Nhớ sư phụ nghĩ về tình thầy trò, nghĩa huynh đệ

Lại một năm nữa chuẩn bị trôi qua, thấm thoắt đã 31 năm tôi vắng bóng sư phụ. Càng gần đến ngày giỗ sư phụ, trong lòng tôi lại hiện về biết bao kỷ niệm sâu sắc và không bao giờ phai mờ về Người.
Giờ đây tôi vẫn nhớ như in những tháng năm cuối cùng được gắn bó với sư phụ, mà lúc bấy giờ tôi đâu có nghĩ đó là những tháng năm cuối cùng được gắn bó cùng thầy. Lúc đó tôi không thể nghĩ rằng cơn rét đột ngột trùng vào đúng lúc mất điện lại là thời điểm sư phụ tôi chuẩn bị về với các Sư tổ và tổ tiên. Mặc dù sư phụ tôi còn nằm ở bệnh viện thêm ít ngày nữa, nhưng ngay lúc trở bệnh, sư phụ tôi đã không nói được nữa rồi. Hôm đó lại là buổi tôi đến tập với sư phụ tôi, trời trở rét rất đậm. Khi lên đến gác, không thấy sư phụ ngồi ghế, không thấy sư phụ trong giường, một cảm giác lo lắng, giật mình ập đến trong lòng tôi. Và rồi được biết vì trời quá rét, lại mất điện, chiếc đèn sư phụ tôi thường để trong chăn khi nằm không sáng, VS Nguyễn Ngọc Nội đưa Sư phụ về nơi an nghỉ tại nghĩa trang Văn Điểnnên sư phụ tôi không đủ ấm, cái rét đã làm sư phụ tôi tái phát bệnh và phải đi viện cấp cứu. Tôi đến với sư phụ, chỉ biết nhìn sư phụ nằm đó, mắt nhắm lại, nhưng hai tay vẫn đảo quay như đang tập. Sư mẫu thường xuyên túc trực bên sư phụ, các anh chị (con của sư phụ) đông, nên tôi đã không có cơ duyên được chăm sóc sư phụ vào những ngày cuối cùng của sư phụ. Tôi chỉ biết đến với sư phụ hàng ngày trước khi đi làm, và sau khi đi làm về để thăm hỏi bệnh tình của sư phụ mà thôi. Và rồi một chiều (chiều ngày 07/02/1980, tức 21 tháng Chạp năm Kỷ Mùi), tôi đi làm về, vào với sư phụ, đến giường sư phụ, cũng là lúc sư phụ tôi đi về với các Sư tổ và tổ tiên. Lúc đó có sư mẫu Lê Thị Lạng và anh Trung, con của sư phụ… Khiêng sư phụ đi mà lòng đau như cắt. Trong sự hụt hẫng, trong nỗi đau mất mát, tôi cảm thấy tình ruột thịt, gắn bó: Tôi không phải con của Sư phụ, không chung “giọt máu đào” với các anh chị con của Sư phụ, nhưng tôi được hưởng sự quan tâm dạy bảo, tâm huyết của sư phụ qua những gì Người chia sẻ, gắn bó, qua những công phu Người truyền lại. Sư phụ đã san sẻ bớt tình phụ tử cho chúng tôi - những người trò, những người được hưởng thành quả bao năm dày công khổ luyện, bao tâm trí, nhiệt huyết của sư phụ. Và tôi cũng hiểu rằng để chắt tinh ra những điều vô cùng quý giá đó cho chúng tôi hôm nay, phía sau thầm lặng, nơi gia đình của Người, nơi cá nhân sư phụ là những chịu đựng, hi sinh, những bỏ qua…
Những hình ảnh cuối cùng đó đã in đậm trong tôi mấy chục năm qua, không bao giờ phai mờ. Những năm được sư phụ truyền dạy là quãng đời hạnh phúc nhất đối với tôi.
Càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấy các cụ xưa vô cùng sâu sắc khi gọi các bậc thầy là SƯ PHỤ. Thời gian qua đi, ngẫm về những câu chuyện sư phụ kể về quãng đời tập luyện của sư phụ dưới sự truyền dạy của Sư tổ Nguyễn Tế Công, nghĩ về cuộc đời của Sư phụ, nhớ lại những kỉ niệm về Người, tôi càng thấy tâm đức của sư phụ tôi thật vô cùng lớn, cơ duyên của Người với môn phái thật sâu nặng. Tôi nguyện sẽ dồn hết tâm sức để gìn giữ và truyền lại bản sắc và những điều tinh diệu của môn phái mà tôi đã được Sư phụ truyền dạy, từ hệ thống quyền thuật đến các yếu quyết, bí quyết, kinh nghiệm luyện tập, gắn bó một cách logic, hữu cơ với tinh thần và đạo lý.
Công ơn của sư phụ đối với tôi thật lớn đến vô cùng. Tri ân của tôi đối với Người – sư phụ ngày càng sâu nặng đến vô cùng. Tôi có làm bao việc vì sư phụ cũng không thể đền đáp lại công ơn của Người đối với tôi.
Nhớ thương sư phụ, ngẫm về đạo thầy trò, nghĩ về tình huynh đệ, trong thời buổi này, nhiều lúc tôi cũng thấy buồn. Ngay cả với bản thân mình, trong những thời gian qua, với một vài sự việc đến với tôi, tôi cũng thấy quả là sự đời đen bạc, và cũng phải tự trách bản thân về sự nhìn người trong việc truyền dạy, để rồi tôi thấy mình có tội với các Sư tổ, có tội với sư phụ. Tôi đã từng tâm huyết dạy một số trò mà tâm đức không xứng đáng, cái tôi quá lớn, háo danh, và muốn đạt được điều đó bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn, chà đạp lên đạo thầy trò, tình huynh đệ. 
Trong một buổi trao đổi với một huynh đệ của tôi (trước đó cũng đã có một số huynh đệ khác, cả ở ngoài chi nhánh của chúng tôi hỏi tôi) khi đọc những điều tôi viết trong bài “Một số trao đổi thêm về “cơ duyên” trong luyện tập”, huynh đệ của tôi đã có những nhận xét, góp ý rất chân thành với tôi: “Ông quá tin người, tin đến mức không chịu nhìn sâu về con người. Kẻ mà ông đã nhìn ra tham vọng chỉ muốn đứng dưới ông và trên tất cả mọi người trong võ đường, thế mà ông vẫn cố gắng dạy và lại còn cho theo ra nước ngoài để làm huấn luyện. Để rồi sau khi về nước, đã nhìn thấy không còn cơ nào đạt được ý đồ như vậy và cũng đã “ngậm miệng ăn người” để kiếm chuyến đi nước ngoài với ông (bạn tôi rất cười tôi về chuyện này), khi về nước, đã “rút ván”, phản lại ông ngay. Không những thế lại còn rủ rê thêm người khác bỏ ông để đỡ cho cái việc phản đồ đó. Thế mà mấy kẻ đó, trước đây ông còn nói với tôi là đưa vào số những học trò dạy để kế nghiệp. Giờ đây những kẻ đó vẫn lôi kéo những học trò của ông về với chúng nó bằng nhiều thủ đoạn, những kẻ đó không chỉ muốn phá hoại võ đường của ông, mà còn muốn lấy tiếp công phu và lấy luôn cả thành quả ông đã truyền dạy cho những kẻ đã bỏ ông đó”.
Tôi thiết nghĩ, kiến thức tôi truyền dạy, nếu có bị “đánh cắp” bằng con đường như vậy thì sang tay những kẻ đó, nó sẽ không còn là Vĩnh Xuân nữa. Môn Vĩnh Xuân, một môn võ quý, một sản phẩm trí tuệ của con người, được kết tinh, thấm đẫm tinh thần, trí tuệ, dầy công tâm huyết và còn cả sự hy sinh qua bao thế hệ mới có được để lưu truyền lại cho hậu thế chúng ta. Qua đó không đơn thuần là sự hình thành hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân, mà hơn tất cả là sự hình thành những “con người vĩnh Xuân”. Nói khác đi, di sản Vĩnh Xuân không phải là một vật, mà là sản phẩm văn hóa phi vật thể, “con người Vĩnh Xuân” mới chính là báu vật. Bởi vậy, Vĩnh Xuân không phải là “chiếc bánh”, trao cho ai thì nghĩa là người đó có. Nếu trao vào người không xứng đáng thì không thể biểu hiện được thành “con người Vĩnh Xuân”, mà rồi khi đó những điều quý giá được đúc kết qua bao thế hệ Vĩnh Xuân còn bị mất đi. Không có bản chất “con người Vĩnh Xuân”, thì có tiếp nhận công phu Vĩnh Xuân rồi cũng sẽ không còn là Vĩnh Xuân nữa. Cũng như chúng ta ai cũng đã từng nghe hát quan họ. Có một điều mà chúng ta cũng thấy, nếu người hát không hiểu, không cảm nhận được những sắc thái nhân văn, thấm đượm vùng quê Kinh Bắc trong làn điệu, thì làm sao mà có thể chuyển tải tới người nghe linh hồn của bài hát, sức sống, sự quyến rũ của làn điệu. Vĩnh Xuân không ở trong những “con người Vĩnh Xuân” thì làm sao có thể là Vĩnh Xuân thực thụ được.
Vĩnh Xuân, từ hệ thống quyền thuật đến các yếu quyết, bí quyết, kinh nghiệm luyện tập đều thống nhất một cách logic, chặt chẽ với nền tảng đạo lí. Mỗi đường quyền, mỗi thế võ đều tuân thủ những yếu quyết nguyên lí cơ bản, thể hiện nền tảng triết học, đạo lí của môn. Bởi vậy, nếu những công phu đưa vào tay kẻ vô đạo, háo danh bất chấp thủ đoạn thì cái tâm, cái tư duy thủ đoạn đó sẽ tiếp nhận nó, tư duy nó, cảm nhận nó theo cái tâm vô đạo, tư duy thủ đoạn ấy và rồi sẽ biến thành sản phẩm khác. Con đường của những kẻ kia đang đi, đâu còn bản chất của Vĩnh Xuân Nội Gia nữa, mà chỉ còn cái danh mà thôi, cái danh đó lại có được nhờ những gì đã học được trong những năm trước đây trong võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền. Vĩnh Xuân đâu phải chỉ là học thuộc mấy bài quyền là xong (mà thực chất họ học đâu có hoàn hảo, các học trò hiện nay của tôi đều biết điều này).
Người huynh đệ của tôi cũng đã khuyên tôi: “Những con người có thể phản lại cả những người thầy đã tận tâm khai tâm, giúp cho mình thay đổi cả cuộc đời, thì Trời Đất đâu có dung tha và người đời trước sau cũng nhìn ra tâm địa đó mà thôi. Những cái gì ông đã vứt ra khỏi con thuyền cuộc đời của mình, những cái gì muốn rơi và đã rơi ra khỏi con thuyền cuộc đời ông, có nhìn theo thì cũng thoảng qua thôi...Nhìn về phía trước mà lái con thuyền cuộc đời mình. Những cái đó, nó trôi đi đâu hoặc bấu vào đâu, không còn là chuyện để ông quan tâm. Hãy quên đi. Kể cả chúng có tìm cách nói xấu ông, nói xấu võ đường của ông, cố tìm cách che đậy thời gian và công phu ông dạy nó, để lấp liếm đi những gì đã học được từ ông, nhưng tất cả mọi điều trong quãng thời gian lịch sử đó muôn đời cũng không thế xóa mờ đi được mà”.
Một người học trò của tôi cũng đã gửi cho tôi qua email những lời nói rất chí tình, mà họ tìm được trên mạng: “Cuộc đời quá ngắn ngủi, nên đừng phung phí nó trong giận dữ căm thù người khác, hoặc xót xa cay đắng vì những điều người khác gây ra cho mình...Quên đi những gì đã qua rồi…Có thể bạn không làm chủ tất cả những gì xảy ra trong đời bạn, nhưng bạn có thể rút ra những kinh nghiệm từ đó”. Và cũng như những suy nghĩ trong tôi: mọi việc đều có Trời Đất. Tạo hóa rất công bằng. Có nợ thì phải trả. Lưới Trời thưa nhưng không bao giờ để lọt. Những kẻ hại người, phản thầy, Trời Đất nào dung tha.
Điều khiến tôi phải trăn trở suy nghĩ là, trong thời buổi hiện nay, khi mọi thứ đều dễ bị người ta biến thành sản phẩm để rao bán, trao đổi, thật - giả, trắng - đen đều được tung ra. Với những kẻ vô đạo, vô đức, biến chất cũng sẽ làm biến đổi bản chất của quyền thuật rồi từ đó làm phương hại đến thế hệ mai sau. Tội của tôi sẽ còn lớn hơn nữa, vì đã để cho những kẻ phản đồ làm sai lệch công phu vi diệu của sư phụ, cũng như tâm huyết, tâm đức của bao bậc Sư tổ trong môn phái.
Nếu tôi nhìn người sâu sắc hơn, đánh giá sự việc sâu sát hơn, chắc hẳn đã không có những chuyện buồn để luôn tự trách mình. Điều an ủi đôi chút, tôi tin là các Sư tổ, sư phụ tôi phù hộ để cho những kẻ đó bộc lộ sớm sự phản đồ; đã cho tôi bớt lời trong việc dạy; và để tôi kịp nhìn nhận vấn đề mà không truyền dạy cho những kẻ đó những điều sâu xa huyền vi mà tôi được lĩnh hội từ sư phụ tôi.
Tôi mong sao các học trò của tôi hiện nay cũng sẽ tránh xa được con đường vô đạo, vô đức. Việc truyền dạy lại những gì tôi đã học được từ sư phụ tôi xuất phát từ mong ước giúp cho mọi người có cơ duyên với Vĩnh Xuân có được những lợi ích thiết thực do Vĩnh Xuân mang lại và cũng là góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy một môn võ quý. Tuy mỗi trò, mỗi người một duyên, nhưng tôi nghĩ với cái tâm chân thành, biết trân trọng những gì đã được thầy truyền thụ, thì dù học được đến đâu cũng là rất quý giá rồi. Có những anh em đã tâm sự với tôi sau khi bị lân la lôi kéo: “thầy không dạy con nữa thì con cũng thôi. Cơ duyên của con có vậy, con phải chịu, chứ con không bao giờ theo họ”; “thầy dạy con đến đâu, con quý tới đó”; “làm sao mà con có thể theo những kẻ phản thầy đó được”… Tôi thật hạnh phúc có những người trò như vậy. Càng ngày các học trò của tôi đều hiểu chân giá trị một cách toàn diện của Vĩnh Xuân Nội Gia, từ hệ thống quyền thuật, hệ thống lý luận trong một mối quan hệ hữu cơ sâu sắc, không thể tách rời, đến mối quan hệ chặt chẽ giữa võ đạo, võ đức với công phu.
Ngày 08/01/2011 vừa qua, võ đường chúng tôi tổ chức gặp mặt cuối năm Canh Dần, một số anh em học trò cũ chân tình của tôi đã đến võ đường cùng chung vui những niềm vui, niềm hạnh phúc mà tôi và võ đường của chúng tôi có được trong năm qua. Tình nghĩa thầy trò, tình huynh đệ khi gặp nhau, thật đầm ấm, thật chân thành đã làm cho những hạnh phúc trong tôi càng sâu nặng.
Tôi bỏ lại những gì không tốt lành đã qua, để được đón nhận những điều tốt lành ở phía trước đến với tôi và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền của chúng tôi. Tôi tin tưởng sắt đá rằng Trời Đất, các Sư tổ môn phái, Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển đã, đang và sẽ phù hộ cho tôi và võ đường của chúng tôi vượt qua được mọi khó khăn cùng những gì không tốt lành, cho thầy trò chúng tôi vững vàng đi lên trên con đường Vĩnh Xuân. Thực tế trong những năm qua, tôi cùng võ đường của chúng tôi đã vượt qua được nhiều khó khăn, đã được đón nhận nhiều điều tốt lành, hạnh phúc. Thầy trò chúng tôi cũng đã quyết tâm phấn đấu để cố gắng cùng với những võ đường Vĩnh Xuân khác đem lại vẻ vang cho môn phái, xứng đáng với tâm đức của các Sư tổ trong môn phái, của Sư tổ Nguyễn Tễ Công và Tôn sư Trần Thúc Tiển đã lưu truyền lại cho hậu thế chúng ta một môn võ vô cùng quý giá.
Thắp nén hương thành kính tri ân sư phụ, tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc khi được sư phụ dẫn dắt mình đi trên con đường mà Sư tổ Nguyễn Tế Công đã vạch ra cho hậu duệ của Người. Tôi cũng vô cùng hạnh phúc có những người học trò tâm huyết bên tôi, cùng tôi vì môn phái, vì võ đường.
Tôi cũng như các học trò của tôi sẽ làm hết sức mình, để không phụ lại lòng tin yêu của mọi người đối với thầy trò chúng tôi, với võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền của chúng tôi.
Nhân dịp chuẩn bị kết thúc năm Canh Dần, đón năm Tân Mão, Tôi thành tâm cầu chúc cho mọi người luôn khỏe mạnh, bằng an, hạnh phúc và thịnh vượng.
Chúc cho môn phái Vĩnh Xuân mãi mãi trường tồn, xứng đáng với sự tin yêu của mọi người trên thế giới.
Những ngày cuối năm Canh Dần 2010
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo