Một số trao đổi thêm về quá trình tập luyện thở

Vừa qua, có một số anh chị em hỏi tôi về quá trình tập thở, trong đó không chỉ các anh chị em ở các lớp mới như A11, A12, mà có cả những anh em ở các lớp B, đã có thời gian tập luyện lâu ở võ đường. Mặc dù tôi cũng đã trả lời trực tiếp với các anh chị em đó, nhưng tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề mang tính rất chung trong võ đường, và chắc chắn đó còn là những băn khoăn của nhiều anh chị em khác. Cho nên, hôm nay tôi cũng muốn trao đổi chung (về một số ý chính) với mọi người qua trang web của võ đường, để cùng nhau nâng cao hiểu biết, vươn lên trên con đường tập luyện. Tôi xin chọn một số ý kiến chính mà các anh chị em đã hỏi để trao đổi cùng mọi người:
+ Làm thế nào để khắc phục được việc thiếu tập trung khi tập thở, ngồi tập thở mà đầu óc nghĩ miên man nhiều chuyện trong cuộc sống? Nên ngừng tập hay phải thực hiện như thế nào?
+ Có thể tập theo các phương pháp tập thở khác để hỗ trợ cho việc tập thở trong tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia được không?
Như mọi người đều biết, từ xưa đến nay, việc tập trung ban đầu để tập thở là rất khó khăn, không chỉ cho người mới tập. Điều này càng tác động mạnh mẽ hơn trong thời buổi kinh tế như hiện nay. Hàng ngày, hàng giờ và liên tục, con người ta chịu biết bao sự chi phối nhiều mặt của cuộc sống tác động tới. Trong ngày, khi hoạt động được tập trung vào công việc chính, nhiều sự chi phối khác bị tạm thời gác lại. Nhưng khi yên tĩnh, nhất là khi ta ngồi để tập thở, mọi sự tác động khác bắt đầu trỗi dậy, dồn dập tác động tới suy nghĩ trong ta, và lúc đó, ta không thể tập trung vào việc theo dõi hơi thở được. Trong tập luyện, người ta gọi hiện tượng đó là “tâm viên, ý mã” (cái tâm con khỉ, cái ý con ngựa). Lúc đó, những suy nghĩ trong đầu óc mình, trong tâm mình lung tung, ít khi, thậm chí là không hướng được vào một điều gì cụ thể (như việc tập thở). Đang nghĩ tới việc này, tự nhiên lại chuyển sang việc khác, cứ liên miên. Như con khỉ nhảy nhót lung tung, như con ngựa chạy loanh quanh không theo một mục đích nào cả, không theo một hướng nào cả. Nhiệm vụ của chúng ta khi đó là phải dồn con khỉ lại, nhốt vào chuồng, tức là không để cái tâm của ta nghĩ lung tung; cột chặt dây cương giữ con ngựa lại một chỗ, không cho chạy loanh quanh, tức là không để ý nghĩ của ta nghĩ tự do, tự phát. Đó chính là việc định trí, định tâm mà chúng ta phải làm đầu tiên trước khi vào tập thở. Song đây không phải là việc dễ làm, nhất là với những người mới tập. Nhưng nếu ta lại chịu thua nó, bỏ tập với suy nghĩ đơn giản là để lúc khác thanh thản, tập trung được rồi tập, thì tức là chúng ta đã bỏ mất quãng thời gian (quý giá) mà ta đã định dành cho việc tập luyện (thở), khi mà thời gian dành tập luyện của nhiều người không có nhiều. Đồng thời chúng ta đã thể hiện sự chưa hiểu hết về quy trình tập luyện thở.
Quy trình tập luyện thở có hai bước. Theo đúng quy trình, thực ra chúng ta phải tập từng bước một. Xong bước một rồi mới chuyển sang bước hai. Hiện nay, nhiều người và nhiều khi chúng ta đã dồn hai bước vào tập cùng một lúc (điều này cũng có mặt tích cực khi mà khả năng tập trung của ta tốt, rút ngắn được thời gian tập luyện). Tuy nhiên không phải lúc nào cũng được. Hai bước đó là:
Điều thân (điều chính cơ thể để có thể qua đó tập luyện thở được tốt nhất, hiệu quả nhất),
Điều tức (tức là tập luyện thở).
Trong buổi tập thở, khi mà chúng ta bị “tâm viên, ý mã”, không thể điều tức được, thì đừng bỏ buổi tập, mà đó chính là lúc chúng ta phải tập trung vào điều thân. Một kinh nghiệm, và cũng là một đòi hỏi thực tế của quá trình tập luyện thở mà tôi đã trao đổi với các anh chị em, đó là gom ý nghĩ vào việc kiểm soát cơ thể của mình, xem cơ thể của mình lỏng mềm ra sao và kiểm tra xem tư thế ngồi của mình: đầu, thân, chân, tay có đúng không. Khi thực hiện việc này, bạn đừng quan tâm đến việc cơ thể mình đang thở ra sao. Mà hãy để cơ thể tự điều chỉnh việc thở. Vấn đề gom ý nghĩ vào việc kiểm soát cơ thể lỏng mềm và tư thế ngồi, chính là chúng ta đang thực hiện việc dồn nhốt con khỉ vào lồng, đưa con ngựa vào chuồng. Việc làm này có thể phải trải qua nhiều buổi, nhưng chúng ta phải làm, khi mà chúng ta chưa định tâm, định trí được trước khi bước vào tập thở. Khi ta kiểm soát được cơ thể, thì việc tập thở của ta sẽ rất dễ dàng và sẽ rất hiệu quả. Bạn nên nhớ ràng tập luyện thở theo đúng nguyên tắc “tiệm tiến”, không thể đốt cháy giai đoạn được.
Trong việc tập luyện thở, có rất nhiều phương pháp tập luyện thở khác nhau. Mỗi một phương pháp tập luyện, mang một bản chất, một mục đich, một hình thái tập luyện khác nhau. Có phương pháp thở hai kỳ (giống như tập thở cơ bản của Vĩnh Xuân Nội gia); tập thở ba kỳ, bốn kỳ (trong đó, các kỳ dài ngắn được sắp xếp khác nhau, tùy theo mục đích tập luyện của phương pháp tập đó); thở nén, thở trong xương, thở theo tạng phủ cơ thể, thở theo kinh mạch, thở theo Tiểu Chu Thiên, Đại Chu Thiên v.v. và v.v. Trong Vĩnh Xuân Nội gia, phương pháp thở cơ bản là phương pháp thở quan trọng nhất và xuyên suốt toàn bộ quá trình tập luyện. Không đưa các phương pháp thở khác vào thở đồng thời với việc tập thở cơ bản. Khi bạn thở cơ bản tốt, người thầy kiểm tra thấy được, sẽ hướng dẫn bạn thở tiếp các phương pháp thở khác của môn, song hành với phương pháp thở cơ bản. Các bạn nên biết: trong tất cả các phương pháp tập luyện, tập thở đòi hỏi sự tập trung cao độ nhất, đòi hỏi một sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc nhất. Đây là chìa khóa để luyện “Quán tự tại” của người xưa. Phương pháp thở là phương pháp tác động rất lớn và trực tiếp đến hoạt động bên trong của cơ thể. Do đó, khi mình thở không đúng, hoặc dùng những cách thở mà mình chưa hiểu biết mục đích và bản chất của cách thở đó, có thể sẽ gây tác động không tốt đến các hoạt động của cơ thể và nhiều khi không lường hết được những tác động xấu của nó. Do vậy, trong việc tập thở, tôi rất mong các bạn nên thận trọng và (như tôi đã viết trong một bài viết trước đây) chúng ta nên tuân thủ những yêu cầu đặt ra của phương pháp tập thở, đồng thời phải nghe theo những chỉ dẫn của người thầy. Và được người thầy giỏi, có nhiều kinh nghiệm chỉ dẫn là điều tốt nhất. Mặc dù các môn võ theo dòng nội gia đều tuân thủ nguyên tắc ‘lấy ý khiển khí, lấy khí ra lực’. Song đi theo môn nào, chúng ta nên tập thở theo những phương pháp của môn đó. Đừng thấy cách khác hay mà vội tập theo. Ví như khi chúng ta chưa có đủ nội khí, chưa có thâm niên tập luyện thở, mà đã vội tập dẫn khí, thì đó là điều không thể được, nếu không muốn nói đó là một việc làm nguy hiểm.
Tôi hy vọng rằng, những điều cơ bản tôi trao đổi trên có thể giúp ích thêm phần nào cho các bạn trong việc tập luyện thở.
Võ học vô bờ, hiểu biết của con người thì có hạn. Rất mong các bậc cao minh lượng thứ cho những trao đổi còn rất hạn chế trong kiến thức còn hạn hẹp của tôi.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết.
Hà Nội ngày 28 tháng 9 năm 2010
Võ sư - kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo