Bài giới thiệu công phu môn Vĩnh Xuân Nội gia tại buổi Đại lễ của Liên đoàn VT và TT chiến đấu Châu Á Ba Lan

Môn Vĩnh Xuân được hình thành cách đây khoảng trên 300 năm và giờ đây trở thành môn võ có số người theo tập đông thứ hai trên Thế giới, sau môn Thiếu Lâm. Năm 1939, Đại sư Nguyễn Tế Công từ Trung Quốc sang Việt Nam và đã truyền dạy môn Vĩnh Xuân tại Việt Nam. Từ đó Người trở thành Sư tổ môn Vĩnh Xuân Việt Nam. Trong số các học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, có cố võ sư Trần Thúc Tiển, sư phụ của võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội. Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội với trên 40 năm luyện tập võ thuật, trong đó có 35 năm luyện tập và truyền dạy môn Vĩnh Xuân, là võ sư 10DAN, Chủ tịch – Trưởng tộc của Liên đoàn võ thuật và thể thao chiến đấu châu Á Ba Lan. Tại Việt Nam, ông là uỷ viên Hội đồng cố vấn Hội võ thuật Hà Nội, Võ sư trưởng võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền. Tháng 11 năm 2007, võ sư Nguyễn Ngọc Nội đã đưa môn Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) vào Ba Lan và thành lập võ đường Đại Nghĩa VXNG Warszawa – Ba Lan, đồng thời chính thức tham gia vào Liên đoàn võ thuật và thể thao chiến đấu châu Á Ba Lan.
Môn Vĩnh Xuân Nội gia được kế thừa công phu do Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền lại, mang những bản chất sâu sắc của môn Vĩnh Xuân: Lấy lỏng mềm – nhu để thể hiện quyền thuật; lấy khí làm nguồn lực để thể hiện nội lực và nội công; lấy cận chiến làm phương châm ứng xử trong giao đấu. Những bản chất này xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia: từ hệ thống quyền tĩnh (kỹ thuật tay Ngũ hình), hệ thống quyền động (các bài Ngũ hình quyền), hệ thống quyền cao cấp 108 đến hệ thống Tam luyện. Hệ thống quyền thuật VXNG không chỉ thể hiện tính chiến đấu rất hiệu quả, mà còn chứa đựng yếu tố dưỡng sinh, tăng cường sức khoẻ một cách bền vững, lâu dài rất lớn, phù hợp với nhiều đối tượng.
Trong buổi lễ trọng đại này của Liên đoàn, sư phụ Nguyễn Ngọc Nội cùng các huấn luyện viên, võ sư từ Việt Nam sang và các huấn luyện viên ở võ đường Đại Nghĩa VXNG tại Warzsawa thể hiện một số công phu của VXNG. Sư phụ Nguyễn Ngọc Nội hướng dẫn một số hình thái tập luyện Linh giác, một trong những công phu cao nhất của VXNG và dạy bài 108 tại chỗ cho huấn luyện viên - võ sư 5DAN Kiều Ngọc Diệp. Bài 108 tại chỗ là một bài quyền cao cấp trong hệ thống quyền cao cấp 108 của VXNG, nó hội tụ những yêu cầu cao đòi hỏi cần có trong kĩ thuật cận chiến. Việc thi triển các đòn thế ở gần, giáp với đối thủ là một điều đòi hỏi rất cao đối với người trong cuộc về khả năng phát lực, tốc độ, độ chính xác và đường ra đòn. Người tập chỉ có thể thông qua việc tập luyện với thầy (vào tay với thầy) mới có thể dần ngộ ra những tinh hoa của bài 108. Với bài 108 tại chỗ, những bản chất của VXNG không chỉ được thể hiện rất sâu sắc (lỏng mềm trong quyền thuật, nâng cao sức ra của nội khí, tính cận chiến rất cao) mà còn đạt được tốc độ ra đòn rất lớn. Toàn bộ bài 108 có 151 đòn thế, huấn luyện viên, võ sư 5DAN Kiều Ngọc Diệp đánh trong vòng 55 giây, đạt tốc độ thể hiện bình quân 2 – 3 đòn trong 1 giây, trong đó gần 40 đòn phải đánh thẳng vào người thầy (đây là điều bắt buộc với người tập bài 108 trong VXNG). Với võ sư Nguyễn Ngọc Nội, hàng ngày, từ nhiều năm qua cho đến nay, vẫn thường chịu hàng nghìn đòn đánh (như các quý vị nhìn thấy) từ các học trò khi dạy bài 108. Cùng với sự thể hiện của sư phụ Nguyễn Ngọc Nội và huấn luyện viên, võ sư 5DAN Kiều Ngọc Diệp, năm huấn luyện viên, võ sư của Vĩnh Xuân Nội gia cũng thể hiện bộ Ngũ hình quyền, bài quyền Thập Thức, những đòn thế đối kháng trong hệ thống Ngũ hình quyền. Hệ thống Ngũ hình quyền là những bài quyền được mô phỏng theo những hình thái vận động để sinh tồn của năm Linh vật: Hổ, Báo, Hạc, Xà (rắn), Long (một linh vật trong truyền thuyết phương Đông). Ngoài mục đích chiến đấu, các bài Hổ quyền, Báo quyền còn chứa đựng sự hoàn thiện khả năng vận động. Hổ quyền luyện cơ cốt, Báo quyền luyện gân lực. Bài Hạc quyền luyện Tinh, luyện độ vững, giúp lỏng mềm cơ khớp, giúp cho khả năng thông thoát khí. Bài Xà quyền luyện nội khí và bài Long quyền luyện thần (một hình thái tinh thần cao nhất trong võ thuật và trong cuộc sống). Bài quyền Thập Thức cũng là một bài quyền thể hiện tính giao đấu sống động, giúp người tập nâng cao được khả năng biến quyền liên tục, một yêu cầu cần thiết trong thực thi quyền thuật. Với các đòn đối kháng, đây là sự thể hiện tính chiến đấu thực tế của các đòn thế áp dụng được lấy từ trong bài quyền.
Quyền thuật của bất kỳ môn phái nào cũng đều ẩn chứa những bản chất, nguyên lý sâu xa mà chỉ có thông qua tập luyện mới cảm nhận hết được. Với VXNG của chúng tôi cũng như vậy. Với một số công phu của môn thể hiện qua một lượng thời gian ngẳn ngủi, chúng tôi hy vọng quý vị cũng có một góc nhìn về môn VXNG của chúng tôi. Điều lớn hơn cả là hôm nay, chúng tôi được cùng với các môn phái, võ đường trong Liên đoàn, cùng nhau thể hiện sức mạnh đoàn kết của Liên đoàn, sức mạnh của quyền thuật mà Liên đoàn chúng ta đang nắm giữ, một sản phẩm trí tuệ của con người.
Chúc buổi lễ long trọng của Liên đoàn chúng ta thành công tốt đẹp, chúc cho Liên đoàn võ thuật và thể thao chiến đấu châu Á Ba Lan của chúng ta phát triển vững mạnh không chỉ ở đất nước Ba Lan tươi đẹp mà còn rộng ra trên toàn thế giới. Chân thành chúc các quý vị cùng gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc và thịnh vượng.
Người thuyết trình: Trương Anh Tuấn - Trưởng ban điều hành võ đường Đại Nghĩa, Vacsava, Ba Lan
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo