm hiểm, kẻ hay đấu đá, kẻ nát rượu, kẻ hời hợt lộ liễu, kẻ xương mềm tư chất kém. Trong số những loại người này, bốn loại người xếp ở trên đều khó hy vọng có được võ đức, vì vậy chẳng nên truyền làm gì”. Trong việc truyền dạy cho các trò, tôi tâm niệm đó cũng là duyên - nợ, mình hãy cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình, mọi điều đã có Trời - Đất - Phật – Thánh.
Trên đây là một số trao đổi của tôi về một số điều các bạn đã gửi thư và trực tiếp hỏi tôi. Một lần nữa, tôi xin bộc bạch việc viết sách của mình, trước hết để kính dâng lên Sư tổ Nguyễn Tế Công, sư tổ của môn Vĩnh Xuân Việt Nam - người đã đem đến cho người Việt Nam chúng ta một môn võ vô cùng quý - người thầy của sư phụ tôi; kính dâng lên sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển - người đã truyền dạy cho tôi những công phu của môn Vĩnh Xuân để tôi có được như ngày hôm nay; và để xin góp một phần nhỏ bé kiến thức của mình vào kho tàng kiến thức vô tận của môn Vĩnh Xuân nói riêng và nền võ học nói chung.
Tôi xin chân thành cảm ơn và biết ơn những người đã yêu quý tôi, đã động viên, ủng hộ, quan tâm và chia sẻ chân tình với tôi, cũng như với võ đường Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi.
Tôi xin làm tất cả những gì có thể làm được để không phụ lại lòng tin của mọi người đối với tôi.
Xin chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm đến bài viết này của tôi.
Hà Nội ngày 10 tháng 5 năm 2010 
Võ sư - Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội 
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường Vĩnh Xuân Nội gia 
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo